Trang mới   https://gpquinhon.org

Mẹ có nghĩa là mãi mãi

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/08/2015 17:42
The Assumption of The Virgin Mary


MẸ CÓ NGHĨA LÀ MÃI MÃI
(LỄ VỌNG MẸ VỀ TRỜI  2015)



          Có một bài thơ về mẹ của thi sĩ Thanh Nguyên mà tôi rất thích. Bài thơ nhan đề “CỔ TÍCH MẸ” và đã kết thúc với những câu thơ như thế nầy :
 
Cổ tích thường khi bắt đầu
Xưa có một vị vua hay một nàng công chúa
Nhưng cổ tích con
Bắt đầu từ ngày xưa có mẹ [1]

 
Nếu thi sĩ Thanh Nguyên đã cảm nhận rằng : mọi chuyện cổ tích cả đời mình đều bắt đầu bằng “ngày xưa có mẹ”, thì chúng ta cũng có thể nói được rằng chuyện “cổ tích của Dân Chúa, của Hội Thánh đều bắt đầu bằng NGÀY XƯA CÓ MẸ”.

Thật vậy, nếu ở những trang đầu của Kinh Thánh Cựu ước, chúng ta đã thấy thấp thoáng hình ảnh “mẹ E-Và”, thì mở đầu những câu chuyện của Tân Ước lại là chân dung của người thôn nữ Na-da-rét Maria, để rồi Sách Khải Huyền đã kết thúc cả một con đường dài mạc khải bằng hình ảnh của một người phụ nữ mà Phụng Vụ ngày 15.8 trân trọng gán cho Đức Mẹ Maria qua bài ca nhập lễ :

“Một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1)
 
Và cũng chính trong ý nghĩa giàu biểu tượng “cổ tích Mẹ” đó, trong Phụng Vụ Lễ Vọng Đức Mẹ Về Trời hôm nay, chúng ta được Lời Chúa vẽ chân dung Đức Mẹ lần lượt qua 3 hình ảnh :

Đức Mẹ là Hòm Bia Giao ước (Khám Giáo ước) trong Bđ 1, Sách Sử Biên Niên.
Đức Mẹ chính một trong những người đã chiến thắng tử thần nhờ Đức Ki-tô. (Bđ 2, thư Cô-rin-tô)
Đức Mẹ là người có phúc vì đã cưu mang, cho Chúa bú mớm và nhất là, đã lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. (Tm Luca)
 
Quả thật, với 3 trích đoạn Lời Chúa đặc biệt nầy, Phụng Vụ lễ mừng Đức Trinh Nữ Maria hồn xác lên trời, vừa khẳng định một lần nữa tính thuyết phục và hợp lý của chân lý “Hồn xác về trời” nơi Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã được chọn làm “cung điện”, làm “địa chỉ” xứng đáng và tuyệt vời nhất cho Ngôi Lời Thiên Chúa cư ngụ khi nhập thể làm người. Mầu nhiệm nầy đã được tiên báo qua hình ảnh “chiếc hòm bằng gỗ quý chứa đựng hai bia đá Giao ước – Biểu trưng của Lời Thiên Chúa và chính sự hiện diện của Thiên Chúa” mà dân Ít-ra-en đã trân trọng cung nghinh trong suốt cuộc hành trình về đất hứa và còn hiện diện như trung tâm của đức tin vào thời định cư và cho đến mãi hôm nay.

Thế nhưng, trọng tâm của ý nghĩa mà Phụng Vụ mầu nhiệm Mẹ về trời hôm nay nhắm đến đó chính là mối giây liên quan mật thiết giữa Đức Giêsu con Mẹ và cuộc vinh quang về trời của Me, một sự liên hệ máu thịt, mẹ con mà một cách nào đó chúng ta có thể hình dung qua bài thơ “CỔ TÍCH MẸ” với những lời rất đẹp như sau :
Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm con muỗng cháo
Khi con đòi ngủ
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con
Ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ
Ngày thêm sợi bạc

 
Nếu Đấng là nguồn sự sống, là Đấng Cứu Độ, là Đấng chiến thắng sự chết bằng cuộc phục sinh vinh quang, đã từng có 9 tháng được cưu mang trong dạ mẹ, đã từng được hình thành bằng máu thịt và được nuôi dưỡng bằng dòng sửa của người Mẹ là Maria, thì chắc chắn chính người trinh nữ đã góp phần với Thiên Chúa làm nên công trình tuyệt diệu đó, làm sao có thể bị khuất phục bởi sự chết. Và đó chính là điều mà Thánh Phaolô trong trích đoạn thư Cô-ri-tô hôm nay đã khẳng định : “Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.” Vâng, huyền nhiệm Mẹ Về Trời chỉ được cắt nghĩa và sáng lên trong mầu nhiệm của chính Đức Ki-tô.

Và nếu ngày lễ hôm nay hay mầu nhiệm Mẹ Về Trời không liên quan gì đến chúng ta, đến cộng đoàn Dân Chúa và toàn thể nhân loại thì việc cử hành nầy nào có ý nghĩa gì ! Chính vì thế, mừng lễ Mẹ Về Trời lại là dịp để Dân Chúa, để mỗi người chúng ta vừa xác tín về niềm hy vọng phục sinh, về cùng đích vĩnh hằng của cuộc đời tin yêu Chúa ; đồng thời cũng gọi mời chúng ta dấn bước trong hành trinh đức tin theo mẫu gương mà Đức Trinh Nữ hồn xác về trời đã sống và đã nêu gương. Và đây lại chính là điều được Tin Mừng Luca nêu bật qua câu trả lời của Chúa Giêssu dành cho một phụ nữ ca ngợi người mẹ đã sinh ra Ngài và cho Ngài bú mớm : “Phúc hơn nữa cho kẻ đã lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”.

Đức Maria đã được mệnh danh là “Trinh nữ lắng nghe”. Cả cuộc đời của Mẹ có thể nói được là thành tâm lắng nghe, vâng phục Lời Chúa và thánh ý Ngài, để từ đó dành cả cuộc đời để “xin vâng” tuân giữ Lời Chúa. Cho nên, như Thánh Giáo Phụ Augustinô đã từng ca ngợi Mẹ rằng : “Trước khi cưu mang Lời Thiên Chúa nơi thân xác, Đức Maria đã cưu mang Lời Chúa trong tâm hồn”.

Như thế, việc “lắng nghe và thực hành Lời Chúa” đâu là cái diễm phúc chỉ dành riêng cho Mẹ Maria hay chỉ một mình Mẹ mới có thể thực hành, mà đó chính là con đường đức tin của mỗi người để qua đó chúng ta cũng sẽ được tham dự và hạnh phúc vĩnh hằng cùng với Mẹ.

Như vậy mừng lễ Mẹ Về Trời hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội ca mừng Mẹ, cám ơn Mẹ, tôn vinh Mẹ, một sự tôn vinh và cảm tạ mà có lẽ chúng ta lại tìm thấy một chút đồng cảm khi nói về người mẹ giữa đời thường trong những câu thơ của bài thơ “CỔ TÍCH MẸ” :

Mẹ có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát

 
Mẹ có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Mẹ có nghĩa là mãi mãi
Là cho đi không đòi lại bao giờ

 
Vâng, Mẹ có nghĩa là mãi mãi. Và hôm nay Mẹ về trời, chân lý ấy đã trở thành hiện thực và niềm hy vọng tuyệt vời cho tất cả chúng ta.
 
 

[1] Đoạn cuối trong Bài thơ “CỔ TÍCH MẸ” CỦA Thanh Nguyên
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 135217
  • Tổng lượt truy cập: 12279477