Dấu vết lập làng ở Bình Định qua thư tịch cổ

Thứ bảy - 19/03/2022 20:13
Dấu vết lập làng ở Bình Định qua thư tịch cổ


Kể từ khi vua Lê Thánh Tông chinh Nam thu phục thành Ðồ Bàn năm 1471, chia cương vực ở đây làm phủ Hoài Nhơn, lập thêm đạo thừa tuyên Quảng Nam cho lệ vào, dấu chân lưu dân người Việt đã theo bước mà tiến vào đến dãy Cù Mông…

Hẳn là ban đầu người Việt chưa đông, chủ yếu là lính chinh Nam còn lưu lại, sau là các trọng tội bị đày vào đây cho làm lính. Mùa hạ, tháng 4, ngày 22 niên hiệu Hồng Đức thứ 5 (năm 1474), vua Lê Thánh Tông có sắc chỉ: “Tù nhân bị tội lưu, ở châu gần thì sung làm quân vệ Thăng Hoa (Quảng Nam), ở châu ngoài thì sung làm quân vệ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), ở châu xa thì sung làm quân vệ Hoài Nhân (Bình Định), những kẻ được tha tội chết cũng sung làm quân vệ Hoài Nhân”.

 
 
Đến thời Lê nhiều khả năng người Việt sống xen lẫn cùng với người Chiêm, sự cộng cư giữa hai dân tộc còn lưu lại dấu vết đến nay có thể nhìn qua ngôn ngữ, địa danh.
- Trong ảnh: Tháp Phú Lốc (hay còn có các tên gọi khác là: Thốc Lốc, Phốc Lốc), các nhà khoa học Pháp thường gọi là tháp Vàng (Tour d’Or). Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
 
Gần 100 năm sau, qua Ô Châu Cận Lục biên soạn năm 1553 cho thấy vùng Thuận Hóa, từ đèo Ngang cho đến đèo Hải Vân đã thuộc Đại Việt từ đầu thế kỷ XIV thời nhà Trần, nhưng nơi đây vẫn còn tình huống: “Người La Giang nói tiếng Chiêm. Đàn bà Thủy Bạn (nay thuộc Kim Trà - Huế) thì  mặc áo Chiêm…”.

Thế thì vùng đất mà ngày nay là Bình Định vào thời Lê nhiều khả năng người Việt sống xen lẫn cùng với người Chiêm. Sự cộng cư giữa người Việt người Chiêm còn lưu lại dấu vết đến nay có thể nhìn qua tên cây cầu trên QL19 ở km51+152m tại thôn Tả Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn - cầu Ba La. Hẳn đó là biến âm của palei, với ngôn ngữ của người Chiêm nghĩa là làng, và thật ra tên gọi Ba La cũng xuất hiện khá nhiều ở một số nơi khác, ở ngoại ô TP Quảng Ngãi có địa danh ngã năm Ba La là một ví dụ. Đến lúc Nguyễn Hoàng vào Nam, người Việt mới đủ điều kiện lập ấp lập làng cho người Việt.

Năm Mậu Tý 1648, thủy binh Trịnh ở Đàng Ngoài xâm phạm Nhật Lệ, Nguyễn Phúc Tần vâng mệnh Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đem quân ra Quảng Bình phá tan, bắt được 3 vạn quân Trịnh. Theo lệnh Chúa số hàng binh này được đem rải khắp xứ Quảng Nam, cứ 50 người làm một ấp, cấp lương cho ăn. Nhờ đó bấy giờ miền “Thăng Điện (Thăng Bình và Điện Bàn) đến Phú Yên, làng mạc liền nhau”.

Năm 1655, quân của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần lấn ra ngoài sông Gianh chiếm được 7 huyện phía Nam sông La, 5 năm sau khi rút về Nam quân Nguyễn mang theo rất nhiều dân Nghệ An, sau đưa đi khẩn hoang ấp Tây Sơn Nhất ở huyện Tuy Viễn, trong số đó có tằng tổ của ba anh em nhà Tây Sơn.

Có thể hình dung được bấy giờ người Việt ở phủ Hoài Nhơn đã bước ra khỏi những làng cũ của người Chiêm, bắt đầu khai khẩn lập ấp của riêng mình.

Đời Lê Dụ Tông năm Bảo Thái thứ nhất - Canh Tý 1720, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đi vào xứ Quảng Nam, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên chia lập ấp thuộc. Ngày xưa Tổng là vùng liên kết địa phận các thôn xã mà cư dân đã lập làng, sống ổn định đã lâu đời. Thuộc là vùng mới khai phá, vỡ hoang ven rừng núi, dọc bờ biển. Khi đã ổn định, Thuộc có thể chuyển hóa thành Tổng.

Như vậy có thế thấy đến thời điểm này chính quyền trung ương bắt đầu can thiệp, thiết lập bộ máy hành chính, tổ chức quản lý các vùng đất mới, chấm dứt trạng thái lửng lơ. Đến năm 1726, chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú lại sai Ký lục Chính dinh Hòa Đức Hầu là Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, đây thực chất tổ chức, tu chính bộ máy cầm quyền địa phương. Đại Nam Thực Lục mô tả điều này khá rõ nét: “Sai Ký lục Chính dinh là Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định rõ chức lệ cho các thuộc mới lập”.

 
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 16 ghi về tên gọi và địa giới hành chính của Bình Định dưới triều vua Gia Long. 
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Thực Lục còn cho biết đất Bình Định bấy giờ có 13 thuộc, mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại. Phàm thuộc có 500 người trở lên thì đặt 1 Cai thuộc với 1 Ký thuộc, 450 người trở xuống thì đặt 1 Ký thuộc, 100 người trở xuống thì đặt 1 Tướng thần. Đến khi Gia Long lập Địa bạ 1815, Bình Định có 7 tổng và 6 thuộc, dấu vết 13 thuộc thời chúa Phúc Chú đã có 7 thuộc đủ điều kiện chuyển hóa thành tổng, trong đó 3 tổng của Bồng Sơn, 3 tổng của Phù Ly, và 1 tổng của Tuy Viễn. Cấp hành chánh phủ huyện ở Bình Định đã có từ thời Lê, nhưng với tổng thuộc xã thì đến thời chúa Phúc Chú mới định hình rõ nét, mới thấy thôn ấp đã ổn định, cư dân mở đất đã có chính quyền kề bên.

Ấp thuở mới lập được phân loại làm Ấp Chánh hộ và Ấp Khách hộ, để phân biệt mức thuế điền thổ cũng như tiền sai dư (thuế thân). Bên cạnh phân nhân đinh trong hộ theo các hạng: Tráng (từ 18 tuổi đến 55), quân, dân, lão (từ 55 đến 60), tật (tàn tật), cố (làm thuê), cùng (nghèo khốn), đào (bỏ trốn)… để dùng cho các kỳ duyệt dân tuyển lính. Dân địa phương lâu đời đã ổn định (ấp chánh hộ) phải nộp thuế cao hơn, đóng góp sưu dịch nhiều hơn so với ấp khách hộ, nơi mà người khai phá mở đất còn phải luôn xê dịch hết vùng nầy đến vùng nọ.

Sự tổ chức thôn ấp ở Bình Định ngay từ khi lập làng đã chặt chẽ, đến khi Tây Sơn khởi nghiệp đã chín muồi. Dễ hiểu vì sao ba anh em nhà Tây Sơn chẳng khó khăn gì mà biên cả Ấp làm Đội, tổ chức quân đội thành Chi, Hiệu đủ sức đương đầu quân Nam ở Gia Định, quân Bắc ở Thăng Long, lân bang cũng phải bạt vía kinh hồn.


 

Tác giả bài viết: Phan Trường Nghị

Nguồn tin: http://www.baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay17,321
  • Tháng hiện tại317,979
  • Tổng lượt truy cập29,297,517

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây