Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc?

Thứ hai - 23/03/2020 18:47
 
x



KÌA AI ĐANG TIẾN LÊN TỪ SA MẠC?
Karen Eliasen


Quyền năng Thiên Chúa trên sự sống và cái chết được tỏ hiện trong mầu nhiệm vượt qua mà chúng ta chuẩn bị cử hành trong suốt Mùa Chay, và cũng chính Thiên Chúa của sự sống và cái chết này là Đấng mà người Do Thái nhận biết sâu sắc trong sa mạc. Câu chuyện xuất hành mạc khải cho dân Do Thái khi ấy cũng như cho chính chúng ta hiện nay trên hành trình Mùa Chay rằng “ở trong sa mạc là đứng trên bờ vực giữa sự sống và cái chết”.

Sách Diễm ca dường như không phải là sách để suy ngẫm trong Mùa Chay  - nhưng câu hỏi “Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc?” được nêu được nêu lên không chỉ một mà là hai lần trong sách ấy:

Dc 3, 6: “Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc, tựa hồ những cột mây,
thơm ngát mùi nhũ hương mộc dược,
ngạt ngào hương phấn xứ lạ phương xa?”

Dc 8, 5: “Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc,
nép mình vào người yêu?
Anh đã đánh thức nàng dưới gốc cây táo.
Chính nơi đây, thân mẫu sinh ra nàng,
chính nơi đây, nàng đã lọt lòng mẹ.
Nàng

Câu hỏi thật đáng chú ý trong ngữ cảnh bởi vì thể loại địa lý nổi bật trong bản văn không phải là sa mạc mà là một cảnh quan màu mỡ sung túc. Không phải là quá đáng khi nói rằng sách Diễm Ca ngập tràn những cảm xúc nhục dục và tràn trề sự thụ hưởng đồ ăn thức uống, đầy dẫy những hình ảnh duy trì và nuôi dưỡng sự sống. Tất cả mâu thuẫn rõ ràng với cảnh sa mạc trong Kinh Thánh là nơi đói khát – nơi chết chóc như người Do Thái phàn nàn với ông Môisê: “Các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16, 3). Câu hỏi ai là người “đang tiến lên từ sa mạc” lạc lõng giữa một cảnh quan phì nhiêu phú túc khiến ta muốn xét lại dưới một khía cạnh khác nào đó rằng Mùa Chay truyền thống không chỉ liên quan đến sa mạc mà còn với mối liên hệ giữa điều mang lại sự sống và cái chết.

Sự tương quan này nảy sinh khi ta nhận thấy rằng Do Thái giáo đã trực tiếp nối kết sách Diễm Ca với câu chuyện xuất hành trong nền văn chương rabbi và cả trong phụng vụ. Sự nối kết sớm hơn cả là trong văn chương rabbi, cả về nghĩa ẩn dụ lẫn tương quan liên văn bản, giữa sách Diễm ca và Cung Thánh; và liên kết phụng vụ qua việc đọc toàn bộ sách Diễm ca vào ngày Sabát thứ nhất của cử hành Vượt Qua. Sách Diễm Ca không xuất hiện trong phụng vụ phục sinh Kitô giáo (và thực tế không được đọc trong bất kỳ phụng vụ Chúa Nhật nào) nhưng chỉ xuất hiện ngắn gọn trong các cử hành hôn nhân hay về Đức Maria. Sự kiện sách Diễm Ca dính líu sâu đậm với mầu nhiệm vượt qua của Do Thái giáo khiến cho độc giả Kitô hữu thấy ngạc nhiên, vì thế nên ta cần phải xem xét kỹ hơn lý do tại sao sách Diễm Ca được kết nối rõ ràng với câu chuyện Vượt Qua.

Quay ngược về thế kỷ thứ II, Do Thái giáo cũng tranh luận gay gắt như Giáo Hội Kitô giáo sơ thời, rằng sách Diễm Ca với tính gợi tình như vậy thì nó có được nằm trong quy điển sách thánh không. Nhưng thầy rabbi Akiva (khoảng năm 50 - 135), biên tập viên chính của sách Mishnah,[1] thì không nghi ngờ gì về điều đó: “Từ thưở đời đời và trong toàn bộ thì không có ngày nào đáng trân trọng cho bằng ngày sách Diễm Ca được trao ban cho dân Israel, vì tất cả Sách Thánh là thánh, nhưng sách Diễm Ca là thánh nhất, là cung thánh”. Sự nhìn nhận tính trung tâm của sách Diễm Ca đối với Sách Thánh của người Do Thái đã ảnh hưởng đến chú giải midrash[2] đến nỗi trong sách Diễm Ca Rabbah[3] đã ghi lại những tiếng nói khác nhau của các thầy rabbi nói về các bản văn sách thánh này qua các thế kỷ. Khi các rabbi bàn luận về sa mạc được nhắc đến trong Diễm ca 3, 6 thì họ khám phá ra rằng đã có câu trả lời trong sách thánh rồi. Một vị nói: “Sự đi lên (của Israel) là từ sa mạc, sự đi xuống cũng từ sa mạc”. Vị khác trích dẫn sách Dân Số 14, 35 để nói thêm vào: “Trong sa mạc này chúng sẽ bị tiêu diệt và sẽ chết hết”. Nhưng vị thứ ba nhìn ở một góc cạnh khác: “Lề luật Torah đến từ sa mạc, nhà tạm đến từ sa mạc, Hội đồng Sanhedrin đến từ sa mạc, chức tư tế đến từ sa mạc, giai cấp Lêvi đến từ sa mạc, nền quân chủ đến từ sa mạc”. Đó là cả một danh sách dài dòng và đúng đến nỗi vị thứ tư tóm gọn: “Như vậy, tất cả những ân huệ mà Đấng Thánh đã ban cho dân Israel đều đến từ sa mạc”.

Vị rabbi thứ nhất nói về “sự đi lên”, mà trong linh đạo Do Thái giáo nói về chuyển động hướng đến sự thân mật thâm sâu với Thiên Chúa – nó giống như sự thân mật giữa hai người mà sách Diễm Ca diễn tả một cách rất ư là trữ tình, và cũng là sự thân mật mà Giavê và dân Do Thái đã kinh nghiệm ở Núi Sinai trong sa mạc. Điều đã xảy ra ở Núi Sinai trong sa mạc là kinh nghiệm gần gũi thân mật giữa Giavê và dân Do Thái, và đây cũng chính là kinh nghiệm mà óc tưởng tượng của người Do Thái hiểu về thời gian hứa hôn và tân hôn, thời gian nói lên sự ước muốn lẫn nhau. Dưới chân Núi Sinai, dân Do Thái tự nguyện đi vào trong mối tương quan giao ước này: “Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24, 3), sự sẵn sàng được lập lại ít hàng sau đó: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”. Hãy nghĩ đến câu “Tôi xin hứa” hiện nay và hiểu về ước muốn cam kết của dân Do Thái! Nhưng giống như các vị rabbi, chúng ta biết rằng câu chuyện tiến triển theo một hướng khác, không phải “đi lên” để bước vào sự vâng phục mà là “đi xuống” trong sợ hãi và bất tuân, và cuối cùng là sự chết. Sự chết trong sa mạc chứ không phải là sự sống mới trong miền Đất Hứa chảy đầy sữa với mật, đó là điều chờ đợi thế hệ được tự do ra khỏi đất Ai Cập; như thảm kịch xảy ra trong sách Dân Số, chúng ta biết rằng chỉ có Giôsuê và Calép là sống sót qua kinh nghiệm sa mạc từ đầu cho đến cuối. Trong bản tiếng Hípri, sách Dân Số được gọi bằng từ đầu tiên là bmidbar, nghĩa là “trong sa mạc”; như thế, trong sa mạc là ở trên bờ vực giữa sự sống và cái chết.

