Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Giáng Sinh

Đăng lúc: Thứ tư - 25/12/2013 03:06
LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2013
Tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn
____________________________
 
 
LỜI ĐẦU LỄ
 
Trọng kính Đức Cha Phêrô,

Kính thưa cha sở giáo xứ Chính tòa, quí Cha, quí Tu sĩ, Chủng sinh, quí ông bà anh chị em công giáo cũng như không công giáo đang hiện diện trong thánh lễ hôm nay.

Đêm nay, trên đỉnh cao của  niềm vui rộn rã đang lan tỏa khắp nơi, nở rộ trên mọi khuôn mặt với những nụ cười thật tươi, chúng ta cùng nhau qui tụ về đây để mừng kỷ niệm lần thứ 2013 Con Thiên Chúa đã từ trời sinh xuống trần gian làm con nhân loại để mãi mãi ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì yêu thương con người, Người đã sai Con mình sinh xuống trần gian để thể hiện tình yêu ấy cách cụ thể giữa lòng lịch sử nhân loại, và để mở đường cho con người trở về hiệp thông với Thiên Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu và tuyệt vời. Đó chính là ý nghĩa và lý do của niềm vui hôm nay.

Chúa đã sinh xuống trần gian để mạc khải tình yêu của Người đối với chúng ta và mời gọi chúng ta hãy kính mến Người trên hết mọi sự và yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta. Vì thế, trong thánh lễ này chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta gia tăng đức ái và đó là chủ đề sống của giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong suốt năm 2014 sắp tới.

Chúa đã sinh xuống trần gian giữa lòng một gia đình là cộng đoàn yêu thương căn bản nhất. Trong thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta Phúc Âm hóa đời sống gia đình, như chủ đề của Giáo Hội Việt Nam trong năm 2014, để mỗi thành viên trong gia đình sống các giá trị của Tin Mừng, nhất là tình yêu thương, từ đó mỗi gia đình tích cực tham gia vào chương trình truyền giáo của giáo phận.
 
 
BÀI GIẢNG
 
Đức Giêsu Kitô mà hôm nay toàn thể thế giới long trọng mừng kỷ niệm lần thứ 2013 ngày sinh của Người là nhà sáng lập tôn giáo vĩ đại nhất thế giới với hơn 2 tỷ tín đồ hiện đang có mặt trên khắp hành tinh cùng mang một tên gọi chung là Kitô giáo, gồm Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành và Anh giáo. Người không phải chỉ là một con người phàm như tất cả những nhà sáng lập tôn giáo khác, nhưng là một vị Thiên Chúa cao cả siêu phàm đã tự nguyện trở thành một con người và được sinh ra dưới hình hài một em bé sơ sinh.

Thế nhưng tại sao Thiên Chúa đã từ trời cao sinh xuống làm người nơi dương thế ? Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo đã đưa ra 4 lý do : thứ nhất là để cứu độ chúng ta, thứ hai là để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, thứ ba là để trở thành mẫu mực thánh thiện cho chúng ta và thứ tư là để chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (GLHTCG số 457-460). Giờ đây chúng ta hãy dành ra ít phút để cùng nhau suy nghĩ về các lý do này.

Lý do thứ nhất : Thiên Chúa sinh xuống làm người là để cứu độ loài người. Điều này được hàm chứa trong tên gọi của Người là Giêsu. Trong tiếng Hipri, tên gọi này có nghĩa là ‘Thiên Chúa Cứu Độ’. Tên gọi này vừa diễn tả căn tính, vừa diễn tả sứ mệnh của Người. Vì vậy Người được gọi là Đấng Cứu Thế. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, các thiên thần đã báo tin cho các mục tử tại Bêlem : « Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, cũng là tin mừng cho cả toàn dân : hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi trong thành vua Đavít » (Lc 2,10-11). Thánh Gioan tông đồ cũng đã viết : « Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng Cứu Độ thế gian » (1Ga 4,14). Nhưng tại sao Người phải đến cứu độ trần gian ?

Trong bức thư gửi ông Titô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc II, thánh Phaolô đã viết : « Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta, người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác » (Tt 2,13-14). Thánh Grêgôriô thành Nítxê đã giải thích : « Chúng ta đã đánh mất quyền sở hữu điều lành nên cần phải lấy lại, bị vây hãm trong bóng tối nên cần đến ánh sáng, bị tù đày nên mong Đấng Cứu Độ, bị giam cầm nên đợi tiếp cứu, bị nô lệ nên chờ Đấng giải phóng ». Con người chúng ta không thể tự sức mình thoát khỏi ngục tù tội lỗi, nên Chúa phải đích thân đến giải thoát chúng ta.

Lý do thứ hai : Thiên Chúa sinh xuống làm người để giúp con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định : « Thiên Chúa là Tình Yêu » (1Ga 4,8). Tuy nhiên Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai thấy được và do đó con người cũng khó nhận ra tình yêu của Người. Vì thế thánh Gioan đã viết tiếp : « Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống » (1Ga 4,9). Trong đêm giáng sinh, các thiên thần đã nói với các mục tử thành Bêlem : « Đây là dấu hiệu để anh em nhận ra Người : anh em sẽ thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ » (Lc 2,12). Thiên Chúa là Chúa Tể muôn loài và là Đấng giàu sang vô cùng, đáng lẽ Người phải chọn sinh ra trong cung vàng điện ngọc của những bậc quân vương, hay ít ra nơi lầu son gác tía của những đại phú gia, nhưng vì yêu thương nhân loại đói khát, rách nát, lầm than, Người đã muốn sinh xuống trần gian nơi chuồng bò máng cỏ, dưới hình hài một trẻ thơ bé nhỏ, trong một gia đình nghèo khó. Trong ba năm rao giảng công khai, Người đã luôn gần gũi với những người xấu số trong xã hội, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của họ và ưu tiên rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho những người nghèo hèn bé nhỏ, những người bị xã hội ruồng bỏ.

Lý do thứ ba : Thiên Chúa sinh xuống làm người để trở thành mẫu mực thánh thiện cho con người. Thiên Chúa là Đấng thánh và Chúa Giêsu đã dạy con người phải sống thánh thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Nhưng làm sao con người có thể biết được sự thánh thiện của Thiên Chúa để bắt chước ? Chúng ta đã có câu trả lời nơi cuộc đời của Đức Giêsu, một con người thánh thiện đến độ không ai có thể thấy một dấu vết tội lỗi nào nơi Người. Người đã xuống thế làm người không những để dạy cho nhân loại con đường thánh thiện, mà còn để nêu gương thánh thiện tuyệt vời cho họ. Vì thế, Người đã có thể nói : « Hãy học cùng tôi » (Mt 11,29). Khuôn mẫu thánh thiện mà Người để lại cho chúng ta được biểu lộ một cách rõ ràng qua tình yêu của Người đối với chúng ta, vì tình yêu là cốt lõi của lề luật. Vì thế Người đã dạy chúng ta : « Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (Ga 15,12). Từ đây, sự thánh thiện không còn được coi như một cái gì quá cao vời hay như một món đồ trang sức chỉ dành riêng cho các bậc tu trì, nhưng là ơn gọi chung và căn bản nhất của tất cả mọi người không trừ ai, vì mọi người đều được mời gọi kính mến Thiên Chúa và yêu thương nhau. Nơi Thiên Chúa, tình yêu và sự thánh thiện là một, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và đồng thời cũng là Đấng Thánh.

Lý do thứ tư : Thiên Chúa sinh xuống làm người để con người được thông phần bản tính Thiên Chúa. Giấc mơ nguyên thủy của con người là được trở nên thần thánh. Đó không phải là một giấc mơ cao ngạo, nhưng phát xuất từ bản tính con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ Ađam – Evà đã muốn thực hiện giấc mơ ấy bằng ý muốn độc lập, phản nghịch Thiên Chúa, nên đã thất bại. Giờ đây chính Thiên Chúa đã muốn giúp con người thực hiện giấc mơ ấy bằng con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha để sinh xuống làm người mang lấy bản tính nhân loại và làm cho bản tính ấy được thông phần bản tính Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, Người đã tự nguyện sinh ra làm con loài người để loài người trở thành con Thiên Chúa nhờ kết hợp với Người. Từ khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã tự đồng hóa mình với mỗi người trong nhân loại. Từ đây, phẩm giá của con người được nhìn nhận không chỉ vì họ là con người vượt trên mọi loài, nhưng còn vì họ là con Thiên Chúa. Do đó phụng thờ Thiên Chúa phải đi đôi với việc phục vụ con người, và khi chúng ta phục vụ con người cũng là phụng thờ Thiên Chúa. Vì vậy sứ điệp căn bản của lễ Giáng Sinh được gặp thấy nơi lời ca của các thiên thần trong đoạn Tin Mừng hôm nay : « Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho loài người được Chúa yêu thương ».

Đêm nay, nhìn vào hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, chúng ta hãy nhận ra Người là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta để đặt tất cả niềm tin nơi Người. Chúng ta hãy nhận ra nơi Người tình thương vô cùng lớn lao của Thiên Chúa để dâng lời tạ ơn. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng tấm gương thánh thiện của Người để bắt chước, nhất là tình yêu thương. Và cuối cùng, chúng ta hãy vui mừng vì nhờ Người mà chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và hãy cố gắng nhận ra Chúa nơi mọi người để tận tình phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.
 

 
Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 75
  • Khách viếng thăm: 68
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 10815
  • Tháng hiện tại: 163987
  • Tổng lượt truy cập: 12453699