Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Gioan Tông Đồ

Đăng lúc: Thứ tư - 25/12/2013 12:04
LỄ THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ (27/12)
(1 Ga 1- 4; Ga 20, 2 - 8)




Lễ Thánh Gioan Tông đồ được đặt trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh và được xếp tiếp liền sau lễ Thánh Stêphanô tử đạo đầu tiên của Giáo Hội (26.12). Điều đó Giáo Hội muốn nhấn mạnh đến 2 chứng nhân đầu tiên của Giáo Hội: Một Stêphanô chứng nhân tử đạo dùng máu đào của mình để chứng minh đạo Chúa và một Gioan trong trắng chứng nhân sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa Kitô.

Thánh Gioan đã để lại cho Giáo Hội Phúc Âm thứ tư, ba lá thư và sách Khải Huyền.

Ngài là em của Thánh Giacôbê Tông đồ, xuất thân từ gia đình ngư phủ Dêbêđê. Thánh nhân là một Tông đồ nổi bật trong nhóm 12 và được mệnh danh là môn đệ Chúa yêu.

Thánh lễ mừng kính Thánh Gioan hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta đọc lại lá thư thứ nhất của Ngài chương 1, từ câu 1 đến câu 4. Thánh nhân làm chứng về Ngôi Lời mà Ngài đã thấy tận mắt, nghe tận tai và được sờ tận tay: Đó là Đức Giêsu Kitô Con Một của Chúa Cha, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thánh nhân muốn loan truyền niềm vui đó cho mọi người để cùng được hiệp thông vào sự sống đời đời.

Chúng ta sẽ suy niệm về 3 chủ đề sau đây:

1. Chứng nhân của Ngôi Lời.
2. Chứng nhân của Tình Yêu.
3. Chứng nhân biến cố Phục Sinh.

A/ Chứng nhân về Ngôi Lời:

Ta thấy Ngài có một cảm nghiệm sâu xa về Ngôi Lời,"Lời tựa" Phúc Âm của Ngài đưa chúng ta vào một thế giới vừa siêu hình, linh thiêng vừa cụ thể: Một vị Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình và đang ngự giữa chúng ta: Emmanuel. Ánh sáng của sự thật chiếu soi cho mọi người nhìn thấy ơn cứu độ. Cảm nghiệm sâu xa về Ngôi Lời của Ngài có lẽ không ai có được và không ai có thể so sánh được. Đúng như người ta đã nói muốn hiểu được Thiên Chúa siêu việt linh thiêng và cụ thể như thế nào ta không thể không đọc Phúc Âm thứ 4 của Ngài. Phúc Âm của Ngài hầu như dẫn chúng ta vào thế giới linh thiêng mầu nhiệm của Thiên Chúa nhưng vừa lại rất hữu hình.

Mỗi tác giả sách Tin Mừng có một cái nhìn độc đáo về Mầu Nhiệm Đức Giêsu và sứ mạng của Người đối với nhân loại. Riêng Thánh Gioan thì có một cảm nghiệm sâu xa và linh thiêng về Đức Giêsu Ngài là Ngôi Lời hiện hữu từ muôn đời trong Thiên Chúa (Ga1,1-2) trở nên Người phàm (Ga1,14). Người được Chúa Cha sai xuống thế gian để thực hiện sứ mạng cứu độ loài người.

Người là Lời của Thiên Chúa và Người cũng là Thiên Chúa.

Gioan đã khai triển Ngôi Lời: Thiên Chúa tự bản chất là vô hình, Người chỉ phán, chỉ nói bằng lời và Ngài không bao giờ hiện hình. Thiên Chúa phán với ông bà nguyên tổ (St 3, 8-15); Thiên Chúa phán với Apraham (St 12, 1-7): Thiên Chúa phán với Môisen (Xh 3, 1- 6) và Thiên Chúa phán qua các vị ngôn sứ. Sau hết Ngài phán và hiện thân nơi chính Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa (Logos). Lời đã trở thành xác thịt có hình hài của một con người như bao con người chỉ trừ tội lỗi.

Ngôi Lời là ánh sáng đến chiếu soi cho nhân loại u tối nhưng nhân loại không nhận ra Ngài (Ga 1, 10-11).

Phúc Âm của Ngài còn nói về mối tương giao giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đọc lại các chương 14, 15, 16, 17 ta thấy Chúa Giêsu đã đồng hóa Ngài với Thiên Chúa Cha vô hình "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha... Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy" (Ga 14, 9-11). Và Ngài với Ngôi Ba Thiên Chúa: Thần Chân Lý sẽ làm chứng về Thầy "Người sẽ tôn vinh Thầy vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16, 14-16).

B/ Chứng nhân tình yêu:

Tông đồ Gioan là người trẻ nhất trong 12 Tông đồ là người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến nhiều hơn những người khác. Thánh nhân luôn hiện diện bên cạnh Chúa Giêsu trong những lúc đặc biệt và quan trọng nhất như: Biến cố biến hình trên núi Tabo; Cầu nguyện nơi vườn cây dầu; kề bên Chúa trong bữa tiệc ly và ngã đầu vào ngực Chúa; Hiện diện dưới chân Thập Giá và là một trong 2 môn đệ được chứng kiến đầu tiên ngôi mộ trống. Tin Mừng gọi ông là Người Chúa Giêsu yêu vì ông đã yêu Chúa nhiều. Tình yêu đích thực luôn có một sự đối xứng giữa người cho và người nhận. Thánh nhân không thể có được tình yêu nếu Thiên Chúa đã không yêu mến ông trước và ông không thể được gọi là người môn đệ Chúa yêu nếu nơi Gioan không có sự đáp trả một cách tích cực, sâu xa. Chính trong tình yêu sâu xa ấy mà Gioan là người đầu tiên có được Đức Tin mạnh mẽ để cảm nhận và tin rằng Chúa Giêsu đã Phục Sinh như lời đã hứa khi chứng kiến ngôi mộ trống. Trong 4 Phúc Âm, Phúc Âm của Ngài nói nhiều về tình yêu: Tình yêu giữa Ngài với các môn đệ, "Anh em là bạn hữu của Thầy...Thầy không gọi anh em là tôi tớ nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy"(Ga15, 15). Tình yêu giữa các môn đệ với nhau: "Đây là điều răn của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga15, 12) mà Ngài gọi đó là điều răn mới (Ga13, 34). Đọc lại các chương 16,17 Phúc Âm của Ngài ta thấy Tình yêu giữa Ngài với Thiên Chúa Cha thật sâu đậm đến mức nào?

Đặc biệt hơn nữa là mối tương giao giữa Ngài và các môn đệ: Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh cây nho và người Mục Tử nhân lành để nói về mối tình sâu đậm đó.

Trong cuộc đời mục vụ Thánh Gioan luôn luôn rao giảng về tình yêu. Trong 3 thư của Ngài thì thư 1 và 2 đều đề cập đến tình yêu bác ái. "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga15, 13).

Một tình yêu chân chính đích thực luôn mang một sức mạnh vô song. Tình yêu đưa Thiên Chúa đến với con người và con người đến với Thiên Chúa và tình yêu giữa con người với con người.

C/ Chứng nhân Phục Sinh:

Bài Phúc Âm trong Thánh Lễ hôm nay kể lại câu chuyện bà Maria Mađalêna ra mộ từ sáng sớm và bà đã chứng kiến ngôi mộ trống và chạy về báo tin cho Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến. Hai môn đệ cùng chạy nhưng Gioan còn trẻ nên chạy đến trước, Ông thấy mộ trống nhưng Ông không vào. Phêrô đến sau nhưng lại vào sâu trong mồ và thấy mọi sự.

Xét về thời điểm thì Maria Mađalêna đến mồ trước và thấy mồ trống, Gioan là người thứ 2. Cả 2 người được Chúa Giêsu thương mến đặc biệt.

Maria Madalena đã được Chúa thương mến vì Bà đã biết ăn năn sám hối về cuộc đời lầm lỗi của mình và Gioan được Chúa thương mến vì Ông là người không lập gia đình, có một tâm hồn trong trắng dành cho Chúa. Ngoài điểm sáng đó Ông cũng có nhiều nhược điểm: Nóng nảy, bất đồng và háo danh nhưng đã biết sám hối ăn năn, như một tác giả tu đức nào đó đã định nghĩa thánh nhân là người tội lỗi biết sám hối. Cả 2 cùng có những điểm giống nhau: Được tha nhiều nên yêu mến nhiều và được Chúa Giêsu thương mến đặc biệt.

Bài tường thuật sự kiện ngôi mộ trống mà cả ba người cùng được chứng kiến: Maria Madalena, Gioan và Phêrô. Đây là những nhân chứng đầu tiên về sự kiện Chúa Giêsu đã sống lại. Gioan không trực tiếp nói về việc Chúa sống lại mà chỉ nói đến ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống nói lên nhiều ý nghĩa: thân xác Chúa Giêsu đã không còn trong mộ. Điều đó cũng giả thiết một ai đó đã mang đi. Nhưng lấy đi với mục đích gì mà trong mộ các băng vải được xếp gọn gàng đặt vào vị trí rất lớp lang. Ngôi mộ trống là dấu hiệu của một sự kiện lạ, qua đó Gioan nhớ lại những lần Chúa Giêsu đã tiên báo: Sau 3 ngày Ta sẽ sống lại. Ngôi mộ trống cho phép Gioan vững tin vào lời Chúa đã phán và Gioan đã kết luận bằng 2 động từ "Thấy" và "Tin". Thấy ngôi mộ trống và tin rằng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Thấy trước Tin sau. Thấy là dấu hiệu chắc chắn, một sự kiện quá hiển nhiên không thể phủ nhận. Thấy sự kiện ngôi mộ trống là một sự kiện có tính lịch sử. Khi đã thấy sự kiện thì tìm ra ý nghĩa của sự kiện. Điều đó muốn nói lên rằng tin không phải là một sự mù quáng nhưng là tin vào ý nghĩa của một biến cố: Ngôi mộ trống. Cho nên Gioan đã kết luận khi đã chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống bằng một hạn-từ ngắn gọn nhưng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa "Ông đã thấy và đã Tin"(Ga 20, 8)

Giáo Hội mừng lễ Thánh Gioan trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Giáo Hội muốn đề cao nhân chứng của một tình yêu nồng cháy dành trọn cho Chúa đã thúc đẩy thánh nhân chạy đến mộ trước và chúng kiến sự kiện mộ trống. Ông muốn rao truyền niềm tin đó cho mọi người. Ông đã thấy và đã tin.

Hai sự kiện đặc biệt của niềm tin Kitô Giáo: Thiên Chúa làm Người và Thiên Chúa đã sống lại vinh quang. Amen.


 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Kính
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 72
  • Khách viếng thăm: 49
  • Máy chủ tìm kiếm: 23
  • Hôm nay: 26311
  • Tháng hiện tại: 234242
  • Tổng lượt truy cập: 12523954