Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Giuse

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/03/2015 18:57
LỄ THÁNH GIUSE
Matt. 1, 16.18-21.24b
 


Khi đi tìm chân dung Thánh Giuse, chúng ta có sử liệu chính thức là các Sách Tin Mừng. Nhưng khi tra hỏi thật kỹ, chúng ta cũng chỉ bắt gặp rất ít tình tiết về Thánh nhân. Hơn nữa, những biến cố liên quan lại ít hé lộ những gì là rộn ràng về ngài.

Trong 2 chương đầu của Tin Mừng thứ nhất, thánh Matthêô đã hầu như dành hết cho vai trò của Thánh Giuse. Rồi sau đó, thánh Giuse bỗng dưng “mất hút”, mất hút như chuyến bay MH 370 của hãng Hàng không Mã Lai, mất tích vào ngày 08.03.2014, trên vùng biển giữa Việt Nam và Mã Lai.

Có thể nói, Thánh Giuse đã hiện diện đúng chỗ, đúng lúc, và đã hoàn tất vai trò của mình, trong âm thầm khi xuất hiện, và thật lặng lẽ lúc ra đi.

Thế nhưng trong chiều dài lịch sử của Ơn Cứu Độ, của Giáo Hội, và theo ý định của Thiên Chúa, Thánh Giuse vẫn không ngừng hiện diện và vẫn là hình mẫu tác động âm thầm, vẫn mãnh liệt trên sức sống niềm tin của những người Kitô hữu hôm nay.

Ngày 24.11.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn khai mạc triều đại của ngài: “Niềm Vui của Tin Mừng”, đã mạnh mẽ thúc đẩy một Giáo Hội phải lên đường, phải “đi ra” khỏi chính mình, ra khỏi nơi trước đây cứ tưởng là an toàn, chắc chắn và hoàn hảo…để có thể chu toàn việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Trong chương một, ĐTC nói đến việc cần thiết của hoán cải và lên đường. Chủ đề này thật phù hợp trong trong mùa chay, khi dõi theo cách sống niềm tin của thánh Cả Giuse.

1. HOÁN CẢI: Điểm nổi bật của Thánh Giuse là niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Bài đọc 1 trích từ sách Samuel đã cho thấy Thiên Chúa là Đấng đã hứa và trung thành với lời hứa qua các thế hệ con người. Lời hứa của Thiên Chúa liên quan đến sự sống còn của con người, mặc dù con người, từ “bậc vua chúa đến hàng lê thứ” không ngừng, và đến nay vẫn không ngừng quay lưng lại với tình yêu bền vững và sự lòng tha thứ quảng đại của Thiên Chúa. Từ tổ phụ Abraham cho đến Thánh Giuse, sự công chính luôn là ở chỗ tin tưởng vào Thiên Chúa giầu lòng thương xót, “mặc dầu có lúc không còn gì để trông cậy, vẫn trông cậy và vững tin” ( Bài đọc 2 ).

Chính khi cố gắng lưu giữ được niềm cậy trông và hy vọng nơi Thiên Chúa mà chúng ta tìm ra con đường hồi tâm trở về. Và khi ở lại trong tình thương của Chúa, chúng ta ôm ấp dễ hơn đức khiêm nhường và niềm vui của Tin Mừng. ĐTC Phanxicô bảo chúng ta hãy soi mình vào mẫu gương của mình là Đức Kitô. Là những thế hệ sau Thánh Giuse, chúng ta có một hình tượng khá đầy đủ về Chúa Giêsu và cuộc đời của Ngài trên trần gian. Chính Chúa Giêsu, khi bắt đầu sứ vụ công khai, đã kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Tin tưởng và sám hối là một cặp bài trùng trong thế cờ giúp chúng ta nên công chính. Buồn thay, nhiều người Kitô hữu hôm nay, bên những yếu đuối và thử thách cạm bẫy của cuộc đời, chưa đủ và vững tin vào tình thương và quyền năng của Chúa, mặc cho Giáo Hội đang lớn tiếng kêu gọi và mở rộng cửa đón chờ. Tin Mừng trong Thánh lễ hôm nay cho thấy, Thánh Giuse đã quyết định và dứt khoát với ý riêng của mình. Cho dẫu chưa hiểu, đúng hơn là không thể biết được toàn bộ ý định của Thiên Chúa, chỉ cần xác tin rằng: Chúa là tất cả cho một bảo đảm về sự sống và hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình.

            2. LÊN ĐƯỜNG: Một khi  đã tin rồi thì đứng dậy ra đi, đi đến nơi mà Chúa chỉ cho. Muốn lên đường thì trước tiên phải ra khỏi chính mình: là ra khỏi sự lười biếng và tiêu cực, là ra khỏi tính chủ quan và các ý riêng, là ra khỏi tình trạng tưởng là an toàn, không có gì còn cần để đổi thay…

            Thánh Giuse đã trải qua những tình huống bất ngờ để đổi thay những tư tưởng và hành động không được chuẩn bị trước. Khi cảm thấy không thể chối cãi một sự thật khách quan nơi Đức Maria về hiện tượng thụ thai ngoài hôn nhân, nhưng cũng không đủ bằng chứng để tỏ một thái độ thẳng thắn, là tính cách của người công chính; khi đang chìm ngập trong vinh quang và sự an toàn của Vị Vua Cứu Tinh, hoặc lúc vừa có một sự ổn định nơi tạm dung, Thiên Chúa đã thông báo những lệnh làm thay đổi tình trạng hiện tại, Thánh Giuse đã lập tức vâng theo, không tranh luận, không ồn ào. Thánh nhân đã lập tức lên đường, trong tâm hồn cũng như ngoài hành động. Người ta tưởng rằng ngài vốn là như vậy, nhưng thực ra đây là kết quả của một hành trình của niềm tin đã được xây dựng bằng sự phấn đấu và chiến đấu không ngừng. Hành trình Mùa Chay là một chuỗi những khổ luyện trường kỳ: Cầu nguyện, chay tịnh và sống bác ái. Những thái độ này bàng bạc suốt đời người Kiyô hữu, nhưng được nhấn mạnh trong từng Mùa Chay.

            Lên đường theo tiếng gọi của Chúa là sống và rao giảng Tin Mừng cho mọi người, là biết mở lòng và mở cửa nhà mình ra cho Chúa và anh chị em bước vào, với một tâm hồn biết lắng nghe, và với sự quảng đại trong cuộc sống. Để có thể truyền giáo, người Kitô hữu phải ra khỏi sự ích kỷ, sự đóng kín trong gia đình, phe nhóm, trong ngôi nhà đã được quét dọn sạch sẽ và vây quanh bằng hàng rào an toàn.

            Lên đường đến những nơi nào?: Đến những nơi và những người đang cần chúng ta rao giảng Tin Mừng.

•   Ra đi: Đến với những người không Công giáo đang hiện diện khắp nơi chung quanh ta, gần cũng có, mà xa cũng có.  Họ đang sống rất đỗi bình thường, cũng nhạy cảm với những vấn đề của con người, cũng có những trăn trở và hoài bão về chân lý, công bình và bác ái. Nhưng những khát vọng ấy chưa có những lời giải đáp tối hậu và cuối cùng, những lời giải đáp chỉ có thể tìm được nơi Thiên Chúa. Họ cũng tin vào Trời Cao, nhưng xa quá và khó tiếp cận. Chúa đã gửi chúng ta đến với họ. Để bằng niềm tin trong lời nói, hành động và cách sống, chúng ta nói với họ về một Thiên Chúa của Tình Thương, và muốn cho tất cả con cái mình được hạnh phúc, trong đó có chúng ta và cả họ.

•   Ở lại: Cũng có một tiến trình ra đi mà là ở lại. Trong dịp tết vừa qua, một giáo dân trẻ đã chia sẻ: Anh là Công giáo, vợ anh là người đạo theo. Anh sống ở quê vợ. Chung quanh toàn là người lương. Những người lương bàn tán xì xào về sự hiện diện của gia đình Công giáo này, như một chướng kỳ gây khó khăn cho họ. Vợ anh bàn nên ra đi đến một nơi có người đồng đạo. Nhưng anh nghĩ đây là môi trường truyền giáo: Mình nên ở lại để làm chứng. Gia đình anh đã ở lại. Ngày ấy cách nay đã hơn chục năm. Qua cuộc sống đạo đức, tử tế, chan hòa và bác ái của gia đình anh. Vợ chồng anh đã hòa nhập vào cộng đồng một cách tốt đẹp. Hàng xóm hài lòng và thương yêu gia đình anh. Một cách thức truyền giáo đã hình thành. Cũng là một cuộc ra đi.
Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 34
  • Khách viếng thăm: 20
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 136144
  • Tổng lượt truy cập: 12280404