Ilana Pardes, học giả Kinh Thánh người Do Thái, đã nắm bắt lấy cái nghịch lý của kinh nghiệm Sinai này rất hay: “Chỉ một cái nhìn lơ đễnh vào lãnh vực thần linh, chưa nói gì đến đụng chạm, thì đã là cái chết. Sự thân mật thánh thiêng là trung tâm của sợ hãi đồng thời cũng là ước ao lớn nhất trong tất cả”.[4] Nói cách khác: chúng ta sợ cái chết và ước ao sự sống. Điều rõ ràng trong khám phá của các rabbi là nhận thức về hai khía cạnh của điều xuất phát từ sa mạc. Một đàng là từ sa mạc đã sinh ra “mọi sự tốt đẹp mà Thiên Chúa ban cho dân  Israel” – cụ thể là Lề Luật Torah ban sự sống; đàng khác cái chết cũng phát sinh từ đấy. Chúng ta thường quên điều này về kinh nghiệm xuất hành trong tính toàn thể của nó khi ta cứ định nghĩa Vượt Qua như là lễ hội mùa Xuân cử hành mùa gặt đầu tiên cũng như cuộc chạy thoát của dân Israel ra khỏi đất Ai Cập. Định nghĩa này thừa nhận khía cạnh “ước ao lớn nhất” của kinh nghiệm sa mạc nhưng là thời gian chờ đợi để đi đến “trung tâm của sợ hãi”. Hiểu rõ điều mà Dân Israel chứng kiến lần đầu tiên khi họ vừa thoát ra khỏi xứ Ai Cập, trước khi họ đến được đâu đó gần núi Sinai, điều ấy có thể nhắc chúng ta về những gì nằm ở “trung tâm sự sợ hãi”. Quan trọng hơn, nó khiến ta dừng lại và suy ngẫm về điều có thể thông tin cho ta biết về sự đi xuống đến bất tuân phục của dân Israel, biến cuộc tiến vào đất hứa thành cơn ác mộng 40 năm trong sa mạc. Câu chuyện các trinh sát là nguyên nhân trực tiếp;[5] nhưng có điều còn quan trọng hơn thế nữa.

Điều quan trọng hơn đó nằm ngay trong biến cố Vượt Qua, cuộc đi qua dòng nước Biển Đỏ, được diễn tả trong Xuất Hành chương 14. Nước biển tách ra, dân Israel băng qua và thấy quân Ai Cập đuổi theo đến ngay bên: “Khi Pharaô tới gần, con cái Israel ngước mắt lên thì thấy người Ai Cập tiến đến sau lưng họ. Con cái Israel kinh sợ, liền lớn tiếng kêu cầu Đức Chúa” (Xh 14,10). Hẳn nhiên Thiên Chúa đáp ứng ngay lời cầu xin, “Ngày đó, Đức Chúa đã cứu Israel khỏi tay quân Ai Cập. Israel thấy quân Ai Cập phơi thây trên bờ biển. Israel thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai Cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Môisê, tôi trung của Người” (Xh 14, 30-31). Ở đây có quy chiếu đến hai loại sợ hãi, cả hai đều có gốc trong tiếng Hípri là יָרֵא (yireh). Định nghĩa tiếng Hípri của Strong[6] phân biệt giữa cảm giác sợ hãi thông thường và sự sợ hãi tinh thần theo nghĩa kính sợ, “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan” (Cn 9, 10). Loại sợ hãi nào hiện diện trong biến cố Vượt Qua ở đây? Người Israel cảm thấy kinh sợ hay kính sợ khi nhìn thấy xác chết của người Ai Cập trôi dạt trên bờ biển? Chính khi thấy người Ai Cập chết mà dân Israel nhìn thấy quyền năng của Giavê, và trong bản văn tiếng Hípri thì động từ “thấy” được lập lại để nối kết với xác chết và quyền năng. Nỗi sợ kinh khủng lúc nhìn thấy cảnh tượng này được che giấu trong chính bản văn kinh thánh khi nói rằng dân Israel không hát bài ca chiến thắng ngay lập tức. Thay vào đó, bản tiếng Hípri dùng một từ ngắn gọn là “sau đó”, dường như để nói rằng có một cách quảng thời gian: “Sau đó ông Môsê cùng với con cái Israel hát mừng Đức Chúa bài ca sau đây” (Xh 15,1). Đây là sự sợ hãi nói lên lòng tin của dân Israel vào Giavê, một sự sợ hãi mà trong đó quyền năng vĩ đại của Giavê nối kết với sự chết – với “trung tâm của sự sợ hãi”. Chính với sự liên kết này đã ăn sâu vào trong kinh nghiệm của mình mà dân Israel giờ đây tiến vào sa mạc hướng về Núi Sinai -  và tiếp tục đi về phía Canaan với câu chuyện của các trinh sát đầy sợ hãi (Ds 13).

Có vấn đề khi cầu cứu Thiên Chúa đến cứu chúng ta: rất có khả năng là Ngài nhanh chóng hành động dưới khía cạnh một chiến binh nắm giữ sự chết. Thánh vịnh 68, một bài thi ca cổ, mô tả một Thiên Chúa chiến binh xuất hành từ núi Sinai, tiến bước trong sa mạc hoang vu  (c. 8: “Lạy Thiên Chúa, thuở Ngài lãnh đạo đoàn dân riêng xuất trận, thuở Ngài tiến bước trong sa mạc hoang vu”) để đương đầu mạnh mẽ với quân thù. Vậy thì ai đang tiến lên từ trong sa mạc? Đây là câu trả lời gợi ý từ Thánh vịnh 68: “Xa mã Thiên Chúa, ngàn muôn ức triệu, tự Sinai, Chúa tiến vào đền thánh” (c. 18) – tất cả để đáp ứng lại lời cầu xin ở đầu thánh vịnh để cho “địch thù Người tán loạn, kẻ ghét Người phải chạy trốn Thánh Nhan” (c. 2). Nhưng thánh vịnh này cũng để lộ ra một khía cạnh khác của Thiên Chúa cứu độ này: “Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ, lối thoát khỏi tử thần thuộc quyền của Đức Chúa” (c. 20). Ngài nắm giữ sự chết nhưng đồng thời cũng là lối thoát khỏi tử thần – hoặc nói cách tích cực hơn, Ngài trao ban sự sống. Nếu có một thuộc tính vĩ đại nào của Thiên Chúa là đấng tự mạc khải mình trong kinh nghiệm xuất hành, dầu ở Biển Đỏ hay ở Sinai, đó chính là Thiên Chúa với quyền năng trên sự sống và cái chết. Chúng ta không có quyền năng đó nhưng có sự lựa chọn giữa sự “đi lên” và “đi xuống”. Điều này nhắc lại âm vang bài đại giảng thuyết cuối cùng của ông Môisê: “Tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống, nghĩa là hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh em sẽ được sống” (Đnl 30, 19-20). Đây không phải là một bài diễn thuyết về sự sống và cái chết mà là sự nhắc nhở cho dân Israel về kinh nghiệm sa mạc của mình, về kinh nghiệm riêng đến tận xương tủy của mình, về điều được nhận thấy ở giữa sự ước muốn lớn nhất và trung tâm của sự sợ hãi.

Cuối cùng, chúng ta quay trở lại với sách Diễm Ca, trong đó nói lên một chân lý mà dân Israel ở núi Sinai được mời gọi nhìn nhận, cũng như mời gọi cả chính chúng ta nữa:  “Tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như nấm mộ” (Dc 8, 6). Vì thế, hãy đọc sách Diễm Ca trong Mùa Chay này và hãy để mình chìm ngập trong Đấng đang tiến lên từ trong sa mạc khi chúng ta ngày càng đến gần hơn với mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu là Chúa của sự sống và cái chết.

 (thinkingfaith.org)
 
[1] Bản văn đầu tiên ghi lại các truyền thống truyền khẩu của Do Thái giáo, được biết dưới tên gọi “Torah truyền khẩu”
[2] Midrash là thể văn rabbinic thường được trình bày dưới hình thức kể chuyện có tính tưởng tượng; nó thường lấy một từ hay một câu sách thánh và thêu dệt để trả lời một câu hỏi hay giải thích điều gì đó trong bản văn.   
[3] Jacob Neusner, A Theological Commentary to the Midrash, Volume 3: Song of Songs Rabbah (University Press of America, 2001).
[4] Ilana Pardes, The Biography of Ancient Israel: National Narratives in the Bible (University of California Press, 2000).
[5] Khi đến miền đất hứa Canaan, ông Môisê cho một toán trinh sát dò thám. Khi trở về, họ sợ hãi thuật lại cho dân chúng rằng đó là miền đất nuốt người, nơi ở của người khổng lồ trong khi dân Israel thì chỉ như con châu chấu. Dân chúng sợ hãi khóc lóc, kêu trách ông Môisê. 
[6] Học giả Kinh Thánh Jacob Strong chịu trách nhiệm biên soạn cuốn The Exhaustive Concordance of the Bible or Strong’s Concordance, danh mục các từ trong bản Kinh Thánh King James Bible, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1890.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay22,549
  • Tháng hiện tại30,905
  • Tổng lượt truy cập29,010,443

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây