Chúa Nhật 23 Thường Niên năm A

Thứ tư - 06/09/2017 03:37

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A-2017

 (Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20)

 

          Kính thưa quí ông bà cùng anh chị em,

“Nhân vô thập toàn”, không ai trọn tốt trọn lành, ai cũng có lỗi lầm và khuyết điểm. Nếu đố kỵ nhau thì những lỗi lầm và khuyết điểm của những cá thể sẽ làm khổ cho cả tập thể. Nhưng nếu tập thể đó là một cộng đoàn huynh đệ, thì người này phải lấy tình thương mà sửa lỗi người kia, cuộc sống cộng đoàn sẽ ngày càng tốt hơn, sẽ ngày càng hạnh phúc hơn.

Vì thế, trong bài đọc I: Thiên Chúa ra lệnh cho ngôn sứ Êdêkiên sửa dạy kẻ gian ác. Thiên Chúa đặt ngôn sứ Êdêkien như người lính canh, với nhiệm vụ vạch tội của kẻ gian ác. Nếu ngôn sứ nói mà nó không nghe, thì nó chịu trách nhiệm về tội của nó. Còn nếu ngôn sứ không vạch tội và kẻ gian ác phải chết, thì ngôn sứ phải chịu trách nhiệm về cái chết đó.

Và trong Tin Mừng: Đức Giêsu dạy các tín hữu trong cộng đoàn phải sửa lỗi cho nhau trong tình anh em. Lỗi có hại cho cộng đoàn, khi đó vì tinh thần anh em trong cộng đoàn ta phải đi sửa lỗi. Vậy khi một người anh em làm điều gì đó sai lỗi có hại đến cộng đoàn thì Đức Giêsu dạy ta phải sửa lỗi như thế nào? Căn bản là vẫn đối xử như “anh em”. Diễn tiến từ kín đáo đến công khai: “riêng ngươi và nó”; “đem theo một hoặc hai người nữa”; “trình với cộng đoàn” và cuối cùng là “kể nó như người ngoại và người thu thuế”. Mục đích sự can thiệp sửa lỗi này không phải là để kết án người anh em mình, mà là để thu phục, làm cho người anh em trở lại với cộng đoàn. Nếu được như vậy thì kể như “đã lợi được một người anh em”.

Tại sao tôi phải đi gặp người vừa phạm lỗi nặng? Bởi vì người ấy là anh tôi, em tôi. Chúng tôi là con cùng một cha. Người anh em ấy đang mắc sai lầm. Nhưng tôi không đến để “vạch mặt chỉ tên” mà đến nói chuyện tay đôi trong tình anh em, chỉ cho anh ta biết đâu là phải đâu là quấy. Nếu biện pháp nói chuyện tay đôi cũng không có kết quả, thì tôi sẽ nhờ đến cộng đoàn. Đây là biện pháp mà chỉ Tin Mừng theo thánh Matthêu mới có. Tin Mừng của Ngài viết cho những tín hữu là người Do Thái. Họ đã thuộc luật Do Thái. Theo sách đệ nhị luật, viết trước Đức Giêsu cả 6 thế kỷ, thì khi luận tội một người phải có ít là hai ba nhân chứng. Biện pháp tiếp theo cũng chỉ có trong Tin Mừng Matthêu: “Nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì hãy kể như anh ta là một người dân ngoại, một người thu thuế”.

Biện pháp sau cùng xem ra khắc nghiệt. Phải chăng đây là biện pháp loại trừ? Chúa không loại trừ, ngay cả dân ngoại và người thu thuế. Vả lại trong dụ ngôn người con hoang đàng, thái độ của người cha đối với người con hoang đàng là tha thứ, đón nhận và hợp ý cầu nguyện cùng Cha cho người anh em được mau quay về đoàn tụ trong nhà Cha.

Chúa nói: “Nếu hai người trong anh em họp nhau để cầu xin gì cùng Cha, thì họ sẽ được điều đó nhân danh Thầy”. Lời Chúa còn mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện âm thầm của Chúa: “Khi hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đó”. Cùng với Chúa, cả cộng đoàn thiết tha cầu mong cho người anh em trở về, thì nhất định anh ta sẽ trở về, vì cảm được nỗi chờ mong của Cha trên trời.

Kính thưa quí ông bà cùng anh chị em, Lời Chúa hôm nay nhắc đến một vấn đề quan trọng nhưng rất tế nhị trong cuộc sống chung giữa con người với nhau: Đó là việc sửa lỗi người khác. Phải nói ngay rằng đó là một việc vô cùng tế nhị và hết sức khó khăn: tế nhị về phía người được sửa lỗi; khó khăn về phía người sửa lỗi, muốn giúp người khác nên hoàn thiện.

Nói rằng đó là một việc tế nhị, vì thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng: Muốn khỏi bệnh nhưng sợ uống thuốc vì thuốc đắng; muốn nói lên sự thật nhưng ngại không dám nói vì sợ mất lòng. Đó là điều tế nhị thứ nhất. Điều tế nhị thứ hai ai cũng phải công nhận: Nhân vô thập toàn, người nào cũng có khuyết điểm, không ai vẹn toàn trăm phần trăm. Thế nhưng tâm lý tự nhiên người ta thường nói: Tốt khoe, xấu che. Và không ai muốn vạch áo cho người xem lưng, vì ai cũng sợ người khác biết được khuyết điểm hay tính xấu của mình, tự nhiên ai cũng muốn người khác quên đi hay đừng nhắc tới quá khứ không đẹp của mình. Do đó việc sửa lỗi anh em gây khó khăn vì phía người sửa lỗi. Vì nếu không khéo hay vụng về cách nào đó thì anh em sẽ cho rằng chúng ta sửa lưng anh em chứ không phải sửa lỗi anh em, miệt thị, hạ giá anh em hơn là muốn anh em nên tốt. Và không khéo thì chúng ta sẽ bị anh em mắng lại: “Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Thậm chí có khi lại bị anh em dùng chính Lời Chúa để nói lại: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,5).

Việc sửa lỗi anh em thật tế nhị và khó khăn. Nhưng Lời Chúa hôm nay xác định rõ ràng: Sửa lỗi anh em là một hành vi của đức Bác Ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Sửa lỗi anh em trong đức ái không có nghĩa là dò xét bới móc, vạch lá tìm sâu, bé xé ra to, ít xít ra nhiều. Sửa lỗi anh em không phải là kể ra lỗi lầm của anh em với bất cứ ai. Sửa lỗi anh em trong đức ái là ý thức rằng tôi cũng có lỗi lầm, tôi cũng đầy khuyết điểm và tôi cũng cần người khác sửa lỗi.

Tuân Tử nói rằng: “Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta. Kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta. Còn kẻ nịnh hót, tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại đời ta mà thôi”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được đầy tràn Thánh Thần tình yêu Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Đấng duy nhất “sửa lại mọi sự trong ngoài”. Xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần Chúa để khiêm tốn chấp nhận những sửa sai, những chỉ bảo của người khác về những lỗi lầm, thiếu sót của ta. Xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần Chúa để chúng ta có thể nói thẳng, nói thật những lỗi lầm của nhau mà không làm thương tổn tình đoàn kết thân ái và mối dây thông cảm yêu thương.

Tác giả bài viết: FX. Nguyễn Đình Quốc

 Tags: Giảng lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay11,612
  • Tháng hiện tại555,183
  • Tổng lượt truy cập28,870,552

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây