Lời tự bạch của Bông Hồng Nhỏ

Thứ bảy - 05/02/2022 03:02

Lời tự bạch của Bông Hồng Nhỏ

Khoảng 8 giờ 30 sáng mùng 1 một tết Nhâm Dần-2022, tôi rất vui được cha Trăng Thập Tự và nhà văn Hoài Nam đến chúc tết chơi xuân. Sau lời chúc tốt đẹp đầu năm, chúng tôi trao đổi với nhau về cuốn sách: HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1632-2032) LM. TRĂNG THẬP TỰ - MIC BÙI CÔNG THUẤN Chủ biên. Cuối giờ trao đổi Lm. Trăng Thập Tự đề nghị tôi viết một bài về Bông Hồng Nhỏ.

Bản thân Em - Bông Hồng Nhỏ mới ra đời được hai năm, phát hành được 24 số thì kể từ đầu năm 2022 tạm đình bản nên rất ngại nói về mình. Thế nhưng, vâng lời hơn của lễ Em cố gắng viết vài dòng về mình mong quý vị đón nhận, cảm thông với những thao thức của Em.

Quý vị ơi! Em có một người anh là Mục Đồng vừa bước sang tuổi thứ 6, còn Em mới chào đời năm 2019. Cả hai Anh Em được Mẹ Qui Nhơn sinh ra. Trong thời gian hai tuổi em đã phục vụ một ít anh chị lớn hơn em 5-7 tuổi trong 27 Giáo phận của đất nước hình chữ S em yêu. Nhờ đó em được nghe các bậc cao niên nói về ba danh xưng: Tuổi Hoa, Thằng Bờm và Thiếu Nhi.

1. Tuổi Hoa là tờ báo “ra mắt tháng 6-1962, lúc đầu là nguyệt san, sau thành bán nguyệt san, hoạt động gần tròn mười ba năm, cho đến số cuối cùng 233. Tòa soạn báo đặt tại 38 Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn, do linh mục Chân Tín làm chủ nhiệm, Nguyễn Trường Sơn làm chủ bút. Với tiêu ngữ “Vui – Trẻ – Đẹp – Xây dựng”. Báo Tuổi Hoa dành phần lớn số trang cho sáng tác văn học thiếu nhi, gồm thơ, truyện ngắn, truyện dài, truyện tranh... cùng những bài phổ biến kiến thức khoa học, ngợi ca gương danh nhân...”[1].

 


2. Thằng bờm là Tuần báo do nhà văn Nguyễn Vỹ làm Chủ Nhiệm, phát hành số đầu tiên vào tháng 2-1970 với tiêu đề “Tuần báo hướng dẫn giáo dục thiếu nhi Việt Nam”. Tuần báo này chủ trương phát huy nếp sống tốt đẹp theo truyền thống văn hóa dân tộc cho thiếu nhi, lứa tuổi cần được tiếp thu một nền giáo dục lành mạnh. Do đó, tờ báo đã đi sâu vào sinh hoạt của thiếu nhi đến độ tại Sài Gòn thuở ấy đã có vài nơi tổ chức gia đình Thằng Bờm sinh hoạt vào những ngày Chủ nhật, thỉnh thoảng ông Chủ Nhiệm tờ báo đến dự một vài nơi. Bằng chứng rõ ràng nhất là Thằng Bờm số 1 và số 2 đã phải in lại theo yêu cầu của nhiều vị phụ huynh và của cả độc giả thiếu nhi([2]).
 


3. Thiếu Nhi là Tuần báo do ông Hùng Trương (chủ nhà sách Khai Trí) sáng lập năm 1971, và có một người đồng hành không thể thiếu; là linh hồn của tuần báo này, chính là nhà văn Nhật Tiến([3]).

Cho đến nay, có thể có nhiều thiếu nhi miền Nam trước năm 1975 vẫn còn nhớ lại một trời tuổi thơ gắn bó với tuần báo này mà học được bao điều lạ, nhiều kiến thức mới mẻ do các nhà văn, nhà báo tâm huyết biên soạn. Tờ báo hấp dẫn đến độ cứ mỗi Chủ nhật hàng tuần có rất nhiều thiếu nhi nôn nao chờ được cha mẹ mua cho tờ báo dành riêng cho lứa tuổi của mình. Tuần báo Thiếu Nhi

 


Thú thật, Em rất kính nể sức phục vụ đầy hiệu quả của Bán nguyệt san Tuổi Hoa, Tuần báo Thằng Bờm và Tuần báo Thiếu Nhi. Các Bác ấy đã để lại trong lòng độc giả những kỷ niệm khó phai. Chẳng hạn Giáo sư, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương: “Là người đọc sách Tuổi Hoa từ khi còn đi học ở một vùng quê miền Trung, tôi có thể tự tin mà nói với các bạn rằng những cuốn sách này là một phần kỷ niệm thời niên thiếu của tôi, khiến bây giờ gặp lại lòng thấy hân hoan như gặp những người thân yêu thời thơ dại mà mình từng sẻ chia, tin cậy. Đời người như cây, trước khi cho quả là lúc kết nụ, nở hoa, tỏa hương khoe sắc. Muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp một thời không quay lại, bạn hãy làm quen với tủ sách này để có thể cảm nhận những bông hoa thời niên thiếu đang nở giữa lòng mình”[4].

Khi nhắc đến Tuần báo Thằng Bờm thì có người nói: Ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, do có được tự do báo chí nên nhiều nhà văn nổi danh thời ấy cũng cho ra mắt nhiều tờ báo dành riêng cho độc giả thiếu nhi mà ngày nay những “độc giả nhí” thời ấy cũng tầm trên 60 không thể nào quên những tờ báo dành cho lứa tuổi còn “mài đủng quần” trong ghế nhà trường như tờ Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Tờ Thiếu Nhi của Nhật Tiến…

 Rất đáng buồn là khi Tuần báo Thằng Bờm vừa tròn một tuổi thì “cha đẻ” ra tờ báo này là nhà văn Nguyễn Vỹ đã đột ngột qua đời vì tai nạn xe hơi tại Long An vào ngày 04/02/1971. Tuy nhiên những người cộng sự của ông vẫn tiếp tục thực hiện tâm nguyện dở dang của Nguyễn Vỹ cho đến khi Sài Gòn bị sụp đổ vào tháng 4/1975”[5].

Còn Em – Bông Hồng Nhỏ, năm 2019 Em mới được sinh ra cũng cùng ước mơ của các Bác ấy.

Bông Hồng Nhỏ chào đời:

  1. Thời kỳ “thai nghén”

Từ năm 2016, cha Trăng Thập Tự và cha Cát Đen đã ấp ủ em trong lòng và muốn sinh Em ra để phục vụ độc giả tuổi thiếu nhi, nhưng vì “mưa chưa thuận, gió chưa hòa” nên sau cuộc thi sáng tác cho tuổi thơ do Ban văn hóa Giáo phận Qui Nhơn tổ chức Em mới được chào đời.

  1. Ngày Em chào đời

Em ra đời trong niềm vui vỡ òa của những người cưu mang Em. Em được bao bọc, chở che của anh hai Giêsu, chị ba Tiên sa và anh tư Phan Sinh. Em chăm sóc Mảnh vườn của nhí, tham gia câu lạc bộ Nhi-Nhô-Nhí với sứ mạng nhỏ bé đơn sơ là giúp các anh chị thiếu nhi biết lắng nghe, vâng lời, tập thói quen đọc sách, phát triển kỹ năng văn chương, hội họa, biết suy tư… ngoài ra Em còn giúp các anh chị ấy sống lời Chúa và hình thành nhân cách Kitô hữu của mình là tôn thờ Thiên Chúa và yêu mến mọi người.
Em muốn đi nhiều nơi, đến thăm từng nhà để được kết thân với anh chị thiếu nhi càng nhiều càng tốt; Em muốn vươn đến tối đa để vườn Hồng của Chúa được đa sắc, đa hương nhưng chưa làm được. Em nghĩ chắc mình còn khiếm khuyết, vụng về ở vài điểm nào đó. Em cần bình tâm dừng lại để xét mình và cố gắng biến đổi.

  1. Dừng chân và ước mơ được đổi mới trong tương lai

Em dừng chân không phải nghỉ ngơi mà đi vào sa mạc xin ơn đổi mới: mới về hình thức cả nội dung. Để được điều này Em theo anh hai Giêsu vào hoang địa, nơi thanh vắng dễ gặp Thiên Chúa và gặp lại chính mình. Em biết nơi ấy thiếu những nhu cần cần thiết cho cuộc sống thì sẽ dễ bị cám dỗ dẫn đến bỏ cuộc. Thế nhưng, Em ý thức không gian đó, thời gian đó là cần thiết, vì muốn được đổi mới cần có chay tịnh, cầu nguyện và sống kết hợp với Thiên Chúa. Như anh hai Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Anh được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ nhưng đã chiến thắng([6]). Sau đó Anh công khai đi loan báo Tin mừng, tuyển chọn các Tông đồ. Bây giờ Em muốn theo Anh hai Giêsu vào sa mạc ăn chay cầu nguyện, bồi đắp tình yêu, nạp thêm năng lượng nhiệt thành. Em hy vọng sau thời gian này sẽ mặc được chiếc áo mới với chất liệu tốt nhất để được anh chị thiếu nhi yêu quý và đón nhận.

  1. Chiếc áo Em mơ

Chiếc áo Em mơ chính là tuyển tập Bông Hồng Nhỏ được phát hành trở lại với mục tiêu:  

  • Phát triển đức tin, hình thành nhân cách Ki-tô hữu thông qua việc tìm kiếm sự hiện diện của Chúa trong đời sống mỗi ngày.

  • Phát triển nhận thức về thế giới tự nhiên và đời sống xã hội bằng cách giúp anh chị thiếu nhi hình thành tình yêu với tri thức, luôn tìm tòi khám phá, ghi nhớ sự vận động của thế giới xung quanh và vận dụng kiến thức vào sinh hoạt hằng ngày một cách linh hoạt.

  • Phát triển ngôn ngữ, cụ thể là phát triển kỹ năng đọc và viết. Từng bước giúp anh chị thiếu nhi hoàn thiện việc viết câu, viết đoạn và diễn đạt mạch lạc bằng tiếng Việt. Giúp anh chị thiếu nhi tự tin trình bày suy nghĩ, làm giàu vốn từ vựng và bước đầu hình thành khả năng cảm thụ cái đẹp trong ngôn ngữ, ví dụ như cảm nhận nhịp điệu của một bài thơ hay cảm nhận giọng văn từ một truyện ngắn…  

  • Phát triển tình cảm và các kỹ năng xã hội, cụ thể như tự tin, tự lập, biết tôn trọng mọi người, tôn trọng thế giới tự nhiên, biết yêu thương, quan tâm, hợp tác, biết chia sẻ trách nhiệm với những người xung quanh…

  • Phát triển thẩm mỹ cụ thể như cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên hay vẻ đẹp của một bức tranh, một câu chuyện và dũng cảm thể hiện cảm xúc sáng tạo của anh chị thiếu nhi.  

  • Phát triển thể chất và tâm lý, cụ thể là có kiến thức về sức khỏe, biết giữ gìn và bảo vệ an toàn cho bản thân, biết cách làm cho cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn, biết cách kiềm chế bản thân mỗi khi nóng giận, biết cách vượt qua nỗi sợ…

 

BỐ CỤC
TUYỂN TẬP BÔNG HỒNG NHỎ

Bông Hồng Nhỏ gồm 24 trang nội dung, sẽ được chia thành 7 mục nhỏ:

1. Thế Giới Diệu Kỳ (4 trang)
Giúp anh chị thiếu nhi khám phá sự kỳ diệu của thế giới xung quanh dưới góc nhìn khoa học trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo trời đất, muôn vật, con người và thiên thần.  

Ngoài việc khám phá về thế giới tự nhiên, chuyên mục này cũng sẽ cung cấp cho anh chị thiếu nhi kiến thức về công nghệ, kỹ thuật hay kiến thức cơ bản về các nền văn minh trên thế giới.

Chuyên mục sẽ kết thúc bằng lời tạ ơn, cầu nguyện và động viên anh chị thiếu nhi vận dụng kiến thức vào sinh hoạt hằng ngày để khám phá nhiều hơn nữa những điều kỳ diệu từ thế giới xung quanh.  

Nguồn tham khảo để viết bài: Cuốn sách How Great Is Our God 100 Indescribable Devotions About God and Science và Sách báo khoa học dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

2. Vườn Sáng Tác (8 trang)
Giới thiệu truyện ngắn, truyện tranh, thơ, kịch, ...  
Truyện ngắn sẽ bao gồm:
+ 1 truyện ngắn hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng, vui vẻ, kịch tính và mang nhiều giá trị giải trí;
+ 1 truyện ngắn hướng đến giáo dục nhân cách, tâm hồn mang nhiều suy tư gợi mở để anh chị thiếu nhi hướng vào những suy nghĩ sâu sắc như ước mơ, nghị lực.

3. Cầm Bút Lên Và Viết (3 trang)
Xây dựng kỹ năng viết cho anh chị thiếu nhi.  
Sử dụng nguồn tài liệu luyện viết phong phú từ viết câu viết đoạn đến viết bài văn. Hình thành phong cách viết như thế nào? Lựa chọn từ ngữ thế nào? ... Mỗi số chỉ tập trung vào một việc rất nhỏ kèm theo ví dụ và gợi ý để anh chị thiếu nhi vận dụng viết ngay.  
Ngoài ra, còn giúp anh chị thiếu nhi hình thành khả năng thưởng thức cái hay cái đẹp của ngôn ngữ trong văn thơ.  

4. Nhật Ký Cầu Nguyện (3 trang)
Giới thiệu một lá thư ANTONIETTA MEO hoặc một bài thơ nhỏ để cầu nguyện bằng hai ngôn ngữ Anh – Việt. Ghi chú và giải thích một số từ vựng Tiếng Anh và hướng dẫn anh chị thiếu nhi thực hành.  

5. Hôm Nay Mình Đi Đâu nhỉ (3 trang)
Đây là một chuyên mục rất linh hoạt. Bông Hồng Nhỏ sẽ giới thiệu một địa danh nổi tiếng, hay một nhà thờ, một nhà nguyện, một hoạt động truyền thống, hay một giáo xứ…

Địa điểm và nhân vật sẽ thay đổi theo số để gây bất ngờ cho anh chị thiếu nhi, có thể anh chị thiếu nhi sẽ được xuyên không gian, xuyên thời gian để gặp gỡ những vị Thánh, những nhân vật lịch sử, cũng có thể anh chị thiếu nhi sẽ được trò chuyện với một “sao” nhí nào đó, hoặc hòa mình vào không khí lễ Giáng sinh hay Phục sinh tại một gia đình hay một giáo xứ…   
Nguồn tin bài linh hoạt theo cuộc sống.

6. Cùng Nhau Lớn Lên (2 Trang)
Chuyên mục này cung cấp kiến thức về sức khỏe, tâm lý, giới tính để cùng anh chị thiếu nhi gỡ rối những vấn đề hóc búa và phát triển một cách lành mạnh.
Nguồn tham khảo gợi ý để viết bài: Cuốn sách Siêu nhí hỏi nhà khoa học trả lời và các sách báo về sức khỏe, tâm lý lứa tuổi tiểu học khác.
Trong chuyên mục này, anh chị thiếu nhi cũng sẽ được nghe giảng giải kỹ các khái niệm mà có thể anh chị thiếu nhi mơ hồ như thế nào là kiên nhẫn, thế nào là thành thật, thế nào là đạo đức, thế nào là keo kiệt… 
Trong chuyên mục này anh chị thiếu nhi được thoải mái tâm sự và được khuyến khích gửi câu hỏi hoặc tâm sự của mình đến cho Ban biên soạn Bông Hồng Nhỏ để cùng nhau giải đáp, cùng nhau lớn lên.

7. Học Mà Chơi – Chơi Mà Học (1 Trang)
Mỗi số sẽ có một câu đố toán học trí tuệ, hoặc một trò chơi ô chữ, một chuyện cười, một mẹo vặt hoặc một mục Khéo tay hay làm để giúp anh chị thiếu nhi thư giãn một cách thú vị và ý nghĩa.
Trong phạm vi 1 trang, chuyên mục có thể đăng 1 trong số các nội dung trên hoặc kết hợp 2-3 nội dung tùy theo số.   

Ghi chú: Kết thúc mỗi chuyên mục đều có lời tạ ơn, cầu nguyện cho chuyên mục được phát triển hơn và mời gọi bạn đọc gửi bài cộng tác cho chuyên mục.
Tất cả các chuyên mục sẽ có hình ảnh minh họa tùy theo nội dung.
Trên đây là những lời tự bạch của Em trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần-2022. Em ước mong quý vị, đặc biệt là anh chị thiếu nhi cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho em trong thời gian sa mạc này. Em tin quyền năng của Chúa và tình thương của mọi người, sẽ giúp Em sớm hoàn thành thời gian sa mạc; đi thăm, ở lại nhà anh chị thiếu nhi và để lại trong lòng độc giả những ấn tượng đẹp khó phai.  

Trước khi tiếp tục đi vào thinh lặng Em mời anh chị thiếu nhi và quý vị cùng:
CUNG kính mời nhau chén rượu nồng
CHÚC mừng năm đến, tiễn năm xong
TÂN niên phúc lộc khơi vừa dạ
XUÂN mới tài danh khởi thỏa lòng
VẠN chuyện lo toan thay đổi hết
SỰ gì bế tắc thảy hanh thông
NHƯ anh, như chị, bằng bè bạn
Ý nguyện, duyên lành, đẹp ước mong[7].

                                                                       Vườn Vông, mùng 4 tết Nhâm Dần-2022

                                                                               Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang

 


[1] https://www.vanthoconggiao.net/2017/07/tu-sach-tuoi-hoa.html

[2] http://hoainiemngayxua.blogspot.com/2016/01/tuan-bao-thang-bom-cua-nguyen-vi.html

[3] https://nhavannhattien.wordpress.com/nha-van-nhat-tien-va-tuan-bao-thieu-nhi-saigon-xua/

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1n_nguy%E1%BB%87t_san_Tu%E1%BB%95i_Hoa

[5] Nguồn: Fb Miền Nam Việt Nam - Trước 1975 - Hoài Nguyễn

[6] Xem (Lc 4,1-13)

[7] https://www.facebook.com/ChoToiXinMotVeDiTuoiTho.NguyenNhatAnh/posts/361099447249311/

Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang

 Tags: văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay14,037
  • Tháng hiện tại340,204
  • Tổng lượt truy cập29,319,742

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây