Giảng lễ Chúa Thăng Thiên

Thứ sáu - 11/05/2018 04:25

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
(Cv 1, 1-11 ; Ep 1, 17-23 ; Mc 16, 15-20)

(Lm. Augustino Nguyễn Văn Phú)

Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô là mầu nhiệm rất quan trọng trong đời sống đức tin Kitô giáo, chính vì thế sau khi Phục sinh chúa Giêsu còn hiện ra và ở lại với các môn đệ 40 đêm ngày. Chúa sống lại còn ở với các Tông đồ là để an ủi và cũng cố niềm tin còn yếu kém của các ngài như lời Thánh Luca  trong Công vụ tông đồ (Cv 1, 2-3) : “Trước ngày Chúa Giêsu lên trời, Người đã dạy các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”. Điều này cho thấy, niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh không do lý trí và khả năng giới hạn của con người nhưng là do hồng ân của Thiên Chúa ban cho những người được Chúa chọn.
          Sau khi ban phép lành cho các Tông đồ Chúa Giêsu phục sinh đã được Chúa Cha cất nhắc về trời trước sự ngỡ ngàng, mừng vui và nối tiếc của các Tông đồ. Chúa Giêsu lên trời đã chứng tỏ quyền năng siêu việt của Đấng phục sinh từ cõi chết, vinh quang phục sinh không còn cầm giữ Người mãi trên trái đất nhưng vinh quang đó phải đạt tới mức trọn vẹn trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Cũng thế, Tin Mừng và nguồn ơn cứu độ của Chúa Kitô không còn giới hạn trong một dân tộc, một vương quốc mà bao trùm cả thế giới và vũ trụ. Như lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ trong Tin mừng hôm nay : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi lòi thọ tạo” (Mc 16,15). Thế nhưng các Tông đồ, cho đến lúc Chúa sắp về trời các ông vẫn còn hiểu một cách mơ hồ về Nước Thiên Chúa khi các ông hỏi : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”(Cv 1,6) như vậy các Tông đồ vẫn nhìn Nước Thiên Chúa một cách hạn hẹp và giới hạn nơi dân tộc Israel, Vì thế, dù Chúa phục sinh đã hiện ra nhiều lần với các Tông đồ nhưng các ông vẫn muốn trì kéo Chúa ở lại với quan niệm trần thế của các ông. Cho nên, khi Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, Người đã khai mở lòng trí các Tông đồ, ít là để các ông cảm nhận Nước Thiên Chúa được nâng cao, mở rộng bao trùm cả vũ trụ như chính thân xác phục sinh của Đức Giêsu. Các ông không còn cắm đầu xuống đất chỉ thấy những sự thuộc về đất, nhưng “Chúa Giêsu được rước lên trời ngự bên hữu Chúa Cha”(Mc 16,19) nên các ông cũng được giải thoát khỏi những tâm tối thế trần và bừng tỉnh trước một thực tại siêu việt: là Nước trời, vinh quang Thiên Chúa ngự trị bao trùm vũ hoàn và thuộc về Thiên Chúa.
          Nhìn vào đời sống của người Kitô hữu hôm nay, chúng ta vẫn thấy niềm tin vào cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu vẫn là cứu cánh, là niềm hy vọng cho sự sống đời đời của người tín hữu. Thế nhưng nơi này hay nơi khác, niềm tin ấy vẫn còn gói gọn trong tâm hồn của mỗi người (giữ đạo chứ chưa sống đạo), trong khuôn khổ của Giáo xứ (chưa đi ra khỏi giáo xứ để đến với người lương dân), trong các lễ nghi phụng vụ (chưa biến thành hành động bác ái và trao ban cho nhiều người mà mình gặp phải trên đường đời). Nếu mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh thông ban ơn cứu độ chỉ dừng lại ở niềm hy vọng và mơ ước của người Kitô hữu mà thôi thì có khác gì những người lương dân, họ cũng nhìn nhận đạo Công giáo là đạo tốt (còn tốt hơn những đạo khác), có kỷ luật, có mục đích và niềm hy vọng vào đời sau, nhưng họ không tin và không gia nhập vào Giáo hội, điều này làm cho chúng ta cần suy nghỉ….. Mừng Mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời một lần nữa nhắc nhở chúng ta, bắt chước các Tông đồ xưa ngước mắt lên trời cao và mở rộng tâm hồn để nhận ra quyền năng và tình yêu siêu việt của Thiên Chúa bao trùm vũ trụ, không những trao ban hồng ân cứu độ cho từng người mà còn cho cả toàn thể nhân loại. Ý thức điều đó, mỗi người chúng ta cũng hãy mở rộng lòng mình để sẵn sàng chia sẻ hồng ân cứu độ mà chúng ta nhận lãnh từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, cho mọi người xung quanh. Thế nhưng, như người ta thường nói : đồng tiền gắn liền khúc ruột, cho đi là một sự mất mác, vì thế ít người muốn cho đi, như vậy thế giới sẽ ra sao ?. Suy nghỉ của con người là vậy, nhưng đường lối của Thiên Chúa thì khác, khi mở mắt cho các Tông đồ thấy uy quyền Nước Thiên Chúa bao trùm vũ trụ, thì lòng các Tông đồ cũng được nung nóng bằng một ngọn lửa đặc biệt đốt cháy những hàng rào ngăn cách và giới hạn ích kỷ của lòng người, ngọn lửa đó chính là Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh là Đấng mà Chúa Giêsu hứa xin Chúa ban xuống trên các Tông đồ : “Đức Gêssu truyền cho các Tông đồ không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi Điều Chúa Cha đã hứa”.(Cv1, 4) và khi Chúa Thánh Linh đến sẽ thực hiện tất cả những điều Chúa Cha đã hứa : “Anh em trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần – anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất ”.(Cv1, 5.8) Và đó cũng là mệnh lệnh Chúa Giêsu  thúc dục và trao ban cho các Tông đồ trước khi về trời : “Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”(Mc 16,15) . Sứ mệnh loan báo Tin Mừng quá bao la, vâng lệnh Chúa Giêsu các Tông đồ không thể ngồi yên một chổ nhưng phải ra đi, ra đi khỏi chính lòng mình, khỏi sự sợ hải tự bản thân, ra đi khỏi khung cảnh hạn hẹp và tập tục của nước Do Thái (quan niệm ơn cứu độ chỉ dành cho người Do Thái), ra đi phải chấp nhận rủi ro và thách đố khắp nơi, để loan báo Tin Mừng giải thoát cho mọi loài thọ tạo. Khó nguy là vậy, nhưng các Tông đồ không sợ hải vì ơn Chúa ban đủ cho các ngài: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những thứ tiếng mới lạ ……”(Mc 16, 17-18). Mệnh lệnh loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ xưa, cũng là mệnh lệnh Chúa trao cho Giáo Hội và mỗi người Kitô hữu là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Hội Thánh hôm nay. Con đường loan báo Tin Mừng mà Chúa Kitô đã đi qua là con đường khổ giá và phục vụ, phục vụ như Chúa là cuối xuống rửa chân cho các Tông đồ và Ngài mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy cuối xuống rửa chân cho nhau. Thế giới và xã hội ngày hôm nay, còn rất nhiều lĩnh vực cần đến những người nhiệt tình có tinh thần phục vụ theo gương Chúa Kitô : phục vụ những người nghèo, người bệnh tật, phục vụ những người già cả neo đơn đang hiện diện khắp nơi trong các hang cùng ngỏ hẻm. Để trở thành những người tông đồ nhiệt tình phục vụ Tin Mừng, mỗi người có mỗi cách khác nhau tùy theo khả năng và môi trường mình đang sinh sống, Tôi xin gợi ý một hai điểm nhỏ sau : trước hết nỗ lực học hỏi Lời Chúa để thấm nhuần tình yêu và cách thức phục vụ của Chúa Kitô đã làm, qua trung gian Giáo Hội. Thứ đến, biết nhìn lại chính mình để biết mình đang ở trong tình trạng nào của đời sống đức tin và tinh thần phục vụ mình đang có theo gương Chúa Kitô. Sau cùng, cầu xin Chúa cho mình biết đặt Chúa là trung tâm, để mọi suy nghỉ và hành động đều hướng về Chúa từ đó giảm bớt và loại dần cái tôi cá nhân của mình để danh Chúa được cả sáng hơn.
          Mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết ước mơ, mơ về trời cao, mơ về Thiên đàng, mơ về đời sống vĩnh cửu mà chúng ta hằng mong chờ ; đồng thời xin cho chúng ta biết lắng nghe lời nhắc nhở của Hội Thánh thay mặt Chúa mà bừng tỉnh trở về với thực tại cuộc sống đang chờ mình dấn thân phục vụ. Amen
                                                                            


BÀI 2
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
“HÃY LÀ CHỨNG NHÂN CỦA THẦY”
Tu sĩ: jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ Đức Giêsu lên trời. Việc Đức Giêsu lên trời đã chấm dứt cuộc đời trần thế và sứ mạng của Ngài trên trần gian theo ý muốn của Chúa Cha.
Tuy nhiên, sứ mạng ấy tiếp tục được chuyển trao cho các Tông đồ là những chứng nhân của tất cả những gì đã thấy và đã cảm nghiệm, để các ông ra đi làm chứng nhân cho Ngài.
Sứ mạng ấy cũng được trao phó cho mỗi người chúng ta trong vai trò là người thuộc về Đức Kitô.

  1. Ý nghĩa của việc Đức Giêsu lên trời

Sự kiện Đức Giêsu về trời cho chúng ta thấy: Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Đã chu toàn sứ mạng cứu độ con người qua cái chết trên thập giá. Ngài đã sống lại để làm chứng những lời Ngài đã loan báo. Và, hôm nay, Ngài lên trời để đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mai ngày cũng được về trời với Ngài như lời Ngài đã nói: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26).
Việc Đức Giêsu lên trời cũng là lúc kết thúc những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt và mở ra một cuộc gặp gỡ thiêng liêng, vượt lên trên không gian và thời gian. Sự kiện này không chấm dứt mọi hoạt động của Ngài trên trần thế. Nhưng qua đó, Đức Giêsu hiện diện cách phổ quát: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài hiện diện nơi Lời của Ngài và trong Bí tích Thánh Thể, qua Giáo Hội và nơi các chứng nhân. Vì thế, Đức Giêsu trở về với Chúa Cha, nhưng Ngài lại khai mở ra cho các Tông đồ và Giáo Hội một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của việc cảm nghiệm, loan báo và làm chứng về Đấng Phục Sinh. 

  1. Sứ mạng của các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời 

Đức Giêsu về trời, Ngài trao ban sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội, khởi đi từ các Tông đồ. Lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), để “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), phải là lời mời gọi, một lệnh truyền cấp thiết hơn bao giờ hết! Bởi lẽ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (x. Ga 17,18; 20,21).
Vì thế, khi Đức Giêsu đã lên trời, thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi, phải ra đi để đến với muôn dân như lời Ngài đã truyền. Các ông ra đi để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng đã chết và đã phục sinh; Đấng là đường, là sự thật và là sự sống; Đấng đã yêu thương con người, đã chết và đã sống lại vì hạnh phúc và phần rỗi của con người. Đấng ấy đã lên trời để đem lại niềm hy vọng cho những ai tin vào Ngài cũng được lên trời như các ông đã thấy Ngài lên trời. 
Chính trong giây phút này, các ông nhận lãnh sứ mạng xây dựng Giáo Hội, một Giáo Hội có Thiên Chúa là Chủ và có nhau là anh em; một Giáo Hội yêu thương, hiệp nhất; một Giáo Hội công bằng, nhân ái. 

  1. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của mỗi chúng ta

Lời của Đức Giêsu khi xưa nhắn gửi các Tông đồ: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1,8) cũng là lời mời gọi cho mỗi người Kitô hữu hôm nay.
Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về và nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ từ nơi Đức Giêsu. Công cuộc ấy chẳng mấy tốt đẹp theo kiểu con người suy nghĩ. Vì thế, Đức Giêsu đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21,17). Và "hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: “Tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em" (Ga 15,29). Nhưng hãy học nơi các Tông đồ: càng bị sỉ nhục, bắt bớ và tù đày, các ông lại càng “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Bởi xác tín rằng "... trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16, 33; x. Rm 8,35-37).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm chèo thuyền ra chỗ “nước sâu” để thả lưới...; cũng như tiến ra những vùng “ngoại biên” để đem Ánh Sáng Lời Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa.
“Nước sâu” ở đây chính là những nơi tội lỗi, gian tham, lọc lừa. Nó cũng là thái độ của những con người thù ghét, cấm cách, bắt bớ những người tin vào Đức Giêsu hay là một thái độ thờ ơ, lãnh đạm với niềm tin Kitô Giáo.
Còn “ngoại biên” chính là những người vô gia cư; trẻ em mồ côi, những cụ già không nơi nương tựa... những người đói khát bần cùng, những người không có tiếng nói...
Những nơi ấy, rất cần các Kitô hữu can đảm, trung thành, bất chấp khó khăn, thử thách, để sẵn sàng làm chứng cho sự thật, công bằng. Mặt khác, nơi tâm hồn người tông đồ phải luôn mang trong mình trái tim của chính Thiên Chúa, để lòng thương xót của Ngài được lan tỏa đến những con người kém may mắn đang sống ở bên lề xã hội.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa về trời, Chúa đã trao phó cho các Tông đồ và Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin Chúa cho mỗi chúng con ý thức được điều đó và sẵn sàng ra đi làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong lòng xã hội hôm nay, dầu có phải chịu đau khổ, thử thách. Amen.


 

BÀI 3
LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
CHÚA LÊN TRỜI – TA VÀO ĐỜI
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Khi sai Con của mình xuống trần gian, Thiên Chúa Cha đã có một kế hoạch đầy yêu thương dành cho nhân loại. Mục đích của kế hoạch ấy chính là quy tụ muôn người về một mối trong Nước Trời. Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã loan báo về Nước Trời và triều đại của Thiên Chúa; chiêu mộ và huấn luyện các môn đệ; thiết lập Giáo Hội… ; và cuối cùng, Ngài đã chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để hoàn tất kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha. Khi đã kết thúc cuộc sống tại thế, Ngài được Thiên Chúa Cha ân thưởng vinh quang trên Nước Trời.
Nhưng, trước khi về trời, Đức Giêsu đã chuyển trao cùng một sứ vụ ấy cho các môn đệ, để các ông tiếp tục loan báo về Nước Thiên Chúa cho mọi người.

  1. Chuyển giao sứ vụ cho các môn đệ

Giờ đã điểm, Đức Giêsu đã hẹn: “Mười một môn đệ đi tới Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã hẹn với các ông” (Mt 28,16).
Khi các môn đệ thấy Đức Giêsu, chẳng ai bảo ai: “Các ông phục lạy Ngài” (Mt 28,17).
Khi phục lạy như thế, các môn đệ muốn bày tỏ sự hiểu biết của mình về Đức Giêsu. Vì khi phục lạy ai thì nơi người ấy phải tôn nhận uy quyền với người mình phục lạy.
Hành vi này chúng ta cũng đã thấy nơi ba nhà Đạo Sĩ khi gặp được hài Nhi Giêsu, các ông đã phục lạy và tôn nhận vương quyền của Ngài (x. Mt 2,11). Hay như những người bị bệnh mà được Đức Giêsu chữa lành, trong số đó phải kể đến người phong hủi được lành sạch (x. Mt 8,2). Hôm nay, đứng trước sự huy hoàng của vinh quang phục sinh nơi Đức Giêsu, và hơn thế nữa, các ông nhận thấy mọi quyền năng, vinh quang và danh dự được trao ban cho Đấng Phục Sinh, vì vậy, các ông đã phục lạy Ngài.
Tiếp theo, Đức Giêsu đã tiến lại gần họ và phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,18). Qua lệnh truyền này, Đức Giêsu chính thức chuyển trao sứ vụ của Ngài cho các môn đệ là những người sẽ tiếp bước trong tương lai.
Vì thế, sau khi nhận lãnh, các ông có trách nhiệm loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Như một lời trấn an trước nghĩa vụ quan trọng mà các ông vừa nhận được, ĐỨc Giêsu đã nói:”Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).
Tuy nhiên, dù về trời, nhưng Đức Giêsu vẫn hiện diện cách vô hình, và sứ vụ của các môn đệ luôn luôn có sự đồng hành của Đức Giêsu. Vì thế, Ngài đã nói: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Điều này đã xác tín mạnh mẽ về sự hiện diện của Đức Giêsu với sứ vụ của các môn đệ. Đây là niềm vui mừng và động lực mạnh mẽ để các ông ra đi thi hành sứ vụ.
Sau những giây phút chứng kiến cảnh huy hoàng cũng như lãnh nhận sứ vụ, các ông hân hoan trở về để cùng nhau xây dựng và phát triển Giáo Hội. Nhất là loan báo triều đại Thiên Chúa đã đến gần, kêu gọi mọi người sám hối và lãnh nhận phép rửa để được cứu độ.

  1. Chúa lên trời – ta vào đời 

Cùng một sứ vụ mà Đức Giêsu đã trao phó cho các môn đệ, hôm nay, Ngài cũng trao phó cho mỗi người chúng ta.
Lời thiên thần nhắc các môn đệ: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” (Cv 1,11) cũng là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta.
Chúa lên trời là niềm hy vọng cho chúng ta, vì Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta: “Thầy ra đi để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu, các con sẽ ở đó với Thầy”. Thánh Phaolô cũng đã xác tín khi nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ giữ niềm hy vọng ấy cho riêng mình. Chúng ta cũng không chỉ dừng lại ở việc tin vào lời Đức Giêsu đã truyền dạy, nhưng chúng ta cũng phải loan báo cho nhân loại về niềm hy vọng và niềm tin mà chúng ta đã nhận được. Để qua đó: chúng ta hãy đi “và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Cv 1,11).
Nhưng, điều quan trọng, đó là chúng ta loan báo Tin Mừng bằng cách nào?
Lời Đức Giêsu hôm nay đã vạch ra cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta kế hoạch truyền giáo để cho có hiệu quả như:
Trước tiên là: “Hãy đi giảng dạy muôn dân”. Lời rao giảng rất cần thiết, vì như thánh Phaolô đã nói: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14). Tuy nhiên, nếu chỉ rao giảng không thôi thì chưa đủ, mà lời rao giảng quan trọng và hùng hồn nhất là bằng đời sống của người loan báo. Chính lời nói và hành động ăn khớp với nhau làm nên sự thống nhất nơi người môn đệ, và như thế, lời loan báo mới khả tín, đáng tin và đem lại niềm hy vọng cho người nghe.
Thứ đến là: “Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Qua lệnh truyền này, Đức Giêsu cho thấy: Ba Ngôi chính là nội dung và cùng đích của lời rao giảng. Mọi hành vi khi thi hành sứ vụ loan báo Lời Chúa phải quy hướng về Ba Ngôi như là nguồn cội. Tách ra khỏi điểm tựa này, chúng ta sẽ bị rơi vào trạng thái vô định mất phương hướng.
Tiếp theo là: “Giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”. Người môn đệ chỉ là người được sai đi để quy tụ muôn dân về với Đấng đã sai mình. Vì thế, không phải nhân danh cá nhân của mình để phô trương tài cán công lao của bản thân, mà ngược lại, phải trung thành loan báo chính lời của Thầy Giêsu. Chỉ khi nào chúng ta loan báo Lời Chúa cách trung thực, thì bản thân người loan báo mới cảm nhận được hạnh phúc và người nghe mới thấy được niềm hy vọng.
Mặt khác: nội dung của lời rao giảng chính là: “Loan báo về một Vị Thiên Chúa nhân từ, giàu long thương xót với hết mọi người. Ngài đến để yêu họ và yêu đến cùng, nên đã chết thay cho nhân loại để nhân loại được sống và sống dồi dào”. Vì thế, trước, trong và sau khi loan báo, chúng ta hãy: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh chị em chúng ta như chính mình”. Làm được điều đó, lời rao giảng của chúng ta mới thành công, nếu không, mọi lời rao giảng chỉ như chiếc phèng la điếc tai thiên hạ mà không có kết quả.
Cuối cùng, trong mọi biến cố của cuộc đời, nhất là mọi thăng trầm của công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng ta an vui và vững bước vì có Đức Giêsu luôn ở cùng để bảo vệ, nâng đỡ như lời Ngài đã phán: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Hôm nay cũng là ngày Giáo Hội chọn làm ngày quốc tế truyền thông. Khi chọn như vậy, Giáo Hội đề cao vai trò của truyền thông trong việc chuyển tải sứ điệp Tin Mừng. Vì thế, chúng ta hãy biết tận dụng và chắt lọc khi sử dụng những phương tiện truyền thong như: ti vi, báo đài, điện thoại, Internet và các mạng xã hội toàn cầu để loan báo Lời Hằng Sống cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa về trời là niềm hy vọng cho chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con luôn hướng lòng lên trời, để ái mộ những sự trên trời. Ngõ hầu mai ngày chúng con cũng sẽ được hưởng trọn vẹn niềm vui Nước Trời. Amen.

 

BÀI 4
CHÚA LÊN TRỜI, XIN HƯỚNG LÒNG CHÚNG CON VỀ TRỜI
(Mc 16, 15 - 20)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hôm nay mừng Chúa lên Trời, vâng, toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau : "Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong... ". Và sau đó " Người lên Trời " (x. Cvtđ 1, 1- 11).
Các Tông đồ tận mắt chứng kiến cảnh Chúa lên Trời, lòng các ông ngây ngất dõi theo đến nỗi cần phải "có hai người mặt áo trắng đứng gần" (Cvtđ 1, 10) và nhắc nhở : "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?" (Cvtđ 1, 11). Sự kiện ấy cũng lôi kéo tâm hồn chúng ta lên với Chúa, làm chúng ta nhớ lại lời Chúa hứa trước khi về Trời, để Người ở đâu chúng ta cũng ở đó. Vì thế, chúng ta nuôi dưỡng lòng ái mộ những sự trên Trời và mong cả xác lẫn hồn về trời với Chúa. Đây là niềm vui lớn lao và tràn đầy hy vọng khi chúng ta hướng về tương lai trên hành trình dương thế.
"Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha". Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Theo sự quan phòng trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ giã Đức Maria Mẹ Người và nhất là tâm sự với các môn đệ nhiều điều. Hôm nay Người bảo các ông : "Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất" (Cvtđ 1, 8 ). Từ đây nhiệm vụ  được ủy thác, đến lượt mình các Tông đồ phải thi hành cách trung thành. 
Đang lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần, Món Quà do Chúa Cha tặng ban, Ngài là sức mạnh của các Tông đồ. Chính Ngài hướng dẫn Giáo hội đi trên đường chân lý, Tin Mừng phải được rao truyền bởi quyền năng của Thiên Chúa chứ không phải do sức mạnh hay khôn ngoan của người đời. Trước khi về Trời, Chúa Giêsu " đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa " (Cvtđ 1, 4). Người nói với các ông : "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật " (Mc 16, 15). Dựa trên lời Thầy, các Tông đồ có trách nhiệm phải loan báo Tin Mừng cho thế giới, làm phép rửa cho họ, nói cho họ biết về Thiên Chúa để họ tin mà được cứu độ, nhất là phải làm chứng về Chúa Kitô "cho đến tận cùng trái đất" (Cvtđ 1, 8). Giáo Hội sơ khai thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, nên đã khai mở thời kỳ truyền giáo, dẫu biết rằng thời kỳ này chỉ kết thúc vào ngày Chúa lên Trời, và trở lại.
Những lời Chúa Giêsu để lại cho Giáo hội là kho tàng vô giá. Giáo hội không những phải gìn giữ, loan báo, suy niệm mà còn sống nữa. Chúa Thánh Thần sẽ làm bén rễ sâu trong lòng Giáo hội ơn đặc sủng được sai đi. Vì thế, Giáo hội nhận ra sự cần thiết phải trung thành với kho tàng đức tin và những lời Chúa truyền dạy, đồng thời thông truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, tới chúng ta ngày hôm nay. Lời Chúa và chỉ có Lời Chúa là nền tảng cho mọi sứ vụ, cũng như tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo hội. Thẩm quyền của Lời Chúa là nền tảng mà Công Đồng Vatican II và Thánh Gioan XXIII đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc : "Mối quan tâm chính của Công đồng Đại kết, là kho tàng thiêng liêng Kitô giáo phải luôn được giữ gìn và giảng dạy" ( Bài phát biểu của ngày 11 tháng 10 1962 ). Thách thức lớn nhất của chúng ta là trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu.
Suy tư thứ hai về ý nghĩa Chúa Giêsu lên trời dựa trên cụm từ : " Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa " (Mc 16, 19).
Sau khi hạ mình xuống trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa đến muốn đời. Theo lời thánh Lêo Cả, khi Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, "vinh quang của Đầu" đã trở thành "niềm hy vọng cho thân xác" (x. Sermo Ascensione Domini). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, " Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc" (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha ( x. Dt 7 , 25). Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, chúng ta có hy vọng đạt tới sự công chính và sống thánh thiện nơi Người. Giáo hội có thể gặp phải những khó khăn, việc loan báo Tin Mừng có thể bị thất bại, nhưng vì Chúa Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa, Giáo hội sẽ không bao giờ bị đánh bại. Sức mạnh của Chúa Kitô vinh hiển, Con yêu dấu của Chúa Cha hằng gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta tận tụy và trung thành với Nước Thiên Chúa một cách quảng đại. Sự kiện lên Trời của Chúa Kitô ảnh hưởng cụ thể đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì mầu nhiệm này, toàn thể Giáo hội có ơn gọi đợi chờ trong niềm hân hoan hy vọng ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến.
Chúa Giêsu vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời. 
Hướng về Mẹ Maria "Nữ Vương Thiên Ðàng", chúng ta xin Mẹ bảo vệ gìn giữ chúng ta là con cái Mẹ, biết sống và thực hành lời Chúa truyền dạy, để một ngày kia chúng ta cũng được về Trời với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen. 

Tác giả bài viết: Lm. Augustino Nguyễn Văn Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập134
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại626,243
  • Tổng lượt truy cập28,941,612

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây