Những tập san Pháp ngữ của Nhà in Làng Sông – Qui Nhơn (Thập niên 1910-1930)

Thứ tư - 28/06/2023 18:56
NHỮNG TẬP SAN PHÁP NGỮ
CỦA NHÀ IN LÀNG SÔNG – QUI NHƠN
(Thập niên 1910-1930)

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 
1. Nguyệt san Aux fils de France
 

Như đã nói ở trên, nguyệt san Mémorial Indochinois, được Đức cha Jeanningros sáng lập vào tháng 11 năm 1919 và vì có những khó khăn nên đã đình bản hai lần: một lần từ số 25 (tháng 12 năm 1921), sau đó, tái xuất bản từ đầu năm 1926 và rồi đình bản với số 12, tháng 12 năm 1926 để nhường chỗ cho một tiếng nói chung của Công giáo Việt Nam thời ấy là tờ Công giáo đồng thinh. Thay vào đó, một nguyệt san mới cũng được Nhà in Qui Nhơn chủ biên là Aux Fils de France, số đầu tiên phát hành năm 1923, trong một thành phố Qui Nhơn chỉ vỏn vẹn 4.832 người theo liệt kê của tập Nomenclature des journaux, revues, périodiques français paraissant en France et en langue française à l'étranger, L'Argus de la presse, 1926, tr. 510.

Hiện nay Thư viện Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội còn lưu giữ các số nguyệt san Aux fils de France: 1923: Số 1-10; 1924: Số 11-22; 1925: Số 23-34; 1926: Số 35-46; 1927: Số 47-51.

2. Nguyệt san Lectures

 


Năm 1931, cha Émile Perreaux sáng lập nguyệt san Lectures, bằng tiếng Pháp, dành cho giới trí thức Pháp và Việt Nam. Báo này đăng những sự kiện cần biết và đặc biệt về những sự kiện ở Đông Dương.[1] Tờ nguyệt san số 1 dày 64 trang, đề cập đến nhiều vấn đề và sự kiện cần biết. Trong phạm vi miền Đông Dương thì các bài viết và tài liệu trong nguyệt san này không đâu sánh bằng. Các bài đăng được sắp xếp theo thứ tự alphabet và theo thể loại, khiến cho việc tìm kiếm một ý tưởng hay sự kiện nào đó trở nên dễ dàng. Số báo cuối năm còn có tổng mục lục. Ở Đông Dương, giá mỗi số là 0$25, đăng ký trọn năm là 3$. Ở các quốc gia khác giá 30 francs. Có thể đặt mua ở các bưu điện ở khắp Đông Dương.

Tờ Mémorial, Mission de Quinhon cũng đã nhiệt tình giới thiệu người anh em của mình: Hãy đặt mua tờ nguyệt san Lectures và giới thiệu cho những người Annam biết tiếng Pháp cũng như người Tây trong địa sở đặt mua. Nhà in Qui Nhơn sẵn sàng bao nhiêu tờ báo mẫu số 1 tùy ý bạn muốn và sẽ gởi đến bạn miễn phí”.[2] Và tờ L'Éveil économique de l'Indochine, 1 Mai 1932, tr. 20, cũng đã giới thiệu một bài viết trong tập san: “De Marseille à Saigon, tác giả Louis Fajolle – Những ấn tượng đơn giản trong chuyến hành trình của tác giả đến Đông Dương, đó là điều mà độc giả sẽ tìm thấy trong tập sách nhỏ này trích từ tờ nguyện san Lectures. Nhà in Qui Nhơn (Annam)”

Xin trích mục lục của nguyệt san Lectures, số 2 – Aout 1931 để chúng ta có thể hình dung được mục đích mà cha Perreaux theo đuổi khi sáng lập nguyệt san: Questions actuelles – Un peu de politique indochinoise (J. Lê Văn Đức); L’Etat indochinois (Nguyễn văn Vinh); L’Inde vue par un Hindou (P. Thomas). Education et enseignement – Un aveu, une résolution (J. Krautheimer); L’éducation en Afrique du Sud ; Le problème de Dédé (Madeleine Lecomte); Formation des instituteurs (Professeur Behn); Test et testing; Administration francaise et enseignement libre. Sciences – Les sciences naturelles (Nguyễn Thanh Giung). Géographie – Les Colonies de la France. Les Orateurs – Un homme politique (Briand); Un prédicateur (Pinard de la Boullaye); Un missionnaire ; Humour. Biographie – L’homme noir chez les hommes noirs (R. P. Volpette). Littérature – Concours littéraire (La Chasse de M. Cancellieri); Un sonnet de Rochefort; Des vers de Jacques Normand; Littérature annamite: La vieille fille (Ng. V. Tuất); Une lettre de J. J. Rousseau. Philosophie et religion – Le spiritisme ; Barnum et le spiritisme (Francois d’Urseren); Un miracle caodaisme; Evolution d’une âme. Documents – Les fonctionnaires et le Gouvernement général. Histoire – Constans et la ceinture de Norodom (Jean Bernard).    

 3. Tập san “Memento Indochinois”

 


Đây là tập san do cha Maheu chủ biên, sưu tập những bài viết bằng tiếng Pháp về các vấn đề của Đông Dương như: Địa lý, khí hậu, dân tộc học, dân số, lịch sử, thương mại, kỹ nghệ, canh nông, chăn nuôi, tầng đất cái, rừng, du lịch, hành chánh, đường giao thông, những lời khuyên cho du khách và những thông tin khác. “Vài hàng lời tựa cho thấy đặc tính của tập sách nhỏ này, một cuốn sổ tay (agenda) đồng thời cũng là một cuốn bách khoa. Trong tập “Memento Indochinois”, chúng tôi tập họp các tư liệu về Đông Dương rải rác trên nhiều tờ tạp chí, sách và nhật báo. Chúng tôi cố gắng chuyển đến tay mọi người, dưới một tập sách nhỏ, những thông tin có thể làm cho chúng ta biết về một Đông Dương đang phát triển. Chúng tôi muốn tập hợp tất cả những gì mà những kiều dân, thương gia, công chức, kỹ nghệ gia, các thừa sai phải có bên cạnh mình, dưới tay mình”.[3]

Đến năm 1928 là ấn bản thứ ba vẫn giữ nguyên giá bán 1 đồng. Mục đích vẫn không thay đổi là đem lại những thông tin cần thiết cho tất cả mọi người về xứ Đông Dương, nhưng có nhiều cải tiến.[4] Và xin được trích bài giới thiệu và phê bình của báo L’Indochine: revue économique d’Extrême-Orient, 5.6.1928, tr. 155, về tập “Memento Indochinois”, số năm 1928, năm thứ ba: “Đây là năm thứ ba tập sách nhỏ này được cha Maheu, quản lý nhà in Qui Nhơn, biên soạn. Tập sách nhỏ này được biên soạn rất công phu, và khi đọc nó thì người ta không tin rằng tác giả sống ở vùng còn hoang sơ và rằng những người thợ sắp chữ không biết tiếng Pháp. Mục đích của người biên soạn là: “Dưới hình thức một tập sách nhỏ, đưa đến tận tay mọi người tất cả những thông tin về Đông Dương”. Quả thật, tất cả đều được tìm thấy trong tập memento bỏ túi này: những con số thương mại chi tiết qua các mặt hàng xuất và nhập khẩu, những hàng hóa xếp theo thứ tự alphabet; tổng hợp những trao đổi thương mại từ hai năm nay. Những ghi chú khác nhau về cây dầu sơn (abrasin), cà phê, Hội chợ Hà Nội, xuất khẩu gia súc, thương mại ở Xiêm. Phương pháp nuôi tằm; trồng cao su, cá mòi, than củi. Bảng quy đổi tiền, dân số Nam kỳ tính theo tỉnh, tổng, các loại thuế, đường sắt. Thông tin du lịch rất thực tế, các loại gỗ với giá tại mỗi miền, các báo định kỳ, xây dựng hiệu thuốc theo bác sĩ Spire, giá bưu điện. Một vài trang sách hấp dẫn chọn lựa từ các tác giả Capus (về Mayréna), Rousseau, Brachet, Bonnafont, Salaun, Dr Valet. Chỉ tiếc một điều là tác giả đã trích dẫn một câu của Angouvant và một câu khác của ông Huỳnh Thúc Kháng, chủ tịch Viện dân biểu Trung kỳ, nhưng tại sao nói về họ dưới tiêu đề “Tư tưởng của những vĩ nhân”? Không! … Một người chỉ vĩ đại khi ông ta đã chết, mọi người đều biết điều đó.”     
 
[1] Xem Nomenclature des journaux et revues en langue française du monde entier, 1936-1937, Argus de la presse, tr. 476-480.
[2] Lời đăng quảng cáo trang cuối số Mémorial, Mai/Juin 1931.
[3] Avenir du Tonkin, 17 Janvier 1926
[4] Xem Avenir du Tonkin, 12 Mars 1928

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay16,309
  • Tháng hiện tại59,600
  • Tổng lượt truy cập29,039,138

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây