Trang mới   https://gpquinhon.org

Một Chút Tĩnh Lòng Mùa Vọng

Đăng lúc: Thứ tư - 16/12/2015 17:49
Advent the Two Comings of Jesus

Mùa Vọng đến, thời gian đi nhanh hơn mình tưởng. Mùa này thường bận nhất, nhiều lúc quên đi chuyện tâm hồn. Bạn nhé ! Ta cùng nhau lên internet, ôn lại câu chuyện cũ khi Chúa Giêsu giáng trần để thấy thái độ của con người thời ấy đón tiếp Chúa ra sao? Một chút tĩnh lòng có lẽ không đủ để biết rõ chính mình, với những gốc khuất, đôi lúc ta ngỡ ngàng khi phát hiện ra nó. Nhưng nếu có nhiều “chút tĩnh lòng” góp lại, với ơn Chúa giúp, hy vọng ta sẽ có một máng cỏ đẹp trong tâm hồn làm nôi dành cho Chúa, Giêsu Kitô Chúa của chúng mình.
 
Trở về quá khứ, hơn 2000 năm trước, Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần trong hang chiên lừa, chắc chắn không thơ mộng vui nhộn như bây giờ, mỗi năm khi Giáng Sinh về, đó đây làm hang đá, cây thông, treo lồng đèn rất đẹp. Trái lại, Con Thiên Chúa sinh ra giữa chốn trần gian đầy nỗi niềm cay đắng, lo âu vì không được đón tiếp. Thánh Gioan nói rõ : “Ngài đến trong nhà của Ngài nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”[1]; còn thánh sử Luca thì viết : “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” [2] Bạn và tôi thử đặt mình vào trong hoàn cảnh đó, tức là lúc ta đang ngặt nghèo, cầu cứu lại bị từ chối, cuối cùng chỉ một mình bơ vơ thì sẽ lo âu buồn phiền đến mức nào?!...
 
Câu chuyện Giáng Sinh với hình ảnh máng cỏ, hang lừa là câu chuyện Chúa Giêsu chào đời bị từ chối. Ngaì bị từ chối do người ta không biết Ngài, và do người ta hiểu sai Ngài như vua Hêrôđê sợ bị mất ngôi vua của mình. Hôm nay, cả thế giới đều mừng đón Noel, nhưng câu chuyện Chúa Giêsu bị từ chối vẫn cứ tiếp tục diễn ra nơi nhiều người. Đối với người ngoài, họ từ chối đón nhận Chúa Giêsu vì có thể do thiếu những chứng tá đời sống của người Kitô hữu, tức là thiếu vắng những người tin Chúa sống tốt làm đánh động lòng họ. Cũng có thể do không biết rõ về Chúa, vì không ai nói cho họ biết về Ngài. Nhưng đáng buồn hơn, là khi nhìn lại mình liền thấy : dù ta tin Chúa nhưng có quá nhiều lúc ta không đón tiếp Ngài. Hãy tự xét lại lòng mình xem ta đã đối với Chúa thế nào?...
 
Tĩnh tâm là cơ hội cho ta thấy rõ mình đã sống với Chúa làm sao? Cách riêng với Chúa đang hiện diện nơi người đau khổ như Đức Thánh Cha Phaxicô đã chỉ: “Chúa Ki-tô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. Thân xác của Ngài đang tái trở nên rõ ràng trong bất cứ thân xác nào đang bị hành hạ, đang bị gây tổn thương, đang bị đánh đập, đang bị thiếu dinh dưỡng và đang bị ép buộc phải trốn chạy…, để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo.” [3]
 
Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến với con giờ này, ban cho con ơn soi sáng của Chúa, để con thấy rõ bản thân mình : Chúa có thật là quan trọng nhất của đời con không? Trái tim của con là trái tim nhân hậu của Chúa, hay nó là trái tim hiểm độc, ích kỷ, thù hận, gian tà, vô tâm, cay nghiệt, kiêu căng không một chút từ bi thương xót?Một trái tim có chỗ hay không có chỗ dành cho Ngài?!
 
Câu chuyện Giáng Sinh là câu chuyện Chúa bị từ chối, vậy mà đã làm cho cả thế giới ngày càng quan tâm, bởi vì ơn thánh Chúa tuồn tràn, ơn của Chúa mạnh hơn cái xấu xa tội lỗi của con người. Những ai đón nhận Chúa thì được biết Chúa dịu ngọt và kỳ diệu cứu giúp mình làm sao! Chính vì vậy, trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, ngay ở số đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết : “Niềm vui Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu”. Sang số 3, Đức Thánh Cha kêu mời “mọi Ki tô hữu ở nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, ngay lúc này, hãy đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô”. Đức Thánh Cha nhắn nhủ mọi người “ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình”, và ngài xin mỗi người Ki tô hữu “không ngừng đi tìm Chúa mỗi ngày.”
 
Ở thời điểm này của Mùa Vọng, lời mời gọi của vị ngôn sứ ngày xưa lại trở nên giục giã hơn : “Hãy dọn sẳn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng”[4]. Mạnh mẽ như vậy, quyết liết như thế thì tôi là ai mà còn chần chừ không lo dọn tâm hồn chờ Chúa đến.
 
Ngoài điều quan trọng là nội tâm mình có Chúa, lời của vị Tiền Hô tức là thánh Gioan Tẩy Giả cho ta biết những việc cần làm rõ như ngửa bàn tay : “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” tức là bác ái ; “đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” tức là ngay thẳng không gian tham ; “chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” tức là hiền lành và giữ đức công bằng [5].
 
Điều cần lưu ý là Vị dọn đường cho Chúa Giêsu không có một bài chung để tất cả thực hành mà có bài riêng cho các đối tượng. Tại sao phải riêng? Suy gẫm việc này giúp ta thấy rõ : dọn tâm hồn chờ đón Chúa không chỉ xét mình chung chung, nhưng cần biết cái xấu nhất trong ta là gì?
 
Ít phút tĩnh tâm qua nhanh chỉ như cái trở mình khi ta ngủ say không đủ làm thức giấc. Trong đời sống nội tâm cũng vậy, chỉ thế này thôi chắc không đủ để kéo ta ra khỏi tình trạng đang mê những chuyện cuộc đời. Vì thế, trong những ngày chờ đón Chúa, dù ta ở đâu, làm gì hãy luôn thì thầm lời cầu nguyện :
 
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa có là quan trọng nhất của đời con không ?
Lối sống của con là của thế gian hay của Tin Mừng?...
 
 

[1] (Ga 1,11)
[2] (Lc 2,7)
[3] ĐTC. Phanxicô. Tông Sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót (Misericordiae Vultus). Số 15.           
[4] (Lc 3,4b-5)
[5] (x. Lc 3,10-14)
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt CSsR
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 18
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 131334
  • Tổng lượt truy cập: 12275594