Trang mới   https://gpquinhon.org

Hạnh cha Tađêô Tín (1828-1917)

Đăng lúc: Thứ ba - 23/10/2012 02:00
HẠNH CHA TAĐÊÔ TÍN
 
 
 
Trích “Mission de Quinhon
Số 143, 10 Septembre 1918, tr. 125-127
           
 
Cha Tađêô Tín là con trùm Trà, sinh ra tại sở Phú Thượng độ năm 1828; Người là con thứ sáu, nhưng bổn đạo Bình Định quen gọi người là cha Hai.

Thuở nhỏ người có học nho, mà cha nào gởi người vô giúp chơn phước Xitêphanô thì không rõ.

Một chắc rằng: đứng chơn phước thấy trẻ Tađêô nầy có tánh chơn chất tốt lành, trông sẽ giúp việc Chúa được, bèn cho học Latinh. Vả buổi ấy đạo thánh Chúa đang chịu cấm đoán gian nan, các cha các thầy những trốn ẩn nơi nọ nơi kia, kẻo phải bắt bớ giam cầm, nên học trò Latinh ngồi chẳng yên mà học, khi lén đem học xứ nầy, lúc dời qua chỗ này chỗ khác, không thể đi học bên Pinăng. Bởi đó trò Tađêô Tín phải vất vả, khi thì học tại họ Mương Lở, lúc thì học ở Gò Thị, Quảng Vân; nên việc học hành chẳng được tấn phát.

Vậy mặc lòng người học cũng vừa đủ biết như ý đứng chơn phước Xitêphanô đã định, thì lãnh 4 chức, đoạn đi ra coi việc trường Gia Hựu, rồi về học sách đoán tại Gò thị.

Năm cấm cố thì thầy Tađêô cũng bị bắt và bị giam trong khám làm một cùng bà đáng kính Mađalêna Lưu tại tỉnh Bình Định; những sự gian nan khốn khó thầy Tađêô chịu trong lúc ấy thì chẳng ai rõ, mình Chúa biết mà thôi; vì những kẻ sống đời ấy, rày chẳng còn ai mà thuật lại. nghe nói người xưng mình là thầy giảng (Đạo đồ) trông quan làm án xử tử, đặng phước tử vì đạo; mà quan không tin.

Khi tha đạo rồi, thầy Tađêô còn trở ra Gia Hựu coi việc một ít lâu nữa; khi ấy cố Từ (P. Roy) coi địa phận.

Một lần kia bởi có việc cần lắm, Cố Từ sai thầy Tađêô đi gấp vào Thị Nại (Qui Nhơn) thì thầy đi bộ từ Gia Hựu vô Thị Nại có một ngày, không biết đi cách nào mà mau như thế, vì đàng đi năm trạm (100 kilomét)

Khi Đức Cha Trí lên ngôi trấn nhậm địa phận, xét thầy Tađêô công trạng, thì cho học sách đoán lại, và khi xét thầy biết đủ điều mà làm việc bổn phận nên, thì phong chức thầy cả cho người, là năm 1867; đoạn sai vào Phú Yên lãnh cả địa phận Đồng Tre, Cây Da và Trà Kê.

Cha Tađêô ở địa phận ấy luôn cho đến khi Bề trên sai cố Thuông (P. Châtelet) vào đổi cho người, thì người lại vào Khánh Hòa thế cho cha Biên.

Đến năm Ất Dậu (1885) giặc Văn Thân nổi lên, cha Tađêô phải trốn tránh trên núi non, nhờ trái cây lá cỏ mà sống, trốn lần cho đến Hòn Khói may gặp tàu tây tới cứu đem về Qui Nhơn.

Yên giặc đoạn, Đức cha Hân sai người trở vô Khánh Hòa cho đến năm 1890, rồi đổi về họ Sông Cát coi lập mấy sở trên Đất Vỡ, Cây Da v.v.

Đến năm 1900, bởi người già, yếu gối đi xa chẳng đặng, thì xin phép về nghỉ tại nhà họ Phú Thượng cho đến năm 1918.

Trong năm 1917, người có làm lễ ngũ tuần tại họ Phú Thượng; một ít cha gần đó cùng bà con cháu chắt người tới chúc cho người sức khỏe được ít năm nữa; nào hay qua 1918 thì người thấy ngày càng yếu hơn, ngó đã gần ngày tạ thế, bèn xin Đức cha cho về nhà thương Đại An hầu chết tại đó. Đức cha bằng lòng cho, thì người xuống tàu vào Qui Nhơn là 6 Juillet.

Khi tới Qui Nhơn người còn tỉnh táo ăn nói như thường, song mệt yếu làm lễ không đặng mà thôi.

Cách bữa sau đi xe lên Làng Sông, thì người đã lãng trí, song ăn uống và đi đứng như thường.

Đến khi lên tới nhà thương Đại An, thì càng lãng hơn, và làm như con nít lên ba tuổi; đoạn lại làm thinh không nói rằng chi hết, cứ nằm đó, ai đút giống gì cho ăn thì ăn, không thì thôi.

Khỏi ít bữa các cha thấy người mõn sức thì làm phép xức dầu thánh và ban phép đại xá cho người; đến ngày 8 tháng Aout giờ thứ 2 chiều thì người tạ thế. Nhằm lúc tháng nghỉ các cha hai trường đi dạo xa hết, có 2 cố và 6 cha Annam ở gần lối đó tựu về Đại An an táng xác người sáng 10 Aout tại nơi đất thánh nhà trường Đại An. Người hưởng thọ 89 tuổi, làm thầy cả 51 năm.

Ấy tích truyện cha Tađêô biết đặng bấy nhiêu thì chép lại bấy nhiêu; bây giờ lược qua tánh hạnh người một chút.

Bổn tính cha Tađêô đơn sơ chất phác và ân cần siêng năng việc bổn phận lắm; ở địa phận nào cũng lo lắng cất nhà thờ nhà thánh chẳng nệ tốn công hao của; rày nhà thờ Thăng Bình, Đất Vỡ và một ít cái hãy còn lại đó, làm chứng rõ ràng. Người chẳng hề ở nhưng không bao giờ, dầu khi già yếu cũng lúc thúc làm lặt vặt trong nhà trong vườn luôn.

Lại người ăn ở cần kiệm, chẳng sắm vật gì dư dật vô ích; hễ có dư đồng nào thì cúng thí hết, nên khi người qua đời chẳng còn lại đồng nào và của gì để lại.

Ấy thật là “Corona dignitatis senectus, quae in viis justitiae repperietur” (Prov. XVI, 31) - Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính. Dám xin Chúa nhơn từ cho linh hồn cha Tađêô đặng lên nơi tiêu sái.

 
Tác giả bài viết: Mémorial Mission de Quinhon
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Tađêô Tín

Đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 52
  • Khách viếng thăm: 51
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 12835
  • Tháng hiện tại: 135599
  • Tổng lượt truy cập: 12425311