Giảng lễ Chúa Nhật 25 Thường niên B

Thứ sáu - 21/09/2018 05:16

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN B
(Mc 9,30-37)

Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã tạo ra hai sự bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất: Làm hụt hẫn ý nghĩ của con người, nhưng đó lại là chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Bất ngờ thứ hai: không như bất ngờ thứ nhất, nhưng đó lại là bài học quan trọng – luôn mời gọi mỗi người chúng ta phải nỗ lực, hy sinh sống khiêm nhường để góp phần nào đó vào việc cứu rỗi các linh hồn. Bởi vì Chúa Giêsu muốn mọi người đều được cứu rỗi, cho nên mỗi người chúng ta cần phải biết hy sinh cộng tác, cụ thể là chúng ta noi gương Chúa Giêsu sống hy sinh phục vụ.

Trước hết, muốn hiểu đoạn Tin Mừng này rõ hơn, chúng ta cần xác định thời điểm của nó: Đến thời điểm này công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu đã bước sang năm thứ ba, và đây cũng là thời điểm Chúa Giêsu sắp kết thúc sự nghiệp của Ngài trên trần gian, một kiểu kết thúc mà không ai có thể ngờ được, nghĩa là Ngài kết thúc bằng cái chết khổ nhục trên thập giá – một sự kết thúc mà chính ngay các môn đệ của Ngài là những người thân cận cũng không thể ngờ… Vì thế mới có chuyện các môn đệ tranh giành địa vị với nhau. Và chính trong lúc các môn đệ tranh giành địa vị thì Chúa Giêsu lại dạy cho các môn đệ một bài học thật bất ngờ.

Chúa nói: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Biết rằng: “mọi người bất ngờ đều thú vị” nhưng trong hoàn cảnh này, đối với các môn đệ của Chúa thì sự bất ngờ này chẳng thú vị chút nào. Bởi trong đời sống hiện nay đâu đó con người chúng ta thường quan niệm rằng: Người làm lớn thì phải được người khác phục vụ, chẳng hạn: khi lên xe có người mở cửa; ăn cơm có người phục vụ,… Tức là theo quan niệm của chúng ta: người có địa vị cao là người được kẻ khác hầu hạ. Còn người nhỏ người ở địa vị thấp thì phải là người hầu hạ. Nhưng, với Chúa Giêsu thì ngược lại, Ngài dạy: “Ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ mọi người”.

Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm Chúa Giêsu là người muốn đảo lộn tất cả. Thật sự, Chúa Giêsu không chủ trương đảo lộn tất cả - tức là Người không chủ trương biến kẻ ở địa vị cao thành người có địa vị thấp và cho người địa vị thấp thành người có địa vị cao. Nhưng ở đây, tiêu chuẩn của Chúa Giêsu đưa ra để đánh giá một con người là sự phục vụ. Như thế, với Chúa Giêsu ai biết phục vụ thì là người lớn, và người có địa vị cao mà biết phục vụ là thì cũng vẫn là người lớn. Còn kẻ ở địa vị thấp mà không biết phục vụ thì vẫn là người nhỏ… Nghĩa là: Giá trị của con người không phải do địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

Và để minh họa cho bài học này, sau đó Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh một em bé. Hình ảnh của một em bé đối với bất cứ người nào nhìn, cũng thấy là dễ thương. Cho nên khi thấy một em bé, ai cũng muốn bồng ắm, muốn ôm hôn, muốn cho nó ăn bánh ăn kẹo,… Tại sao người ta thương em bé và muốn cho em bé đủ thứ như vậy ? Có phải tại vì nó tài giỏi, đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết là gì, chưa giúp ích được gì. Nhưng người ta thương nó chỉ vì người ta thương nó, thế thôi. Một tình thương hoàn toàn vô vụ lợi. Người ta cho nó cái này cái nọ, cũng không phải để trả ơn nó hay để mong nó làm gì giúp mình. Cũng chỉ vì thương mà phục vụ thôi. Chúa dùng hình ảnh em bé để minh họa cho bài học phục vụ trên kia: chúng ta cũng phải cư xử với mọi người theo kiểu chúng ta cư xử với một em bé: hết lòng yêu thương phục vụ một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Người nào biết phục vụ kẻ khác như thế thì là phục vụ Chúa, và mới xứng đáng làm môn đệ Chúa.

Xin nhắc lại bài học của Chúa: giá trị con người không tùy vào địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

Trong một gia đình, ai là người lớn nhất? Có phải là người cha, người chồng không? Bề ngoài là như vậy. Nhưng đối với Chúa thì chưa chắc. Người cha ấy, người chồng ấy nếu chỉ biết có ra lệnh bảo người này người nọ làm mọi việc, nếu chỉ biết ngồi đó mà chê món ăn này dỡ, cái bàn này lau chưa sạch, nhà cửa lộn xộn lung tung; nếu chỉ biết ăn no rồi đi chơi, chỉ biết có nhậu nhẹt và để mặc vợ con làm tất cả, thì đó chính là kẻ nhỏ nhất trong nhà, nhỏ hơn cả vợ mình, nhỏ hơn cả con mình. Bởi vì người chồng người cha ấy là một người vô ích.

Trong một khu xóm cũng vậy, trong một cơ quan cũng vậy, hay trong một họ đạo cũng vậy. Nếu xét theo tiêu chuẩn của Chúa, thì kẻ lớn nhất không hẳn là người có địa vị cao nhất, không hẳn đó là ông trưởng xóm, không hẳn đó là ông giám đốc, không hẳn đó là ông Chủ tịch HĐGX,… Mà rất có thể kể được Chúa xét là lớn lại chính là một người mà ít ai để ý tới, người đó không có chức có quyền nào, người đó âm thầm ít nói nhưng làm nhiều; luôn luôn chu toàn nhiệm vụ mình, luôn tìm cách giúp ích cho người khác.

Kính thưa…
Bài học phục vụ mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, có thể nói thật là dễ hiểu đối với chúng ta nhưng lại khó thực hành. Bởi “ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.
Thật sự mà nói : Trong tất cả chúng ta – thử hỏi: ai lại không thích được người khác phục vụ? Nhưng chúng ta hãy nhớ: Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà là do khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.
Ước gì bài học phục vụ mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ ngày xưa được thấm nhuần trong lòng trí của chúng ta, để mỗi ngày chúng ta biết đem ra thực hành trong cuộc sống. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Giacôbê Bùi Tấn Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay19,549
  • Tháng hiện tại347,762
  • Tổng lượt truy cập29,327,300

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây