Nhớ về một người thầy

Thứ sáu - 09/07/2021 03:47
Ở Quảng Ngãi, đầu tháng 5, ngày mồng 3 cả Tỉnh phòng chống dịch Covid. Gồng được gần hai tháng, cuối tháng 6, vùng Sa Huỳnh, Đức Phổ “toang”. Hôm nay có 5 điểm trong Tỉnh phải áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Bình Sơn là một trong số đó. Ngồi ở nhà tôi lang thang trên nét, tìm tài liệu để soan tập kinh gởi đến các gia đình trong giáo xứ. Tình trạng những ngày dài không có lễ, sợ bà con mình thiếu “chất thiêng liêng”. Hơn nữa, cũng để bà con chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Chúa Cứu Thế, tước hiệu của nhà thờ Châu Ổ, được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng 7. Tôi bất chợt đọc được câu chuyện hay, ký ức trong tôi ùa về, không cưỡng được tôi miệt mài chép lại rồi viết thêm.
 
nha tho dong chua cuu the


1. Một Câu Chuyện Hay

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle kể về Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Tôi gặp ngài lần đầu trong Đại Hội Giới Trẻ ở Manila năm 1995. Tôi phải thuyết trình trước nhóm các Giám Mục Á Châu. Lúc đó tôi chưa làm Giám Mục. Tôi e sợ các Đức Giám Mục. Tôi không dám nhìn các Giám Mục khi bước vào phòng thuyết trình. Tôi hết sức bối rối và cũng chẳng hiểu mình đang nói gì nữa. Rồi tôi cũng kết thúc bài nói chuyện và đi ra ngoài, tự nhủ rằng sẽ không bao giờ thuyết trình cho các Đức Giám Mục nữa. Tôi đi đến một góc uống cà phê. Rồi một vị Giám Mục mà tôi không quen biết đi theo tôi. Ngài vỗ vai tôi và nói: “Đừng lo lắng thế! Cha có vẻ bối rối, nhưng bài thuyết trình cũng được đấy. Các Giám Mục chúng tôi cũng là những người bình thường mà.” Lúc đó là 4 giờ chiều. Tôi và ngài ngồi uống cà phê với nhau. Ngài kể những câu chuyện. Nét dịu dàng nơi ngài thật vĩ đại. Ngài không hề nổi giận. Tôi hiểu ra được rằng lòng hiếu khách thật tuyệt vời biết bao. Tôi cũng không biết mình đã uống bao nhiêu tách cà phê. Rồi ngài nói với tôi: “Bất cứ khi nào cha tới Rôma, hãy gọi cho tôi. Chúng ta sẽ cùng đi ăn tối với nhau. Kể từ nay, hãy gọi tôi là bác!”.

Tôi đã giữ lời hứa. Khi tôi tới Rôma, tôi gọi cho ngài và đi ăn tối cùng với ngài. Ngài gọi món và ngài bảo tôi ăn. Sau đó, tôi được chọn làm Giám Mục. Một năm sau, ngài được chọn làm Hồng Y. Năm 2002, tôi tới Rôma. Tôi gọi cho ngài, nhưng không ai trả lời điện thoại. Tôi hỏi thăm thì được biết ngài đang ở bệnh viện. Vài ngày sau, ngài qua đời. Bây giờ tôi có một người bác trên trời và địa phận Nha Trang có một người cháu, dù Nha Trang có muốn hay không. Đức Hồng Y đã dạy tôi về tinh thần hiếu khách.” (Bài giảng của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle tại nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, trong Thánh lễ dịp các Giám mục và các tham dự viên về dự hội nghị Kinh thánh Đông Nam Á (CBF-SEA).

2. Những Kỷ Niệm Đẹp

Câu chuyện của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle làm tôi nhớ những ngày tập tu, khi ấy Dòng Chúa Cứu Thế còn ở trong tình trạng tản mác vì biến cố tịch thu Học Viện ở Thủ Đức, các thầy trở về nhà sinh sống làm đủ nghề. Có nhiều người xuất tu, số còn lại chẳng những kiên cường trong ơn gọi mà còn tìm cách để có những người em tiếp bước trên con đường theo Chúa, sống ơn gọi tu trì. Tôi nói kiên cường là vì thời đó đi tu vì đi tu, chứ không hề biết tương lai sẽ thế nào? Đi bao lâu khấn dòng làm tu sĩ, tu mấy năm được thụ phong linh mục dường như không thể xác định.

Tôi luôn tạ ơn Chúa vì đời tu của tôi bắt đầu do thầy Gioakim Hồ Quang Tâm, DCCT hướng dẫn. Lúc ấy thầy đang giúp cha cố Công ở giáo xứ Quảng Nghệ, giáo phận Xuân Lộc. Thầy không tạo áp lực dù khi ấy một nhóm anh em tìm hiểu ơn gọi DCCT học chung với anh em dự tu Chủng Viện tại Bình Giả. Thầy Tâm dạy môn tiếng Pháp và Nhân Bản. Chúng tôi ở nhà, cuốc cỏ trồng khoai, có người cạo mủ, vùng miền Đông đất đỏ từ thời Pháp thuộc đã có những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh ngắt, đứng chắc trên nền đất màu tươi tựa như máu. Một tuần ba, bốn ngày đi học, đạp xe trên con đường nhựa dài, lúc đó chỉ còn lởm chởm đá, loại đá xanh rất cứng và cạnh sắc. Sau thời chiến tranh, quê hương còn lại là nỗi nhọc nhằn như khi ta đạp xe trên con đường ghồ ghề đá. Tương lai không hề biết, chỉ một màu u ám như chân trời khi chiều xuống giữa mùa mưa. Ngày lên rẫy, ngày đi học vậy mà vẫn hồn nhiên. Mệt nhưng vui! Chỉ khổ đến ngày thi, nhìn tập tài liệu dày môn “Tìm hiểu Kinh Thánh Cựu Ước, Tân Ước”, đầu nhức, không biết học làm sao nhớ hết để trả bài?! Nhiều lúc thấy lo hỏi thầy về khả năng học hành và sức khỏe thế này liệu có tu nổi? Thầy chỉ cười, dạy cách viết nhật ký thiêng liêng; học hành lõm bõm vẫn cứ đi.

Hình ảnh Đức Cố HY F.X Nguyễn Văn Thuận trấn an, động viên vị linh mục sau bài thuyết trình làm sống lại trong tôi thời mới chập chững theo Chúa. Hồi đó chúng tôi một tháng tĩnh tâm một lần, một số anh em chủng sinh cùng tham dự. Thầy Tâm bảo chúng tôi đừng để ai thấy mình lạc lõng. Chính thầy làm trước, một cách rất tự nhiên, kết quả là những lần tĩnh tâm có các anh em tìm hiểu ơn gọi Triều, những buổi học chung, nhưng lần gặp gỡ, tôi đều thấy tất cả anh em là một nhà.

Những ngày tháng dần trôi, phôi phai hết các ý hay trong các chương, mục, gạch đậm, chấm xuống hàng của nhiều tài liệu quan trọng thuộc chương trình đào tạo. Nói như bọn trẻ bây giờ: “Nhớ được là chết liền!” Nhưng hình ảnh người thầy “tay bắt mặt mừng”, ân cần hỏi han người anh em mới, chia việc, chuyện trò lúc giải lao hay trong bữa ăn trưa… đều chan hòa, không thấy có làn ranh giữa anh này với anh khác, hay các chú đi tu DCCT và các chú tìm hiểu ơn gọi Triều, thật hay!...

“Đừng để ai lạc lõng!” Thủa ấy chúng tôi cũng tập làm theo trong những lần gặp gỡ ngày ơn gọi, hay giao lưu với các giáo lý viên trong Hạt, cùng đi học chung với nhau môn Kinh Thánh và trong nhiều dịp khác. Nói một cách thật lòng, cũng có nhiều lần nhớ, cũng có lắm lần quên. Tổng kết lại thì thấy lời khuyên của thầy ngày xưa luôn còn mới, nó đòi hỏi tính sáng tạo trên nhiều cung bậc khác nhau. “Đừng để ai lạc lõng” trong một nhóm gặp gỡ hội thảo hay làm việc chung, chỉ cần để ý một tí là làm được. “Đừng để ai lạc lõng” trong những tiếp xúc mục vụ có người dễ thương và có người dễ ghét, cần nhẫn nại chút là xong. Nhưng “Đừng để ai lạc lõng” trong cộng đoàn chung sống với nhau là lời mời gọi luôn khẩn thiết. Vì ta hay quên và còn có nhiều lần cám dỗ muốn buông bỏ cho nhẹ người.

3. Thánh ý Thiên Chúa và ý muốn của con người

Ngôn sứ Isaia đã từng loan báo, Thiên Chúa phán: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9).

Ngày 09 tháng 7 năm 2006, cha Gioakim Hồ Quang Tâm, Bề trên Tu viện DCCT Huế, Chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế đã được Chúa gọi về đột ngột, sau 56 năm làm con Chúa, 31 năm khấn dòng và 12 năm làm linh mục. Ngài làm bề trên và chánh xứ vỏn vẹn một năm rưỡi, ngày ra đi, từ cụ già đến em bé, mọi người ngơ ngác trong nỗi đau, không hiểu Chúa làm gì?!

DCCT và giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Huế thời ấy, một cách chủ quan tôi thấy, tựa như Huế trong tháng mưa dài, thường vắng lặng, hắt hiu. Phải chăng do thời cuộc, luôn chịu áp lực thế đối đầu nên chỉ còn sức giữ nhịp sống đều đặn sáng lễ chiều kinh, dường như đã an phận để mặc rêu phong che phủ “tòa lâu đài” một thời vang bóng! Cha Tâm từ miền Nam ra, Huế là quê hương của ngài, chất Huế trong ngài còn nguyên nên rất dễ hội nhập. Tính cách thân thiện, gần gũi vui tươi làm cho nhiều người mến. Ngài được Đức Tổng đặt làm Cha Đặc trách Liên Tu sĩ trong Giáo phận. Không chỉ đối với giáo dân và tu sĩ mà các ni sư làm chung với ngài trong việc chăm sóc những người bị nhiễm HIV cũng rất quý trọng.

Tôi nhớ ngài phát động giáo dân sơn lại hàng rào, cả giáo xứ như ngày hội. Các bà già và các em thiếu nhi sáng chiều cũng tranh thủ kỳ cọ hàng rào cũ để các ông, các anh sơn mới. Tôi nghe một số người nhận xét: cách làm việc của ngài là làn gió mới thổi về thay cách làm “bao cấp”. Tức là cái gì Nhà Dòng cũng làm hết, cứ bỏ tiền ra thuê. Có lẽ do các cha già quá thương giáo dân. Huế đúng là khổ! Suốt ngày “chạy chợ”, tối đến giữa mưa lạnh nhiều người ngồi bên vệ đường bán trứng lộn đến khuya.

Giáo xứ vừa khởi sắc. Ban hành giáo chuẩn bị tổ chức lại, vì các ông làm việc mấy chục năm đến lúc đó sức cũng không còn nên xin rút lui nhường người khác. Tất cả đều háo hức cho những chương trình mới. 6 giờ sáng ngày Chúa Nhật nghe tin ngài bị tai nạn trên đường đi vào Sài Gòn dự Công Hội Tỉnh Dòng. 15 giờ chuông báo tử! Ngọn đèn mới đang cháy sáng bỗng vụt tắt. Thật ngỡ ngàng!

Ngày lễ an táng, Cha Giám Tỉnh bảo tôi giảng lễ. Nhìn cộng đoàn dự lễ tang chen kín nhà thờ, các lẵng hoa tươi kính viếng, xếp thành hàng dài ngỡ như chợ hôm ấy không còn hoa để bán. Cha trẻ dẫn lễ an táng bối rối thế nào mà bắt kinh Vinh Danh. Đức Tổng làm chủ tế cũng hát, các cha đồng tế và cả nhà thờ hát vang không một ai tỏ dấu bảo dừng. Có cái gì đó rất xót xa tiếc nuối, một bầu khí bi ai! Nhưng đồng thời cũng có cái gì đó vinh vang lạ thường. Tôi mượn bài ca dao kết thúc bài giảng: Người xưa nói “Còn cha gót đỏ như son, một mai cha thác gót son đen xì”; chúng ta nguyện xin Chúa thương để trong quyền năng của Ngài, gia đình xứ Mẹ sẽ là: “Còn cha gót đỏ như son, một mai cha thác gót son vẫn còn.”

Hôm nay ngồi viết những dòng này, chợt nhớ ngày mai mồng 09 tháng 7 là ngày giỗ lần thứ 15 của ngài. Như một lời tri ân ngài và tạ ơn Chúa, tôi thì thầm:

Lạy Chúa Giêsu! Xin thương xót linh hồn Cha Gioakim.
Xin cho con cứ mãi tập sống những bài học đầu đời tu mà người thầy kính yêu đã dạy.


Châu Ổ, ngày 8 tháng 7 năm 2021
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt CSsR

 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay22,419
  • Tháng hiện tại66,311
  • Tổng lượt truy cập29,045,849

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây