Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Anrê Kim Thông

Đăng lúc: Thứ tư - 13/07/2016 18:24
LỄ THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG
2Mcb 6,18.21.24-31; Rm 8,31b-39; Ga 12,24-26




Trong cuộc sống làm người, chúng ta tiếp nhận văn hóa, tư tưởng và quan niệm do các bậc tiền nhân truyền lại. Trong cuộc sống đức tin, chúng ta có mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và các bậc tiền nhân. Chắc chắn các bậc tiền bối đã luôn vâng nghe Lời Chúa dạy và dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin của mình.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hôm nay chúng ta dâng thánh lễ kính nhớ thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, vị tử đạo của giáo phận. Ngài đã sống tròn bổn phận làm người và làm con Chúa cho đến giây phút cuối cùng. Chúng ta cùng nhìn lại đôi nét về cuộc đời của Ngài.

Một công dân đã sống “đẹp đời”.

Anrê Nguyễn Kim Thông sinh năm 1790 trong một gia đình giàu có, đạo đức tại Gò Thị, thôn Xuân Phương, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Ngài lập gia đình và sinh được chín người con, sáu trai ba gái, trong số đó có một Linh mục là Giuse Thủ và một nữ tu là Anna Nhường.
Ngoài xã hội, Ngài là con người thanh liêm chính trực. Khi làm Lý trưởng, Ngài luôn nêu cao tình làng nghĩa xóm, dùng của cải để giúp đỡ những kẻ túng nghèo thua thiệt, kêu gọi dân chúng sống đoàn kết yêu thương, không phân biệt lương giáo, nên được mọi người mến thương kính trọng. Trong lao động làm ăn, Ngài đã có công khai phá đất hoang cho dân canh tác, nên được vua Tự Đức ban sắc chỉ “Cần nông”.

Một giáo dân đã sống “tốt đạo”.

Trong gia đình Ngài là một người cha gương mẫu luôn tôn trọng đạo hiếu, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại. Đó như là tiêu chuẩn Ngài đã sống và dùng kinh nghiệm đó mà dạy bảo con cháu.
Ngoài ra Ngài luôn nhắc nhở, dạy bảo con cháu và mọi người trong họ hàng siêng năng chạy đến cùng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, thương cầu thay nguyện giúp, để giữ vững đức tin trong cuộc sống đời này. Để làm gương cho con cháu và mọi người, Ngài đã dành một nơi riêng trong khu nhà làm nhà nguyện kính Đức Mẹ.
Một con người có tiếng khôn ngoan đạo đức như thế, nên Đức cha Cuénot Thể đặt làm Trùm cả trong vùng Bình Định. Với trách nhiệm Trùm cả, Ngài giúp Đức Cha quản lý ruộng đất nhà chung, tạo dựng cơ sở Toà Giám Mục, trường học, tu viện, nhà trẻ mồ côi. Ngoài ra Ngài còn luôn tìm mọi cách cho Đức Cha, các Cha, các Thầy được an toàn tính mạng trong thời gian cấm cách, bắt bớ.
Với cuộc sống lương thiện, bác ái quảng đại như thế mà lại bị con cháu phản bội. Đó là đứa cháu tên Bảy Út hoang đàng ngỗ nghịch, không nghe lời răn dạy đã nhẫn tâm tố cáo Ngài chứa chấp bao che cho các cố đạo. Quan trên gởi trát đòi Ngài lên tỉnh và tống giam. Khi bị tra hỏi về các tội bị tố cáo, Ngài đã trả lời: “Không chứa chấp cố đạo, quanh năm chỉ lo việc nông gia, không tích trữ lương thực, cũng không tậu thuyền mua ngựa, lại chẳng hề đi đâu mà chỉ đường vạch lối cho giặc”.

Quan tra xét không tìm được chứng cứ gì, nên không tra xét nữa, nhưng lại bắt Ngài phải khoá quá và dụ dỗ Ngài cứ giả vờ bước qua thánh giá rồi tha về, không khác gì như xưa viên quan của vua Antiôkhô “đề nghị Êlêazarô giả vờ ăn thịt heo để thoát chết”. (Bđ I)
Và chúng ta đã từng biết câu trả lời của Ngài: “Tôi không bao giờ làm chuyện quái gỡ giả dối như vậy. Đã biết thạch tín là thuốc độc uống vào là chết, tuy có thuốc giải độc mà nào ai liều mình uống thạch tín bao giờ, tôi thà chết chứ không khoá quá chối đạo”.
Ngài không bị tra tấn gì, nhưng quan trên theo chỉ dụ cấm đạo, ra án lệnh bắt lưu đày. Trong thời gian bị giam giữ, nhờ sự dễ dãi của quan, Ngài được tự do ra vào và có thể xin phép về thăm nhà vài ngày. Nhân dịp này, Ngài đã khuyên gia đình không nên lợi dụng sự dễ dãi ấy mà hối lộ quan trên chuộc tội hoặc sửa đổi án lệnh, một để Ngài bằng lòng chịu khốn khó khổ cực vì đạo Chúa.

Với niềm tin sắt đá Ngài đã quyết sống như thánh Phaolô nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”. (Bđ II)
Năm 1853, đời vua Tự Đức, sau 3 tháng bị giam giữ, Ngài phải đi lưu đày vào Định Tường. Trên đường đi đến Phan Rang, Linh mục Thủ là con trai Ngài có tới thăm. Cha con an ủi khích lệ nhau can đảm chịu khổ vì Chúa. Khi đến Gia Định, Cha sở Chợ Quán tới thăm và khuyên Ngài ở lại Chợ Quán, nhưng Ngài cám ơn và từ chối để được tiếp tục lên đường lưu đày. Đến nơi lưu đày là Định Tường, Ngài lâm bệnh nặng và yếu liệt nhưng vẫn không cho tháo xiềng, miệng luôn kêu tên Ba Đấng: “Giêsu, Maria, Giuse” cho tới hơi thở cuối cùng ngày 15 tháng 7 năm 1855.

Thế là “hạt lúa Anrê Kim Thông” đã chết đi. (PÂ)
Đức Giáo Hoàng Lê-Ô XIII tôn Ngài lên bậc đáng kính ngày 13 tháng 02 năm 1879. Đức Giáo Hoàng Pi-Ô X tôn phong Ngài lên hàng Chân Phước ngày 02 tháng 5 năm 1909. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong Ngài lên bậc Hiển Thánh cùng với 116 vị anh hùng tử đạo khác ở Việt Nam.
Ngày nay không còn những hình thức bắt đạo và tra tấn như xưa, nhưng những cám dỗ không sống theo thánh ‎ý Chúa vẫn luôn có trong mỗi con người chúng ta. Nhưng Lời Chúa dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình”.
Vậy mỗi người chúng ta như hạt lúa phải chết đi cho những tính hư nết xấu, những đam mê tội lỗi trái với Tin Mừng thì mới sinh ra nhiều bông hạt lành thánh trong mùa gặt mai sau.
Hôm nay là ngày bổn mạng của Qu‎ý chức, nguyện xin Thánh Anrê Kim Thông cầu bầu cho Quý chức noi gương Ngài biết hy sinh phục vụ hầu làm cho Danh Chúa cả sáng, nước Chúa trị đến.
Tác giả bài viết: Lm. FX. Trần Đăng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 14
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 8012
  • Tháng hiện tại: 126110
  • Tổng lượt truy cập: 12270370