Khóa Thường huấn các linh mục trẻ năm 2022

Thứ ba - 12/07/2022 19:35


Ngày 11 tháng 7 năm 2022, khóa Thường huấn dành cho các linh mục trẻ đã được tổ chức tại chủng viện Qui Nhơn với sự tham dự của khoảng hơn 40 linh mục trẻ được quy định chịu chức từ 5 năm trở xuống. Đây là sinh hoạt hằng năm của giáo phận, và cũng như mọi sinh hoạt khác, đã bị gián đoạn vào năm 2021 vì dịch bệnh Covid.

Chủ đề “Lòng thương xót mục vụ” của khóa thường huấn được trình bày qua hai đề tài: “Tông hiến Pascite Gregem Dei: Đức ái mục tử và sự hợp tình hợp lý của giáo luật” và “Tinh thần giáo sĩ trị và lòng thương xót mục vụ”.

Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, Đại diện Tư pháp Giáo phận Qui Nhơn, đã thuyết trình về Tông hiến Pascite Gregem Dei” (Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa) được Đức Phanxicô ban hành ngày 23.05.2021 với đề tài “Tông hiến Pascite Gregem Dei: Đức ái mục tử và sự hợp tình hợp lý của giáo luật”. Đây là tài liệu sửa đổi quyển VI của Bộ giáo luật cho phù hợp với hoàn cảnh và có thêm những chế tài xử phạt một số vi phạm hình sự mới. Theo Tông hiến, sự thay đổi quyển VI vừa đem lại những tiêu chí khách quan khi áp dụng hình phạt, vừa nhắc nhở trách nhiệm nơi các mục tử trong việc thực thi bác ái và nghiêm túc giữ gìn kỷ luật tức là xoa dịu các vết thương và tránh các điều xấu nghiêm trọng. Nói chung, bản văn mới có nhiều thay đổi về nội dung đối với luật hiện hành, đưa ra những hình phạt cho một số tội phạm mới. Ngoài ra, cũng có những cải thiện, đặc biệt là liên quan đến các khía cạnh cơ bản của luật hình sự, như quyền bào chữa, thời hiệu tố tụng hình sự, xác định chính xác hơn hình phạt bằng cách đưa ra các tiêu chí khách quan khi thêm hình phạt, giảm bớt sự tùy tiện của người có quyền quyết định và nhờ đó tạo sự thống nhất của Giáo Hội trong việc áp dụng các hình phạt.

Người mục tử hết sức lưu ý đến sự dung hòa giữa mục vụ và kỷ luật trong đời sống Giáo Hội như đã nêu trên. Tại một số giáo xứ ở Việt Nam có lẽ nguyên tắc “nulla poena sine lege” (không phạt nếu không có luật cấm) bị vi phạm khá nhiều. Thật vậy, nhiều nơi cha xứ cho rằng mình có toàn quyền mà không cần sự ủy thác từ người có thẩm quyền để ra luật hay mệnh lệnh kèm theo hình phạt (tức là luật hoặc mệnh lệnh hình sự). Cha xứ đứng ra xét xử, tuyên bố hình phạt và áp dụng hình phạt có khi suốt đời đối với người tín hữu trong giáo xứ của mình. Nên nhớ rằng Giáo luật không dự trù những hình phạt chung thân đối với các vạ (đ. 1358). Và cũng nên nhớ rằng chế tài trong Giáo Hội không nhằm chỉ để bảo đảm kỷ cương trật tự nhưng còn là phương tiện để hướng dẫn lương tâm người tín hữu trong việc giữ luật Kitô giáo và dễ dàng theo đuổi những mục đích luật nhằm tới, nhờ đó ngăn ngừa được gương xấu và giảm bớt những hành vi đi ngược với lề luật. Nhiều khi quá chú trọng đến kỷ luật sẽ làm phương hại đến đời sống đức tin và đi chệnh mục tiếu tối thượng của mọi lề luật trong Giáo Hội là phần rỗi các linh hồn (Salus Animarum).

Cha Phaolô Nguyễn Minh Chính, Trưởng ban Thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn, thuyết trình đề tài “Tinh thần giáo sĩ trị và lòng thương xót mục vụ”. Tinh thần giáo sĩ trị và mục vụ lòng thương xót, cả hai đều là cách thể hiện quyền bính nhưng một đàng là tiêu cực còn đàng kia là tích cực.   

Các linh mục phải cẩn thận về mối liên hệ giữa mình với dân Chúa và đừng bao giờ quên rằng mình cũng ở trong đàn nhưng được chiếu cố “lấy đi khỏi đàn” để phục vụ. Đức Phanxicô nói: “Giống như ngôn sứ Amos, người không bao giờ quên rằng mình được “lấy ra khỏi đàn”, các linh mục cũng phải nhớ mình được lấy đi từ đâu bởi vì khi quên điều đó thì chúng ta rơi vào tinh thần giáo sĩ trị. Tất cả những ai theo Đức Kitô đều được mời gọi tỏ lòng thương xót, nhưng hiển nhiên là lời mời gọi này có tầm quan trọng lớn hơn đối với những người được kêu gọi đến sứ vụ được phong chức tức là các linh mục. Có thể khẳng định rằng làm một linh mục thương xót không phải là một tùy chọn. Nó là một phần trong ơn gọi của linh mục. Các linh mục không phải là những người ném viên đá đầu tiên mà là người công bố rằng mình không lên án tội nhân, như Đức Giêsu đã làm (Ga  8,7-11).

Cũng vậy, những người dấn thân vào sứ vụ được truyền chức cũng cần một nền văn hóa giáo sĩ mà, khi phục vụ Giáo Hội cách đúng đáng, họ có thể hy sinh mạng sống mình (sáp nhập Đức Kitô với đời sống của họ) để phục vụ. Giáo Hội đang có những hoạt động nhắm đến sự đồng hành giữa giáo sĩ và giáo dân: tính “hiệp hành” (synodality), một từ yêu thích của Đức thánh cha Phanxicô, lấy lại những bước đi có thể đưa Giáo Hội trở về với lối sống và sự điều hành mà Công đồng  Vatican II khuyên răn. Trong khi kêu gọi chấm dứt tinh thần giáo sĩ trị và những yếu tố phát sinh ra nó, Đức Phanxicô kêu gọi sự chấp nhận rộng rãi tính hiệp hành như là cách thức hoạt động của Giáo Hội từ trên xuống dưới – từ giáo triều cho đến giáo xứ, giám mục cho đến giáo dân, bao gồm mọi phẩm trật trong Giáo Hội.

Khóa thường huấn kết thúc vào lúc 15g30 cùng ngày và sau đó là buổi tập luyện của đội bóng các linh mục trẻ của giáo phận để tham gia giải bóng đá Giáo sĩ Việt Nam với tên gọi “Cúp Hiệp Hành 2022-2023”. Giải đấu sẽ bắt đầu vào tháng 7 và sẽ kết thúc vào giữa tháng 10/2022.



 

 




 

Tác giả bài viết: BTH

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay27,229
  • Tháng hiện tại641,986
  • Tổng lượt truy cập28,957,355

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây