Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Truyền Tin

Đăng lúc: Thứ bảy - 02/04/2016 20:40


LỄ TRUYỀN TIN

(Is 6, 10-14; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38)


            Trong lễ Truyền Tin hôm nay, Giáo Hội kính nhớ biến cố có một không hai trong lịch sử cứu độ, cũng như trong lịch sử nhân loại, đó là việc Đức Maria thưa “xin vâng” với sứ thần Gabrien. Và qua tiếng xin vâng đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ, để thực hiện lời hứa từ ngàn xưa của Thiên Chúa, sau khi nguyên tổ phạm tội. Như tiên tri Isaia đã tiên báo: “Nầy đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là ‘Emmanuen’, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 10, 14). Và Mẹ Maria đã được ơn phúc trở thành mẹ Thiên Chúa.

            Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho thấy rằng: Biến cố quan trọng có một không hai này diễn ra trong một ngôi làng quê hẻo lánh, với một cô thôn nữ đơn sơ, nghèo hèn, đạo đức, không có một tí tham vọng nào về việc được làm mẹ Đấng Cứu Thế như hàng ngàn thiếu nữ Do Thái khác đang nuôi hy vọng sau lời Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Vì từ lâu Mẹ đã hứa với Thiên Chúa là sẽ giữ mình đồng trinh.

            Trong biến cố truyền tin, Mẹ Maria đã nói lên điều đó với sứ thần Gabrien “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1, 34). Theo Kinh Thánh: Không biết đến người nam có nghĩa là không chung sống với người nam như vợ chồng bình thường để sinh con. Như vậy, không biết đến người nam có nghĩa là sống đồng trinh.

            Tuy nhiên, sau khi nghe sứ thần Gabrien giải thích và trưng dẫn bằng chứng về trường hợp bà Elisabet, người chị họ của Mẹ đã luống tuổi, nay cũng đã mang thai, và sứ thần kết luận: “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”. Lời kết luận này là một khẳng định: Thiên Chúa sẽ can thiệp cho Mẹ giữ trọn lời hứa đối với Ngài là sau khi sinh con, Mẹ vẫn còn đồng trinh. Lời bảo đảm của sứ thần Gabrien đã giải tỏa mọi lo âu, thắc mắc của Mẹ và Mẹ không một chút do dự thưa với sứ thần: “Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1, 38).

            Có thể nói, khi thưa xin vâng với sứ thần Gabrien, có nghĩa là Mẹ xin hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa, chấp nhận bằng mọi giá sẽ cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, tuyệt đối tín thác vào Ngài và để cho Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đời của Mẹ trên mọi nẻo đường.

            Và cũng có thể nói: Lời xin vâng của Mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin đã làm đảo lộn toàn bộ trật tự cục diện của vũ trụ, từ một vũ trụ chìm đắm trong tối tăm của tội lỗi, dưới áp lực của sự dữ và thần chết, đã lóe lên ánh hừng đông, đã bừng lên nguồn ánh sáng chói chan: Ánh sáng đó chính là Con Thiên Chúa đã nhập thể và xuống thế làm người. Sứ mạng trần gian của Ngài là đẩy lui bóng tối tội lỗi ra khỏi thế giới, giải thoát con người khỏi áp lực của sự dữ và thần chết.

            Qua lời truyền tin của sứ thần Gabrien và tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ Maria, còn cho chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa cần con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Do đó, tiếng “xin vâng” của Mẹ là một mở đầu, là khơi nguồn cho một tiếng “xin vâng” tối quan trọng khác cũng tự nguyện thưa với Thiên Chúa, đó là tiếng “xin vâng” của Con Thiên Chúa, Ngôi Hai nhập thể làm người. Thánh Phaolô trong thư Do Thái, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc II đã diễn tả thái độ xin vâng của Chúa Giêsu, bằng một câu vắn gọn nhưng đầy ý nghĩa như sau: “Lạy Chúa, nầy con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10, 7).

            Đối với Chúa Giêsu, ý Cha Ngài là trước hết và trên hết. Không có cảnh khốn cùng nào, không có nỗi khổ đau nào có thể làm cho Ngài chùn bước hay ngăn cản Ngài thi hành thánh ý Chúa Cha. trong vườn cây dầu, Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Nếu con phải uống chén đắng nầy, thì xin vâng ý Cha” (Lc 22, 42). Và cái chết đau thương của Ngài trên thập giá cũng không nằm ngoài tấm lòng “vâng phục” trọn vẹn thánh ý Chúa Cha.

            Như vậy, chúng ta thấy rằng: Khi thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria liền được giao cho một trọng trách, được đưa vào trong chương trình cứu rỗi ngàn đời của Thiên Chúa. Với những bất trắc không thể lường trước được, chỉ biết thưa “xin vâng” và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa mà thôi.

            Với chúng ta, tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ Maria đã trở thành mẫu mực cho người tín hữu qua mọi thời trong hành trình đức tin, trên đường lữ thứ tiến về quê trời. Giống như Mẹ Maria, chúng ta cùng thưa “xin vâng” với Chúa trong Bí tích Rửa Tội. Tiếng “xin vâng” đó là quyết taam sống xứng đáng là con cái Chúa qua việc từ bỏ ma quỉ và tin Thiên Chúa. Cũng giống như Mẹ Maria, chúng ta cũng được giao phó cho một trọng trách là tích cực cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cũng không thiếu những gian nan, thử thách. Do đó, trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta không thể không nhìn lên Mẹ Maria như một mẫu gương sống động, luôn tuân phục và thưa “xin vâng” theo thánh ý Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Trong hành trình đức tin tiến đến với Thiên Chúa, tiến về quê trời, chắc chắn chúng ta không thể thiếu vắng Mẹ Maria. Chúng ta không thể không theo gương Mẹ, liên lỷ nói lên tiếng “xin vâng” như Mẹ, trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Chúng ta không thể đến với Thiên Chúa mà không qua Mẹ.

            Ước gì Mẹ Maria trở thành tấm gương sáng ngời chiếu soi chúng ta trên bước đường đi theo Chúa: Tin tưởng, phó thác, hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa. Mẹ đã vượt thắng mọi thử thách – được gọi là người đầy ơn phước và cuối cùng được Thiên Chúa tưởng thưởng xứng đáng cả hồn lẫn xác trên trời.

            Chắc chắn tiếng “xin vâng” của chúng ta đối với Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời, cũng sẽ đưa chúng ta đến một kết cục giống như Mẹ Maria là được sống hạnh phúc vĩnh viễn với Mẹ trên thiên đàng.
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Công Sanh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 134856
  • Tổng lượt truy cập: 12279116