Cần lắm những cuộc viếng thăm

Thứ năm - 28/05/2020 22:38

CẦN LẮM NHỮNG CUỘC THĂM VIẾNG


Ngày xưa, phần đông người Việt Nam sống bằng nghề nông họ phụ thuộc lẫn nhau và rất coi trọng các mối quan hệ tốt với mọi thành viên trong gia đình và cộng đồng. Đó là nguyên nhân họ coi trọng giao tiếp, thăm viếng, san sẻ buồn vui, cuộc sống luôn đầy ấp nghĩa tình.

Ngày nay khoa học phát triển, giúp con người tiến xa hơn trong mọi lãnh vực cuộc sống. Phương tiện làm việc được cải thiện, công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nhiều thứ nên con người phải chạy đua với thời gian. Người người cố gắng làm việc, càng nhiều việc càng tốt, tận dụng hết thời gian trong ngày, trong tuần, kể cả ngày lễ nghỉ, ngày Chúa nhật để kiếm cho thật nhiều tiền.

Việc thăm viếng nhau dường như giảm đi rất nhiều hoặc nếu còn thì rất ít người lưu tâm. Ở các thành phố lớn việc này dường như không còn thấy nữa bởi người ta phải tăng ca, ngày nghỉ sẽ đi phượt, đi picnic…Việc thăm viếng trong thời hiện đại được thay thế bằng phương tiện điện tử: điện thoại, Ipad, facebook… Tuy phương tiện hiện đại của giao tiếp này hữu ích cho cuộc sống nhưng sao có thể thay thế những cuộc gặp gỡ giữa người với người bằng xương bằng thịt, bằng những cuộc thăm viếng trao đổi, chia sẻ với nhau.

Ngày xưa, người dân ở quê chất phác, mộc mạc và tình cảm. Khi nhà này có bát canh ngon, chút đồ ăn lạ “con cá tươi”, “lá bánh xèo” từ bột gạo lúa mới, trái mít đầu mùa… đưa qua bên kia hàng rào san sẻ cho nhà hàng xóm. Hàng xóm luôn thể hiện tinh thần "Bán anh em xa mua láng giềng gần",“tối lửa đèn tắt có nhau”, chia vui, sẻ buồn. Khi nhà này có chuyện vui, chuyện buồn, ma chay cưới hỏi thì cả xóm tụ tập thăm hỏi, chuyện trò, giúp đỡ…

Thế mà bây giờ, những nếp nhà tranh vách đất được thay mới bằng các ngôi nhà mái ngói kiểu Thái, Kiểu Tây rộng hàng trăm mét với sân, vườn, cây cảnh bề thế chẳng kém mấy biệt thự của đại gia ở thành phố. Hàng rào xây bê tông thẳng tắp, sơn đủ màu đủ kiểu; cổng trước, cổng sau đóng khóa cẩn thận. Nhìn thấy làng quê mình đổi mới chẳng riêng tôi mà hầu như người con nào đi xa về thấy như vậy đều vui mừng, hãnh diện.

Nhưng, lòng tôi vẫn mang nỗi buồn, chứng kiến tình người ở quê mình ngày càng đi xuống chỉ vì đô thị hóa, đất đai sốt từng cơn, đồng tiền đã chia cắt tình làng nghĩa xóm. Rào chắn, tường xi-măng cao ngút, có nhà có cả camera an ninh… làm sao người đứng bên này “tám” với người bên kia, có cái ngon còn dám “hú” nhau một tiếng tụm lại ăn chung?

Chẳng riêng gì tình làng nghĩa xóm, ngay như đạo lý cha, con, anh, em, máu mủ ruột thịt cũng chẳng còn được như xưa. Bây giờ cũng chẳng thiếu gì cảnh anh em trong cùng một gia đình chửi nhau, vác dao chém nhau chỉ vì cha mẹ chia đất cho họ không công bằng. Rồi chuyện con chửi mẹ, đánh cha, thậm chí là giết cha mẹ cũng vì đất, vì tiền. Thế nên mới có cảnh ở nhiều nhà ngày trước khi ông, bà, cha, mẹ khuất núi, con cháu trong gia đình dòng tộc nhân ngày giỗ đóng góp tiền bạc, lễ vật làm ngày gặp gỡ nhau cho đầm ấm, cho cháu, chắt, chít gặp gỡ biết mặt, biết tên nhau, thì nay nhiều nhà giỗ riêng do mâu thuẫn không thể dung hòa.

Ngày xưa, người ta mong chờ đến ngày chạp, ngày giỗ để về đoàn tụ với người thân, thăm lại quê hương. Có giỗ có chạp anh chị em về quê trước hai ba ngày để thăm viếng, trò chuyện. Nhờ gần gũi thăm viếng, chuyện trò mà nhiều người được giải tỏa những khúc mắc; nhờ những câu chuyện của cuộc thăm viếng mà nhiều người được tỉnh ngộ sau những ngày dài thất vọng buông xuôi, người này nâng đỡ người kia chia nhau bao gạo, thúng khoai khi thiếu thốn túng quẫn, cưu mang, đùm bọc nương tựa lẫn nhau.

Vậy mà, lúc này cái văn hóa đẹp, tình nghĩa đáng trân quý của những cuộc thăm viếng dần đi vào quên lãng!
Cần lắm những cuộc thăm viếng không tốn nhiều thời gian hay quà cáp. Cần lắm những cuộc thăm viếng không chỉ dành cho người cùng làng, cùng xóm, cùng quê hương xứ sở. Cần lắm những cuộc viếng thăm của những người tông đồ của Chúa.

Viếng thăm không để được chia sẻ mà được nhận lãnh từ người mình thăm viếng những ký ức đẹp, những nghĩa cử của niềm tin yêu, dù đau khổ nhưng không hề tuyệt vọng. Kinh nghiệm những lần thăm viếng bệnh nhân trẻ tuổi bị ung thư, những cụ ông cụ bà sắp chết… Trước khi thăm viếng, mình nghĩ sẽ mang đến cho người bệnh, người đang hấp hối một sự an ủi. Nhưng khi kết thúc cuộc thăm viếng mới thấy rằng, chính chúng ta thật sự là người được an ủi, được khích lệ… Chúng ta luôn ngạc nhiên trước niềm tin mạnh mẽ và niềm hy vọng lạc quan của anh chị em bệnh nhân trẻ tuổi mang bệnh nan y hay người cận kề cái chết. Phải chăng, lòng tin yêu, lòng hăng say nhiệt tình của mỗi chúng ta được củng cố nhờ thăm viếng, tiếp xúc, trao đổi chia sẻ với những anh chị em này?

Hành trình lên đường thăm viếng chị họ Êlisabeth của Đức Maria, càng thôi thúc, mời gọi chúng ta trong đời sống phục vụ, mục vụ tại các giáo xứ, nơi các cộng đoàn, gia đình, đoàn thể…

Chính Đức Mẹ đã có sáng kiến “thăm viếng” chị họ của mình khi nghe Thiên thần Gabriel báo tin vui Mẹ được Chúa chọn làm Mẹ Chúa Giêsu và người chị họ mang thai dù bị mang tiếng là son sẻ. Đức Mẹ có thể hưởng niềm vui này một cách âm thầm cho chính Mẹ. Nhưng không, Mẹ đã vội vã lên đường đi thăm bà Êlisabeth. Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ như là sự chia sớt niềm vui, san sẻ hạnh phúc với người bà con của mình.

Bổn phận đầu tiên và cần thiết của chúng ta là thăm viếng, đối xử tốt với người họ hàng mình. Chúng ta đừng tưởng rằng yêu thương người họ hàng là điều dễ dàng. Nhưng thật sự điều này không đơn giản chút nào vì chính những người thân thuộc với ta là những người đòi hỏi nơi ta nhiều hơn. Chuyến viếng thăm của Đức Maria đã mang đến cho người chị họ một tặng phẩm vô cùng lớn lao, một sự cho đi cách quảng đại. Nhưng khi đó, chính Đức Mẹ cũng nhận được một món quà to lớn từ chuyến viếng thăm này. Món quà đó là những lời nói đầy thương yêu khi Êlisabeth khẳng định: “phúc cho em là người đã tin rằng những lời Chúa hứa cùng em sẽ được thực hiện”. Và điều cốt yếu ở đây là hai người phụ nữ thông cảm và giúp đỡ nhau khi họ có chung hoàn cảnh. Hai bà bầu, người sắp sinh kẻ dọn đường, người cưu mang Đấng Cứu Thế. “Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào , thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1, 43-44). Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng cứu thế của Ngài trước khi sinh ra: Ngài đã thánh hóa Gioan Tẩy giả ngay lúc còn trong bụng Mẹ và Gioan cũng đã thi hành sứ vụ tiền hô của mình là nhảy mừng khi Đấng Cứu Thế đến. Cuộc thăm viếng của Đức Maria dành cho bà Êlizabeth là lời mời gọi chúng ta hãy nhìn lại chính mình!

Chúng ta cùng mang Chúa, mang bình an và niềm vui đến cho anh chị em xung quanh. Chúng ta dành chút thời gian quý giá để thăm viếng nhau. Đừng để công việc chiếm mọi thời gian làm cho mình không thể thăm viếng ai, cả những người họ hàng và những anh chị em trong sứ vụ mục vụ của mình. “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an; Người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7a).

Khi chúng ta cho đi cũng chính là lúc chúng ta đón nhận. Và một trong những cách tốt nhất để giúp chúng ta có thể cho đi chính là việc thăm viếng nhau. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Làng quê đổi mới, kinh tế phát triển là niềm vui, nhưng đạo lý, tình người xuống cấp là một nỗi đau. Vật chất, tiền bạc có thể làm ra, nhưng tình người đã mất thì chẳng bao giờ có thể lấy lại được. Chỉ mong người người khắp nơi dù sống ở quê trên đường đổi mới hay nơi phố thị phồn vinh hãy thức tỉnh để sống sao cho có cái tình, cái nghĩa. “Trở về quê hương, trở về nhà, mảnh đất nơi tôi được sinh ra và nuôi lớn, trở về để được nhìn thấy dáng mẹ và bóng cha, trở về để được ngồi bên mâm cơm dù chỉ là những món ăn đơn giản nhưng đó là bữa cơm đầy ắp tiếng cười, đầy ắp tình yêu thương”(St).

Cần lắm những cuộc thăm viếng, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết quan tâm đến những nhu cầu của anh chị em đồng loại để sẵn sàng quảng đại mở cửa nhà đi ra, mở rộng lòng nhân ái, cởi trói cho đôi chân để bước đi sang nhà bên cạnh, sang ngỏ bên kia giúp đỡ, thăm viếng người già cả neo đơn, người bệnh tật, đau khổ… theo gương Đức Maria và thánh nữ Êlisabeth trong hành trình cuộc sống của chúng ta hôm nay. 

Tác giả bài viết: Anne Le (Dòng MTG Qui Nhơn) 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay25,101
  • Tháng hiện tại614,324
  • Tổng lượt truy cập28,929,693

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây