Giáo luật và Bí tích Xức dầu bệnh nhân: Thế nào và Tại sao

Chúa nhật - 05/11/2023 18:07
 
Anointing_of_Sick_Photo.jpg
 
 
GIÁO LUẬT VÀ BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN:
THẾ NÀO VÀ TẠI SAO
 
Sr. Marlene Weisenbeck
FSPA (Franciscan Sisters of Perpetual Adoration), Ph.D., J.C.L.

Từ những thời kỳ đầu tiên trong Giáo Hội, chúng ta đã được ân ban sứ vụ chăm sóc sức khỏe. Quyền năng chữa lành trong Tân Ước được trao ban trong bối cảnh truyền giáo, không phải để tôn vinh Nhóm Mười Hai hay Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ, nhưng để khẳng định sứ mệnh của họ.[1] Điều mà ngày nay ta hiểu là bí tích xức dầu bệnh nhân đã bắt nguồn từ Thư Giacôbê 5,13-15:

Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.

Cộng đồng Công giáo gắn bó với quan điểm bí tích về thế giới, trong đó giáo sĩ, tu sĩ và các thừa tác viên giáo dân đều phục vụ người bệnh, cũng như gia đình và bạn bè đồng hành với họ trong hành trình đau khổ. Nghi thức phụng vụ Xức dầu Bệnh nhân hiện hành khẳng định rằng bệnh tật của con người là một phần của mầu nhiệm cứu rỗi. Chúng ta tìm kiếm sức khỏe tốt để có thể hoàn thành vai trò của mình trong xã hội và Giáo hội. Đồng thời, những người đau ốm và bệnh tật nhắc nhở chúng ta về những điều thiết yếu và cần thiết của việc cứu chuộc sự sống chúng ta qua mầu nhiệm cái chết và phục sinh của Đức Kitô.[2]

CÁC NGHI THỨC CHỮA LÀNH THEO GIÁO LUẬT

Hiến chế Sacrosanctum Concilium số 59 và điều 840 của Bộ Giáo Luật năm 1983 lưu ý rằng các bí tích được ủy thác để thánh hóa mọi người và xây dựng Thân Thể Đức Kitô để họ có thể thờ phượng Thiên Chúa. Vào ngày 30 tháng 11 năm 1972, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành một Tông hiến duyệt lại công thức cũng như phê chuẩn các nghi thức phải tuân giữ việc xức dầu và chăm sóc mục vụ cho bệnh nhân. Bản dịch tiếng Anh của nghi thức phụng vụ được xuất bản vào năm 1983 và có tựa đề là Pastoral Care of the Sick: Rites of Anointing and Viaticum. Nó cũng bao gồm các phần liên quan đến việc chăm sóc người bệnh, chăm sóc mục vụ cho người hấp hối và các bài đọc, đáp ca và và các câu trích từ Kinh Thánh.

Các nghi thức khác cũng có trong Sách lễ Rôma bao gồm Thánh lễ cầu cho bệnh nhân, trong đó, ngoài các ơn thiêng liêng, chúng ta cầu xin sức khỏe cho người bệnh. Nghi lễ Rôma có những lời chúc phúc cho người bệnh và những lời chúc lành cho người lớn và trẻ em. Giáo luật điều 998 -1007 quy định những điều kiện để cử hành đúng bí tích xức dầu bệnh nhân.[3]

BẢN TÍNH VÀ HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH

Theo Pastoral Care of the Sick, do tự bản tính, lời nguyện và hành động của nghi thức liên quan đến cuộc gặp gỡ với sự hiện diện của Chúa trong đức tin và văn hóa. Hành động bí tích của việc xức dầu và cầu nguyện cho một cá nhân là một hành động hữu hiệu đối với bệnh nhân. Lời nguyện xin hoặc kinh cầu đi kèm theo hành động nghi thức này. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nêu ra những hiệu quả của bí tích: Người bệnh được kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô vì lợi ích của chính mình và của toàn thể Giáo hội. Củng cố sức mạnh, sự bình an, ân sủng chữa lành và lòng can đảm được trao ban để chịu đựng những đau khổ của lo âu, bệnh tật hay tuổi già. Tội lỗi được tha nếu người bệnh không thể nhận được điều này qua Bí tích Hòa giải. Sức khỏe có thể được phục hồi hoặc chuẩn bị để bước vào cuộc sống vĩnh cửu.[4]

