Tính trào phúng trong ca dao Phú Yên

Chúa nhật - 24/07/2022 22:17

 


Tính trào phúng trong ca dao dân gian Phú Yên được hiểu là những bài ca dao có nội dung nói về nét hài hước, bông đùa, hóm hỉnh, dí dỏm trong kho tàng văn chương bình dân sưu tầm trên vùng đất Phú Yên. Điểm dễ nhận thấy trong những tác phẩm này là lời lẽ chưa được trau chuốt, có phần hơi thô, một số bài nội dung hàm ý phê phán thói hư, tật xấu nhưng không định kiến, không ác ý mà tạo niềm vui nhẹ nhàng, sự phê phán tế nhị, gây tiếng cười sảng khoái.

 

Hình ảnh đôi vợ chồng rất phù hợp, cân đối nhau về ngoại hình là sự “khiêm tốn” chiều cao, được phản ánh qua ca dao trào phúng Phú Yên thật hóm hỉnh, tế nhị và hài hước:

Chồng lùn mà vợ cũng lùn,
Trời xui đất khiến hai cái chổi cùn gặp nhau!

Tính bông đùa, hóm hỉnh trong ca dao trào phúng Phú Yên còn thể hiện phép nhân hóa một thủ pháp nghệ thuật của thơ ca, qua đó diễn tả con vật có cảm xúc, tính cách và hành động, tâm lý như con người thật sinh động và vui nhộn:

Chiều chiều cá nhám đánh đu, 
Cá cờ hát bội, cá thu cầm chầu.
- Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt con gà đánh tranh.

Hay:

Con quạ nó đậu chuồng heo,
Nó kêu quớ mẹ bánh bèo chín chưa?
Bánh bèo đã chín hồi trưa
Mày chưa súc miệng, tao chưa cho ăn bánh bèo!

Xưa kia, cũng vì những mặt còn hạn chế mang ý thức hệ phong kiến theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nên chuyện người vợ nhiều tuổi hơn chồng cũng là lẽ thường tình. Từ thực tế cuộc sống, ca dao trào phúng Phú Yên đã phản ánh rất khách quan, trung thực mối quan hệ hôn nhân trong xã hội truyền thống. Ngày nay được đọc lại, nghe lại những bài, những câu ca dao ấy, ai nấy đều vui vẻ, cất tiếng cười sảng khoái:

Chồng lên tám, vợ mười ba,
Ngồi buồn nu nống, nu na đỡ buồn!

Hay:

Chuối non dú ép chát ngầm
Trai tơ đòi vợ khóc thầm cả đêm.
Khóc rồi mẹ lại đánh thêm,
Tiền đâu mà cưới vợ đêm cho mày.

Thật vui và nực cười với những người ham mê văn hóa, văn nghệ khi đang làm việc gì đó nghe tiếng trống chiến, trống chầu là máu mê văn nghệ nổi lên, vì bị phân tâm theo sở thích nên công việc làm xao nhãng, rối tung rối mù:

Tai nghe trống chiến trống chầu,
Sắp ba miếng kẹo lộn đầu lộn đuôi.

Hay:

Ở xa nghe hò hố bá quàng,
Muốn vô mà sửa sợ chàng hổ ngươi.
Đó hổ ngươi, đây cũng hổ ngươi.
Đó xoay mặt lại đây cười đó coi!

 

Ở bài ca dao trào phúng khác cũng có hàm ý phê phán, chê cười những thanh niên trai tráng, sức rộng, vai dài nhưng lười lao động. Trong xã hội truyền thống, một “Tiêu chuẩn” khi chọn lựa người bạn đời trăm năm được phụ nữ nông thôn Phú Yên rất chú trọng là khỏe mạnh, tính tình siêng năng, cần cù, chịu thương, chịu khó lao động. Đối với những chàng trai lười nhác, sợ khó khăn, vất vả thì sẽ bị các cô gái chê bai, có khi nặng hơn còn bị trả sính lễ:

Ăn chình mới biết chình tanh,
Gần anh mới biết rằng anh
giống chình.

Nhức xương, nhức thịt, nhức mình,
Khó khăn một chút anh kình anh rên.
Đi làm trốn dưới tránh trên,
Có đêm (đem) cây cuốc lại quên rựa rìu.

Anh hay nói ẩu nói liều,
Làm chưa biết mệt mà la mỏi mình.
Như vầy hổ với bạn bè,
Em về em quyết trả chè không ưng.

Hay:

Ăn thì ăn những miếng ngon,
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.

Thậm chí có người còn lười biếng tới mức chấp nhận nhịn đói để khỏi phải làm, lười nhác như vậy thì không còn gì để nói:

Chẳng thà nhịn đói nằm co,
Ăn no tức bụng, phải lo đi làm.

Cũng có trường hợp đôi khi lại tỏ thái độ giận hờn, bực tức một cách vô cớ vì không được người khác mời dự tiệc:

Bực mình chẳng muốn nói ra,
Muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời.

Việc giữ gìn sức khỏe chính từ chế độ ăn uống, kiêng khem, người xưa vẫn nói bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra cũng được phản ánh rất rõ qua ca dao: 

Người bệnh chẳng chịu kiêng mồm,
Làm cho thấy thuốc chạy chồn cả chân.

 Ca dao trào phúng Phú Yên còn mang hàm ý phê phán cái tiêu cực, cái lỗi thời về nhận thức, về ứng xử thiếu tế nhị trong lời ăn tiếng nói hay tình cảm nam - nữ hoặc trong mối quan hệ xã hội: 

Ăn cam mới biết mùi cam,
Lấy chồng lựa chỗ trưởng nam mau giàu.

Em ơi, đững có ham giàu,
Một trăm cái giỗ đổ lên đầu trưởng nam.

 Nhiều cảnh ngộ trớ trêu khi chàng trai này chê bai cô gái kia, sau đó “duyên phận cô gái đổi thay” hoặc chỉ là khát vọng là ước mơ về sự đổi đời của cô gái, chàng trai lại gánh chịu những điều dị nghị thật hài hước, chua cay:

Anh chê em xấu,
Em lấy thấu chồng quan,
Mai sau trát chạy về làng,
Bắt anh gánh gạch lót đàng em đi.

Lót thời lót dọc lót ngang,
Lót xung quanh thềm giếng cho nàng rửa chưn…

Từ xa xưa, những người năm thê, bảy thiếp hoặc đã có vợ con mà còn giữ thói trăng hoa bỏ bê gia đình đều bị lên án, chê trách, và cái kết thật chua xót, bản thân phải gánh chịu khổ nhục:

Một vợ thì nằm giường lèo
Hai vợ thì nằm chèo queo
Ba vợ chẳng có chuồng heo mà nằm.

Đó còn là thái độ cương quyết của người con gái không chấp nhận những gã đàn ông đã có gia đình còn giở thói trăng hoa:

Cầm sào mà gạt anh ra,
Anh đà có vợ, chẳng yêu ma nào thèm.

 Ca dao trào phúng Phú Yên còn phê phán những người không có khả năng/tài năng thật sự mà luôn “vụng chèo khéo chống, “làm ít nói nhiều”, “mồm miệng đỡ chân tay” cũng bị phê phán, chê trách:

Khéo miệng mà chẳng khéo tay
Đẽo cày ra cuốc, còn hay nỏ mồm.

Hay:

Khen ai khéo đúc chuông chì,
Dáng thì có dáng đánh thì không kêu.

Hoặc cười chê những anh nhà giàu sống ích kỷ, bo bo giữ của cho bản thân và gia đình; không biết sẻ chia, giúp đỡ người nghèo khó, không có ý thức xây dựng những công việc có ích cho làng xóm, cho cộng đồng nhưng lại thích phô trương, khoe khoang sự giàu sang về của cải, vật chất một cách hợm hĩnh, lố bịch:

Nực cười đũa bếp bịt vàng
Chuồng heo lợp ngói, lẫm làng lợp tranh.

Hay:

Anh giàu, lúa đựng bằng ve,
Ông Tí ăn hổng được, anh cũng khoe anh giàu?

 

Với những người ham mê bài bạc, cá cược, khi thua cháy túi nhìn bộ dạng thật thiểu não, chán chường. Bài ca dao trào phúng sau thể hiện rất rõ sự nhìn nhận của người đời thiếu thiện cảm với đối tượng này:

Con mèo nằm bếp cháy đuôi
Anh thua cờ bạc, đuổi ruồi không bay!

Đó còn là lời cảnh tỉnh những người bao che, dung túng kẻ xấu, tệ nạn xã hội thì hậu quả thật khôn lường:

Chứa tiền chứa bạc thì giàu
Chứa thằng ăn cướp mất đầu như chơi.

Ca dao trào phúng sưu tầm trên vùng đất Phú Yên, tuy số lượng tác phẩm không nhiều như ca dao có nội dung hàm ý về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, nhưng có ưu thế, sức mạnh riêng. Ở cung bậc thấp, ca dao trào phúng là tiếng cười vui vẻ hồn nhiên, thoải mái góp phần làm cho cuộc sống thêm vui tươi, sinh động. Ở cung bậc cao, ca dao trào phúng được ví như viên thuốc đắng dã tật giúp “chữa bệnh” một cách công hiệu những thói hư, tật xấu bằng từ ngữ nhẹ nhàng, thâm thúy. Ca dao trào phúng Phú Yên thể hiện sự thông minh, sáng tạo, linh hoạt của người bình dân về cách ứng xử mang tính giáo dục trong xã hội truyền thống, hướng tới cái tốt, cái đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc, người nghe.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay11,983
  • Tháng hiện tại100,200
  • Tổng lượt truy cập29,079,738

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây