Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ CGS chịu phép rửa

Đăng lúc: Thứ năm - 08/01/2015 21:12
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Kính thưa anh chị em thân mến,

Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người tỏ mình ra trước  tiên cho hạng người thấp hèn mộc mạc và đơn sơ. Họ là những người chăn chiên được sứ thần Chúa hiện đến báo cho họ biết “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành của Đa-vit, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11). Tiếp đến với các đạo sỹ phương đông, còn gọi là các nhà chiêm tinh, đại diện cho lớp người có kiến thức, Thiên Chúa đã dùng ngôi sao lạ mà báo cho họ biết Đức vua dân Do Thái vừa mới sinh ra, như lời họ nói : họ đã thấy ”vì sao của Người xuất hiện bên phương đông” (Mt 1,2). Và rồi, tại sông Gio-đan, khi Đức Giê-su đến xin Gioan làm phép rửa cho mình, chính Chúa Cha công khai tuyên phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người (Mt 3,17). Nói được rằng qua sự kiện Chúa Giê-su chịu phép rửa, Ngài tỏ mình ra cho muôn dân biết Ngài là ai, và sứ mệnh của Ngài như thế nào.

Kính thưa anh chị em thân mến,

Thực hiện lời hứa cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã ban tặng cho thế gian người Con Một  của Ngài. Và để chuẩn bị cho Con Một xuống thế, Thiên Chúa đã phái đến một kẻ “dọn đường”. Vì thế, vào cuối thế kỷ thứ nhất trước công nguyên  người ta thấy có hai nhân vật rất nổi tiếng đồng thời cùng xuất hiện. Các sách Tin Mừng đều tường thuật về hai nhân vật này rất cặn kẻ. Một vị là Gioan Tẩy Giả và vị kia là Giê-su Na-da-rét . Dân chúng thời ấy nhầm lẫn người nầy với người kia, họ tự nhủ: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Me-si-a!”( Lc 3,15) . Thế nhưng Gioan Tẩy Giả thì xác định rõ: “ Tôi, tôi làm phép rửa các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người thì làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” ( Mt 3,11) .  Một biến cố rất có ý nghĩa  khi hai nhân vật nổi tiếng gặp nhau. Đó là lúc Chúa Giê-su đến với Gio-an để chịu phép rửa, Ba sách Tin Mừng đều tường thuật lại sự kiện này: đó là Tin Mừng thánh Mt 3.13-17; Mac-cô 1,1-9; Luca 3,21-22; riêng Tin Mừng thánh Gioan tuy không tường thuật cụ thể sự kiện trên nhưng mặc nhiên xác nhận và còn nhấn mạnh thêm :” Tôi đã thấy, nên xin làm chứng” (Ga 1, 34):  “ Chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “ Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).

Qua sự kiện Chúa Giê-su, con Thiên Chúa, xuống thế cứu độ nhân loại, đã đến xin Gioan làm phép rửa cho mình, chúng ta tìm hiểu thêm: a/ Ý nghĩa tại sao Chúa Giê-su đến với Gio-an để chịu phép rửa? Phép rửa của Gioa-an có giá trị gì? b/ Phép rửa của Đức Giê-su trong Thánh Thần và lửa nghĩa là gì? c/ Và sau hết, hiệu quả của phép rửa trong Thánh Thần. 

1/ Ý nghĩa việc Chúa Giê-su đến với Gio-an để chịu phép rửa: Vì Ngài là Đấng xóa tội trần gian như sau này Gioan công khai giới thiệu:” Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).  Chính vì sứ mệnh ‘’xóa tội trần gian”  mà Chúa Giê-su – không một vết nhơ tội lỗi nào - đã đến xin Gioan làm phép rửa sám hối và ăn năn mọi tội lỗi thay cho toàn thể nhân loại, để nhân loại được hưởng nhờ ơn tha tội. Thực tế, ông Gioan đi khắp vùng ven sông Giođan rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” ( Lc 3, 3) như ông Gioan xác định: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước để giục lòng các  anh sám hối” ( Mt 3.11) .  Và các hối nhân phải có những việc làm cụ thể để chứng tỏ sự sám hối của mình :  “Đường cong queo hãy sửa cho ngay thẳng , bạt núi đồi lấp thung lũng cho bằng...” theo đó, hãy  sống công bằng và chính trực, và “ sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối” ( Mt 3,8; Lc 3,8),  Gioan còn nói rõ: “Ai có hai áo , thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy ( Lc 3,10-11). Đừng đòi hỏi quá mức, cũng đừng ức hiếp ai...đừng tống tiền người ta...( Lc 3.13-14).

2/ Phép rửa của Đức Giê-su trong Thánh Thần :

Chúng ta biết rằng, tại sông Gio-đan việc Chúa Thánh Thần đến cũng đã được loan báo làm một với việc Chúa Kitô đến. Thánh Gioan đã liên kết hai sự kiện “đến” này, và còn tỏ cho thấy mối liên hệ mật thiết của chúng khi thánh nhân nói về phép rửa trong Thánh Thần: "Người sẽ rửa qúi vị trong Thánh Thần và trong lửa" (Mt.3:11). Mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và lửa này được thấy nơi sự tương giao của ngôn ngữ kinh thánh. Kinh thánh trong Cựu Ước đã cho thấy lửa như là phương tiện được Thiên Chúa dùng để thanh tẩy lương tâm (x.Is.1:25, 6:5-7; Zech.13:9; Mal.3:2-3; Sir.2:5 v.v.).

Thánh Gioan còn cho biết: kẻ đến sau Ngài  là Ðấng Thiên Sai, sẽ thanh tẩy trong lửa của Thần Linh, và rồi những ai thật xứng đáng, được coi như là “thóc mẩy thì thu vào kho lẫm” còn những người bị coi là "rơm rạ... thì bỏ vào lửa không hề tắt" (Mt.3:12)  một biểu hiệu tận cùng dành cho tất cả những ai không để cho mình được thanh tẩy (x.Is.66:24; Jdt.16:17; Sir.7:17; Zeph.1:18; Ps.21:10 v.v.).

3/ Hiệu quả của phép rửa trong Thánh Thần:

Theo thánh Phaolô, nhờ "phép rửa trong lửa" nơi hy tế của mình này, trong việc Người phục sinh, Chúa Kitô đã trở nên "Adong mới", nên "một thần trí ban sự sống" (x.1Cor 15,45). Vì lý do này, Chúa Kitô phục sinh đã loan báo cho các tông đồ: "Gioan làm phép rửa trong nước, thế nhưng trong một ít ngày nữa thôi, các con sẽ được rửa trong Thánh Linh" (Cv 1,5). Nhờ công việc của "Adong mới" này là Chúa Kitô, "Thần Linh ban sự sống" (x Ga 6,63) sẽ được ban cho các tông đồ cũng như cho Giáo Hội.

Vào ngày lễ Ngũ Tuần, phép rửa này được tỏ hiện. Ðó là một phép rửa mới và cuối cùng, một phép rửa thanh tẩy và thánh hóa bằng một sự sống mới. Ðây chính  là phép rửa nhờ đó Giáo Hội được hạ sinh trong chiều hướng cánh chung kéo dài "cho đến tận thế" (Mt 28,20); không phải chỉ có Giáo Hội ở Giê-ru-sa-lem của các tông đồ và của các môn đệ trực tiếp với Chúa, mà là cả Giáo Hội mang trong mình tính cách phổ quát, được hiện thực qua thời gian và nơi các địa điểm Giáo Hội hình thành trên trái đất này. Và rồi những lưỡi lửa nơi biến cố Hiện Xuống tại nhà tiệc ly ở Giê-ru-sa-lem là dấu hiệu của thứ lửa mà Chúa Giêsu Kitô đã mang xuống và đã châm lên trên trái đất này (x.Lc 12,49): thứ lửa Thánh Linh. Chính Chúa Giêsu đã ám chỉ về phép rửa này khi đàm đạo với ông Nicôđêmô: "Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho ông hay, không ai có thể vào được vương quốc của Thiên Chúa, trừ phi họ được sinh bởi nước và Thần Linh" (Ga 3,5).

Kính thưa anh chị em,

Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Rôma, "Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đã được rửa trong Chúa Kitô là được rửa trong cái chết của Người hay sao? Bởi thế, chúng ta đã được mai táng với Người bằng phép rửa trong sự chết, để như Chúa Kitô được phục sinh từ trong kẻ chết nhờ vinh hiển của Cha thế nào, chúng ta cũng được bước đi trong một đời sống mới như vậy" (x.Rm 6,3-4). Và trong đời sống mới này, trong tinh thần nghĩa tử, chúng ta vô cùng vinh dự được gọi Thiên Chúa là Cha như trong thư gửi giáo đoàn Galata, một cách hùng hồn, thánh Phaolo đã nói với chúng ta: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : Ap-pa, Cha ơi!” ( Gl 4,6). Điều quan trọng: mang danh là Ki-tô hữu, như là một Ki-tô khác, chúng ta phải sống đúng với tư cách là con của Thiên Chúa “làm đẹp lòng Cha trên trời mọi đàng”. Amen.


 
Tác giả bài viết: Lm. Giacôbê Đặng Công Anh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 14
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 3112
  • Tháng hiện tại: 129634
  • Tổng lượt truy cập: 12273894