Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Laurensô

Đăng lúc: Thứ sáu - 07/08/2015 18:48
http://www.easterngiftshop.com/media/ecom/prodlg/LawrencefhalfEmail.jpg

LỄ THÁNH LAURENSÔ

2 Cor 9,6-10; Ga 12,24 – 26


Kính thưa cộng đoàn,

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Lời này mới nghe qua có vẻ nghịch lý, đi ngược lại với mong muốn thường tình của con người. Con người ai cũng muốn được và được, chứ không ai muốn mất. Ai cũng muốn thu vào chứ không ai muốn bỏ ra. Tại sao tôi phải chết để người khác được sống? Hạt lúa mì chịu chết để sinh nhiều bông hạt ư? Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính hạt lúa mình đó bị tan vỡ, bị thối đi? Chính vì thế, nhiều khi chúng ta không muốn chết như hạt lúa mì. Chúng ta chấp nhận trơ trọi một mình, chấp nhận cô đơn để được yên ổn. Chúng ta sợ mất mát, vì mất mát đem lại đớn đau, nên tìm đủ mọi cách để giữ lại những gì chúng ta có, những gì chúng ta là.

Tuy nhiên, chân lý mà Chúa Giêsu đưa ra qua hình ảnh hạt lúa mì, chịu mục nát đi rồi mới sinh nhiều bông hạt, đó là định luật tự nhiên của cây cỏ và ngay trong đời sống con người. Mất nhưng lại được nhiều hơn. Chết để sống và sống viên mãn. Hạt lúa mì phải chấp nhận mục nát thì mới có thể sinh ra nhiều hạt lúa mì khác. Con ốc sên phải chấp nhận chui ra khỏi vỏ ốc thì mới có thể bò đi được. Con gà phải chấp nhận rời khỏi qủa trứng thì mới có thể lớn lên và phát triển. Một bào thai trong bụng mẹ phải chấp nhận rời khỏi nơi yên ổn, ấm cúng dạ mẹ, thì mới có thể sinh ra đời và trưởng thành. Một cây cảnh, muốn trở thành một cây cảnh đẹp phải chấp nhận chịu cắt tỉa, bỏ đi những nhánh cây không cần thiết, phải chấp nhận uốn nắn để trở thành những cây cảnh đẹp. Hạt lúa mì không chịu mục nát đi thì chỉ trơ trọi một mình, thậm chí còn bị tàn lụi và héo úa theo năm tháng.

Có câu chuyện kể rằng: Hôm ấy, có người nông dân mang thóc giống gieo trên thửa ruộng của mình. Đang khi gieo thì trời nổi gió lớn. Có nhiều hạt rơi xuống ruộng bùn, nhưng cũng có nhiều hạt bị gió thổi bạt lên vệ đường kề bên.

Bấy giờ những hạt giống nằm trên vệ đường khô ráo cảm thấy phận mình thật là diễm phúc, so với bao nhiêu hạt thóc bạn đang phải ngoi ngóp, ngụp lặn dưới bùn. Chúng tỏ lòng thương hại các hạt thóc bạn dưới sình bằng những lời ngạo mạn: "Thật đáng thương thay thân phận khốn khổ của các anh. Đang khi chúng tôi được ở nơi khô ráo, thì các anh lại phải ngụp lặn trong sình. Đang khi chúng tôi được ngước mắt nhìn ánh dương rực rỡ, được tắm mình dưới nắng, thì các anh lại phải ngụp lặn trong chốn tối tăm. Đang khi chúng tôi được nhìn ngắm bầu trời xanh, nhìn ngắm những bông hoa tươi đẹp bên vệ đường, được ngắm nhìn người qua kẻ lại nói cười vui vẻ, thì chung quanh các anh chỉ là tăm tối và tanh hôi. Cuộc đời chúng tôi đang lên hương, còn cuộc sống các anh đang lụi tàn! Thật bất hạnh thay cho các anh!"

Hạt lúa ấy vừa dứt lời thì bỗng đâu có một bàn chân người dẫm đạp lên mình nó, khiến nó bị gãy thành ba. Sau đó, mấy chiếc xe ào đến, lạnh lùng chà nát nó và những hạt lúa khác thành bụi tro. Những hạt lúa may mắn còn sót lại thì hoá thành mồi ngon cho chim chóc và các loại côn trùng!

Trong khi đó, những hạt lúa tưởng là bất hạnh đang ngụp lặn trong bùn, thì qua vài ngày sau đã ngoi lên thành những chồi non đầy sức sống, rồi thành những cây lúa xanh tươi cứng cáp. Cây lúa lớn dần, nở bụi sum suê. Không đầy ba tháng sau, nó trổ thành những bông lúa, kết thành hàng trăm hạt vàng khoe mình dưới nắng, đem lại sức sống cho bao người.

Từ một hạt lúa đơn độc, nó đã được chuyển hoá thành trăm! Thật nhiệm mầu!

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cùng với Ngài chuyển hoá đời mình như thế. "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác." Rồi Ngài nói rõ hơn: "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời."

Có thể nói, cuộc đời Thánh Laurensô, phó tế mà Giáo hội mừng kính hôm nay, cũng giống như hạt lúa mì mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng, nghĩa là ngài chấp nhận mục nát để sinh nhiều bông hạt, chấp nhận chết đi để được sống muôn đời.

Thánh Laurensô sinh tại Huescô nước Tây Ban Nha. Cha mẹ Ngài là những người đạo hạnh. Ngài sớm từ biệt quê hương thân yêu để đi du học bên Roma và đã sống trót cuộc đời trần thế tại đây. Ngài được chọn làm phó tế. Ngài là một trong bảy Phó tế sống bên cạnh Đức Giáo hoàng. Ngài được trao nhiệm vụ quản lý tài sản của Giáo Hội. Khi sự cấm đạo dưới thời Hoàng đế Valerian bùng nổ, hoàng đế đã ra lệnh chặt đầu Đức Giáo Hoàng SIXTUS II và các phó tế đang dâng lễ với Đức Giáo Hoàng trong hang toại đạo. Riêng có phó tế Laurensô được tha mạng nhằm bắt ngài phải hiến tất cả tài sản của Giáo Hội cho vua, thì Phó tế Laurensô hứa với vua là 3 ngày sau sẽ dâng tất cả. Trở về nhà, thánh phó tế Laurensô lấy tất cả tài sản đang quản lý chia cho mọi người nghèo, rồi ngài dẫn những người nghèo ấy đến trước mặt vua, thưa : “Đây là tài sản của Hội Thánh, tôi dâng hết cho ngài”. Vua căm phẫn trước cử chỉ ngạo ngược ấy của Phó tế Laurensô, nên sai nung lửa tấm sắt đỏ rực, rồi trói Laurensô quăng trên đó, nằm trên tấm sắt Laurensô còn khôi hài nói với vua : “Thưa ngài, phía này chín rồi, ngài có thể ăn được!”
Như vậy, Phó tế Laurensô đã thực thi Lời Kinh Thánh: “Mỗi người hãy cho tùy theo ý định của lòng mình, không buồn phiền, không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7 : Bài đọc). Thánh Phó tế Laurensô không chỉ rộng tay chia sẻ của cải do giáo dân đóng góp, mà đặc biệt ngài đã chia chính mạng sống mình vì Tin Mừng, để làm cho Lời Chúa Giêsu nói về những kẻ theo Ngài được ứng nghiệm : “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

Thánh Laurensô đã một lòng vì Chúa, vì Giáo Hội, hết lòng yêu thương người nghèo. Ngài đã chấp nhận mục nát đi để hạt giống Tin Mừng được sinh sôi nảy nở. Ngài chấp nhận chết đi để được sống muôn đời. Xin cho mỗi chúng ta cũng có được tâm tình và lòng quảng đại như thánh nhân. Trung kiên làm chứng cho Chúa dù phải chịu thiệt thòi về phần xác. Xin cho chúng ta cũng biết chấp nhận hy sinh bản thân vì Tin Mừng của Chúa, để hạt giống đức tin được chiếu tỏa ra chung quanh với mọi người. Amen



 
Tác giả bài viết: Lm. Simon Nguyễn Đức Hồng
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 26
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 135807
  • Tổng lượt truy cập: 12280067