Trang mới   https://gpquinhon.org

Các bài suy niệm Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/06/2015 18:51
 
Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Ð
 
 


 Cả hai thánh đều chịu tử đạo tại Rôma. Thánh Phêrô năm 64 và Phaolô năm 67. Giáo Hội Rôma đã chọn ngày 29/6 để kính trọng thể hai đấng. Tuy nhiên, ngày hôm nay phải là ngày lễ của toàn thể Giáo Hội đã được nảy sinh do dòng máu oai hùng của các ngài. Một ngày vui mừng và hân hoan, vì cả hai thánh với những ơn huệ nhận lãnh, đã ra sức quy tụ thành một gia đình Chúa Giêsu, và giờ đây cả hai cùng kết hợp trong vinh quang và đáng được ca ngợi. Ngày hôm nay chúng ta tôn kính hai khuôn mặt tiêu biểu cho Giáo Hội sơ khai, mặc dù khác biệt nhưng bổ túc lẫn cho nhau. Thánh Phêrô và Phaolô đã hăng hái rao giảng Phúc Âm, nhờ đó chúng ta đón nhận được lời loan truyền đầu tiên của đức tin. Vì thế ngày hôm nay chúng ta cũng mừng kính mầu nhiệm Giáo Hội đặt nền tảng trên các ngài. Nhờ lời bầu cử của các ngài, chúng ta hãy cầu xin để trung thành với lời giáo huấn của các ngài, sống một đời bác ái như những Kitô hữu đầu tiên và bén rễ sâu trong tình thương dạt dào.
LỄ THÁNH PHÊRÔ – PHAOLÔ - LỄ VỌNG

CHÂN DUNG NGƯỜI TÔNG ĐỒ
Bài đọc 1: Cv 3, 1-10
Bài đọc 2: Gl 1, 11-20
Tin Mừng: Ga 21, 15-19
Lm Phêrô Trần Thanh Sơn
Theo “Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết theo thống kê sơ bộ của các địa phương cho đến ngày 17.6, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2006-2007 trên cả nước giảm sút rất mạnh.

Cả nước đã có 320.000 học sinh trượt tốt nghiệp. Tỷ lệ đỗ là 67,5%, giảm gần 25% so với năm 2006” (Kỳ thi tốt nghiệp PTTH và bổ túc THPT năm 2007, T. Hồng – Đình Phú, Giáo dục, thanh niên online 18/6/2007).

Nếu như trong những năm trước, tỉ lệ tốt nghiệp của một số địa phương như Hà Tây là 99,32%, thì năm nay chỉ còn 57,16% (x.Chào buổi sáng, Thanh niên online, 16/6/2007). Và ngay trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì tỉ lệ tốt nghiệp PTTH là 69,85% (7.521/10.767), còn đối với hệ Bổ túc THPT thì càng tệ hơn, chỉ có 168/1.782 học sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 9,43% (x. Giáo dục, Thanhnien online, 14/6/2007).

Điều đó, cho thấy sự giả dối đang là một hiện tượng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Không chỉ là hàng hoá, bằng cấp mới có hiện tượng giả mạo, nhưng còn có những con người giả. Đó là những người giả dạng người khác để đi lừa bịp thiên hạ, nhưng đáng sợ hơn, đó là có những người bên ngoài có vẻ là thật, mà thực chất là giả, đó là hạng người mà nhà thơ Nguyễn Du gọi là: “Bên ngoài thơn thớt nói cười, bên trong nham hiểm giết người không dao”. Trong đời sống hàng ngày cũng thế, nếu không lưu ý, tôi và quý ông bà anh chị em cũng có thể trở thành những tông đồ, nhưng không phải là tông đồ của Đức Kitô, hay nói cách khác những tông đồ giả.

Do đó, trong ngày chuẩn bị mừng lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo Hội, lời Chúa hôm nay đã đưa ra cho chúng ta những tiêu chuẩn, để nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra chân dung đích thực của một người tông đồ.

1. YÊU MẾN ĐỨC KITÔ :
Đọc lại bài Tin Mừng chúng ta thấy rằng: trước khi giao cho Phêrô trọng trách cai quản Giáo Hội dưới thế, Đức Giêsu đã không hỏi Phêrô: Con có bằng cấp gì? Con có thuộc Kinh Thánh không? Nhà con có giàu không? Con làm nghề gì? Nhưng cả ba lần, Đấng Phục Sinh chỉ hỏi Phêrô một câu: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Đồng thời, lắng nghe câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy cũng không phải là: Thưa Thầy, Thầy biết rõ con rất khôn ngoan, rất nhiệt thành, lãnh đạo rất giỏi, hát rất hay, giảng dạy rất thu hút…, nhưng là: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy”.

Tuy nhiên, theo các nhà chú giải, chữ “yêu mến” mà Đức Giêsu dùng để hỏi thánh Phêrô ở đây được dịch từ chữ “Agapê” của Hy lạp, một chữ chỉ cấp độ cao nhất của tình yêu. Đó là một tình yêu hoàn toàn và vô vị lợi, một tình yêu nhưng không, chỉ nghĩ đến người mình yêu, không nhằm dành cho mình một lợi ích nào. Một tình yêu hoàn toàn và tuyệt đối như Đức Kitô đã yêu chúng ta (Ga 15, 13). Chính do tình yêu đó thúc đẩy mà Đức Kitô đã sẵn sàng hiến mình cho chúng ta trên thập giá.
 
Như thế, tiêu chuẩn đầu tiên của một người tự nhận là tông đồ của Đức Kitô, đó chính là lòng yêu mến Đức Kitô. Tuy nhiên, tình yêu này không phải theo cách của chúng ta, nhưng phải là: Yêu như Đức Kitô đã yêu chúng ta (x. Ga 15, 12-13). Chính tình yêu đó đã biến đổi thánh Phaolô từ một người nhiệt thành bắt bớ các tín hữu, trở thành một tông đồ cho dân ngoại, như lời thú nhận của ngài mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai: “Anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia khi theo đạo Do thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá: trong đạo Do thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với truyền thống của cha ông tôi”. Được Đức Kitô kêu gọi, thánh Phaolô đã biến đổi hoàn toàn. Ngài đã chuyển lòng yêu mến, nhiệt thành của ngài đối với Do thái giáo thành lòng yêu mến hoàn toàn đối với Đức Kitô, như lời ngài chia sẻ với giáo đoàn Roma: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”(x. Rm 8, 31-39).

Chính lòng yêu mến này sẽ là động lực hướng dẫn toàn bộ hoạt động của người tông đồ. Như thế, bất cứ một hoạt động tông đồ nào không do lòng yêu mến Đức Kitô thúc đẩy sẽ là sự lừa dối; bất cứ một người nào tự nhận mình là tông đồ của Đức Kitô mà không có lòng yêu mến Đức Kitô thì cũng chỉ là tông đồ giả.

2. NHÂN DANH ĐỨC KITÔ :
Đặc điểm thứ hai của người tông đồ đích thực, đó là hành động nhân danh Đức Kitô. Đây là một điều hiển nhiên và là hậu quả tất yếu của lòng yêu mến Đức Kitô. Người tông đồ của Đức Kitô không được làm bất cứ điều gì nhân danh mình, nhưng phải là nhân danh Đức Kitô, nghĩa là phải quy hướng mọi sự về cho Đức Kitô. Về điều này, cách hành động của thánh Phêrô trong bài sách Tông đồ Công vụ hôm nay quả thực là một mẫu gương sống động cho từng người chúng ta. Thánh sử Luca thuật lại: Lúc đó, vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, hai tông đồ Phêrô và Gioan lên Đền Thờ. Lúc ấy có một người què từ khi mới sinh xin hai ngài bố thí. Nhìn người què, thánh Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi… anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được”. Thánh Phêrô đã làm một chuyện ngoạn mục khi chữa cho anh què được lành, nhưng đồng thời, thánh nhân cũng ý thức rõ anh què được lành là nhờ: “nhân danh Đức Giêsu Kitô” chứ không phải do tài năng hay lòng đạo đức riêng tư của mình.

Ý thức mọi sự đều do bởi Đức Kitô, còn mình chỉ là môn đệ, là dụng cụ của Ngài cũng là tâm tình của thánh Phaolô như lời tâm sự của thánh nhân với giáo đoàn Galata, mà chúng ta vừa nghe: “Nhưng khi Đấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi,…, thì không lúc nào tôi bàn hỏi với người xác thịt máu huyết”. Khi nói điều này, thánh Phaolô không muốn nói: từ đây, thánh nhân không còn nghe ai hướng dẫn, nhưng ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng: kể từ khi nhận được lời mời gọi của Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô đã không còn làm gì theo ý riêng mình hay là ý của ai khác, nhưng hoàn toàn làm theo ý của Thiên Chúa, đến nỗi ngài có thể nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Hay nói một cách khác, từ đây, thánh nhân không còn làm gì theo ý mình, nhưng mọi hoạt động tông đồ của ngài đều làm nhân danh Đức Kitô.

3. CHÚNG TA HÔM NAY :
Từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, nhất là bí tích Thêm sức, chúng ta trở thành một chiến sĩ của Đức Kitô, hay nói cách khác, quý ông bà anh chị em và tôi đã được Đức Kitô kêu gọi làm tông đồ cho Ngài. Thế nhưng, chúng ta đã sống xứng với danh hiệu tông đồ này chưa? Chúng ta có thực lòng yêu mến Đức Kitô và các hoạt động của chúng ta có làm “nhân danh Đức Kitô”, hay chỉ nhằm làm vinh danh chúng ta?

Lắng nghe lời Chúa trong ngày chuẩn bị mừng lễ kính hai thánh tông đồ hôm nay, chớ gì từng người chúng ta biết dẹp bỏ tính ích kỷ, kiêu căng, tự mãn … để luôn làm mọi sự vì lòng yêu mến Chúa, và lợi ích của cộng đoàn. Nhờ đó, từng người chúng ta sẽ thật sự là tông đồ của Đức Kitô, và sau này sẽ cùng được đoàn tụ cùng với các thánh trên Nước Trời. Amen.
 
Lm Phêrô Trần Thanh Sơn
 
Thánh Phêrô và Thánh Phaolô
(c. 64)
 
Ngươi tin huu.com

Thánh Phêrô: Thánh sử Máccô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một tuyệt đỉnh thắng lợi. Sau khi ghi lại nhiều sự hồ nghi, hiểu lầm và chống đối Ðức Giêsu, giờ đây Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thầy là Ðấng Thiên Sai" (Máccô 8:29b). Ðó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phêrô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Galilê để trở thành kẻ lưới người.
 
Tân Ước rõ ràng cho thấy Phêrô là vị lãnh đạo các tông đồ, được Ðức Giêsu chọn với một tương giao đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của một đứa trẻ đã chết và sự thống khổ trong vườn Cây Dầu. Bà mẹ vợ của Phêrô bị Ðức Giêsu quở trách. Ngài được sai đi với Gioan để chuẩn bị cho lễ Vượt Qua trước khi Ðức Giêsu từ trần. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị tông đồ.
 
Và Phêrô là người duy nhất được Ðức Giêsu nói, "Này Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Bởi thế, Thầy bảo với anh: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mátthêu 16:17b-19).
 
Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phêrô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phêrô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Ðức Giêsu.
 
Phêrô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, "Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?" (x. Mt 19:27). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Ðức Kitô khi chống đối ý tưởng của một Ðấng Thiên Sai đau khổ: "Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt. 16:23b).
 
Phêrô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Ðức Giêsu, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Ðức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Ðức Giêsu bằng cách chém đứt tai tên Man-khô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các tông đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Ðức Giêsu đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

Thánh Phaolô: Nếu giả như có nhà truyền giáo Hoa Kỳ kêu gọi phải chấp nhận chủ nghĩa Mác-xít chứ đừng tôn trọng Hiến Pháp, thì phản ứng tức giận sẽ giúp chúng ta hiểu cuộc đời Thánh Phaolô hơn khi ngài bắt đầu rao giảng là chỉ có Ðức Kitô mới cứu chuộc được chúng ta. Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo.
 
Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối: chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người -- ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất -- có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Ðể được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.
 
Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Ðức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại biết rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là những người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.
Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ. Ngày tháng này có từ năm 258, dưới thời bách hại của Valerian, khi các tín hữu tìm cách lấy xác của hai ngài để khỏi rơi vào tay các kẻ bách hại.
 
Kinh Thánh không ghi lại cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô, hoặc bất cứ vị Tông Ðồ nào, ngoại trừ Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê (TVCÐ 12:2), nhưng qua các bài đọc và truyền thuyết có từ thời Giáo Hội tiên khởi, các ngài đã tử đạo ở Rôma dưới thời Hoàng Ðế Nêrô, và được chôn cất ở đây. Là một công dân Rôma, có lẽ Thánh Phaolô bị chặt đầu. Còn Thánh Phêrô, được biết ngài bị treo ngược đầu trên thập giá.
 
Ngươi tin huu.com
 
LỄ THÁNH PHÊRÔ – PHAOLÔ

THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG
Bài đọc 1: Cv 12, 1-11
Bài đọc 2: 2 Tm 4, 6-8. 16b.17-18
Tin mừng: Mt 16, 13-19
Lm Phêrô Trần Thanh Sơn
Theo dõi các game shows, cách riêng là chương trình “Nốt nhạc xanh”, tôi thật sự cảm phục các thí sinh tham dự cuộc thi. Chỉ cần vài ba note nhạc. Thậm chí chỉ cần một note nhạc vang lên, cùng với một vài gợi ý là họ có thể nói chính xác tên và tác giả của bài hát. Và không chỉ trong lãnh vực âm nhạc, nhiều người trong chúng ta còn biết rất nhiều thứ nào là giá cả hàng hóa trên thị trường, nào là tên của các minh tinh điện ảnh, nào là tên của các siêu sao bóng đá nước ngoài (với những cái tên hoàn toàn xa lạ)… Tôi thiết nghĩ, sỡ dĩ chúng ta có được những câu trả lời nhanh và chính xác như thế, vì đó là những điều chúng ta đang quan tâm.

Thế nhưng, nếu ngay bây giờ có ai đó đột nhiên hỏi chúng ta: “Đức Kitô là ai vậy?”, thì không biết chúng ta sẽ trả lời như thế nào?

1. MỘT CÂU TRẢ LỜI BIẾN ĐỔI CUỘC SỐNG.
“Đức Kitô là ai?” cũng chính là câu hỏi mà Đức Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ cách đây hơn 2000 năm trước. Lúc đó, sau một thời gian rao giảng, Đức Giêsu cùng các môn đệ đến miền Cêsarê – Philípphê, thuộc miền Đông Bắc nước Do thái, tại đây, Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?”. Trước mắt của dân chúng thời bấy giờ, Đức Giêsu tuy là một con người đặc biệt, nhưng cũng chỉ là một vị ngôn sứ, cùng lắm là một vị đại ngôn sứ như Giêrêmia, Êlia hoặc Gioan Tẩy Giả, hay nói cho cùng, Ngài cũng chỉ là một con người đến dọn đường cho Đấng Messia mà thôi. Trong bối cảnh đó, chúng ta mới thấy câu trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” của Nhóm Mười Hai mà thánh Phêrô là đại diện là một câu trả lời mang tính đột phá, hay chính xác hơn, câu trả lời này không phải của Phêrô hay các tông đồ, nhưng chính là do Thiên Chúa đã mặc khải cho các ông. Chính câu trả lời này sẽ xoay chuyển cuộc đời của các ông sang một hướng mới.

Khi tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”, nghĩa là các ông chấp nhận chàng thanh niên thợ mộc miền Nazareth, con ông Giuse và bà Maria, có tên là Giêsu, đang sống giữa các ông, thực sự là Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban (x. St 3, 15; Is 7, 14; 2 Sm 7, 13-14). Lời tuyên xưng này đòi các tông đồ, không những phải tôn kính Đức Giêsu như một vị Thầy, mà còn phải tôn thờ Ngài như một vị Thiên Chúa. Không chỉ tuyên xưng ngoài miệng, các tông đồ, nhất là hai thánh Phêrô và Phaolô mà chúng ta mừng kính hôm nay đã thực sự sống niềm tin ấy. Các ngài đã sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, bắt bớ, giam cầm, đòn vọt để rao giảng và làm chứng về sự chết và sống lại của Đức Kitô, người Thầy và cũng là Cứu Chúa của đời họ, như lời sách Công vụ Tông đồ chúng ta vừa nghe: “Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội Thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê, anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do thái nên cho bắt cả Phêrô” (Cv 12, 1-3).

Và cũng chính niềm tin ấy đã biến đổi Saolô, một kẻ hăng say bắt bớ các tín hữu ngay từ thuở đầu, thành một thánh Phaolô, tông đồ nhiệt thành của dân ngoại. Sau khi bị quật ngã trên đường Đamát (x. Cv 9, 19), Thánh nhân đã sẵn sàng bỏ tất cả để được chiếm hữu Đức Kitô làm Cứu Chúa cuộc đời mình. Ngài cũng đã từng khẳng định mạnh mẽ với các tín hữu thành Philip: “Tôi coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả để lợi được Đức Kitô” (Pl 3, 8). Chính niềm tin vào Đức Kitô đã giúp thánh Phaolô kiên vững trên bước đường truyền giáo cho dù có gặp phải gian truân, hiểu lầm, tù đày cùng với các hiểm nguy rình rập khắp nơi và các thiệt thòi về thể xác cũng như tinh thần (x. 2 Cr 11, 23-28; 4, 8-11). Do đó, đến cuối cuộc đời, ngài đã thanh thản, bình an, không phải hối tiếc vì đã tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự tự hào đó của thánh nhân qua lời tâm sự của ngài với người môn đệ thân tín Timôthê: “Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều ấy.” (2 Tm 4, 6-8).

Như thế, chúng ta thấy lời tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” của thánh Phêrô có một ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ là một lời nói nơi cửa miệng mà là một xác tín sâu thẳm từ bên trong, hướng dẫn toàn bộ đời sống của các tông đồ. Đồng thời, chính niềm tin chung vào Đức Kitô đã nối kết hai vị tông đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay: thánh Phêrô, một ngư phủ thất học và thánh Phaolô, một học giả uyên thâm trở nên một. Chính nhờ xây dựng đời mình trên nền tảng của Đức Kitô mà đến lượt mình, hai vị đã trở nên cột trụ vững chắc, để xây dựng nên toà nhà Giáo Hội, và là nền tảng đức tin cho từng người chúng ta hôm nay (x. Lời Tiền tụng lễ thánh Phêrô - Phaolô).

2. CÂU TRẢ LỜI CỦA CHÚNG TA HÔM NAY :
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” đã là câu trả lời của các tông đồ, và các ngài đã sống trọn vẹn niềm tin ấy. Còn tôi và quý ông bà anh chị em, đứng trước câu hỏi của Đức Kitô: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Chúng ta trả lời thế nào?

Nhân dịp mừng lễ 2 thánh Phêrô – Phaolô, tôi thiết nghĩ, đây là dịp thuận lợi để mỗi người chúng ta, một lần nữa lắng nghe và trả lời câu hỏi của Đức Giêsu. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về sự thăng trầm, thay đổi của cuộc đời, mọi sự nay còn, mai mất. Chúng ta cũng có nhiều kinh nghiệm về sự sống và sự chết. Đối với chúng ta, phải chăng, Đức Kitô chỉ là một con người của quá khứ, của lịch sử để chúng ta tưởng nhớ như các anh hùng dân tộc; hay khá hơn, như người Do thái, Ngài là một trong các vị ngôn sứ để chúng ta tôn kính? Còn nếu như chúng ta đồng ý với lời tuyên xưng của thánh Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, chúng ta cũng hãy can đảm sống niềm tin đó như các tông đồ đã sống khi xưa.

Các tông đồ đã phải trả giá cho lời tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô bằng xiềng xích, đòn vọt, tù tội và cả mạng sống của các ngài. Do đó, để sống niềm tin của mình, chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh thời giờ, sức khỏe, kể cả những thiệt thòi về vật chất để đến tôn thờ và kết hợp với Đức Kitô trong các giờ Chầu Thánh Thể và nhất là Thánh Lễ.

Tuy nhiên, để sống được điều này, không phải chỉ bằng một lời nói, hay một quyết tâm là đủ, nhưng đó là một chọn lựa, một cố gắng liên lỷ, trường kỳ trong từng phút giây của cuộc sống. Do đó, chúng ta rất cần sự nâng đỡ của ơn Chúa. Ước gì trong thánh lễ hôm nay, không người nào trong chúng ta bỏ lỡ cơ hội được hiệp nhất với Đức Kitô trong phần hiệp lễ, để nhờ Ngài nâng đỡ, chúng ta có thể sống trọn vẹn niềm tin mà từng người chúng ta đã tuyên xưng hôm nay. Nhờ đó, đến ngày trở về với Chúa, từng người chúng ta cũng được bình an để có thể nói như thánh Phaolô hôm nay: “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và giữ vững đức tin. Từ đây, triều thiên công chính đã dành cho cha”. Amen.
 
 
Lm Phêrô Trần Thanh Sơn
 
 
 
 
 
 
HAI CỘT TRỤ CỦA GIÁO HỘI
Mt 16, 13-19
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Vẫn có một cái gì đó như nghịch lý và hết sức ngạc nhiên :” Một Phêrô chối Chúa ba lần. Một Phaolô bắt bớ Giáo Hội của Chúa “, thế mà Phêrô lại trở thành tông đồ trưởng và làm đầu Hội Thánh hoàn vũ, còn Phaolô trở nên vị tông đồ dân ngọai hết sức đặc biệt và nhiệt thành. Cái trớ trêu của con người, của thế gian vẫn là điều gì con người cho là khôn ngoan, Thiên Chúa lại cho là khờ dại và cái gì được con người gán ghép cho là dại khờ thì lại trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Bài học ấy, xem ra đúng ở đây: “ Đúng với trường hợp của Phêrô và Phaolô “.

HAI CON NGƯỜI. HAI CUỘC ĐỜI :
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, có lẽ, chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Có những câu chuyện, những dụ ngôn, những ví dụ làm cho ta cảm động đến rơi lệ, lại có những trường hợp làm ta dở mếu, dở khóc, dở cười…Chúa Giêsu dậy ta những bài học hết sức thực tế xẩy ra chung quanh cuộc đời chúng ta. Chẳng hạn, Phêrô, một tông đồ đã đi theo Chúa từ những giây phút đầu khi Chúa bắt đầu sứ vụ công khai. Tin Mừng Matthêu viết :” Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông :” Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” ( Mt 4, 18-19).

Thánh Phaolô phải mãi sau khi Chúa Giêsu phục sinh, khi ông đang hăm hở, hăng say bắt bớ các môn đệ, các tín hữu của Chúa, rồi ông bị Chúa đánh ngã ngựa và mù lòa trên đường đi Đamas. Thánh Phêrô đã chấp nhận sự yếu đuối của mình, chối Chúa ba lần, nhưng Phêrô đã hiểu được ánh mắt nhân hiền của Chúa, đã hiểu được lòng thương xót vô bờ của Chúa Giêsu. Phêrô đã khóc lóc, ăn năn sám hối, quay trở về với Chúa. Chúa tha thứ và vẫn tin tưởng, yêu thương ông, đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Chúa. Phaolô khi ngã ngựa té nhào, khi cảm thấy thân phận yếu đuối, đôi mắt mù lòa, đã thưa với Giêsu :” Lạy Ngài, Ngài là ai ?” ( Cv 9, 5 ). Chúa đã chọn Phaolô làm tông đồ cho các dân ngoại như lời Chúa phán với Khanania :” …Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngọai, các vua chúa và con cái Irsaren “( Cv 9, 15 ). Phêrô và Phaolô là hai người khác biệt nhau, hai tính khí khác nhau, hai trình độ, hai nền giáo dục đào tạo của hai gia đình khác nhau. Phêrô xuất thân trong giới lao động, làm nghề chài lưới biển, còn Phaolô xuất thân từ một gia đình giàu có, thượng lưu, học thức. Tuy nhiên, cả hai đã vì tình yêu hòan toàn dành để cho Chúa, cho Giáo Hội, cho tha nhân, do đó họ quên đi mọi bất đồng để tất cả dâng hiến cuộc đời cho Chúa, cho Hội Thánh và tha nhân.

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ LÀ HAI TRỤ CỘT VỮNG BỀN CỦA HỘI THÁNH :
Đi theo Chúa Giêsu, được Chúa tin tưởng, yêu thương, cất nhắc làm đầu Giáo Hội hoàn vũ, Phêrô đã hết lòng chăn dắt chiên con, chiên mẹ của Hội Thánh. Phêrô là Kêpha, tức đá tảng Chúa dùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian. Với bao nhiêu sóng gió, con thuyền của Giáo Hội vẫn đến bến bình an. Phêrô vẫn vững tay chèo, vững tay lái. Phaolô trở lại đạo, kiên vững trong lòng tin, hăng say loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Hai thánh Phêrô và Phaolô đã luôn bổ túc cho nhau để làm cho Hội Thánh sống động nhờ lời rao giảng của hai Ngài. Các Ngài đã trở nên nền tảng vững chắc của Hội Thánh sơ khai.


Với công đức lớn lao, với tấm gương đức tin sâu xa, hai thánh Phêrô và Phaolô đã dậy cho nhiều người sống đức tin và nhận ra Đức Giêsu Kitô là Cứu Chúa của họ. Cả hai thánh đã được vinh dự chết tử vì đạo tại Roma. Thánh Phêrô năm 64 và thánh Phaolô năm 67.

Hôm nay, chúng ta cũng mừng mầu nhiệm Giáo Hội được xây dựng trên nền móng của các Ngài. Chúng ta cầu xin các Ngài bầu cử cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, để chúng ta luôn vững lòng tin nhờ lời giảng dậy của các Ngài và nhờ gương sáng của các Ngài để lại hầu chúng ta luôn sống trong tình hiệp nhất, yêu thương và bác ái như Chúa Giêsu đã cầu xin:” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “ ( Ga 17, 23 ).

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các Ngài, Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin. Xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các Ngài giảng dậy ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ ).
 
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
 
 
 

Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Ð
Lễ Trọng
Mt 16, 13-19
Dongcong.net
Hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ được coi là những trụ cột trung kiên, không những của giáo đoàn Roma, mà cả Giáo Hội hoàn vũ của Thiên Chúa hằng sống, rộng mở đến những biên cương tận cùng của thế giới (Đức Phaolô VI). Là những người đã thành lập Giáo Hội tại Roma, Mẹ và Thầy của các cộng đồng Kitô khác, các ngài đã đem lại sức sống và sự phát triển của Giáo Hội bằng chứng từ tử đạo các ngài đã lãnh nhận tại Roma. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu chọn làm nền móng cho Giáo Hội và giám mục của kinh thành muôn thuở. Thánh Phaolô, tiến sĩ của dân ngoại, thầy dạy và bạn của cộng đồng đầu tiên được thành lập tại đây (Đức Phaolô VI).
 
1.  Ơn gọi của thánh Phêrô.
Như đa số các môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô, Simon Phêrô cũng xuất thân từ Bethsaida, một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilê, trên bờ biển Tiberias. Cùng với gia đình, ngài mưu sinh bằng nghề chài lưới. Ngài đã gặp Chúa Giêsu qua môi giới của anh là thánh Anrê. Có lẽ cuộc gặp gỡ xảy ra vào buổi chiều tối, vì suốt ngày hôm ấy, Anrê và Gioan đã ở với Chúa Giêsu. Anrê đã không giữ kín kho tàng vô cùng quí báu là được biết Chúa Giêsu, nên vội vã chạy báo cho em mình biết về mối lợi lớn lao ngài đã được lãnh nhận.
 
Phêrô đến gặp Thầy Chí Thánh. Intuitus eum Iesus… Chúa Giêsu nhìn ông… Thầy Chí Thánh nhìn thẳng vào con người vừa đến và ánh mắt Chúa đã thấu suốt tận tâm can của con người này. Có lẽ chúng ta cũng muốn chứng kiến ánh mắt ấy của Chúa Kitô, một ánh mắt có thể thay đổi cả một đời người! Chúa Giêsu nhìn Phêrô một cách trìu mến và lôi cuốn. Nơi người ngư phủ xứ Galilê này, Chúa Giêsu nhìn thấy cả Giáo Hội của Người, trải dài theo dòng thế kỷ cho đến tận cùng thời gian. Chúa đã chứng tỏ Người đã biết trước về con người này: Ngươi là Simon, con ông Giona! Chúa còn biết cả về tương lai: Ngươi sẽ được gọi là Cephas, nghĩa là Đá. Những lời này xác định ơn gọi và số phận của Phêrô; biểu thị toàn bộ nhiệm vụ của ngài trên trần gian.
 
Ngay từ đầu, vị trí của Phêrô là đá tảng, trên đó tòa nhà Giáo Hội được xây lên. Mọi sự trong Giáo Hội, kể cả sự trung thành với ơn thánh của chúng ta, phải bao hàm lòng mến yêu, sự tùng phục, và hợp nhất với Đức Giáo Hoàng như đá tảng và nền móng kiên vững. Nơi Phêrô, sức mạnh của mọi người được củng cố, thánh Lêô Cả đã nói như thế. Nếu nhìn vào thánh Phêrô và Giáo Hội trên đường lữ hành, chúng ta có thể áp dụng lời của Chúa Giêsu: Mưa có rơi, lụt có tràn vào, gió có thổi và đập vào nhà ấy, nó vẫn không đổ, vì nó đã được xây trên đá. Từ ngày ấy, Chúa đã chọn tảng đá Phêrô, với tất cả những lỗ chỗ và bất toàn, một ngư phủ bình thường từ xứ Galilê, và Người cũng đã chọn những người kế vị người ngư phủ ấy như thế.
 
Cuộc hội ngộ giữa Phêrô và Chúa Giêsu ắt hẳn phải gây ấn tượng sâu sắc nơi những người chứng kiến, nếu như họ đã hiểu biết những cảnh tương tự trong Cựu Ước. Chính Thiên Chúa đã đổi tên cho tổ phụ Abram: Tên ngươi sẽ là Abraham, vì Ta đã đặt ngươi làm cha đông đảo các dân nước. Chúa cũng đã đổi tên cho Jacob thành Israel – vì ngươi đã tranh đấu với Thiên Chúa và con người và đã thắng thế. Cái trang trọng và ý nghĩa của sự kiện đổi tên cho Simon đã không thoát được ánh mắt của những người chứng kiến, mặc dù cuộc gặp gỡ xem ra đơn giản và bình thường. Chúa Giêsu dường như đã tuyên bố, ‘Ta đã sẵn có những chương trình cho ngươi.’
 
Đổi tên ai là chiếm dụng người ấy, đồng thời cho họ biết ý muốn Thiên Chúa dành cho họ trên trần gian. Cephas thời ấy chưa phải là một tên riêng, nhưng Chúa đã chọn để nói lên nhiệm vụ mới của Phêrô, một nhiệm vụ sau này sẽ được sáng tỏ đầy đủ, khi ngài trở thành đại diện của Chúa Kitô. Trong giờ cầu nguyện hôm nay, chúng ta hãy xét lại lòng mến của chúng ta – thể hiện bằng việc làm – đối với vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian. Chúng ta có cầu nguyện cho ngài mỗi ngày hay không? Chúng ta có cộng tác vào việc truyền bá các giáo huấn của ngài không? Chúng ta có hậu thuẫn những đường hướng của ngài không? Chúng ta có sẵn lòng bảo vệ ngài khi ngài bị công kích và bỉ báng không? Chúa Giêsu sẽ được một niềm vui khi Người thấy chúng ta yêu mến, bằng việc làm, vị đại diện trên trần gian của Người.
 
2.  Người thủ lãnh các môn đệ của Chúa.
Lần gặp gỡ đầu tiên hôm đó với Thầy Chí Thánh chưa phải là lời mời gọi chung quyết. Nhưng từ giờ phút ấy, Phêrô cảm thấy bị thu hút bởi cái nhìn và con người của Chúa Giêsu. Ngài chưa bỏ hẳn nghề chài lưới, nhưng vẫn đi theo lắng nghe những giáo huấn của Thầy, nhiều lần được chứng kiến các phép lạ của Thầy. Có lẽ ngài cũng có mặt trong bữa tiệc cưới tại Cana xứ Galilê, và lần đầu tiên ngài đã gặp Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Chúng ta biết sau đó Phêrô đã theo Chúa đến Capharnaum. Một ngày kia, bên bờ hồ, sau mẻ cá phép lạ, Chúa Giêsu đã chính thức mời gọi Phêrô theo Người. Phêrô lập tức vâng theo, tâm hồn ngài đã được ơn thánh chuẩn bị từng bước. Từ bỏ mọi sự – relictis omnibus – ngài đi theo Chúa Giêsu, làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi với Thầy.
 
Thế rồi, một ngày kia tại Caesarea Philippi, khi Thầy trò đang đi đường, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Các con bảo Thầy là ai? Simon Phêrô trả lời: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Kitô đã trang trọng tuyên bố quyền tối cao của Phêrô trên toàn thể Giáo Hội của Người. Phêrô chắc phải nhớ lại những lời tương tự Chúa đã nói khoảng hai năm về trước, khi anh Anrê đã dẫn ngài đến với Chúa: Ngươi sẽ được gọi là Cephas!…
 
Phêrô đã không biến đổi mau chóng như cái tên của ngài. Ngài không cương quyết, vững vàng ngay được như ý nghĩa của cái tên mới mà Chúa đặt cho. Đức tin ngài vẫn chưa kiên vững như đá. Chúng ta thấy Phêrô với tính bốc đồng và nhiều chao đảo. Có lần Chúa Giêsu đã quở trách con người sau này sẽ là nền móng của Giáo Hội vì dám cản ngăn Người. Thiên Chúa chờ đợi đủ thời gian để đào tạo cho từng môn đệ Người đã ưu tuyển. Trong khi đó, Người vẫn tin vào thiện chí của họ. Nếu có thiện chí như Phêrô, sống mềm mỏng với ơn thánh, chúng ta cũng sẽ trở thành khí cụ xứng hợp để phụng sự Thầy Chí Thánh và chu toàn sứ mạng Người ủy thác cho chúng ta. Nếu chúng ta cứ bắt đầu lại, nếu chúng ta hướng nhìn Chúa Giêsu, biết mở lòng khi thụ hướng, mọi sự – kể cả những biến cố nghịch cảnh – cũng sẽ giúp chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn, Người không mỏi mệt mài đục giũa gọt sự thô kệch ghồ ghề của chúng ta, như một nhà điêu khắc trước tảng cẩm thạch. Và rồi, như Phêrô, những khi gặp gian truân, chúng ta có lẽ cũng nghe lời trách yêu: Hỡi người kém tin, tại sao lại nghi ngờ? Và lập tức, chúng ta thấy Chúa Giêsu bên cạnh và giơ tay cho chúng ta.
 
3.  Trung thành và sẵn sàng tử đạo.
Thầy Chí Thánh đã tỏ dấu quan tâm đặc biệt đến Phêrô. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu cần đến Phêrô, trong những giờ phút kinh hoàng và não nề nhất, khi Chúa bị bỏ rơi và cô thế, thì Phêrô lại chối bỏ Người. Sau sự kiện Phục Sinh, khi Simon Phêrô và các Tông Đồ trở về với công việc chài lưới, Chúa Giêsu đã đến gặp Phêrô và tỏ mình cho ngài qua một phép lạ mẻ cá lạ lùng khác nữa. Điều này làm Simon nhớ lại phép lạ lần trước, khi Thầy Chí Thánh mời gọi ngài đi theo và hứa sẽ biến ngài thành một ngư phủ chài lưới người ta.
 
Giờ đây, Chúa Giêsu đang chờ ngài trên bờ biển. Chúa dùng những thứ như củi, lửa, cá, để minh chứng sự hiện diện thực sự của Người, và khơi lại bầu không khí thân mật Thầy trò như xưa. Sau khi mọi người ăn xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô, ‘Simon, con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?’. Sau đó, Chúa phán với Simon: Quả thật, Thầy bảo thật cho con biết: lúc còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, con sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con chẳng muốn đến. Khi thánh sử Gioan chép Phúc Âm, lời tiên báo này đã được ứng nghiệm, vì thế ngài đã viết thêm: Chúa nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Sau đó, Chúa còn nhắc lại những lời Người đã nói với Phêrô mấy năm trước, cũng trên bờ hồ này, và có lẽ Phêrô giờ đây đã quên, những lời đã làm thay đổi cả cuộc đời ông – ‘Hãy theo Thầy.’
 
Một truyền tụng xưa ở Roma cho chúng ta biết vào thời kỳ bách hại đẫm máu dưới thời bạo vương Nero, thánh Phêrô đã chiều theo ước nguyện của cộng đồng tín hữu và đi tìm một nơi an toàn để tiếp tục lãnh đạo Hội Thánh. Vừa đến cổng thành, thánh nhân đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: Lạy Chúa, Chúa đi đâu? (Quo vadis, Domine?). Thầy Chí Thánh đáp: ‘Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa.’ Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ngài trở vào thành và thập giá đã chờ ngài ở đó. Truyền tụng này dường như là tiếng vang sau cùng về lời phản đối của Phêrô khi nghe Chúa Giêsu lần đầu tiên tiên báo về cuộc khổ nạn của Người. Thánh Phêrô sau đó đã chịu tử đạo. Một sử gia cổ thời kể lại thánh nhân đã xin chịu đóng đinh ngược, vì thấy không đáng được chết như Thầy Chí Thánh. Cuộc tử đạo này đã được thánh Clement, giáo hoàng kế nhiệm của thánh Phêrô ghi lại. Từ thế kỷ III, Giáo Hội đã kính nhớ cuộc tử đạo của hai thánh Phêrô và Phaolô vào ngày 29 tháng Sáu, ngày các ngài đã được gặp lại Thầy Chí Thánh.
 
4 Chúa tuyển chọn các môn đệ.
Khi bị đánh ngã, Phaolô đã hỏi: Lạy Chúa, tôi sẽ phải làm gì?1 Và Chúa Giêsu trả lời: Hãy chỗi dậy và đi vào thành Damascus, và ở đó, ngươi sẽ được nói cho biết tất cả những gì Thiên Chúa đã định cho ngươi phải làm. Con người bách hại đã được ơn hoán cải, sau đó được Ananias dạy đạo và ban phép Thánh Tẩy. Khi Phaolô nhận ra Chúa Kitô là tất cả sự quan trọng cho cuộc đời ngài, chúng ta thấy ngài đã hiến thân với tất cả sức lực để truyền bá Tin Mừng, không ngại hiểm nguy, thử thách, đau khổ, và thất bại phía trước. Ngài biết mình là khí cụ được ưu tuyển để đem Phúc Âm đến cho nhiều người, như chúng ta nghe trong bài đọc Hai hôm nay: Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại.
 
Thánh Augustine nói, trước khi gặp Chúa Kitô, nhiệt tâm của thánh Phaolô giống như một khu rừng rậm không thể vượt qua, mặc dù đó là một trở ngại, nhưng lại minh chứng tính chất màu mỡ của đất đai này. Sau đó, Thiên Chúa gieo vào miếng đất ấy hạt giống Phúc Âm, và hoa trái đã nẩy nở xum xuê. Những gì xảy đến với thánh Phaolô cũng có thể xảy cho mọi người, mặc dù những lầm lỡ của họ có thể rất trầm trọng. Hoạt động mầu nhiệm của ân sủng không thay đổi, nhưng chữa lành, thanh luyện, nâng cao và hoàn thiện những gì là tự nhiên.
 
Thánh Phaolô tin Thiên Chúa đã tín nhiệm ngài từ khi ngài được đầu thai trong lòng mẹ; trước khi tôi chào đời, thánh nhân đã nhắc lại nhiều lần cụm từ này. Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy Thiên Chúa đã kén chọn các ngôn sứ sẽ được sai đi như thế nào; và qua đó, Chúa cho chúng ta thấy sáng kiến ấy là của Người, có trước mọi công trạng của chúng ta. Thánh Tông Đồ cẩn thận lưu ý đến điểm này. Ngài giải thích cho các tín hữu giáo đoàn Êphêsô về sự kén chọn từ trước của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã chọn chúng ta từ trước khi tạo thành vũ trụ; và với Timothy, thánh nhân còn nói rõ hơn: Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta nên thánh, không phải do công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người.
 
Ơn gọi là một quà tặng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta từ đời đời. Vì vậy, khi Thiên Chúa bày tỏ ơn gọi ấy cho ngài trên đường Damascus, thánh Phaolô đã không xin ý kiến người đời. Ngài đã không hỏi ý kiến con người, vì ngài tin chắc chính Thiên Chúa đã kêu gọi mình. Ngài đã không nghe theo lời khôn ngoan của xác thịt, nhưng quảng đại hiến thân cho Thiên Chúa. Sự dấn thân của ngài thật mau mắn, trọn vẹn, và vô điều kiện. Khi nghe Chúa Kitô mời gọi, các Tông Đồ đã tức khắc từ bỏ lưới thuyền và mọi sự, relictis omnibus, để đi theo Chúa. Thánh Phaolô, người đã từng bách hại các tín hữu, giờ đây cũng theo bước Chúa Kitô với một sự mau mắn và cương quyết như thế.
 
Mỗi người chúng ta, mỗi người một cách, đã lãnh nhận một ơn gọi cụ thể để phụng sự Chúa. Trong cuộc đời, chúng ta còn lãnh nhận những lời mời gọi khác để theo sát Chúa trong những hoàn cảnh mới, và chúng ta phải quảng đại trong mỗi lần được gặp gỡ Chúa. Chúng ta phải biết nài nỉ Chúa Giêsu trong lời xin tha thiết hôm nay, như thánh Phaolô: Lạy Chúa, con sẽ phải làm gì? Chúa muốn con từ bỏ những gì? Chúa muốn con sửa lại điều gì? Vào lúc này trong cuộc sống, con phải làm gì để phụng sự Chúa?
 
5. Lời mời gọi của Chúa và ơn gọi tông đồ.
Thiên Chúa đã gọi thánh Phaolô qua các dấu chỉ ngoại thường, nhưng các dấu chỉ ấy cũng sinh ra những hiệu quả tương tự như lời Chúa mời gọi chúng ta theo bước Người giữa những công việc trần thế. Thiên Chúa mời gọi mọi tín hữu nên thánh và làm tông đồ. Đó là một ơn gọi rất yêu sách, nhiều khi đòi đến mức anh hùng, bởi vì Thiên Chúa không muốn có những tín hữu nguội lạnh, những môn đệ nửa vời. Chúa Kitô mời gọi một số người hiến thân đặc biệt để khuyếch trương nước Chúa giữa nhân loại, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục những công việc bình thường giữa trần thế. Vì mỗi người đều phải đáp lại ơn gọi, nên chúng ta cần nắm vững ý nghĩa đời sống tông đồ, nếu chúng ta muốn trở nên môn đệ của Thầy Chí Thánh. Điều này dẫn chúng ta đến chỗ lợi dụng mọi cơ hội để đem tha nhân về cho Chúa Kitô, trong tình thân ngày càng thắm thiết hơn với Chúa, nhưng đồng thời, cũng đem lại cho tha nhân niềm vui, sự bình an, và cho họ cảm nghiệm được sự sung mãn trong đời sống.
 
Đối với thánh Phaolô, cũng như mọi tín hữu thực sự sống ơn gọi, việc tông đồ là một phần quan trọng trong đời sống - hay đúng hơn, là một phần gắn liền với đời sống của họ. Làm việc trở thành một việc tông đồ, một ước muốn trình bày Chúa Kitô. Bệnh tật và giải trí, đau đớn và nghỉ ngơi cũng thế… Nhiệt tâm tông đồ là lương thực không thể thiếu nếu chúng ta muốn hiểu biết Chúa Kitô. Biết Chúa trong tình thân sẽ đưa chúng ta đến chỗ truyền đạt sự khám phá này cho người khác. Sự truyền đạt là dấu hiệu bảo đảm rằng ta đã thực sự hiến thân cho Thiên Chúa. Khi việc theo Chúa Kitô trở nên một thực tại trong đời sống chúng ta, điều ấy sẽ nẩy sinh nhu cầu truyền bá, hoạt động, trao ban, giảng bảo, truyền đạt cho người khác báu tàng và ngọn lửa của chúng ta… Việc tông đồ trở thành một trương mở của linh hồn, trong sự triển nở của nhân cách được đồng hóa với Chúa Kitô và sống động nhờ Chúa Thánh Thần. Chúng ta cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải làm việc, phải cố gắng hết sức để mở rộng nước Chúa vì ơn cứu rỗi cho tha nhân, cho mọi người. Thánh Tông Đồ đã thở than, Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!
 
Khi đem Tin Mừng đến cho người khác, chúng ta chu toàn lệnh truyền Chúa Kitô đã truyền ban: Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo. Khi ấy, đời sống nội tâm của chúng ta sẽ nên phong phú, như một thân cây được tưới tắm đúng thời đúng buổi. Thánh Phaolô hôm nay cho chúng ta một tấm gương và giúp chúng ta xét lại mức độ quyết tâm đem Chúa Kitô đến cho tha nhân. Được đồng hóa với Chúa Kitô là Đấng đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, và để hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người, thánh Phaolô đã trở nên đầy tớ của mọi người hầu thu phục được nhiều người hết sức có thể. Thánh nhân đã nói với các tín hữu giáo đoàn Côrinthô: Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái, để thu phục người Do Thái… Với người yếu đuối, tôi đã trở nên yếu đuối, để có thể thu phục những kẻ yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người để bằng mọi cách, cứu vớt được một số người.
 
Hôm nay, chúng ta nài xin thánh Phaolô cho chúng ta một tâm hồn lớn lao như của ngài, để có thể bỏ qua mọi nhục nhã nhỏ nhặt và những thất bại hiển nhiên mà công cuộc tông đồ đem lại. Chúng ta hãy thưa Chúa Giêsu rằng, chúng con sẵn sàng sống thân ái với mọi người, để đem đến cho họ cơ hội được nhận biết Chúa, mà không lưu tâm đến những hy sinh và phiền toái mà chúng con có thể gặp phải.
 
6. Việc tông đồ: một nhiệm vụ vui tươi nhưng phải hy sinh.
Thánh Phaolô kêu gọi Timothy và tất cả chúng ta, Hãy rao giảng về Chúa lúc thuận tiện và lúc không thuận tiện. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ nghoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Dường như thánh Tông Đồ đang nói về thời đại ngày nay của chúng ta. Ngài nói với Timothy và qua người đồ đệ này, với từng người chúng ta: Hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loán báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của mình. Các linh mục sẽ thực hiện điều này qua việc rao giảng lời Chúa, qua đời sống gương mẫu, đức ái, và lời khuyên trong tòa giải tội. Các giáo dân – tức là phần đông dân Chúa – hãy rao truyền lời Chúa qua cuộc sống thân ái, với lời khuyên nhủ xứng hợp dành cho những người đang ngày càng xa rời Thiên Chúa, hoặc những người chưa bao giờ gần gũi với Người. Chúng ta thực hiện điều này trong môi trường làm việc hoặc học tập, trong những kỳ nghỉ hè. Cha mẹ với con cái, hãy nắm bắt những thời điểm tốt nhất, hoặc tạo ra cơ hội thuận tiện.
 
Đức Gioan Phaolô II II đã khích lệ các bạn trẻ – và mọi tín hữu hãy luôn sống với tâm hồn tươi trẻ – đó là một việc tông đồ mãnh liệt, trực tiếp, và hân hoan. Hãy là những người bạn thân tình của Chúa Giêsu và đem đến cho gia đình bạn, trường học bạn, khu vực bạn đang sống, tấm gương của một đời sống Kitô Giáo thực sự trong trắng và hân hoan. Hãy luôn luôn là những tín hữu trẻ trung, những chứng nhân đích thực cho giáo huấn của Chúa Kitô. Hơn nữa, hãy là những người mang Chúa Kitô giữa xã hội nhiễu nhương ngày nay, một xã hội cần đến Chúa hơn bao giờ hết. Bằng cuộc sống, bạn hãy loan báo cho mọi người rằng chỉ có Chúa Kitô mới là ơn rỗi đích thực cho nhân loại.
 
Hôm nay, chúng ta hãy xin thánh Phaolô dạy cho chúng ta biết biến đổi mọi hoàn cảnh trở nên thuận tiện: Những ai đi đây đó để lo công chuyện hay để giải trí, phải nhớ rằng dù ở đâu, họ vẫn là sứ giả lưu động của Chúa Kitô, và phải sống đúng danh hiệu đó. Chúng ta hãy sống trong tinh thần cởi mở, tinh thần mà chỉ có tâm hồn nào coi Chúa Kitô là đích điểm cho mọi hoạt động cuộc sống mới có thể có được. Ngay cả các trẻ em cũng có thể là những công cụ xứng hợp cho Chúa Thánh Thần thực hiện công việc tông đồ, như công đồng Vatican II đã nói, vì theo khả năng của mình, chúng có thể là những chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô ở giữa bạn bè trang lứa.
 
Hoạt động tông đồ của thánh Phaolô thực sự rất đáng khâm phục, ngạc nhiên, và tuyệt diệu. Mọi người yêu mến Chúa Kitô như thánh Phaolô đều cảm thấy nhu cầu phải rao giảng, vì như thánh Thomas Aquinas đã nói, điều gì làm ta khâm phục nhất, thế nào sau đó ta cũng tiết lộ, bởi vì trong lòng đầy thì miệng sẽ nói ra.
 
Dongcong.net
 
 
 
Phêrô Và Phaolô:Hai ct tr tông đỒ tiên khi
(Mt 16,13-19)
Fr. Jude Siciliano, op
Thưa quí vị ! Đối với những nhà giảng thuyết thời nay, việc trình bày tiểu sử của các vị thánh trong Giáo hội sao cho lọt tai các thính giả tân thời là một thách đố to lớn. Bởi lẽ trong quá khứ đời sống các thánh đã được tô vẽ quá mức, đấng thì được người ta lãng mạn, thi vị hoá, đấng lại thêm thắt những điều không tưởng, thành thử các ngài xem ra không được thực tế, viển vông, xa vời, quá khích, hoặc rập theo khuôn mẫu khách sáo. Các ngài là những mẫu người quá hoàn hảo, quá thiêng liêng không còn gần gũi với sinh hoạt trần tục nữa. Thật khó cho các tín hữu tân thời tìm được điểm chung với các thánh. Chúng ta lại đang sống trong thời kỳ giải thiêng, kể cả giải thiêng các thần tượng hay anh hùng dân tộc. Người ta sợ rằng ngày nào đó thiên hạ tìm ra các thiếu xót, thì tình cảm bị xúc phạm nặng nề. Chừng mực thôi là khôn ngoan hơn cả. Có hụt hẫng cũng không thiệt hại lắm. Các gương xấu gần đây trong Giáo hội Hoa Kỳ và một vài quốc gia khác, chẳng lợi gì về mặt đạo đức cho những tín hữu bình thường.

Tuy nhiên, lòng sùng mộ các thánh vẫn thể hiện được tính chất chứng nhân của Phúc âm và là một lực phản kháng rõ nét chống lại khuynh hướng tục hoá của xã hội Hoa Kỳ. Những giá trị làm chúng ta lo lắng cho các thế hệ tương lai. Lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay là một bằng chứng cụ thể. Hai vị là những cột trụ vững chắc của Giáo hội toàn cầu qua hơn hai ngàn năm. Thánh Phaolô được gọi là “tông đồ dân ngoại”. Nhưng các bài đọc chúa nhật gần đây từ sách Sứ vụ Tông đồ cũng kể rằng thánh Phêrô đã ăn uống với dân ngoại. Ngài Rửa tội cho họ trong đức tin vào Chúa Kitô (10,23). Sau này, ngài phải giải trình hành động của mình trước mặt trưởng lão Giáo hội tại Giêrusalem.

Những người tín hữu gốc Do Thái phần đông muốn rằng, dân ngoại khi trở lại, vẫn phải giữ luật Môisen và các tập tục của cha ông. Nhưng điều này giới hạn rất nhiều sự phát triển của Giáo hội tiên khởi. Do đó, thánh Phêrô và Phaolô, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, mạnh dạn thâu nhận họ vào Hội thánh mà không thông qua Do Thái giáo. Đương nhiên chẳng bao lâu, các tông đồ khác cũng noi theo gương. Vô tình, các vị thánh này phải vật lộn với các anh chị em tín hữu đồng đạo, nói chi với thế giới thù nghịch bên ngoài. Chúng ta có thể tưởng tượng ra những nỗi khó khăn cực kỳ mà các ngài đã đương đầu : hiềm tỵ, vụ khống, chia rẽ …

Hơn nữa bài đọc 1 và 2 hôm nay đều kể lại biến cố hai thánh Tông đồ bị cầm tù vì đức tin. Điều này làm cho không khí thánh lễ hôm nay có phần ảm đạm. Hai mẫu mực đức tin đang phải chịu thế gian bách hại vì những điều mình tin và giảng dạy về Chúa Giêsu. Chẳng hiểu hiện thời chúng ta có phải chịu đựng đau khổ về niềm tin của mình như vậy không ? Tuy rằng, cách đó ít lâu, hai vị đều được phóng thích, nhưng lịch sử kể lại cả hai đều sẽ bị giết chết. Cho nên, cành lá vạn tuế vì tử đạo đã xuất hiện trong các bài đọc hôm nay. Cả hai vị đều do tình yêu mãnh liệt nơi Chúa Giêsu thúc đẩy, nhờ đó họ có thể thắng được mọi nỗi gian truân, và ngày càng thêm can đảm xưng tụng Danh Chúa trước mặt thế gian. Tác giả Walter Burghardt Sj nói rằng đó là gương cho các tín hữu, nhất là người rao giảng noi theo ! Chúng ta phải luôn có “lửa cháy ở trong lòng” ! Hỡi ơi ! thời nay chúng ta tuy còn giữ đạo, nhưng coi thường điều này, ước chi mỗi cộng đoàn giáo xứ nhớ lại tổ tiên chúng ta trong đức tin !
 
Cuộc đời hai vị tông đồ đã là chứng cứ không thể chối cãi về quyền năng Thiên Chúa biến đổi và điều khiển mỗi tín hữu trên trần gian. Rõ ràng, việc theo Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô và Phaolô thay đổi hoàn toàn. Sự biến đổi này gây ngạc nhiên cho chính họ và cả chúng ta ngày nay nữa. Người còn lương tri nào lại không sững sờ vì những kẻ trước kia nhát đảm, ngu si nay trở thành anh hùng để thế giới soi chung. Trong bài đọc 2 chúng ta nghe thánh Phaolô nói : “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường, đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”. Câu nói hợp lý và danh tiếng đó cũng có thể được đặt vào môi miệng của thánh Phêrô. Bởi nó không phải là lời lẽ học thức về những lý thuyết cao siêu mà đơn giản chỉ là những đòi hỏi của đức tin mà tác giả đã cặn kẽ chu toàn. Thánh Phêrô cũng đã anh dũng rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô.

Mặc dầu chúng ta đang mừng lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng bài đọc 2 cho chúng ta cơ hội để nhìn rõ hơn lối sống của thánh Phaolô trong cuối hành trình của vị thánh. Ngài đã cho chúng ta biết những vui buồn sướng khổ riêng tư. Những vui buồn đó cũng là số phận của những ai quyết tâm theo Chúa như ngài. Lấy Đức Kitô làm đối tượng sống, suy nghĩ và hành động. Lúc này thánh Phaolô đang bị giam trong nhà tù của hoàng đế Nêrô tại Roma. Đây là cuộc bách hại tôn giáo thô bạo, nó sẽ dẫn đến cuộc giết hại đẫm máu nhất trong lịch sử. Trong hai năm thánh Phaolô bị giam lỏng tại ngôi nhà ngài thuê. Dần dần việc quản chế khép lại, bớt khó khăn hơn. Cứ như tính nết đặc thù, ngài ít khi tiết lộ về những điều cá nhân. Nhưng thư thứ hai cho Timôthê lại nói nhiều về vị thánh, cho nên người ta nghĩ nó được viết bởi một môn đệ của ngài, và viết sau khi ngài đã chết.
 
Ngoài ra, vì tính cách riêng tư nên bài đọc hôm nay còn được gọi là bài huấn dụ riêng cho Timôthê. Sống cuộc đời chân thành theo Chúa không phải là chuyện dễ. Thánh Phaolô đã mô tả nó bằng ngôn ngữ đấu trường thể thao. Nó cũng bộc lộ thực tế cuộc đời của thánh nhân trước mặt các độc giả. Bài đọc bỏ từ câu 9 đến câu 15 của đoạn 2, nói về sự kiện thánh nhân bị bạn bè bỏ rơi trong tù. Tuy nhiên, ngài luôn tin rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ xa lìa ngài. Điều tiết lộ này thật có ích cho chúng ta, các tín hữu, chúng ta cũng thường bị bỏ rơi vì quan điểm đạo đức của mình.

Ngày này, trước tiến bộ của xã hội, người có đạo cũng thường xuyên bị cám dỗ chối bỏ đức tin, nếu làm như thế, là hèn nhát. Bởi đức tin luôn đòi hỏi hy sinh cá nhân, không hy sinh không thành người tín hữu, hoặc như thánh Phaolô viết hôm nay, chúng ta phải có quyết tâm của một lực sĩ thao trường. Anh ta phải luôn phấn đấu đứng đầu bảng. Cũng thế ơn gọi sống Phúc âm đòi buộc liên tục dấn thân và hy sinh, nhất là thời buổi này, chẳng có nhiều bạn đồng hành, toàn gương mù, gương xấu. Không bền bỉ thì rất khó đứng vững. Người ta nói “ra đường gặp anh hùng”, như đối với các tín hữu, ra đường gặp toàn cám dỗ. Cứ nghĩ đến vài kiểu sống thời văn minh đã thấy chóng mặt : tham lam có tổ chức, hợp doanh buôn lậu, gian lậu thương mại, tình dục tự do, hỗn loạn, sống chung không hôn thú, chính trị lừa đảo, thử nghiệm bạn đời, chết êm dịu, kinh tế ảo, bóc lột tinh vi… Những đường lối này hoàn toàn trái nghịch với tinh thần Phúc âm. Chúng thật đông đảo, lôi kéo các tín hữu không ngừng nghỉ. Thiên hạ đều như thế cả, tại sao chúng ta không được phép hành động ?

Từ khi nhận ơn gọi trên đường đi Đamat, thánh Phaolô đã theo đuổi cuộc đời đầy hy sinh gian khổ để có thể trung thành với Chúa, và ngay cả khi bị giam cầm, hành hạ ngài vẫn không hối tiếc. Liệu chúng ta, các tín hữu, có thể làm khác, rồi tuyên bố Chúa sẽ thưởng công xứng đáng ? Đúng là một giọng điệu tự mãn, tự lừa dối ! Bài đọc 2 cho chúng ta cơ hội để nghĩ lại, để suy tư về đời sống các thánh, nhất là cuộc đời hai thánh Phêrô và Phaolô. Thánh Phaolô nói với các tín hữu lớn tuổi, những người đã sống cuộc đời lâu dài và trung thành trong cộng đoàn : Bất chấp những sợ hãi và nguy nan, khi đối mặt với cái chết, hãy can đảm tin cậy, phó thác linh hồn trong tay Chúa, Đấng luôn trung tín và xót thương. Còn đối với những thành viên trẻ hơn, thánh nhân khuyên nhủ : Các bạn hãy can đảm lên, vững tin rằng các hy sinh khó nhọc của các bạn giữa những cám dỗ của cuộc đời, để trung thành với Chúa, lương thiện với mọi người, xây dựng con cháu, Thiên Chúa chẳng bao giờ quên hoặc phụ công các bạn. Trái lại Ngài sẽ rộng tay chúc phúc và khen thưởng xứng đáng. Bởi Ngài là Đấng nhân từ và giàu lòng thương yêu.

Ngay bây giờ giữa những lao nhọc và căng thẳng của cuộc chạy đua trong đấu trường thế gian, Ngài không hề để chúng ta một mình, đúng như Ngài đã chằng hề rời bỏ hai thánh Phêrô và Phaolô. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta khẩn khoản xin Chúa Thánh Thể ban cho mình lòng bền bỉ và cậy trông của một đức tin chân chính. Chúng ta tham dự phụng vụ với tâm hồn khao khát, can đảm và cậy trông như cha ông trong đức tin của chúng ta ngày xưa. Chúng ta khát khao lương thực thiêng liêng đã nuôi sống họ, cũng nuôi dưỡng chúng ta hôm nay. Ước gì lời hằng sống và bánh trường sinh nâng đỡ họ cũng nâng đỡ các tín hữu. Khi đối mặt với cái chết, thánh Phaolô đã để lại cho Giáo hội những lời lẽ khôn ngoan và kiên cường, khích lệ chúng ta luôn trung thành sống ơn gọi của mình và nêu gương sáng cho các thế hệ tương lai.
 
Dùng gương lành đó, chúng ta tự hỏi : khi giờ chết đến, nhìn lại cuộc đời, tôi sẽ thấy gì ? Liệu có thể thỏa mãn với cuộc đời đã qua ? Đã tiêu hao, sức lực, thời gian, tiền tài đúng nơi, đúng chỗ ? Hãy đã phí phạm để đến nỗi bây giờ phải hối hận ? Những lựa chọn của tôi trong cuộc đời khôn ngoan hay ngu dại ? Suốt cuộc đời chỉ bám vào những giá trị giả dối chóng qua hay những thực tại vĩnh hằng ? Là một tín hữu đòi hỏi những lựa chọn đúng đắn, những phản kháng quyết liệt và những hy sinh cao thượng, không hề thoả hiệp với thế gian, xác thịt và ma quỷ, không thể bằng lòng với kiểu cách giữ đạo bề ngoài, đọc kinh, xem lễ như những cái máy vô hồn, mà phải đi sâu vào nguyện gẫm, chiêm niệm.

Gương thánh Phaolô cho các tín hữu là phải kiên trì trong đức tin, hy sinh trong tâm tình dâng hiến. Sống dễ dãi sẽ đưa chúng ta xa dần mục tiêu. Đã có lần thánh Phaolô so sánh cuộc đời người tín hữu giống như chầu rượu tế thần : Trước mỗi cuộc vượt biển người ta thường khấn hứa các thần minh bằng một chầu rượu. Đó là hình ảnh đúng nhất để lên đường. Thánh Phaolô cũng sắp rời thế gian, chấm dứt hành trình đời này về lãnh phần thưởng trước toà Thiên Chúa, ngài dâng đời ngài như của lễ trọn vẹn, như chầu rượu hiến tế lên Thiên Chúa toàn năng. Người tín hữu cũng vậy, tâm tình theo Chúa đã tách biệt chúng ta khỏi đám đông, khỏi thế gian, khỏi dòng đời mà chọn phần hy sinh dài lâu và bền vững. Cuộc đời phụng sự Chúa cũng là chầu rượu tế thần, sửa soạn linh hồn lên đường về với Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả quyết : Đời sống như vậy có thể thực hiện được nhờ ơn Chúa trợ giúp, ban khả năng cho chúng ta ngày lại ngày. Chúng ta có thể hiên ngang sống đức tin một cách vững bền, mặc cho thế gian liên tục đổi thay.
 
Phải chăng sẽ là một điều kỳ diệu khi cuối cuộc đời chúng ta cũng cảm nghiệm được lòng tự tin như thánh Phaolô: “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường”. Chỉ còn đợi chờ phần thưởng nơi Thiên Chúa, chúng ta có quyền hy vọng, trông cậy vào tương lai tươi sáng. Khi mà Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng, giành lại triều thiên vinh hiển cho nhân loại, bằng hy sinh và cái chết của mình, sẽ ban triều thiên ấy cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ chính ngài đã ban ơn sống đời môn đệ trung thành. Lúc này, có thể Chúa còn đòi hỏi chúng ta chịu đựng hơn nữa, hy sinh hơn nữa. Nhưng chắc chắn chúng ta không chiến đấu đơn độc, mà có Chúa luôn ở bên bênh đỡ. Cho nên như thánh Phaolô tiết lộ, không những chúng ta sẽ được báo đáp về sau, mà ngay bây giờ được đảm bảo : “Chúa sẽ tiếp tục cứu thoát khỏi mọi nguy khốn, đưa chúng ta đến bến bình an trên thiên đàng”. Còn chi an ủi hơn, trong ngày lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, những trụ cột của Giáo hội. Amen.
 
Fr. Jude Siciliano, op
 
 
Ngài Là Cha Tôi
Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Truyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.
 
Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.
 
Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần... Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: "Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi".
 
"Ngài là cha tôi": đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên Chúa. Ðó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn thắt chặt với từng người trong chúng ta.
 
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của con người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta vẫn có thể gọi Chúa là Cha.
 
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình. "Hãy trở nên chính mình". Ðó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những cá biệt của từng người.
 
Hôm nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc nhau. 
 
Một người xuất thân từ một dân chài, nóng nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một thư sinh học rộng, hiểu sâu.Hai trình độ khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm hồn: đó là cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô.
Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người của Ðức Kitô sau ba lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài... Một người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sám hối, một người đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.
 
Hai tính khí khác nhau, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội của Chúa.
 
Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu trưng của Tình Yêu của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải chối bỏ con người tự nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng tất cả những khuyết điểm, những giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.
 
Msgr. Peter Nguyen Van Tai
 
 
Hai vì sao sáng: Phêrô và Phaolô
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Bài ca nhập lễ vang lên hùng tráng trong ngày Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô : Hai vì sao sáng chói,lấp lánh trên bầu trời,ngời sáng đêm trường,rực rỡ soi đường sưởi ấm yêu thương.Hai tình yêu chiến thắng,ngất ngây trong cuộc đời,từ trái tim nồng dòng máu anh hùng ngời sáng muôn trùng.
Phêrô, Phaolô hai vì sao sáng ngời chiếu toả ánh sáng Chúa Kitô cho nhân loại.
Hai Thánh Tông đồ là hai con người xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau nhưng cùng một niềm tin, cùng một sứ mạng và cùng một vinh quang được đội triều thiên vinh hiển để trở thành hai vì sao sáng cho Giáo hội.

Còn nhớ hôm nào người ba lần chối Giêsu. Còn nhớ ngày nào người bắt Chúa trong căm thù. Lời ca ngắn đúc kết phần một trong cuộc đời hai Ngài : chối Thầy, bắt Thầy. Nhưng cuộc đời phần hai đã viết nên những trang hào hùng oanh liệt. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối, hai Ngài cầm đuốc Tông đồ rao truyền Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.

Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

1. Thánh Phêrô
Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai : cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.
Trong cuộc đời phần một của Phêrô, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.Cuối đời của Chúa,Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72)

Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này :Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.
- Mắng lần đầu tiên : Quân yếu tin ( Mt 14,31)
- Lần thứ hai : Ngu tối ( Mt 15,16)
- Lần thứ ba : Satan ( Mc 8,33)
Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn có một tâm hồn chân thành.

Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan(Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đếm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.

Sứ mạng theo Đức Kitrô khởi đầu từ đây khi bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến với họ ban cho họ mẻ cá lạ lùng.Chính Đấng Phục sinh đã hỏi Ông : Phêrô, con có yêu mến thầy không ? Phêrô đáp : Thưa Thầy,Thầy biềt rõ mọi sự, thầy biết con yêu mên Thầy. Sau khi Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc, Chúa nói với ông rằng : Thầy bảo cho anh biết lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý.Nhưng khi đã về già,anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là : Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào.Thế rồi Chúa bảo ông : hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao.Từ đây trên tảng đá này Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được.Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

2. Thánh Phaolô
Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, chúng ta bắt gặp một Saolô, ở Tac-xô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Ga-ma-li-ên ở Giê-ru-sa-lem. Cuộc đời phần một của Phaolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Tê-pha-nô và trên đường Đa-mát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại trên đường Đa-Mat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Cuộc đời phần hai của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.

Sách Công vụ tông đồ kể lại :trên đường Đa-mat, Phaolô rong ruổi trên yên ngựa hăng say truy bắt các Kitô hữu thì thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó.Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô.Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể.

Khi đã biết Chúa Kitô thì “ những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu( Pl 3,7-9). Từ đó trở đi Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người :” Vì anh em,phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô,thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp;không còn nô lệ hay tự do;không còn nam hay nữ;vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu (Gal 3,27-28).Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” ( Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời Phaolô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18; 2Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những”… lao tù đòn vọt,bao lần suýt chết,năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một,ba lần bị đánh đòn,một lần bị ném đá,ba lần bị đắm tàu,một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi.Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình,gặp bao nguy hiểm trên sông,nguy hiểm do trộm cướp,nguy hiểm do đồng bào,nguy hiểm vì dân ngoại,nguy hiểm ở thành phố,trong sa mạc,ngoài biển khơi,nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc,thường phải thức đêm,bị đói khát,nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng ( 2 Cor 11 23-27). Phaolô ra vào tù thường xuyên, có lần Ngài viết từ ngục thất cho Ti-mô-thê, người môn đệ, có khi không khỏi nao núng:” anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta,cũng đừng hổ thẹn vì tôi,là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn” vì tôi biết tôi đã tin vào ai …”(2 Tim 1,8-12).Vì Đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi,nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy ” chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2cor 4,8-9)

Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức ”Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài ” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).


Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? …

Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ ( Rm 8,35-39).

3. Phêrô và Phaolô, tượng đài hiệp nhất.
Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy laị có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.
Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô đã nên hai vì sao sáng ngời, trở nên nền tảng hiệp nhất. Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
 
 
 
 
 
LÀM TÔNG ĐỒ HAY LÀM GIÁO HOÀNG? DỄ ỢT!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Phêrô – Phaolô, hai Thánh tông đồ cả, hai cột trụ chính của tòa nhà Hội Thánh hằng năm được kính nhớ trọng thể chung một ngày lễ 29/6. Hai vị là Tông Đồ như nhau. Thánh Phaolô dù không có chức Giáo Hoàng như thánh Phêrô nhưng cũng tương đương chức vị ấy không kém gì. Hai khuôn mặt, hai cuộc đời xem ra khác nhau nếu không muốn nói là ngược hẳn nhau dưới cái nhìn nhân loại. Cả hai đã ở chức vị cao trong Hội Thánh và là tông đồ lớn. Qua con người và cuộc đời hai Ngài. Ta có thể khẳng định cách vô tư là làm tông đồ thậm chí làm Giáo Hoàng là dễ ợt. Đâu phải nói bừa mà là với những lý chứng sau:
 
Thánh Phêrô thất học không biết chữ và Thánh Phaolô học rộng biết nhiều. Thế thì ai lại không có thể làm tông đồ ! Dù vạm vỡ như Phêrô hay bé người như Phaolô cũng làm tông đồ được thì ai cũng làm được. Nói năng lợi khẩu như Phêrô hay lắp ba lắp bắp khi mở miệng như Phaolô mà cũng giữ chức vụ cao trong Hội Thánh thì ai cũng làm Giáo Hoàng được cả. Từ người giữ lề luật kỹ lưỡng như Phaolô vốn là biệt phái đến người không màng giữ luật rửa tay, rửa chén bát, thậm chí không biết cách cầu nguyện như Phêrô cũng làm tông đồ được thì ai cũng làm được. Những điều trên đây cho ta thấy việc làm tông đồ hay được đứng vào hàng chức vị cao trong Hội Thánh là do Chúa ban chứ không một ai được quyền tự mình lấy. “Ngồi bên hữu bên tả Chúa Giêsu là do Chúa Cha an bài “( x. Mt 20,23 ). Tất cả đều là bởi ân sủng và quyền năng của Chúa.

Tuy nhiên ân sủng không loại bỏ tự nhiên để xứng làm tông đồ cho Chúa thì con người chúng ta cần đáp trả cách nào đó. Nghĩa là cần có các nền tảng nào đó để ân sủng Chúa phát huy sức mạnh nơi chúng ta. Những cái điểm chung nơi hai Thánh cả Phêrô-Phaolô chính là các nền tảng ấy.

Sự nhiệt thành : không ai không công nhận lòng nhiệt thành của hai Thánh Phêrô và Phaolô. Nhiệt thành là luôn đi đầu trong việc khó mà việc đó phải là việc tốt, việc đáng làm, ít là theo sự nhận định của mình (có khi có thể chủ quan). Ta thấy Thánh Phêrô thời gian theo Thầy Giêsu thường đi trước các anh em còn lại. Các con bảo Thầy là ai ? Phêrô nói ngay Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống. Chúng con có bỏ Thầy mà đi không ? Cũng Phêrô lên tiếng trước “ Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời. Ta lên Giêrusalem và Con Nguời sẽ bị nộp vào tay các Thượng Tế… Dù sai lầm trong chủ quan nhưng vì ý tốt Phêrô cũng lên tiếng cản ngăn Thầy. Lòng nhiệt thành của Phaolô thì quá rõ. Trước đó cũng vì sai lầm trong niềm tin, Ngài đã tích cực tìm cách hãm hại Kitô hữu sơ khai. Sau khi được ơn trở lại, Thánh Phaolô không quản ngại gian khó để rao giảng Tin Mừng. Năm lần bị đánh đòn thiếu một roi đầy bốn mươi, ba lần bị tra tấn, ba lần bị đắm tàu, một lần bị ném đá, một ngày một đêm lênh đênh trên biển khơi, những gian khổ ấy vẫn không ngăn được bước chân của người đầy lòng nhiệt thành là Phaolô. Ai cũng có thể làm tông đồ, ai cũng có thể làm Giáo Hoàng nhưng phải chăng không thể thiếu vắng lòng nhiệt thành ?
 
Sự khiêm tốn : Người ta đã nói : sự nhiệt thành cộng với sự ngu dốt thành sự phá hoại. Theo thiển ý tôi phải cộng thêm sự cố chấp mới chính xác. Vì thế bên cạnh lòng nhiệt thành luôn cần có sự khiêm tốn. Nhân bất thập toàn. Phận người thật khó tránh sai sót hay lỡ lầm. Khiêm tốn để biết sửa sai, biết bắt đầu lại và nỗ lực vươn lên. Khi theo Thầy Giêsu, dù bị quở trách có vẻ nặng nề nhưng Phêrô vẫn vui vẻ vâng theo. Không thấy ngài cãi lại Thầy mỗi khi được sửa dạy. Lòng khiêm tốn của Ngài được tỏ bày qua những dòng nước mắt thống hối ăn năn của người đánh cá dày dạn gió sương, mưa nắng. Phaolô cũng thế, khi biết mình đi sai đường thì đã vội quay trở lại. Sự khiêm tốn còn thể hiện nơi lời giảng dạy của các Ngài. Dù đang ở vị thế cao trọng, đang làm được những sự lạ lớn lao có vẻ như hơn cả Thầy chí thánh ( x. Ga 14,12 ) thì hai Ngài vẫn khiêm tốn nói những sự thật về mình để rồi được sử sách ghi lại cho hậu thế. Ít có ai đương ở chức cao quyền trọng mà lại đi nói chuyện xấu về mình, ngoại trừ người có lòng khiêm tốn xâu xa. Phêrô không ngại kể chuyện bị Thầy la mắng, chuyện mình chối Thầy ba lần, chuyện mình thất học và mù chữ. Tương tự như thế, Thánh Phaolô khi rao giảng thường nhai đi nhai lại chuyện trước đây mình bắt bớ Hội Thánh Chúa và rằng mình chỉ là đứa con sinh non, là tông đồ rốt hết và không xứng làm tông đồ.

Lòng yêu mến : Làm tông đồ, làm Giáo Hoàng là dễ ợt nhưng không thể thiếu một nền tảng tự nhiên đáng kể nhất đó là lòng yêu mến. Trong nhóm Muời Hai, hỏi có ai yêu mến Thầy hơn Phêrô ? Chính Chúa Giêsu phục sinh trên bờ hồ Tibêria đã minh nhiên khẳng định điều này : “ Simon, con của Gioan, con có mến ta hơn những người này không ?” Phêrô trả lời : Thưa Thầy Thầy biết mà…” ( Ga 21,15 ). Với Phaolô thì tình yêu Chúa thúc bách Ngài rao giảng Tin mừng. Không có gì, dù trời cao hay đất thấp dù biển rộng hay sông sâu, dù thiên thần hay thiên phủ, dù…. có thể tách Ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Ngài khẳng định : “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Cả hai Thánh Tông Đồ đã để lại cho chúng ta cảm nhận này : “ Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi ( Phêrô ); “ Yêu thương là chu toàn mọi lề luật” ( Phaolô ).

Làm tông đồ cả – làm Giáo Hoàng ư? Dễ ợt–ai cũng có thể –Thế nhưng cái điều có thể ấy cần được dệt xây trên sự nhiệt thành, lòng khiêm nhu và tình yêu mến của chúng ta.

Lạy hai Thánh Phêrô - Phaolô tông đồ xin cầu cho chúng con.
 
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 
 
Hai Thánh Phêrô và Phaolô, trưỚc và sau
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

Thánh Phêrô, trước hèn nhát chối Chúa Giêsu, sau yêu Chúa Giêsu không ai bằng! Thánh Phaolô, trước ghét Chúa Giêsu thậm tệ, sau yêu Chúa Giêsu không ai bằng!

Thánh Phêrô là ai?
Thánh Phêrô gốc người Do Thái, sinh quán tại Caphanaum, xứ Galilêa, làm nghề đánh cá, ngày đêm vất vả trên biển hồ Tibêriát.

Thánh Phaolô là ai?
Thánh Phaolô sinh tại Tarse, xứ Xilixia. Cha mẹ là người Do Thái di cư ra nước ngoài. Vì giàu có, gia đình thánh Phaolô mua được chức tước công dân Rôma, và cũng vì giàu có, nên thánh Phaolô được cha mẹ gởi về nước, học tại Giêrusalem.

Thánh Phêrô, trước, hèn nhát chối Chúa thế nào?
Phêrô đã bỏ tất cả để đi theo Chúa. Ngài tính tình tuy nóng nảy, nhưng đơn sơ, thành thật, gan dạ và can đảm. Ngài được Chúa Giêsu chọn làm thủ lãnh Nhóm 12 tông đồ.

Chúa Giêsu đặt rất nhiều hy vọng vào Phêrô. Nhưng than ôi, bên cạnh một Phêrô có rất nhiều điểm tốt, chúng ta thấy một Phêrô rất đáng thương ở chỗ vì quá sợ hải nên đã hèn nhát chối Chúa. Trong đêm Chúa Giêsu bị bắt, Phêrô tuy can đảm theo Chúa nhưng tiếc thay, lại run sợ một cách quá hèn nhát, không những một lần, mà đến ba lần, đến đỗi chối Thầy, phản bội Thầy một cách công khai, và có ý thức rõ ràng, trước những câu hỏi của những của những người đầy tớ giúp việc.

Bao nhiêu công lao khó nhọc theo Thầy trong ba năm, bao nhiêu nét cao quý đẹp đẽ trong đời mình, Phêrô đã đánh mất hết trong giây phút sợ hãi hèn nhát quá đáng nầy.

Đó là thánh Phêrô, trước, hèn nhát chối Chúa. Đến lượt thánh Phaolô, trước, ghét Chúa thậm tệ thế nào?
Phaolô, truớc, có tên là Saolê. Lúc còn ăn học tại Giêrusalem, Saolê rất gắn bó với Đạo Do Thái, vì thế, khi biết được có những kẻ cả gan đứng lên rao giảng đạo của một người đã chết tên là Giêsu, ông liền nổi cơn tức giận đến cực điểm và quyết tiêu diệt cho kỳ được những kẻ theo đạo mới nầy.

Phaolô tìm cách tiêu diệt đến 3 lần những kẻ theo Chúa Giêsu. Lần thứ nhất: Để thủ tiêu thánh Stêphanô là một kẻ trung thành theo Chúa Giêsu, Saolê đã xúi giục dân chúng ném đá thánh Stêphanô cho đến chết. Chính Saolô sốt sắng giữ áo cho bọn ném đá nầy, để tay họ được thảnh thơi mà ném cho mạnh. Lần thứ hai: Giết được thánh Stêphanô, Saolô chưa hả giận. Như chó sói hung dữ đi tìm mồi, Saoô tình nguyện dẫn đầu quânđội pháp đình Do hái, đi lục soát các gia đình ở Giêrusalem, xem có ai theo ông Giêsu thì bắt đem về, hành hạ, tra tấn và gết chết. Lần thứ ba: Bắt bớ và tiêu diệt các bổn đạo ở Giêrusalem, Saolô chưa thoả lòng, nên còn muốn đi bắt xa hơn nữa. Ông xung phong đem quân lính đi đến thành Đamas, thủ đô nước Syria, cách Giêrusalen 250 cây số, để vây bắt, tra tấn, hành hạ và giết chết những ai theo ông Giêsu ở đó.
Đó là Phaolô, trước, ghét Chúa Giêsu hết sức thậm tệ.


Đến lượt Phêrô yêu Chúa Giêsu không ai bằng thế nào?
Chúng ta hãy trở lại với đêm Phêrô chối Thầy. Khi gà sắp gáy lần thứ ba, liếc nhìn của Chúa Giêsu đầy yêu thương tha thứ, - nhưng cũng rất buồn - rơi đúng trên khuôn mặt đầy sợ sệt của Phêrô, và lạ lùng thay, Phêrô bắt được luồng sóng tình yêu của Thầy và tin chăc rằng Thầy không bao giờ loại bỏ mình, nên Phêrô đáp lại, không phải bằng sự tuyệt vọng của Giuđa, nhưng bằng một lòng hy vọng lớn lao. Phêrô tin rằng Thầy đã hoàn toàn tha thứ cho mình.

Thế rồi một bóng người ra đi loạng choạng giữa đêm khuya vắng, vừa thất thểu, vừc mếu máo, đấm ngực ăn năn khóc lóc thảm thiết, đến đến đỗi từ đó, cho đến cuối đời, giọt lệ thống hối làm cho đôi má Phêrô phải mòn đi thấy rõ.

Khi sống lại, hai Thầy trò gặp nhau. Chúa Giêsu thấy Phêrô quả thật là một con người mới mẻ, có tình yêu khiêm tốn nhưng sâu đậm. Chúa Giêsu không ngầ ngại cử Phêrô chính thức làm vị chủ tịch tôi cao của Giáo Hội. Và vị Giáo Hoàng đầu tiên nầy đã không phụ lòng mong mỏi của Thầy mình.

Phêrô hăng hái ra đi khắp nơi, chinh phục các linh hồn cho Chúa Giêsu. Bị tù đày, vẫn vui mừng; bị đánh đập, vẫn hân hoan; luôn bình tĩnh, chịu đựng, can đảm, không còn sợ sệt nữa. Và tù ra khám, bị đánh bị đuổi, Phêrô vẫn một mực cương quyết điều khiển Giáo Hội sơ khai một cách tận tụy.

Đến tận Rôma, dưới thời bạo chúa Nêrông, trong lúc Đạo của Thầy mình bị bắt bớ ghê rợn, Phêrô tìm đủ cách để rao giảng Tin Mừng, lén lút sống trong các hang Toại Đạo với các bổn đạo, nâng đỡ đức tin của đoàn chiên mẹ, chiên con.

Phêrô vui lòng để cho quân nghịch đạo bắt, sau khi biết rõ ý Chúa là phải hy sinh mạng sống cho Giáo Hội.

Phêrô bị bắt và bị giam trong ngục sâu, 9 tháng ròng rã, đói, khát, lạnh lẽo, cô đơn, nhưng vẫn vui lòng chịu đựng vì yêu Thầy.

Khi bị lôi ra khỏi ngục để bị đóng đinh như Thầy, Phêrô khiêm nhượng xin cho được đóng đinh ngược, để kính trọng Thầy Giêsu của mình. Như vậy, trước khi chết, Phêrô vẫn còn khiêm nhượng cho mình không xứng đáng đóng đinh trên thập giá trong tư thế như Thầy của mình.

Đó là thánh Phêrô, trước hèn nhát chối Chúa Giêsu, sau yêu Chúa Giêsu không ai bằng!
Đến lượt Phaolô yêu Chúa Giêsu không ai bằng!

Đang khi đi bắt Đạo lần thứ ba, Phaolô, lúc đó đang còn mang tên Saolê, đã được Chúa Giêsu làm cho trở lại một cách lạ lùng. Chúng ta hãy nghe chính thánh Phaolô krể lại biến cố lạ lùng nầy: "Đang khi tôi đi đường và đến gần Đamát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai?". Người nói với tôi: "Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ." (Cv 22, 6-8)

Saolê đi bắt Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu phục kích bắt lại Saolê, và Saolê đầu hang Chúa Giêsu.

Saolê rút lui vào sa mạc ba năm để ăn năn để ăn ăn, cầu nguyện và dọn mình làm tôi Chúa. Sau đó, Saolê đổi tên thành Phaolô, đi giảng đạo trong 30 năm.

Phaolô yêu mến Chúa Giêsu đến nỗi ngài nói: không phải tôi sống
Phaolô thách đố ai có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô được: gian trân, khổ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gơm giáo. "Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình Chúa Giêsu yêu tôi được!" (x.Rô 8,35).

Trong ba mươi năm đi loan báo Tin Mừng, Phaolô đi đây đi đó được hai vạn cây số: bị đánh đòn năm lần, bị tra tấn a lần, bị ném đá một lần, bị đắm tàu ba lần, bị trôi chơi vơi giữa biển một ngày một đêm, bị đói, bị khát, bị mình trần, nếm đủ mọi nguy hiểm do sông ngòi, do trộm cướp, do người đồng hương, do người dân ngoại, do những anh em giả, nguy hiểm nơi thành thị, trên rừng vắng, trên biển cả. Và cuối cùng, được đổ máu ra, để làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng mà trước đây, ngài ghét thậm tệ, nhưng sau đó lại yêu Ngài không ai bằng!
 
Lạy thánh Phêrô, trước hèn nhát, sợ sệt, chối Chúa, sau, yêu Chúa không ai bằng!

Lạy thánh Phaolô, trước, ghét Chúa thậm tệ, sau, yêu Chúa không ai bằng!

Xin cầu cho chúng con, gia đình chúng con, giáo xứ chúng con, Giáo Phận chúng con, Đồng Bào Việt Nam chúng con, Tổ Quốc Việt Nam chúng con, Giáo Hội Việt Nam chúng con và Giáo Hội Toàn Cầu. Amen!
 
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
 
 
 
ai vì sao sáng: Phêrô và Phaolô

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Bài ca nhập lễ vang lên hùng tráng trong ngày Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô : Hai vì sao sáng chói,lấp lánh trên bầu trời,ngời sáng đêm trường,rực rỡ soi đường sưởi ấm yêu thương.Hai tình yêu chiến thắng,ngất ngây trong cuộc đời,từ trái tim nồng dòng máu anh hùng ngời sáng muôn trùng.

Phêrô, Phaolô hai vì sao sáng ngời chiếu toả ánh sáng Chúa Kitô cho nhân loại.
Hai Thánh Tông đồ là hai con người xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau nhưng cùng một niềm tin, cùng một sứ mạng và cùng một vinh quang được đội triều thiên vinh hiển để trở thành hai vì sao sáng cho Giáo hội.

Còn nhớ hôm nào người ba lần chối Giêsu. Còn nhớ ngày nào người bắt Chúa trong căm thù. Lời ca ngắn đúc kết phần một trong cuộc đời hai Ngài : chối Thầy, bắt Thầy. Nhưng cuộc đời phần hai đã viết nên những trang hào hùng oanh liệt. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối, hai Ngài cầm đuốc Tông đồ rao truyền Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.

Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.
 
1. Thánh Phêrô
Thánh Phêrô bị đóng đanh treo ngược
 

Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai : cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.
 
Trong cuộc đời phần một của Phêrô, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.Cuối đời của Chúa,Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72)



Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này :Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.
- Mắng lần đầu tiên : Quân yếu tin ( Mt 14,31)
- Lần thứ hai : Ngu tối ( Mt 15,16)
- Lần thứ ba : Satan ( Mc 8,33)
 
Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn có một tâm hồn chân thành.

Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan(Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đếm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.

Sứ mạng theo Đức Kitrô khởi đầu từ đây khi bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến với họ ban cho họ mẻ cá lạ lùng.Chính Đấng Phục sinh đã hỏi Ông : Phêrô, con có yêu mến thầy không ? Phêrô đáp : Thưa Thầy,Thầy biềt rõ mọi sự, thầy biết con yêu mên Thầy. Sau khi Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc, Chúa nói với ông rằng : Thầy bảo cho anh biết lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý.Nhưng khi đã về già,anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là : Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào.Thế rồi Chúa bảo ông : hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao.Từ đây trên tảng đá này Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được.Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

2. Thánh Phaolô

Thánh Phaolô trở lại sau khi ngã ngựa
Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, chúng ta bắt gặp một Saolô, ở Tac-xô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Ga-ma-li-ên ở Giê-ru-sa-lem. Cuộc đời phần một của Phaolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Tê-pha-nô và trên đường Đa-mát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại trên đường Đa-Mat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Cuộc đời phần hai của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.

Sách Công vụ tông đồ kể lại :trên đường Đa-mat, Phaolô rong ruổi trên yên ngựa hăng say truy bắt các Kitô hữu thì thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó.Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô.Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể.

Khi đã biết Chúa Kitô thì “ những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu( Pl 3,7-9). Từ đó trở đi Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người :” Vì anh em,phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô,thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp;không còn nô lệ hay tự do;không còn nam hay nữ;vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu (Gal 3,27-28).Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” ( Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời Phaolô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18; 2Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những”… lao tù đòn vọt,bao lần suýt chết,năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một,ba lần bị đánh đòn,một lần bị ném đá,ba lần bị đắm tàu,một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi.Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình,gặp bao nguy hiểm trên sông,nguy hiểm do trộm cướp,nguy hiểm do đồng bào,nguy hiểm vì dân ngoại,nguy hiểm ở thành phố,trong sa mạc,ngoài biển khơi,nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc,thường phải thức đêm,bị đói khát,nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng ( 2 Cor 11 23-27). Phaolô ra vào tù thường xuyên, có lần Ngài viết từ ngục thất cho Ti-mô-thê, người môn đệ, có khi không khỏi nao núng:” anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta,cũng đừng hổ thẹn vì tôi,là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn” vì tôi biết tôi đã tin vào ai …”(2 Tim 1,8-12).Vì Đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi,nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy ” chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2cor 4,8-9)

Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức ”Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài ” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).



Vì Đức Kitô và vì Tin mừng thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? …

Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ ( Rm 8,35-39).

3. Phêrô và Phaolô, tượng đài hiệp nhất.

Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy laị có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô đã nên hai vì sao sáng ngời, trở nên nền tảng hiệp nhất. Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Này con là đá


 
Lm. Nguyễn Ngọc Long
Chung quanh vòm tròn trong cung thánh đền thờ Thánh Phêrô Vatican có hàng chữ: Tu es Petrus et super hanc petram aedificabo ecclesiam meam et portae inferi non praevalebunt adversum eam – Phêrô, Con là đá trên nền tảng đá này, Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy. Và cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi.

 
Chúa trao chìa khóa cho Phêrô
 
Lời này là Lời của Chúa Giêsu nói với Ông Thánh Phero cách đây hơn hai ngàn năm còn ghi chép lại trong Phúc âm ( Mt 16, 18). Và cũng chính lời này của Chúa là nền tảng căn bản bảo đảm cho sự sống còn trưởng thành của Giáo Hội Công giáo suốt từ hơn hai ngàn năm qua và còn tiếp tục mãi trong tương lai nữa.

1. Ðá và nim tin
Chúa Giêsu đã đổi tên Ông Simon thành Phero: đá cứng. Ðá có ý nghĩa gì trong cuộc sống niềm tin đạo giáo?

Ðá thì cứng, biểu hiện cho sự rắn chắc vững mạnh, có sức chống trả lại những lực va chạm vào đụng tới đá. Ðụng vào đá một là bị thương xứt mẻ, hai là bị bể tan tành ra thôi.

Ðá cứng rắn. Nhưng với nước mềm, đá hầu như không có lực nào cản được nước. Trái lại nước chảy băng qua đá hay nhỏ trên nền đá, làm soi mòn đá. Chả thế mà ta thường nói: nước chảy đá mềm!

Ðá cứng khô, nên chẳng thưởng thức được qua khẩu vị nếm ngửi. Nhưng lại có thể thưởng thức được qua cảm gíac sờ mó và nhìn ngắm. Xưa nay con người hằng yêu chuộng đá cẩm thạch, đá có những đường vân gân với nhiều hình thù mầu sắc rất đẹp đặc biệt. Và ở tận sâu dưới lòng núi đá, người ta đào bới khai thác những đá qúy, kim cương hột xoàn.

Vì tích chất bền cứng, đá được dùng trong nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tượng ảnh, xây nhà cửa, xây cất thánh đường, đền thờ, đền đài, cầu cống, đường xá.

Trong niềm tin đạo giáo, đá mang một biểu tượng sống động khác. Tảng đá cứng to lớn lấp cửa mồ Chúa Giêsu được lăn sang một bên, khi Ngài sống lại từ cõi chết, là hình ảnh nhịp cầu bắc nối sang bờ sự sống. Sự sống mạnh hơn đá chết khô cứng.
Ðá có thể được biến đổi trở nên sự sống. Chúa Giêsu đã qủa quyết: Thiên Chúa có thể biến đá khô cứng thành con cái Áp-ra-ham. ( Mt 3,9). Qua hình ảnh ví dụ này Chúa Giêsu muốn nói đến sự cứng lòng tin giống như sự chết. Vì thế dân chúng lúc đó muốn ném đá Người. ( Ga 8,59) và sau này họ đã dùng đá nếm chết Thánh Stephanô ( TD CV 7,57)

Chúa Giêsu đã nhắc lại Thánh vịnh 118 về đá để nói về chính mình: Phiến đá người thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường!

Ðá cũng là hình ảnh con người có lòng tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Họ được gọi là những viên đá sống động trong tòa nhà Gíao Hội:
„ Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.

Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa.“ ( 1 Phero 2, 4-8)

Tảng đá Phero xây dựng Gíao hội Chúa ở trần gian không chỉ nói lên sự bền vững. Nhưng còn diễn tả Giáo Hội Chúa Giêsu là nhịp cầu tảng đá bắc sang bên bờ sự sống thiêng liêng qua nguồn ân sủng các Bí Tích, mà Chúa trao cho Giáo hội phân phát.

2. Ca ha ngc
Lời hứa bảo đảm của Chúa Giêsu cho Gíao hội Phero: cửa hỏa ngục không thắng nổi; không là lời cỗ vũ: anh em an tâm. Anh em không gặp nguy hiểm gì đâu. Ma qủy không làm gì được anh em cả!

Không, Chúa Giêsu không muốn nói như thế. Trái lại, theo tôi nghĩ, Ngài muốn cảnh tỉnh Gíao hội trước nguy hiểm của phô trương hào nhoáng phù du chóng qua, của sức mạnh quyền thế, của tự phụ, tự mãn.

Giáo hội sống làm chứng cho Chúa giữa trần gian. Nhưng không thuộc về trần gian và không được chạy theo trần gian.

Những nguy cơ này không thắng nổi Giáo hội của Chúa. Nhưng làm cho vai trò hình ảnh của Giáo hội bị lu mờ.

Càng ngày khắp nơi và hầu như vào mọi thời điểm, chúng ta đều chứng kiến, đều nghe thấy nhiều người dần bỏ xa Giáo hội. Giáo hội trở thành xa lạ, không đóng vai trò thiêng liêng thần thánh, hướng dẫn tinh thần gì trong đời sống. Hay Giáo hội trở nên một hội đoàn mang mầu sắc cho cơ hội trình diễn, cho bước đường tiến thân…

Người ta suy luận: ở những đất nước xứ sở nghèo, theo Giáo hội là cơ hội rất tốt cho bước đường đi lên, được trọng vọng, chức tước có địa vị!

Không biết lúc nào và vào hòan cảnh nào, tại sao đã nảy sinh những thói tục phần đời, không còn mang chất lượng thần thiêng thánh đức gì. Ðó là nguy cơ làm đời sống giáo hội bị thoái hóa.

Nói tóm lại, bề ngoài hào nhoáng được trọng vọng chú trọng hơn nội dung bản chất của Giáo hội do Chúa lập nên. Số đông, số nhiều như được chú ý phát triển hơn chất lượng!

Giáo công giáo bên Ðức từ hằng chục năm nay phát triển hầu như về mọi mặt xây cất nhà cửa thánh đường, việc trợ giúp bác ái, nhà thương, nhà trẻ, sinh hoạt hội đoàn, thần học, triết học…sung túc sầm uất. Nhưng đang đi xuống, lâm vào tình trạng khủng hoảng cả về hình thức lẫn nội dung.

Các Giáo phận ở đây đang tìm cách cắt giảm, thu gọn nhỏ lại những xứ đạo, những nhà cửa, những hoạt động “to phình qúa khổ”. Họ nhìn thấy, nguyên chỉ cơ cấu hình thức phát triển bên ngoài không thể bù đắp, không thể thay thế cho nội dung bản chất đời sống đạo giáo niềm tin được. Những phát triển bên ngoài đó giúp ích chỉ cho một thời gian nào đó thôi, và về lâu dài là gánh nặng lo âu cho Giáo hội nhiều hơn.

Có những cơ sở nhà Dòng bây giờ lâm vào tình trạng nan giải. Bán thì không biết bán cho ai để làm việc gì cho xứng đáng, hay không có người mua.

Duy trì thì nhà qúa lớn, không có người ở - vì thiếu trầm trọng người vào tu -, không có người trông coi – người trẻ mạnh khoẻ không có, số còn lại là người gìa người bệnh tật-, không có tài chánh đủ để bảo trì - thuế nhà thờ ngày càng giảm, ngày càng thiếu hụt -. Thật “bỏ thì thương, vương thì tội!”

Thu nhỏ gọn lại không chỉ vì thiếu tiền bạc, vì thiếu nhân sự. Nhưng chủ đích muốn trở về nguồn nội dung bản chất đích thực của Tin mừng, của Giáo hội như ý Chúa muốn.

Giáo hội công giáo Ðức nhìn thấy nguy cơ đang xuống dốc về tinh thần. Vì số người có tên tuổi là người có đạo công giáo thì còn phong phú. Nhưng số người thực hành, sống giữ đức tin đi nhà thờ thì qúa khiêm nhường ( từ 7% tới 15%). Người ta càng dần xa lạ với Gíao hội.

Giáo hội ở đây nhận ra lời cảnh tỉnh của Chúa và đang nhìn lại chính mình: Một Giáo hội truyền giáo! Một Giáo hội như đang trở nên đoàn thể nhỏ về chất lượng niềm tin. Một Gíao hội trên đường lữ hành. Một Giáo hội luôn đang trong công trình xây dựng dở dang và luôn là hạt cải bé nhỏ.

Phải chăng câu ngạn ngữ “ qúy hồ tinh, bất qúy hồ đa” luôn là kim chỉ nam cho đời sống ?

Lời Chúa Giêsu hứa bảo đảm đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh. Qua Lời đó trong hòan cảnh cụ thể những chặng đường đời sống Giáo hội trên trần gian, có thể nhìn thấy bước thăng trầm suy thoái, và bàn tay quan phòng của Chúa hằng cùng đồng hành cứu giúp.

Giáo hội yếu đuối. Nhưng luôn sống còn.

Giáo hội bị hiểu sai, bị tấn công bôi nhọ, bị những lời vô lễ phép thóa mạ. Nhưng vẫn đứng vững và hằng tha thứ đón nhận yêu thương con người.

Giáo hội bị tổn thương vì tội lỗi. Nhưng có sức của Chúa trợ giúp giữ vững niềm tin bám vào Chúa.
 
Giáo Hội dù tuổi đời đã gìa hơn hai nghìn năm. Nhưng vẫn luôn năng động tươi trẻ. Vì có Chúa Thánh Thần hằng làm mới làm tươi trẻ Giao Hội từ bên trong nội tâm.

Giáo hội lâm vào những giai đoạn tưởng như tan rã bị tiêu tan tận nền tảng. Nhưng Giáo hội không vì thế bị chìm mất, bị biến khỏi sân khấu đời sống.

Chúng ta yêu mến Giáo hội và dấn thân cho Giáo hội. Vì có Chúa là sức sống bản chất giúp Giáo hội cảnh tỉnh trở lại.

Dù Giáo hội có những yếu đuối, có thể cả những việc làm cùng lời nói sai lầm nữa, cả nhiều khi chạy theo hoàng nhoáng chóng qua, quyền thế sức mạnh nữa của Giáo hội.

Chúng ta gắn bó với Giáo hội. Vì Giáo hội phải đặt niềm tin tưởng hy vọng nơi một mình Chúa.

Hình ảnh cỗ áo quan bằng gỗ mộc mạc không sơn phết, không cờ quạt, không bông hoa trướng phủ của đức cố thánh cha Gioan Phaolo I I., được khiêng đặt nằm trên nền đất trứơc bàn thờ ngày lễ an táng, nói lên tâm tình của ngài và của Giáo Hội: Con đặt tin tưởng niềm hy vọng nơi Chúa!
 
 
Lm. Nguyễn Ngọc Long

 

Giáo HỘi trên nỀn tẢng Phêrô và Phaolô

Lm. Nguyễn Ngọc Long

Hằng năm Giáo hội mừng kính lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô chung một ngày, 29. tháng Sáu. Điều này muốn nói lên nền tảng chung, mà Chúa đã xây dựng Giáo Hội của Người trên hai vị Thánh này.
Nhưng khi nói đến Giáo Hội Công giáo Roma, ta nghĩ ngay đến Thánh Phêrô là vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội, nghĩ ngay đến đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican, nghĩ ngay đến Lời Chúa trong Phúc âm : Phêrô con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy!; nghĩ ngay đến chiếc chìa khóa quyền thiêng liêng Chúa trao cho Thánh Phêrô, nghĩ ngay tới đức giáo hoàng đương kim Benedictô XVI. là người kế vị Thánh Phêrô.

Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican được xây dựng to lớn hơn mọi đền thờ trong Giáo Hội Công giáo, nơi đây có ngôi mộ của Thánh Phêrô, nơi đức Giáo hoàng và các thánh bộ giáo triều cư ngụ, thủ đô của Giáo Hội Công giáo.

Còn Thánh Phaolô nổi danh với những thư ngài viết gửi cho các Giáo đoàn thời Giáo Hội sơ khai được liệt kê vào bộ Kinh Thánh Tân ước, mà xưa nay các bài đọc trong các Thánh lễ thường trích dẫn ra. Các bức thư của Thánh Phaolô trong tân ứơc không chỉ là những áng văn chương mang đậm mầu sắc triết lý về đạo lý cùng về nhân sinh quan, nhưng còn là những chỉ dẫn cụ thể về Giáo lý của Chúa Kitô trong đời đức tin.

Ở ngoại thành Roma có một đền thờ được xây cất dâng kính Thánh Phaolô. Bên trong đền thờ này, trên tường chung quanh, có treo khắc hình của các đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội từ vị thứ nhất tới vị đương kim. Và năm vừa qua, người ta đã khám phá tìm thấy ngôi mộ của thánh Phaolô ở trong đền thờ này.

Hai đền thờ to lớn ở Rôma nhắc nhớ đến hai khuôn mặt vĩ đại trong Giáo Hội.
1. Hai khuôn mặt trong Giáo Hội
Hai khuôn mặt thánh nhân to lớn cao trọng trong lịch sử Giáo Hội Công giáo đã xây dựng Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu cách đây hơn hai nghìn năm. Nhưng từ khi thầy dòng Aucơtinh Martin Luther bên nước Đức, ngày 31.tháng Mười năm 1517, với 95 đề tài thách thức Roma, đã tách riêng lập ra một chi nhánh giáo hội Tin Lành tự trị, dựa trên lời của Thánh Phaolô về đức tin và tự do của người tín hữu, có câu nói truyền miệng: Giáo Hội Công giáo là Giáo Hội Phêrô; Giáo Hội Tin lành thệ phản là Giáo hội Phaolô!

Chúa kêu gọi hai Thánh vào là thợ trong vườn nho cho Giáo Hội của Chúa giữa trần gian. Họ có nhiệm vụ gầy dựng Giáo Hội qua việc loan truyền đức tin vào Chúa. Đời sống lòng nhiệt thành của hai Vị, nhất là những giáo huấn của các ngài đã là những hướng dẫn tạo thành khuôn khổ nếp sống cụ thể trong Giáo Hội cho hôm qua, cho hôm nay cùng cho ngày mai.

Hai người thợ Tông đồ đó là hai khuôn mặt lớn cao trọng, có nhân cách mạnh mẽ. Và dù được Chúa tuyển chọn ban ân đức là nền tảng xây dựng Giáo Hội của Người, nhưng họ vẫn là hai con người do Chúa tạo dựng. Nên mặt yếu đuối của họ, cùng sự khác biệt giữa hai Thánh nhân thuộc về thiên nhiên.

1.1. Tảng đá thiên nhiên Phêrô
Thánh Phêrô một con người sinh sống bằng nghề đánh cá ngoài sông hồ, có gia đình. Nghe Chúa Giêsu kêu gọi“ hãy theo Thầy“, Ông và em Ông là Anrê, liền bỏ chài lưới theo Chúa trước tiên.

Theo Phúc âm thuật lại Thánh Phêrô có tính tình bộc trực và thẳng thắn. Ông lớn tiếng tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa và còn qủa quyết „ bỏ Thầy con biết đi theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống!“.

Ông muốn chứng tỏ lòng tin anh hùng của mình với Chúa. Ông nhảy ra bước đi trên mặt nước. Lúc thấy chân mình càng lún sâu xuống nước, Ông hốt hoảng kều cầu Chúa: Xin Thầy cứu con với.!

Khi Chúa Giêsu bị bắt, Ông đã âm thầm bỏ chạy. Rồi nhân lúc lộn xộn, ông lẻn vào trong sân xử án Chúa Giêsu, ngồi quan sát bên đống lửa. Bị nhận diện và bị hỏi: Ông chối bỏ Chúa Giêsu, Thầy mình tới ba lần.

Dẫu vậy, Chúa không chấp tội Ông. Sau khi sống lại hiện ra với các Tông đồ, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần về tình yêu mến Chúa. Ông qủa quyết: Con yêu mến Thầy!

Căn cứ vào tình yêu mến đó, Chúa Giêsu đã chọn cắt cử ông là vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội: Hãy chăn dắt đoàn chiên Giáo Hội của Thầy!

Thánh Phêrô được Chúa Giêsu kêu gọi và đặt cho là tảng đá, trên tảng đá này Người xây dựng Giáo Hội ở trần gian.

Thánh nhân là nền tảng cho sự vững chắc của những Cộng đoàn Giáo Hội lúc ban đầu, là người có mối liên lạc trực tiếp với Chúa Giêsu, là hình ảnh của mối dây bền chặt vào lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa.

Thế giới của Thánh Phêrô thuộc vùng Ga-li-lêo và nước Do Thái.



 
1.2. Con đường thiên nhiên Phaolô
Con đưòng đời sống của Thánh Phaolô hoàn toàn khác với Thánh Phêrô. Phaolô sinh trưởng trong một gia đình Do Thái sùng đạo sống ở vùng ít người Do Thái ở, xứ Tarsus bên Kilikien. Ông có nền học vấn cao vừa hấp thụ văn hóa Hylạp, vừa có kiến thức của nền văn hóa người Roma và vừa có sự đào tạo của một thầy giảng kinh sư theo học trường Tora phái luật sĩ Phariseo.

Là một người có học thức uyên bác, nhưng lại sinh sống bằng nghề dệt vải. Tính tình của Ông hoạt bát cùng rất hăng say với đạo gíao niềm tin. Ông không thể đứng nhìn Giáo Hội Chúa Giêsu thời sơ khai, sau khi Chúa Giêsu về trời, phát triển trong lòng Do Thái giáo được. Với Ông niềm tin vào Chúa Giêsu không phải là niềm tin chân chính. Nên ông ra sức tìm cách chống đối, diệt trừ bắt bớ những ai tin theo Chúa Giêsu.

Ông đã tham dự vào cuộc ném đá đến chết Thánh Stephano, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Nơi nào, ông nghe biết có cộng đoàn Giáo hội Chúa Giêsu, ông tìm đến nơi phá huỷ. Có thể nói ông mở cuộc „ thánh chiến“ chống lại Giáo Hội Chúa Giêsu vừa mới được thành lập ở Giêrusalem và những vùng lân cận.

Trên đường đến Damascus truy lùng phá hủy Giáo Hội Chúa Giêsu nơi đó, ông đã sống trải qua một khúc ngoặt trong đời mình. Bị té ngã ngựa, Chúa Giêsu hiện ra với Ông, và cho ông ơn ăn năn trở lại với Chúa. Từ ngày đó ông được ơn kêu gọi làm Tông đồ cho Chúa, ra đi xây dựng Giáo Hội Chúa nơi các dân ngoại.

Với kiến thức và lòng hăng say nhiệt thành, ông đã từ một người truy lùng bắt đạo Chúa Giêsu, trở nên người đi rao giảng bênh vực cho Giáo Hội Chúa Giêsu trong khắp các nước thiên hạ: nước Israel, nước Syria, bên miền Tiểu Á, bên Hy Lạp, vùng Balkan và sau cùng tới tận Roma.

Thánh Phaolô được mệnh danh là Tông đồ dân ngoại, không biết mệt mỏi đi khắp các nơi trên thế giới vượt hằng trăm ngàn cây số cho đức tin vào Chúa Giêsu.
 
Là công dân thế giới, ông có tầm nhìn trải rộng theo hướng chân trời, cùng muốn đem ánh sáng, mà ông đã được Chúa Giêsu trao vào tâm hồn ông từ ngày ngã ngựa trở lại với Chúa, đến cho con người, cho những người chưa biết Chúa là ai.

Thế giới của Ông vừa hướng lên Trời cao nơi Chúa ngự và vừa trải rộng ra hướng chân trời, nơi có con người sinh sống.

Thế giới của ông không chỉ thu hẹp trong những luật lệ sẵn có, nhưng theo sát với hoàn cảnh cuộc sống của con người thời đại.

Hai khuôn mặt xây dựng Giáo Hội với hai con đường sống khác nhau, hai cách thế rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu khác nhau. Nhưng họ chắc chắn đã có những lần gặp gỡ nhau, không phải chỉ để làm quen, nhưng còn tìm cách bàn bạc làm thế nào để rao giảng tin mừng của Chúa có hiệu qủa cho con người.

Và chắc chắn những cuộc gặp gỡ bàn thảo đó không phải lúc nào cũng diễn ra không có căng thẳng.
 



2. Những cuộc gặp gỡ
Sau khi ngã ngựa trở lại với Giáo Hội Chúa Giêsu, Thánh Phaolô đi tìm gặp các Tông đồ. Ông muốn được các Tông đồ công nhận mình là Tông đồ và có sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại. Điều này có thành công hay không, không có gì là chứng tích rõ ràng để lại.

Ở Antiochia hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô gặp nhau bàn thảo sôi nổi về phép cắt bì, bàn về những đồ ăn thức uống thanh sạch, cho những người không phải là ngươi Do Thái muốn trở lại Giáo Hội của Chúa Giêsu. Sau cùng Phaolô đã biện hộ thắng cuộc: người nào trở về với đức tin vào Chúa Giêsu, không phải chịu cắt bì như luật cũ bó buộc. Họ chỉ cần phải chịu phép Rửa thôi.

Từ lúc quen biết Phaolô đã trở lại là môn đệ trung tín nhiệt thành của Chúa Giêsu, các Thánh Tông đồ đã dần tin tưởng Phaolô trong công việc truyền giáo làm chứng cho Chúa Giêsu và cùng hợp tác làm việc chung.

Các Thánh Tông đồ chia nhau đi rao giảng cho tin mừng của Chúa. Đi tới đâu, họ qui tụ dân chúng lại, rửa tội cho họ và thành lập Giáo Hội địa phương từng vùng. Hai Thánh Phêrô và Phaolô tuy bôn ba từ Gierusalem đi khác phương hướng sang các nước lân cận xung quanh, nhưng sau cùng hai vị đã gặp nhau ở Roma, dưới thời vua Neron. Và hai vị cùng bị chết vì đạo cùng thời ở pháp trường Roma vào khoảng thời gian từ năm 60-68 sau Chúa giáng sinh.

Dẫu vậy cuộc đời hai Vị đại Thánh này vẫn gặp nhau ở điểm chung.




3. Khác biệt nhưng cùng chung đích điểm
Hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô trong Giáo hội Chúa Giêsu như hai đầu của một hình bầu dục giữ cho hình được thăng bằng đồng đều, cho hai đường vòng cung gặp nhau ở điểm nối kết nơi hai đầu. Theo cung cách suy luận ngày nay, người ta có thể nói: hai vị đã tôn trọng nguyên tắc đối thoại, tôn trọng xây dựng trong nhận xét phê bình. Tất cả để cho đức tin vào Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người.

Hai vị tuy khác nhau về nhiều khía cạnh, nhưng đã chấp nhận sự hiệp nhất trong bối cảnh sự khác biệt.Hai Vị với hai tính khí thiên nhiên, hai nếp sống thiên nhiên khác nhau. Nhưng cùng được Chúa kêu gọi tuyển chọn làm Tông đồ cho Chúa.

Phêrô với tâm tính bộc trực và chân tình đầy nhiệt huyết yêu mến của một trái tim nồng cháy. Phaolô với lòng nhiệt thành hăng say của một con người trí thức có tầm hiểu biết nhìn xa trông rộng.

Trong Giáo Hội của Chúa không đặt thành vấn đề Giáo Hội Phêrô hay Giáo Hội Phaolô. Càng không phải là chuyện bàn luận: Phêrô là người có quyền năng cai trị Giáo Hội qua hình ảnh chiếc chìa khóa trên tay, còn Phaolô là người đã thắng cuộc trong những tranh luận bàn cãi về luật lệ trong Gíao Hội qua hình cuốn sách Phúc âm và cây kiếm trên tay.

Không, hai khuôn mặt với những khác biệt đều phục vụ trong Giáo Hội với lòng đầy tin tưởng cho và vào Đấng đã tin tưởng kêu gọi họ. Và lòng tin tưởng đó là yếu tố chính cho sự sống của Giáo Hội.
 
Lm. Nguyễn Ngọc Long
 
Phêrô và Phaolô, Hai Tên GỌi MỘt Lý tưỞng
LM Peter Nguyễn Hương

Mừng lễ trọng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trổi vượt và quan trọng trong Đạo chúng ta.

Tôi thấy trong mỗi vị đều có hai danh xưng khác nhau, đó là Simon - Phêrô; Saolô – Phaolô. Nếu tên gọi Simon và Saolô nói lên con người cũ, con người chưa được biến đổi, thì Phêrô và Phaolô là con người mới, con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô.

Từ Simon đến Phêrô
Thánh Phêrô, trước khi chưa gặp Chúa, chưa theo Chúa, được gọi là Simon, con Ông Giona, là một ngư phủ lành nghề nhưng quê mùa, chất phác và bộc trực. Ông đã có gia đình, có vợ con đề huề.

Nhưng sau khi gặp Chúa Giêsu, Chúa đặt cho ông một danh xưng mới: đó là “Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy” (Mt 16,18). Với danh xưng này, Phêrô trở thành Tông đồ của Chúa, là thủ lãnh của nhóm 12 Tông đồ. Sau khi Chúa về Trời, Phêrô cùng với các Tông Đồ đi khắp nơi rao giảng tin mừng. Phêrô đã đến Rôma giảng đạo, rồi bị bắt và bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Theo lịch sử kể lại khi nghe tin bị bắt, Phêrô hoãng sợ trốn khỏi Rôma để về quê, trên đường đi Ông đã gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá, Ông hỏi Chúa: “Quo vadis” Thầy đi đâu? Chúa trả lời: “Thầy vào Thành Rôma để chịu tử nạn lần thứ hai”. Phêrô hiểu ý Chúa nên trở lại chấp nhận án tử hình. Khi bị đóng đinh Phêrô xin lính Lamã đóng đinh đầu ngược, vì Ngài nghĩ là mình không xứng đáng đóng đinh giống như Chúa Giêsu.
Trong Tin mừng, Phêrô thể hiện rất rõ cá tính của mình: một Simon yếu đuối, nhẹ dạ, nhất thời, bồng bột và phản bội trong những lúc gặp khó khăn như khi đi trên biển hồ, khi Chúa bị bắt. Nhưng trong ông, cũng có một Phêrô khiêm tốm, biết sám hối nhận lỗi, chất phác, mạnh mẽ và vững vàng trong đức tin và lòng mến: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai”; “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).

Một điều rất rõ mà chúng ta thấy trong cuộc đời của Thánh Phêrô là khi nào Ông càng cậy dựa vào sức mình, vào khả năng mình thì ông càng thất bại và tỏ ra yếu đuối. Nhưng khi Ông càng bám lấy Chúa, tin vào Chúa, Phêrô càng thành công, trở nên vững vàng và rất cao cả!

Từ Saolô đến Phaolô
Cũng thế, nơi Thánh Phaolô, có một Saolô trước khi gặp Đấng Phục sinh, Saolô ấy không phải là một chàng trai ăn chơi lêu lỗng, nhưng là một người nhiệt thành với Đạo Do Thái. Là của một gia đình khá giả, Saolô được học hành chu đáo. Vì lòng trung thành với truyền thống, Saolô hăng say đi bắt bớ các kitôhữu đầu tiên là một tôn giáo mới đe dọa đến sự tồn tại của đạo Dothái.

Cú té ngựa trên đường Đamát đã làm cho Saolô thay đổi hoàn toàn. Saolô gặp Đấng phục Sinh, và được ngài đặt cho một tên mới đó là Phaolô, vị Tông đồ của Dân ngoại. Sau cuộc trở lại này Phaolô hăng say rao giảng Đức Kitô. Ông đã sang Châu Âu ba lần để rao giảng Tin Mừng tới Athena và Rôma, chịu tử đạo chặt đầu ở ngoài thành Rôma.

Hai danh xưng ấy nói lên hai khuôn mặt, hai con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô. Hai con người ấy trở thành hai ngôi sao sáng, hai cột trụ chính của Giáo Hội. Cả hai đều có cùng một lý tưởng là Tông Đồ của Đức Kitô. Cả hai đã mang hạt giống Tin mừng sang Châu Âu và đã trở biến Châu Âu thành Kitôgiáo. Cả hai đã đổ máu đào để làm chứng cho đức tin và tin yêu vào Đức Kitô.

Cũng như Phêrô và Phaolô, những ai gặp Chúa, tìm kiếm Chúa, thì sẽ được Chúa biến đổi. Bởi vì Chúa có Lời ban sự sống, Lời Chân Lý. Lời đó sẽ uốn nắn chúng ta, làm cho chúng ta trở nên những con người hoàn hảo hơn và nhân bản hơn. Và khi gặp Chúa rồi, một cách tự nhiên, chúng ta muốn giới thiệu Chúa cho những người khác, muốn là tông đồ của Chúa cho thế giới hôm nay.

Trước những khó khăn và những lối rẽ khác mời mọc, cùng với Phêrô, chúng ta hãy xác tín thêm một lần nữa: “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai”. Cùng với Phaolô, chúng ta tuyên xưng rằng: “Dù sự sống hay sự chết, dù hiện tại, tương lai,.. dù hiểm nguy, khốn khó, dù trần truồng đói khát, dù khổ cực cay đắng, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô”. Amen!
 
LM Peter Nguyễn Hương
 
 
“ST” Nghĩa Là SỰ Thánh ThiỆn
Lm Jos Tạ Duy Tuyền


Người ta kể rằng: tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói khổ, nghèo nàn đã trở thành kẻ “bần cùng sinh đạo tặc”. Họ rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi cần phải lấy lại lòng tin của những người xung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Anh lao động bằng đôi tay của mình. Anh dành một phần hoa lợi để giúp đỡ người nghèo. Anh sống chan hoà tình yêu thương với mọi cư dân trong vùng. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST trên vầng trán của anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (saint)”.

Hôm nay lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, các ngài trở thành thánh nhân cao cả là nhờ biết khép lại quá khứ để chỉ lo tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong hiện tại và suốt cuộc đời. Các ngài cũng có một quá khứ lầm lỗi, một quá khứ tưởng chừng như đã làm cho hai ngài suốt đời sống trong ân hận và tủi nhục. Phêrô đã có lần bị Chúa quở là satan. Lầm lỗi lớn nhất trong cuộc đời ông là ba lần chối mình không phải là môn đệ của Thầy Giêsu. Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt và giết chết những ai mang danh kytô hữu. Chính Phaolô đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Nhưng mẫu số chung của hai ông chính là biết đứng lên sau những lần vấp ngã và chuộc lại lỗi lầm bằng cuộc sống đổi mới con người theo như lòng Chúa mong ước.

Thực vậy, sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: “Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vẫn hay sao?”. Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya đã giúp lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “trước khi gà gáy con đã chối Ta ba lần”. Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Mới hôm qua ông còn tuyên bố rằng: “dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Thế mà, miệng gan hùm đã không còn khi đối diện trước nguy nan. Ông đã hèn nhát chối Thầy đến ba lần. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

Phaolô, sau lần ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà hôm ấy. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Con mắt thể xác ông bị đóng lại, nhưng con mắt tâm hồn ông lại được sáng tỏ. Ông đã thấy Giêsu, người mà ông tưởng đã chết, thế mà, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người đang nói với ông: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm giết”. Bao lâu nay ông không tin có sự sống lại. Ông đang hăm hở tiêu diệt những ai loan báo về sự sống lại của một tử tội Giêsu. Giờ đây, ông đã tin. Sự sống của Chúa Phục sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Và kể từ nay, ông đã trở thành một tông đồ ra đi đổi mới cả thế giới.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta đôi khi cũng có những yếu đuối, có những bước đi bị vấp té bởi cạm bẫy của tham sân si. Vì thế, có ai đó đã từng nói rằng: “lầm lỗi là của con người”, nhưng đứng lên làm lại cuộc đời đó là của “thánh nhân”. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã nhìn quá khứ như một hồng ân của Thiên Chúa dành cho các ngài. Chúa không trách phạt các ngài mà còn tin tưởng trao phó sứ mạng mở mang nước Chúa đến tận cùng trái đất. Với ơn trời cao cả đó, thánh Phaolô đã từng thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng tin mừng”. Còn thánh Phêrô thì không còn sợ cường quyền ức hiệp, ngài đã mạnh dạn nói rằng: “phải nghe lời Thiên Chúa hơn là lời của con người”. Và hôm nay, Chúa vẫn không trách phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội, Ngài vẫn khoan dung tha thứ và hằng mời gọi chúng ta hãy làm lại cuộc đời, hãy dùng ơn Chúa để hoàn thiện mình và nhất là hãy nói về tình yêu Chúa cho anh em, cho bạn bè, cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ thân quen.

Ước gì cuộc đời các ngài soi sáng cho cuộc đời chúng ta để chúng ta không bao giờ thất vọng về lỗi lầm của mình, nhưng qua những yếu đuối bản thân, chúng ta càng nhận ra tình thương bao la của Chúa và cũng biết noi gương các ngài trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen
 
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
 

Hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
(Mt 16,13-19)
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền.
Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.
Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời ; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn ; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.
Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.
Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)
Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).
Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn.  Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn ; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài ; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.
Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế. Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.
Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.
Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ
Cv 12,1-11 ; 2 Tm 4,6-8.17-18 ; Mt 16,13-19
ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG:
(13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
2. Ý CHÍNH:.
Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, ông đã được Người khen là có phúc, được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá. Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi.
3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:
HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng ông Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?
ĐÁP:
Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên, kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Sa-lô-mon. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu "Con Vua Đa-vít" này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng Đức Giêsu với tước hiệu "Con Thiên Chúa hằng sống", Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giêsu đã cho biết ý nghĩa của tước hiệu này chỉ về bản tính Thiên Chúa của Người, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự thật ấy (x Mt 16,17).
HỎI 2: Tại sao Đức Giêsu đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18) ?
ĐÁP:
Có thể Đức Giêsu đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giêsu chính là tảng đá vững chắc mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh. Ngoài ra Đức Giêsu còn trao tối thượng quyền để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Ngưới cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông (x.Ga 21,15-17).
HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?
ĐÁP:
Từ ngày được Đức Giêsu gọi đi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy đe không cho dự phần với Thầy, vì đã từ chối khi được Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất la quá tự tin vào sức riêng nên đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).
Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giêsu tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giêsu hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm 12 tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giêsu đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất được chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép lạ bé gái đã chết được sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến giây phút Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).
Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và còn trao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giêsu đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm tin Thầy sống lại (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rô-ma để sẵn sàng bị bắt và chịu khổ hình thập giá dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa, và nêu gương đức tin vững chắc như đá tảng, để các tín hữu chúng ta noi theo.
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).
2. CÂU CHUYỆN: PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊSU ?
Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp để xin ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm giành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.
Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí ăn ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời hạn một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Nhà vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và rõ ràng như hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do chiêm ngưỡng.
3. THẢO LUẬN: Đối với bạn, Đức Giêsu là ai: Là một vị ngôn sứ, nên ta có thể xin Người cầu bầu cùng Chúa cho ta; hay là một thần tượng để ta thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin và sẵn sàng bỏ mọi sự mà đi theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là những đau khổ phải chịu để kết hiệp với Người cứu rỗi tha nhân?
4. SUY NIỆM:
Muốn trở nên tông đồ của Chúa Giêsu, các tín hữu trước hết phải sống tình yêu thương noi gương Chúa Giêsu. Tiếp đến hàng ngày phải thanh luyện bản thân, đục đẽo đi những gồ ghề, chà xát các chỗ bị thô nhám, nghĩa là bỏ đi sự gian ác khó tính, tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi. Phải làm cho linh hồn mình ngày càng trong sạch và thánh thiện giống như chiếc gương soi. Chính nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và rước lễ hàng ngày, nhờ biết xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, nhờ cố gắng noi gương Chúa Giêsu với cái nhìn bao dung nhân từ, ăn nói điềm đạm, thái độ vui vẻ chân thành, giao tiếp thân tình, ứng xử hiền hòa, khiêm tốn phục vụ tha nhân… mà chúng ta hy vọng sẽ dần dần trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh từ bi nhân hậu của Người. Để khi có dịp tiếp xúc với chúng ta, người lương sẽ cảm mến và tin theo Chúa Giêsu, vì họ đã gặp được Người nơi mỗi chúng ta. Đó chính là phương cách làm việc tông đồ hữu hiệu nhất trong thế giới hôm nay.
5. CẦU NGUYỆN:
LẠY CHÚA GIÊSU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng để làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh mẽ như thánh Phê-rô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống hòa hợp với tha nhân. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, những tư tưởng tự mãn và hẹp hòi… Nhờ đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân của Chúa. Ngôi nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm vẫn còn đang xây dựng dang dở. Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm được hoàn thành. Xin cho chùng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo Xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
 

 
 
Tác giả bài viết: Nhiều tác giả
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 24
  • Khách viếng thăm: 19
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 3437
  • Tháng hiện tại: 137898
  • Tổng lượt truy cập: 12282158