Việc cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân có ba mặt. Thứ nhất, lời cầu nguyện đức tin mà qua đó cộng đoàn cầu xin Chúa giúp đỡ người bệnh; thứ đến, việc đặt tay chỉ người đó là thụ nhân của lời cầu nguyện đức tin; và thứ ba, việc xức dầu trên trán và tay tượng trưng cho việc chữa lành, thêm sức mạnh và sự hiện diện của Chúa. Phải sử dụng một lượng lớn dầu thánh để có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể (nơi bị đau hoặc bị thương tổn) đều có thể được xức dầu khi cầu nguyện. Trong trường hợp cần thiết, một lần xức dầu được ghi lên trán hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, trong khi đọc toàn bộ công thức.

AI CÓ THỂ ĐƯỢC XỨC DẦU?

Các Kitô hữu đã được rửa tội đã đến tuổi khôn và các Kitô hữu bắt đầu gặp nguy hiểm vì bệnh tật hoặc tuổi già đều có thể lãnh nhận bí tích xức dầu. Việc tham dự vào các nghi thức xức dầu được khuyến khích rộng rãi. Chẳng hạn:

◾Những người lớn tuổi sức khỏe yếu dù không mắc bệnh gì nghiêm trọng vẫn có thể lựa chọn tham gia nghi thức.[5]
◾Những người phải phẫu thuật vì bệnh nặng.
◾Những người mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng.

Trong một vài trường hợp hiếm hoi, điều 844 §2 của Giáo luật cho phép người Công giáo nhận các bí tích Hòa giải, Thánh Thể và Xức dầu bệnh nhân từ các linh mục thuộc các giáo hội mà các bí tích có hiệu lực, với những điều kiện sau:

◾Trong trường hợp cần thiết hay vì lợi ích tinh thần thực sự.
◾Không có nguy cơ lầm lẫn hoặc tương đối tôn giáo.
◾Nếu có sự bất khả thể lý hay luân lý để lãnh nhận các bí tích từ một linh mục Công giáo.

Các Kitô hữu Chính thống giáo cũng có thể nhận các bí tích từ các linh mục Công giáo khi họ tự nguyện xin và được chuẩn bị cách đúng đắn, theo Điều 844 §3 của Giáo luật. Những người không Công giáo khác đã được rửa tội có thể lãnh nhận các bí tích này với sáu điều kiện:

1. Họ không thể đến được với các thừa tác viên của riêng họ.
2. Họ tự nguyện yêu cầu bí tích.
3. Họ được chuẩn bị đúng cách.
4. Họ biểu lộ đức tin Công giáo về các bí tích này.
5. Họ đang nguy tử.
6. Nếu có sự cần thiết nghiêm trọng khác theo phán quyết của Giám mục giáo phận hoặc Hội đồng Giám mục.

Các quy định cho những người trên đây có thể được giám mục hoặc hội đồng giám mục đưa ra, nhưng chỉ sau khi có sự tham khảo ý kiến đại kết thích hợp. Mặc dù luật đặc thù có thể thăng tiến các giá trị của luật phổ quát, khi các quy tắc được ban hành cho một giáo phận hay lãnh thổ thuộc một hội đồng giám mục, theo nguyên tắc phụ trợ, điều quan trọng là  cho phép thừa tác viên có được một số quyền tự quyết cá nhân trong từng trường hợp cụ thể.

THỪA TÁC VIÊN BÍ TÍCH XỨC DẦU

Công đồng Trentô quy định rằng bất kỳ linh mục nào cũng là thừa tác viên bí tích. Điều này vẫn còn là thực hành và cũng được quy định trong Giáo luật điều 1003 §1, Pastoral Care of the Sick số 16, và Giáo luật điều 739 của Bộ Giáo luật dành cho các Giáo hội Đông phương. Số 1516 của sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nói rằng " Chỉ có các tư tế (giám mục và linh mục) là thừa tác viên bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân". Điều này bắt nguồn từ quy chiếu Kinh Thánh đến các tư tế với tư cách là thừa tác viên của bí tích. Trong thần học Công giáo, linh mục thừa tác đóng vai trò là người phát ngôn cho toàn thể Giáo hội và được Đức Kitô ban cho quyền chăm sóc mục vụ cho các linh hồn.
Các mục tử và những người có trách nhiệm chăm sóc mục vụ các linh hồn[6] có nhiệm vụ và quyền cử hành bí tích cho những người được giao phó cho họ chăm sóc. Bất kỳ linh mục nào được cho là có sự cho phép của cha sở, hoặc nếu có lý do chính đáng, đều có thể cử hành bí tích. Mỗi linh mục được phép mang dầu thánh để thi hành bí tích trong trường hợp cần thiết.

Một vấn đề nan giải trong bối cảnh “các giáo xứ do sự lựa chọn” (parishes of choice) để ngỏ vấn đề về các quyền thích hợp của thừa tác viên bí tích. Đây là một lĩnh vực dành cho lập pháp trong tương lai vì khu vực giáo xứ dễ dàng bị các giáo sĩ cũng như giáo dân không biết đến.

Thảo luận lý thuyết vẫn tiếp tục bàn về việc liệu bí tích xức dầu có thể được xem như là phần mở rộng của việc chữa lành trong bí tích rửa tội, có thể được các phó tế hoặc bất kỳ ai thi hành trong trường hợp cần thiết. Vấn đề về các phó tế đã được đặt ra với Tòa thánh song kỷ luật hiện hành vẫn không có gì thay đổi.[7] Vì sự hòa giải và xức dầu thứ tha tội lỗi, nên sự hòa giải bí tích với Giáo hội chỉ có thể được cử hành bởi những người chủ trì hợp pháp của việc hòa giải, tức là một giám mục hoặc một linh mục. Tuy nhiên, vẫn có sự khao khát phát triển hơn nữa thần học về các bí tích này. Nhà thần học Susan Wood, SCL, đưa ra quan điểm sâu sắc về điều này như sau:

... khi đánh giá ai là thừa tác viên thích hợp của bí tích bệnh nhân, chúng ta cần ghi nhớ ý nghĩa giáo hội của bí tích xức dầu bệnh nhân và bằng mọi giá tránh cách tiếp cận quá cá nhân chủ nghĩa đối với nó. Giáo Hội, hành động nhân danh Đức Kitô, là thừa tác viên chính của bí tích. Khi Giáo hội xức dầu cho một bệnh nhân, Giáo hội xức dầu cho một phần thân thể của mình. Xức dầu là khôi phục lại sự toàn vẹn phép rửa của toàn thân thể, điều sẽ đạt được một cách dứt khoát khi tất cả được phục hồi với Đức Kitô.[8]

CÁCH THỨC VÀ THỜI GIAN

Giáo luật chỉ nói rằng bí tích (xức dầu) có thể được cử hành vào thời điểm thích hợp với các thành viên trong gia đình và những người khác trong cộng đồng đức tin, thể hiện một cách hiệu quả sự chia sẻ của mỗi người đối với nỗi đau khổ của người khác. Nghi thức phải tương ứng với hoàn cảnh cụ thể của người bệnh. Tốt nhất là việc cử hành sẽ diễn ra trong khi người đó có khả năng tham gia tích cực và ít nhất là ngầm đồng ý.

Các cử hành chung có thể được cử hành ở một nơi và tuân theo các quy định của các sách phụng vụ và chỉ thị của Giám mục giáo phận.

Hoàn cảnh hoặc cơ hội quyết định số lần xức dầu - chẳng hạn, trong những cơn bệnh xảy ra sau đó hoặc có cơn khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong cùng một căn bệnh. Nếu một người bị mất ý thức hoặc khả năng sử dụng lý trí, hay đang trong tình trạng ngờ vực không tin (dù người đó đã đến tuổi khôn hay không, bị bệnh nặng hay đã chết) thì có thể ban bí tích với điều kiện, giả định rằng cá nhân đó mong muốn nhận bí tích. Nếu một người đã qua đời thì đọc kinh nguyện cho người chết hay kinh cầu xin cho người sắp chết. Những lời cầu nguyện này không chỉ giới hạn nơi những người được thụ phong mà còn dành cho bất kỳ thừa tác viên mục vụ nào chăm sóc cho người sắp chết.

Không cấm các thành viên khác trong thân thể Đức Kitô cầu nguyện cho người bệnh, thậm chí đặt tay cho họ hoặc xức dầu. Nơi nào có hai hoặc ba người tụ tập nhân danh Chúa, thì Đức Kitô hiện diện ở giữa họ (Mt 18, 20). Mặc dù lời cầu nguyện có thể không phải là một bí tích (sacrament), nhưng nó là “á bí tích” (sacramental) theo nghĩa chuỗi Mân côi hoặc áo Đức Bà (scapular) là “á bí tích”.[9] Mọi lời cầu cho người bệnh đều sinh ơn phúc. Mặc dù bí tích đặc biệt được dành cho những người bệnh nặng, nhưng việc cầu nguyện cho nhau hoặc làm nghi thức tiễn đưa một người thân yêu bằng một hình thức xức dầu đơn giản bởi gia đình và bạn bè thì có tác dụng chữa lành và là á bí tích.[10]

Theo Giáo luật điều 1007 có thể không ban bí tích đối với người nào vẫn ngoan cố trong tội trọng công khai, nhưng điều 976 ban cho bất kỳ linh mục nào có toàn quyền quyết định trong việc tha các hình phạt, chế tài hay tội lỗi.

CÁC KHẢ NĂNG KHÁC

Nghi thức đưa ra nhiều khả năng và những thích ứng. Bao gồm các:

Pastoral Care of the Sick 168-174, nói về việc chăm sóc một đứa trẻ sắp chết và thích ứng nghi thức cho phù hợp với tầm hiểu biết của đứa trẻ.
◾Của ăn đàng (viaticum) là bí tích cuối cùng của đời sống Kitô giáo. Đó là lương thực để bước vào đời sống vĩnh cửu và khi có thể nên được ban dưới hai hình thức bánh và rượu. Nghi thức bao gồm việc lập lại lời tuyên xưng đức tin khi rửa tội và chúc bình an.
◾Xức dầu trong bệnh viện hoặc các cơ sở.
◾Nếu linh mục đến sau giờ chết, lời cầu cho người chết sẽ kết thúc bằng phép lành hoặc làm dấu thánh giá trên trán.
◾Nghi thức liên tục gồm sám hối, xức dầu và của ăn đàng (Pastoral Care of the Sick 236-258)
◾Nghi thức trong trường hợp khẩn cấp bao gồm xưng tội riêng, của ăn đàng và xức dầu.
◾Có nghi thức khai tâm Kitô giáo vào nguy tử. Trong trường hợp như vậy, người ấy phải có khả năng nghe và trả lời các câu hỏi. Người ấy được rửa tội, thêm sức và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể như của ăn đàng.
◾Dầu thánh phải được bất kỳ giám mục nào làm phép hoặc là những người tương đương theo giáo luật với giám mục (viện phụ, bản quyền của dòng giáo sĩ) hoặc bất kỳ linh mục nào trong trường hợp cần thiết trong khi cử hành bí tích (Giáo luật điều 999)
 ◾Những lời cầu nguyện đặc biệt cho gia đình và bạn bè (Pastoral Care of the Sick 222)

NHÃN QUAN ĐẠI KẾT VỀ VIỆC CHỮA LÀNH BÍ TÍCH

Nhà sử học Công giáo Jeffrey Gros, FSC, khẳng định rằng thần học giáo hội và bí tích của Giáo hội Công giáo là một món quà cho thế giới đại kết Kitô giáo rộng lớn hơn. Trong khi chúng ta có một bí tích chữa lành theo giáo luật, nhưng thế giới quan mang tính nhập thể và bí tích của chúng ta có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của một cộng đồng rộng lớn hơn vào mục vụ chữa lành của Giáo hội. Những gì chúng ta đã học được về việc chữa lành bí tích, hiện nay là đặc quyền của giáo sĩ, có thể là cội nguồn cho nhiều thừa tác vụ khác nhau sẽ xuất hiện với sự hội nhập văn hóa, sự tham gia của giáo dân và sự tham dự của cộng đồng vào việc chữa lành. Chúng ta vẫn chưa biết được sự hiểu biết và thực hành bí tích sẽ phát triển như thế nào trong tương lai. Tuy nhiên, kinh nghiệm, suy tư thần học và đối thoại trong cộng đồng y tế cung cấp một nguồn quan trọng trong việc phát triển thần học bí tích.[11]

Có những vai trò khác biệt trong các khía cạnh khác nhau của mục vụ chăm sóc sức khỏe - y tế, bí tích và con người. Bối cảnh đại kết và Công giáo do cộng đồng chăm sóc sức khỏe cung cấp tạo cơ sở cho việc học hỏi và khám phá nhằm phục vụ sự trọn vẹn trong việc chữa lành mà toàn thể xã hội và cộng đồng đức tin nói riêng có thể học hỏi. Những hiểu biết này sẽ phục vụ giáo hội trong cả việc phát triển nghi thức lẫn thiết kế thể chế để tích hợp tốt nhất tất cả các yếu tố góp phần chữa lành con người và khả năng của cộng đồng trong việc bí tích hóa sứ vụ ấy trong xã hội rộng lớn hơn.
 
[1] Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Instruction on Prayers for Healing, 14.9.2000, par. 3. Hướng dẫn của Giáo triều Rôma thường là những giải thích làm rõ các quy định của luật và nói chi tiết những cách thực hiện, giải thích các quy định luật pháp và khuyến khích việc tuân thủ.
[2] Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Pastoral Care of the Sick: Rites of Anointing and Viaticum (Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 1983), par. 3.
[3] Nghiên cứu thêm về lịch sử phát triển của bí tích này, xin xem The History of the Anointing of the Sick.
 http://www.resurrection-catholic.org/learn/sacraments/anointing/anointing_history.pdf.
Giáo luật về Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (Điều 998-1007)
Điều 998: Qua bí tích xức Dầu Bệnh Nhân, Giáo Hội phó thác những tín hữu bệnh tật hiểm nghèo cho Chúa chịu nạn và vinh quang để Người nâng đỡ và cứu chữa họ; bí tích này được ban bằng việc xức dầu trên bệnh nhân và đọc những lời đã được quy định trong sách phụng vụ.
Điều 999: Ngoài Giám mục, những người sau đây có thể làm phép dầu để dùng vào việc xức dầu bệnh nhân:
1° những vị được luật đồng hóa với Giám mục giáo phận;
2° trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ linh mục nào nhưng trong chính lúc cử hành bí tích mà thôi.
Điều 1000: §1. Việc xức dầu phải được thực hiện cẩn thận với những lời đọc, theo thứ tự và thể thức đã được quy định trong các sách phụng vụ; nhưng trong trường hợp cần thiết, chỉ cần một lần xức dầu trên trán hoặc thậm chí trên một phần khác của thân thể, nhưng vẫn phải đọc trọn vẹn công thức. §2. Thừa tác viên phải xức dầu bằng chính tay mình, trừ khi có một lý do nghiêm trọng khuyên dùng một dụng cụ.
Điều 1001: Các vị chủ chăn các linh hồn và các thân nhân của bệnh nhân phải liệu sao cho các bệnh nhân được lãnh nhận sự trợ lực của bí tích này vào lúc thuận tiện.
Điều 1002: Có thể xức dầu chung cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc, theo các quy định của Giám mục giáo phận nếu họ đã được chuẩn bị chu đáo và đã dọn mình đầy đủ.
Điều 1003: §1. Tất cả mọi tư tế và chỉ có tư tế mới ban thành sự bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. §2. Tất cả mọi tư tế được ủy nhiệm coi sóc các linh hồn có bổn phận và có quyền ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho những tín hữu đã được ủy thác cho trách nhiệm mục vụ của mình; khi có một lý do hợp lý, bất cứ tư tế nào cũng có thể ban bí tích này với sự chấp thuận ít là được suy đoán của tư tế vừa được nói ở trên. §3. Bất cứ tư tế nào cũng được mang theo dầu đã được làm phép, để có thể ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân trong trường hợp cần thiết.
Điều 1004: §1. Có thể ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho tín hữu đã biết sử dụng trí khôn, khi họ bắt đầu ở trong tình trạng hiểm nghèo vì bệnh tật hay vì tuổi già. §2. Bí tích này có thể được ban lại, nếu sau khi hồi phục, bệnh nhân lại ngã bệnh nặng, hoặc nếu nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn trong cùng một cơn bệnh kéo dài.
Điều 1005: Phải ban bí tích này trong trường hợp hồ nghi bệnh nhân đã biết sử dụng trí khôn hay chưa, bệnh có hiểm nghèo hay không hoặc bệnh nhân đã chết hay chưa.
Điều 1006: Phải ban bí tích này cho các bệnh nhân nào đã xin nhận lãnh ít là cách mặc nhiên, lúc họ còn tỉnh táo.
Điều 1007: Không được ban bí tích xức Dầu Bệnh Nhân cho những người cố chấp sống trong tội trọng công khai.
[4] Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Catechism of the Catholic Church, 1499-1535, 2nd ed. (Washington, D.C.: United States Catholic Conference, 2000), tr. 375-83.
[5] Giáo luật điều 738 của Giáo hội Đông phương nói rằng các tín hữu Kitô giáo được tự do nhận lãnh Bí tích Xức dầu ở bất kỳ nơi nào mà họ bệnh nặng.  
[6] Các linh mục được trao ban nhiệm vụ cha sở qua chỉ định của giám mục và do đó cũng ban quyền và bổn phận chăm sóc các linh hồn trong lãnh thổ (giáo xứ) được trao ban hoặc làm mục vụ trong các cơ sở như bệnh viện, đại học, nhà trẻ, etc.
[7] Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Note on the Minister of the Sacrament of the Anointing of the Sick, Feb. 11, 2005.
http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20050211_unzione-infermi_en.html.
[8] Susan K. Wood, "Anointing of the Sick: Theological Issues", Biên bản Hội nghị thường niên lần thứ 63, Hội Giáo luật Hoa Kỳ, tập 63 (2001), tr. 250.
[9] Giáo luật điều 1166: " Các á bí tích là những dấu chỉ thánh, nhờ đó, phần nào phỏng theo các bí tích, những hiệu quả, đặc biệt là những hiệu quả thiêng liêng, được biểu thị và được thông ban nhờ lời khẩn cầu của Giáo Hội".
[10] Instruction on Prayers for Healing (điều 7, đoạn 1) của Thánh bộ Giáo lý Đức tin năm 2005 trình bày các quy tắc xem các kinh nguyện và hành động á bí tích không thuộc phụng vụ và như thế không được đưa vào cử hành Thánh lễ, các bí tích hay Phụng vụ các giờ kinh.
[11] Sư huynh Jeffrey Gros, FSC, bài thuyết trình tại the Catholic Health Association Sponsorship Institute, Tampa, Fla. (January 14, 2011). Bản thảo mang tựa đề A Healing Church in an Era of Dialogue.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

 Tags: giáo luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay15,854
  • Tháng hiện tại581,711
  • Tổng lượt truy cập28,897,080

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây