Trang mới   https://gpquinhon.org

Thánh Gioan Tông Đồ

Đăng lúc: Thứ năm - 25/12/2014 17:48
TÔNG ĐỒ GIOAN
NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA YÊU
27 - 12 - 2014
 
Lời Mở Đầu
 
“Ơn gọi” đi theo Chúa là một lời mời gọi huyền nhiệm của tình yêu nhưng không. Ngài không đi tìm những người có địa vị, quí tộc, giàu sang phú quí theo tiêu chuẩn của thế gian. Ngài gọi những kẻ Ngài muốn như thánh Marcô đã từng viết: “Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Tông Đồ Gioan cũng được Chúa Giêsu kêu gọi như thế. Thánh Marcô đã ghi lại: “Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê con ông Dêbêđê và người em là Gioan. Hai ông nầy đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người” (Mc 1,19-20)
 
1/ Gioan, Người Môn Đệ Đặc Biệt

Từ bước đầu theo Chúa, Gioan là con của ông bà Dêbêdê và Salômê, vẫn còn mang nhiều cá tính nóng nảy, và còn nhiều tham vọng. Ông cũng ước muốn một địa vị trong nhóm người theo Chúa. Ông cũng không phải là kẻ ôn nhu nhưng được mệnh danh là con của “sấm sét” như Tin Mừng Marcô đã ghi lại: “Người lập nhóm Mười Hai…có ông Giacôbê con ông Dêbêdê, và ông Gioan, em ông Giacôbê. Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê nghĩa là con của thiên lôi” (Mc 3,16-17). Thánh sử Mátthêu kể lại: Bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan xin cho hai con của bà được ngồi chỗ danh dự trong vương quốc của Ðức Giêsu: một người bên trái, một người bên phải (x. Mt 20,23). Tham vọng đó đã gây chia rẽ giữa các Tông Đồ: “Nghe vậy mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20,24). Và Chúa đã cho các ông một bài học về khiêm nhu và phục vụ: “Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ giữa anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em…” (Mt 20,26).

Có một lần Gioan tức giận vì một người dám nhân danh Chúa mà trừ quỉ nên đã thưa với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỉ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy. Chúa Giêsu bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Lc 9,49-50; Mc 9, 38-40). Óc tị hiềm và đố kỵ vẫn còn mang nặng trong tâm hồn Gioan. Đặc biệt hơn, khi thấy dân làng người Samaria không đón tiếp Chúa khi Ngài lên Giêrusalem, Gioan và Giacôbê muốn khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy thành ấy. Thánh Luca đã thuật lại: “Khi đã tới ngày.. Người nhất quyết đi lên Giêrusalem…Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường vào một làng người Samaria…Nhưng dân làng không tiếp đón Người… Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuông thiêu hủy chúng nó không?”  Nhưng Chúa Giêsu quay lại quát mắng các ông. (x. Lc 9, 51-55). Từ những nhắc nhở đó, Gioan dã dần dần thấu hiểu Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh đầy Tình Yêu của mình. Và cũng từ đó Gioan đã thay đổi bản chất của mình. Gioan đã chiến thắng tính nóng nảy và lớn lên trong tình yêu thông cảm. Tác giả Trần Duy Khiêm đã viết: “và Gioan, người môn đệ của tình yêu đã đi qua con đường vạn dặm…Từ đanh đá đến điềm đạm, từ giận dữ đến dịu dàng, từ chia rẽ đến chia sẻ tình yêu và đó là con đường bạn và tôi phải đi qua nếu chúng ta muốn đến gần Thầy Chí Thánh.” (Ngài Đã Gọi Họ, Ngài Đã Gọi Tôi, tr.72). Cũng từ đó Gioan đã dành một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim yêu thương của Chúa.
 
2/ Gioan, Người Môn Đệ Được Chúa Yêu ( Ga 13,23; 19,26; 21,7)

 Chúa Giêsu đã yêu thương Gioan cách đặc biệt vì sự trong trắng, nhiệt tâm và thành tín của Ngài. Ở trường học của Chúa Giêsu, Gioan dần dần biến đổi chính mình, thủ đắc tinh thần hiền hậu, học được đức ái chân thật và tiến tới cuộc đời trọn vẹn hy sinh. Gioan cùng với anh là Giacôbê, cũng như các tông đồ khác đều tin rằng, Chúa Giêsu sắp tái lập vương quyền và họ xin Người cho họ được giữ những chỗ danh dự trong ngày vinh quang của Thầy. Nhưng Chúa Giêsu đã từng nói rằng, vương quốc của Ngài không thuộc thế gian này và đã trả lời bằng việc trao thánh giá cho họ: “Các con có thể uống chén Ta không?” Đầy nhiệt tâm, họ trả lời: “dạ được”. Và Chúa Giêsu đã nói với họ: “Chén của Thầy các con sẽ uống..”( Mt 20, 22-23). Như thế là họ biết rằng, việc chia sẻ vinh quang sẽ tiếp sau việc chia sẻ đau khổ.

Suốt ba năm sống công khai của Chúa Giêsu, Gioan không rời Thầy mình. Ngài đã thấy Thầy chói sáng trên núi Tabor. Với kỷ niệm này, Gioan viết rằng: “Chúng tôi đã thấy vinh quang Con Một Thiên Chúa Cha” (Ga 1,14). Chúa Giêsu đã chọn Gioan và Phêrô đi dọn lễ Vượt Qua. Và chỉ có một mình Gioan trong số 12 tông đồ trung thành theo Chúa Giêsu tới chân Thập Giá và đứng cạnh Mẹ Maria. Chúa Giêsu đã nói với Mẹ lời trăn trối sau cùng: “này là con bà”, và với Gioan: “này là Mẹ con”. Đây là một sự thể hiện tình yêu đặc biệt và sự tín nhiệm của Chúa Giêsu dành cho Tông Đồ Gioan. Từ đó mọi người đã trở thành con Mẹ trong con người của Gioan.

Sau Phục sinh, Maria Madalêna không thấy xác Thầy và hớt hả đi báo tin. Tình yêu như chắp cánh thêm, Gioan đã chạy tới mồ trước, nhưng vì tôn trọng thủ lãnh các tông đồ, nên đã dừng lại trước khi cúi nhìn mộ (Ga 20,1-8). Chính tình yêu đã làm cho Gioan trở nên nhạy bén hơn tất cả. Vài ngày sau, khi Gioan cùng với các môn đệ khác đi đánh cá, Chúa Giêsu hiện ra. Được tình yêu soi sáng, Gioan đã nhận ra Thầy và thốt lên: “Chúa đấy” (x.Ga 21,1-8). Sau khi nhận lấy Chúa Thánh Thần trong dịp lễ Ngũ Tuần, Gioan ở lại Giêrusalem. Người ta nghĩ rằng, Ngài sống với Đức Trinh Nữ. Ngày kia, Ngài cùng với thánh Phêrô vào đền thờ cầu nguyện. Một người què xin bố thí, các tông đồ đã chữa lành anh ta (x. Cv 3,1-8). Các thủ lãnh bắt giam các Ngài, cấm không được rao truyền danh Chúa Giêsu. Các tông đồ đã trả lời: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người” (x. Cv 4,1-20). Một lần khác, Gioan bị bắt và bị đánh đòn, Ngài hãnh diện khi thấy mình được chịu đau khổ vì Chúa Kitô (x. Cv 6, 40-41). Gioan luôn cảm nhận và sung sướng với danh hiệu: mình là người môn đệ được Chúa thương mến: “Trong số các môn đệ, có môt người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Chúa Giêsu” (Ga 13,23)

Gioan sống rất thọ và trải qua nhiều thử thách gian khổ. Chắc chắn Ngài sống ở Antiôkia rồi ở Ephêsô. Các tường thuật về sau không có mấy giá trị lịch sử. Nhưng theo tương truyền sử sách kể lại thì khi biết còn một môn đệ cuối cùng của Chúa Giêsu sống và giảng dạy ở Á Châu, Hoàng đế Domitianô đã truyền đem về Roma để xử tử. Người ta đánh đòn Ngài rồi dẫn tới cửa La Tinh và dìm vào vạc dầu sôi. Thật lạ lùng, Ngài đi ra không hề hấn gì. Quan án xúc động không dám hành hạ Ngài nữa và truyền đày ải ở đảo Patmô. Vị tông đồ rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho nhiều người tại đây. Chính ở đây mà Ngài được thị kiến và lãnh mệnh lệnh ghi lại trong sách Khải Huyền. Những cao siêu mà vị tông đồ vươn tới, đã làm cho Ngài được ví như cánh chim phượng hoàng bay bổng trên trời cao. Khi hoàng đế băng hà, những người bị lưu đày được gọi trở về, và Gioan trở lại Ephêsô.


 
Tác giả bài viết: Anrê Hoàng Minh Tâm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 2253
  • Tháng hiện tại: 132375
  • Tổng lượt truy cập: 12276635