Dù bất cứ ở đâu bạn hãy khẩn cầu với Cha

Thứ tư - 22/05/2019 12:41
Bài giáo lý về Kinh Lạy Cha của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ 4 ngày 22/5/2019 tại quãng trường thánh Phêrô

16. Dù ở bất cứ nơi đâu, bạn hãy khẩn cầu với Cha

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha”. Chúng ta có thể nói rằng kinh nguyện Kitô giáo nảy sinh từ sự liều lĩnh qua việc gọi Thiên Chúa bằng cái tên là “Cha”. Đó là gốc rễ của kinh nguyện Kitô giáo: gọi Thiên Chúa bằng “Cha”. Nhưng cần phải có sự can đảm. Đó không phải là một công thức, nhưng đó là sự hiếu kính thân thiết, trong đó chúng ta được dẫn dắt nhờ ân sủng: Chúa Giêsu là Đấng mạc khải của Cha và cho chúng ta được sống thân mật với Ngài. “Ðức Giê-su không dạy ta một công thức để chúng ta lặp đi lặp lại như cái máy. Cũng như mọi khẩu nguyện khác, Chúa Thánh Thần dùng Lời Chúa để cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện cùng Chúa Cha (GLCG 2766). Chính Chúa Giêsu đã sử dụng những từ ngữ khác nhau để cầu nguyện với Cha. Nếu chúng ta chú ý khi đọc Tin mừng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng những từ ngữ cầu nguyện này xuất hiện trên môi của Chúa Giêsu như nhắc lại bản văn của “Kinh Lạy Cha”.

Thí dụ trong đêm ở vườn Giêtsêmani, Chúa Giêsu đã cầu nguyện theo cách này: “Abba! Lạy Cha, nếu có thể được xin cất chén này xa con! Nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mc 14,36). Chúng ta đã nhắc lại đoạn văn của Tin mừng Marcô này. Làm sao chúng ta không nhận ra được nơi lời nguyện này, dù nó ngắn gọn, dấu vết của “Kinh Lạy Cha”? Trong bóng đêm, Chúa Giêsu cầu khẩn cùng Cha bằng cách gọi “Abba”, với lòng thảo kính trông cậy, không cảm thấy sợ hãi và lo lắng, Ngài cầu xin được làm trọn ý muốn của Cha.

Trong các đoạn Tin Mừng khác, Chúa Giêsu nhẫn nại với các môn đệ của mình, để họ nuôi dưỡng tinh thần cầu nguyện. Cầu nguyện tất phải kiên định, nhất là phải nhớ đến anh chị em, cách đặc biệt là khi chúng ta sống trong mối tương quan khó khăn với họ. Chúa Giêsu nói : “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em” (Mc 11,25). Làm sao không nhận ra được nơi những lời này tiếng vọng “Kinh Lạy Cha”?. Các ví dụ như vậy có thể là rất nhiều, dành cho cả chúng ta nữa.

Trong các tác phẩm của thánh Phaolô, chúng ta không tìm thấy bản văn “Kinh Lạy Cha”, nhưng sự hiện diện của nó nổi bật trong sự tổng hợp kỳ diệu, nơi kinh nguyện kitô giáo được cô đọng thành một từ duy nhất : “Abba” (xem Rm 8:15; Gal 4 , 6).

Trong Tin mừng Luca, Chúa Giêsu đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của các môn đệ, họ thường thấy Ngài tách riêng ra và chìm sâu trong cầu nguyện, và vào một ngày, họ quyết định hỏi Ngài: “Lạy Thầy xin dạy cho chúng con cầu nguyện, như Gioan đã dạy các môn đệ của ông cầu nguyện” (11,1). Bấy giờ vị Tôn sư dạy họ cầu nguyện với Cha.

Khi xem xét lại toàn bộ Tân ước, chúng ta thấy rất rõ rằng nhân vật chính của mọi kinh nguyện Kitô giáo là Chúa Thánh Thần. Anh chị em đừng quên điều này : tác nhân chính của mọi kinh nguyện Kitô giáo là Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể cầu nguyện nếu không nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Đấng ấy cầu nguyện trong chúng ta và lay động để chúng ta cầu nguyện thật tốt. Chúng ta có thể xin Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện, vì Ngài là nhân vật chính, là người cầu nguyện thực sự trong chúng ta. Ngài thổi hơi vào trong trái tim của mỗi người chúng ta để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta khả năng cầu nguyện nơi “luống cày” mà Chúa Giêsu đã xới lên cho chúng ta. Đây là mầu nhiệm kinh nguyện kitô giáo: nhờ ơn sủng chúng ta được lôi kéo vào trong cuộc đối thoại đầy yêu thương của Ba Ngôi Chí Thánh.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện như vậy. Nhiều lần Ngài đã dùng những từ ngữ chắc chắn rất xa so với bản văn “Kinh Lạy Cha”. Chúng ta hãy nghĩ về những lời khởi đầu của Thánh vịnh 22 mà Chúa Giêsu đã nói trên thập giá: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, tại sao Chúa bỏ con” (Mt 27,46). Cha trên trời có thể từ bỏ con của mình được sao? Chắc chắn là không. Nhưng vì yêu thương chúng ta, những kẻ tội lỗi, Ngài đã dẫn đưa Chúa Giêsu đến điểm này: đến nỗi nếm trải sự từ bỏ của Thiên Chúa, sự xa cách của Chúa, vì Ngài đã gánh lấy nơi thân mình mọi tội lỗi của Chúa ta. Ngay cả trong tiếng kêu thống thiết, Ngài vẫn kêu lên “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con”. Trong từ “của con” có cái cốt lõi của mối quan hệ với Cha, có cái cốt lõi của đức tin, của kinh nguyện.

Đây là lý do, bắt đầu từ cái cốt lõi này, người kitô hữu có thể cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh. Có thể chấp nhận tất cả những lời nguyện của Kinh Thánh, đặc biệt là các Thánh vịnh; và người tín hữu cũng có thể cầu nguyện bằng nhiều từ ngữ mà trong lịch sử hàng thiên niên kỷ đã tuôn chảy từ trong trái tim của con người. Và chúng ta không ngừng nói với Cha về các anh chị em của mình trong gia đình nhân loại, để không ai trong số họ, đặc biệt những người nghèo, vẫn chưa có được một sự an ủi và chút phần yêu thương.

Kết thúc bài giáo lý này, chúng ta có thể lặp lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu : “"Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” ( Lc 10:21 ). Để cầu nguyện, chúng ta phải làm cho mình trở nên nhỏ bé, để Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và để Ngài hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.

Trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hướng về các tín hữu Trung quốc, Đức Thánh cha nói : 

Thứ Sáu tới, ngày 24 tháng Năm, chúng tôi sẽ cử hành lễ Đức Bà "phù hộ các giáo hữu", được tôn kính cách đặc biệt ở Trung Quốc tại Đền thờ "Đức Mẹ Sheshan", ở Thượng Hải.

Nhân dịp may này cho phép tôi bày tỏ sự gần gũi và tình cảm đặc biệt với tất cả người Công giáo ở Trung Quốc, là những người vẫn tiếp tục tin tưởng, hy vọng và yêu thương giữa những khó khăn và thử thách hằng ngày.

Anh chị em tín hữu ở Trung quốc thân mến, xin Mẹ của chúng ta trên trời phù giúp tất cả mọi người để trở thành những chứng nhân của đức ái và tình huynh đệ, luôn luôn được hiệp nhất trong sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ.

Tôi cầu nguyện cho anh chị em và chúc lành cho anh chị em.
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay22,549
  • Tháng hiện tại32,346
  • Tổng lượt truy cập29,011,884

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây