Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Stêphanô Thể

Đăng lúc: Thứ ba - 11/11/2014 17:49
LỄ THÁNH STÊPHANÔ THỂ
(Kn 3,1-9; Rm 8,31b-39; Ga 12,24-26)




Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay Giáo phận Qui Nhơn chúng ta hân hoan mừng kính trọng thể thánh Giám mục Stêphanô Thể. Sở dĩ Giáo phận chúng ta có được diễm phúc như vậy là vì trong suốt 32 năm phục vụ tại Giáo hội Việt Nam và 26 năm trong chức Giám mục thì phần lớn cuộc đời truyền giáo của ngài là ở Giáo phận chúng ta và hồng phúc tử đạo của ngài cũng tại giáo phận chúng ta (tại thị xã an nhơn ngày nay). Hôm nay, nhân ngày sinh nhật trên trời của thánh nhân, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại đôi nét về cuộc đời và cái chết anh hùng của ngài dưới ánh sáng của phụng vụ Lời Chúa.

Thánh Stêphanô Thể tên thật là Stêphanô Théodore Cuénot sinh ngày 08 tháng 02 năm 1802 tại làng Bélieu, Besançon, miền Trung nước Pháp, là con đầu lòng của ông Alexandre Cuénot và bà Éléonore Risse. Năm 1820, Cuénot nhập học đại chủng viện ở Besançon, người mẹ nghèo khổ phải bán chiếc áo cưới đầy ắp kỷ niệm để sắm cho con đầu lòng một chút tư trang.

Ngày 24.09.1825 Cuénot Thụ phong linh mục và làm việc tại nhà tĩnh tâm nhưng vẫn ý thức rằng đây chưa phải là ‘ơn gọi’ cuối cùng. Ngày 23.06.1827 cha Stêphanô Théodore Cuénot gia nhập Hội Thừa Sai Balê. Và cha Cuénot nhận lệnh lên đường phục vụ miền Nam nước An-Nam.

Ngày 31.05.1829 cha Cuénot đến Kẻ Vĩnh, miền Bắc An Nam. Ngày 24-7-1829 cha vào miền Nam An Nam. Cha Cuénot vừa học tiếng Việt vừa dạy các chủng sinh ở Lái Thiêu. Bốn năm dạy học ở chủng viện Lái Thiêu cũng là thời gian cha tiếp cận, tìm hiểu phong hóa địa phương và gắn bó với các cộng tác viên trong tương lai.
Tại giáo phận Đàng Trong, thời điểm cha Cuénot đặt chân đến chỉ có 05 thừa sai: Đức cha Taberd, cha Gagelin, cha F.Jaccard, cha Régéreau, cha Bringol và có mấy linh mục người bản xứ đã cao niên, một số các thầy giảng và các nữ tu dòng Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert de la Motte lập.

Ngày 06 tháng 01 năm 1833 vua Minh Mạng ra sắc dụ cấm đạo toàn quốc. Đức cha Taberd quyết định di tản sang Thái Lan, cha Cuénot và nhóm chủng sinh cũng theo chân ngài. Trong cuộc di tản nầy, tên ‘cúng cơm’ Việt Nam mà Đức cha Taberd đặt cho cha Cuénot khi mới đến Lái Thiêu là ‘Cố Trí’ đã được cãi tên là ‘Cố Thể’.
Sau nhiều đoạn đường nguy hiểm, Đức cha Taberd, cha Cuénot Thể và nhóm Chủng sinh cũng đã đến được Thái Lan.

Thái Lan chưa phải là đất lành nương ngụ. Ngày 09.03.1835, đoàn tị nạn cập bến Singapore sau hải trình hiểm nguy trên một chiếc thuyền đánh cá.

Đức cha Taberd đã hiểu rằng bản thân ngài không thể trở về địa phận được nữa. Nên với đặc quyền Tòa Thánh ban cho, ngày 03.05.1835 Đức cha Taberd truyền chức Giám mục cho cha Cuénot, Tân Giám mục phó có quyền kế vị lãnh nhận hiệu tòa Métello.

Ngày 14.05.1835, Đức Giám mục phó giáo phận Đàng Trong rời Singapore về với giáo phận trên một chiếc tàu buôn. Tàu cập bến Đà Nẵng chiều ngày 30.05.1835, trước khi đoàn lên bộ đến Quảng Nam.

Vì phải ẩn trốn trong cơn bách hại, Đức cha điều hành giáo phận bằng những chỉ thị viết tay. Ngài viết thư thông báo giáo hữu biết có sự hiện diện của ngài trong giáo phận và an ủi mọi người trong cơn thử thách. Những giáo hữu bị bắt giam, những cuộc tử đạo, những thành quả tông đồ đều được người cha chung của giáo phận cảm thông, chia sẻ, viết thư khích lệ, động viên, an ủi . Nhờ đó các linh mục và giáo hữu thêm lòng can đảm, họ biết rằng họ không mồ côi, họ không bị bỏ rơi, họ có một chỗ ấm nơi tấm lòng của người cha chung.

Để tăng thêm những cộng sự viên trong hàng linh mục, năm 1836 Đức cha phong chức linh mục cho 10 thầy giảng. Đồng thời Đức cha qui tụ được 250 nữ tu Mến Thánh Giá sau một thời gian bị giải thể, phân tán về gia đình, nay sinh hoạt trở lại trong 18 cộng đoàn.

Sau 03 năm ẩn trốn ở Quảng Nam, Đức cha di chuyển dần vào Quảng Ngãi, trú tại nhà thầy giảng Ngoan ở Phú Hòa. Tháng 11 năm 1839 Ngài đã có mặt tại Bình Định.

Năm 1840 Vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị lên ngôi kế vị, tình hình cấm đạo tương đối ít gay gắt, sự khó khăn tuỳ địa phương. Cùng năm nầy, ngày 31-7-1840 Đức cha Taberd qua đời tại Calcutta, Đức cha Cuénot chính thức làm Đại Diện Tông Tòa giáo phận Đàng Trong.

Năm 1841, Đức cha Cuénot triệu tập công nghị giáo phận Đàng Trong tại Gò Thị để thống nhất và định hướng việc mục vụ trong giáo phận, củng cố mục vụ và đẩy mạnh công việc truyền giáo. Phương pháp truyền giáo của Đức Cha Têphanô Cuênot Thể được tổng hợp với ba nội dung chính: Cầu nguyện, đào tạo-huấn luyện nhân sự và phân chia nhỏ giáo phận để các tín hữu được chăm sóc tốt hơn.

Một công trình lớn lao khác của ngài là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số miền thượng du, đặc biệt là dân tộc Bahnar. Chính Đức Cha cử nhiều đợt người theo dõi, khích lệ và đưa ra những chỉ đạo thích hợp để anh em dân tộc thiểu số nhận Ánh Sáng Tin Mừng.

Những thành công lớn lao của Đức cha đã được Tòa Thánh công nhận năm 1844 khi phân chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận Đông (Qui Nhơn) và Tây (Sài Gòn). Tiếp theo đến năm 1850, lại chia làm bốn là Nam Vang, Sài Gòn, Bắc (Huế) và Qui Nhơn. Từ đây Đức Cha Cuénot Thể chỉ coi sóc giáo phận Đông Đàng Trong, nhưng lại ở trong tình hình bách hại mới gay gắt hơn nhiều.

Năm 1861, chiếu chỉ "phân sáp" của vua Tự Đức làm Giáo Hội Việt Nam một phen điêu đứng. Đức Cha Cuénot Thể đã khuyên các thừa sai trong giáo phận đi tản vào Sài Gòn, nhưng chính ngài tình nguyện ở lại, ngài đưa ra một phương châm bất hủ : "Dù chỉ còn một thừa sai chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc hiện diện của vị đó đủ để nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt của tín hữu rồi".

Mối đe doạ bị bắt ngày càng lớn, nên từ tháng 10, Đức cha phải bỏ Gò Thị trốn từ nhà này sang nhà khác. Ngày 20/10/1861, Đức Cha, thầy bốn Tuyên và chú Nghiêm được ông Quả đưa đến Gò Bồi, tạm ẩn tại nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu. Vị trí ngày nay là nhà thờ Vĩnh Thạnh, bên bờ sông Gò Bồi. Vừa xong thánh lễ sáng ngày 28/10/1861, đồ lễ chưa kịp dọn, quân lính đến bao vây. Đức Cha, thầy Tuyên và chú Nghiêm vội trốn trong lẫm lúa. Lính vào nhà lục tìm không thấy có đạo trưởng nào, nhưng đồ lễ còn đó là dấu chứng có mặt đạo trưởng ở đây. Lính bắt bà Lưu và ông Quả tra tấn, không tìm được gì nơi lời khai của hai người. Lính đóng lại đây cho đến đêm hôm sau. Đức Cha, thầy Tuyên và chú Nghiêm ra trình diện, tất cả bị bắt giữ. Hôm sau, Đức cha bị nhốt trong cũi đưa về tỉnh.

Tháng 10 năm đó, miền Trung bị lụt, nước dâng lên đến lưng, nên ngồi trong cũi chật chội, Đức Cha cũng bị ngập nước. Do đó, khi đến nhà giam thì Đức Cha lâm trọng bệnh. Chứng kiết lị làm sức khỏe ngài càng đuối dần,

Thánh lễ Đức Cha Cuénot Thể dâng vào ngày 28/10/1861 chỉ kết thúc nơi nghi thức sách lễ. Đức Cha Cuénot tiếp tục dâng hy lễ bằng những khổ hình cho đến hơi thở cuối cùng trong đêm 14.11.1861 tại nhà giam Bình Định. Ngài chết trong đêm khuya không ai hay biết, cô đơn giữa lao tù.

Sáng ngày 15.11.1861, bản án từ triều đình gởi về đến nơi: “Xử trảm và bêu đầu ở chợ ”. Nhưng quan trấn thủ khuyên can: “chặt đầu làm gì nữa, y đã chết, cứ lấy chiếu bó lại, kẹp bốn cây tre đem chôn”. Đầu năm 1862 một bản án khác từ triều đình gởi về: “Đạo trưởng Thể đã đến sống lén lút trong nước gần 40 năm; y đã giảng tà đạo và phỉnh gạt dân chúng; bị bắt và hỏi cung, y đã thú nhận tội phạm to lớn đó. Y phải bị xử trảm và bêu đầu ở chợ. Nhưng vì y đã chết, chỉ còn vứt xác y xuống sông”

Để thực hiện bản án ấy, xác Đức Cha Cuénot Thể được đào lên rồi quăng xuống sông. Ngày 02.05.1909, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô X tôn phong Chân Phước Tử Đạo. Ngày 19.06.1988, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh Tử Đạo.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Trong thánh lễ hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm dụ ngôn về hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để trổ sinh mùa lúa mới. Đó cũng là hình ảnh của Chúa Giêsu, Ngài là Thiên Chúa nhưng Ngài chấp nhận mang thân phận một hạt lúa của Thiên Chúa được gieo vào thế gian. Ngài không dành cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã để cho Chúa Cha gieo vào trần gian trong thân phận của một con người với nhiều giới hạn và phải chết. Chính từ sự vâng phục hoàn toàn ý muốn của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết đau khổ trên thập giá, chịu mai táng trong mồ như hạt lúa mì được vùi sâu vào lòng đất, chịu mục nát, để rồi từ nơi nấm mồ chết chóc ấy, Ngài đã làm nẩy mầm sự sống mới qua sự phục sinh của Ngài. Từ nơi Chúa Giêsu phục sinh, sự sống mới lại được tiếp tục trao ban cho cả nhân loại. Những ai tin Ngài, đón nhận Ngài thì sẽ đón nhận được sức sống mới đó.

Tiếp bước theo Chúa Giêsu, các tông đồ và các thế hệ tín hữu đã noi gương Ngài chấp nhận sống theo đòi hỏi của Tin Mừng, chấp nhận trở nên hạt lúa gieo vào lòng đời, gieo vào thế giới hôm nay. Một trong số những tín hữu ấy là thánh Giám mục Stêphanô Thể mà chúng ta mừng kính hôm nay. Lúc sinh thời, không gì có thể tách ngài ra khỏi lòng mến của Chúa Kitô, cho dù đó là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo. Và sau những giây phút chịu khổ nhục, giờ đây ngài đã được vinh dự lớn lao, linh hồn của ngài được ở trong tay Thiên Chúa và chẳng còn cực hình nào động tới được nữa. Ngài đã toàn thắng nhờ Đấng đã yêu thương ngài. Qua bao năm vất vả ngược xuôi vì Nước Chúa, và phải sống trong cảnh hầm trú, để rồi kết thúc với một cái chết trong ngục tù tối tăm, ngài đã như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, chịu mục nát để từ đó làm phát sinh nhiều cây lúa mới. Quả thật, là con người, ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham sống sợ chết, nhưng vì lòng yêu mến Chúa, ngài đã vượt thắng tất cả: thắng vũ lực, thắng quyền bính vua chúa trần gian và thắng chính mình. Thánh nhân đã nhẫn nại và can trường trong đau khổ, vì đã có được Đức Kitô là nền tảng đích thực của niềm hy vọng hằng sống: “Các con hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12). Cái chết của ngài không những đem lại cho ngài sự sống vinh quang bất diệt, mà còn góp phần làm cho Giáo Hội lớn lên.

Trong khi mà mọi người tìm kiếm một cuộc sống dễ dãi, thoải mái, thì Thánh Giám mục của chúng ta lại chọn sống theo Tin Mừng, trong lúc nhiều người lo tìm kiếm địa vị giàu sang, thì ngài lại chấp nhận một cuộc sống bị người đời ghét bỏ, thậm chí sỉ nhục. Người ta nhốt ngài trong cũi vừa để  làm nhục, vừa để phân biệt đối xử, thế nhưng ngài vẫn vui vẻ đón nhận mà không hề thù oán. Bị ngược đãi hành hạ, nhưng ngài vẫn yêu thương những người bách hại mình. Ngài chấp nhận tất cả chỉ vì tin vào Chúa Giêsu, chỉ vì muốn trung thành với Tin Mừng, trung thành với Thiên Chúa. Chính lối sống can trường của ngài, chính từ cái chết theo gương Chúa Giêsu của ngài, mà ngày nay hạt giống đức tin, hạt giống Tin mừng đang tiếp tục nảy nở và sinh nhiều hoa trái trên quê hương chúng ta, cho chúng ta được diễm phúc biết Chúa và tin Chúa. Chúng ta cảm tạ Chúa và tri ân ngài. Đồng thời không quên tiếp bước ngài sống trung thành với Tin mừng, với Giáo hội, đáp lại lời mời gọi của Chúa, chấp nhận trở nên hạt lúa mì trong thời đại hôm nay.

Ngày nay chúng ta không còn thấy cảnh máu chảy đầu rơi hay những cực hình kinh khủng như các vị tử đạo ngày xưa, nhưng chúng ta đang trải qua những cuộc tử đạo không đổ máu, những cuộc tử đạo liên tục trong cuộc sống. Nói khác hơn, thay vì tử đạo, chúng ta phải sống vì đạo, sống đức tin ngay trong gia đình, trong lối xóm, trung thành với giáo huấn của Tin mừng từng ngày, chấp nhận mất mát, chấp nhận thiệt thòi trước thế gian để được Chúa Kitô và hạnh phúc đời đời.

Người đời tìm kiếm danh vọng, của cải giàu sang, còn chúng ta được mời gọi tìm hạnh phúc Nước Trời. Người đời chạy theo sự giả dối và lối sống hưởng thụ, chúng ta được mời gọi sống theo công lý và sự thật, ngay thẳng và thật thà, sống khiêm nhường theo Tin mừng. Khi dám lội ngược dòng như thế là chúng ta đang trải qua cuộc tử đạo mỗi ngày, cuộc tử đạo tuy không đổ máu, nhưng lại đòi hỏi rất nhiều hy sinh.

Xin Chúa thêm sức mạnh và lòng can đảm cho chúng ta. Amen,


 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Khách viếng thăm: 7
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 131028
  • Tổng lượt truy cập: 12275288