Viết cho bạn - Người bạn đồng môn

Thứ năm - 08/04/2021 08:29

VIẾT CHO BẠN - NGƯỜI BẠN ĐỒNG MÔN

K.N thân mến,
Trong những ngày này, Giáo hội hoàn vũ đang hân hoan mừng đại lễ Phục Sinh, với bao niềm vui và hy vọng. Qua biến cố Phục Sinh, Chúa Giêsu Kitô tỏ cho nhân loại thấy Ngài là Sự Sống lại và là Sự Sống như đã từng khẳng định với chị em Macta và Maria: “ Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Đúng vậy! Chúa Kitô đã sống lại, Ngài đã mang lại niềm vui cho những người đang ở trong khổ đau và thử thách, mang lại niềm hy vọng lớn lao cho những ai run sợ trước tội lỗi và sự chết. Điều quan trọng Ngài muốn con người được thông phần, chia sẻ chiến thắng vĩ đại trên tội lỗi và bóng đêm sự chết bằng niềm tin cậy và hy vọng vào Ngài. Và cũng như mọi anh chị em trên vũ hoàn, bạn cũng được ánh sáng Phục Sinh của Ngài chiếu tỏa, được hơi ấm của tình thương và bình an sưởi ấm tâm hồn bạn, và để bạn cũng được hưởng niềm vui đích thật này.

Thế nhưng, ở trong tình cảnh của bạn như thế này, để có thể cảm được niềm vui Phục Sinh, cảm được sự bình an nội tâm chẳng là điều đơn giản, phải là một sự chiến đấu không ngừng nghỉ, trải qua sự giằng co hết sức quyết liệt, đấu tranh nội tâm từng phút giây để có thể nhận ra đâu là Ý Chúa trong cuộc đời mình, để có thể can đảm đón nhận những đau khổ trong bình an, làm sao để đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa gởi đến trong mỗi thời điểm, có khi đó là những tình cảnh xem ra rất éo le và bẽ bàng. Và hơn thế nữa, cũng không dễ dàng thưa được với Chúa như Đức Maria “xin Chúa cứ làm cho tôi theo lời sứ thần nói ” (x. Lc 1, 38).

Thời gian qua thấm thoát đã hơn 1 năm kể từ khi bạn nhận được tin bản thân bị bạo bệnh, đặc biệt là khi căn bệnh đã diễn biến xấu thì có nhiều vấn đề về sức khỏe khiến cho cơ thể bạn bị suy nhược, gầy đi, tinh thần chùn xuống hẳn, rồi đến lúc bạn phải được chữa trị bằng các phương thức chuyên trị của bệnh thận. Không ai ngoài bạn là người cảm nghiệm được những đau khổ nơi chính bản thân mình đang mang:

- Với căn bệnh đang mang, bạn phải chấp nhận một sự thay đổi về thể chất, một tình trạng trong đời sống có ảnh hưởng đến cá tính và các tương quan với bản thân, với tha nhân và thế giới. Bạn phải quan tâm suy nghĩ đến các bộ phận bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, đến thân nhiệt, thuốc men, kết quả xét nghiệm và phương pháp điều trị. Bạn so sánh hiện trạng với thời điểm của quá khứ và cảm thấy mình thật yếu kém, giới hạn và lực bất tòng tâm.

- Với thời gian, bệnh của bạn ngày càng nặng, sức khỏe suy sụp và tiêu hao, thậm chí là phát sinh nhiều chứng bệnh khác trong bản thân. Không loại trừ những suy nghĩ mang tính chất phẫn nộ: “tại sao lại là tôi chứ không phải người khác? Tôi đã làm gì để phải chịu một hình phạt bất công”? Bạn đang rơi vào kinh nghiệm mà Gióp trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng đã từng chất vấn Thiên Chúa với nhiều câu hỏi: Tại sao... tại sao... và tại sao? (x. G. 3, 1-26).

- Với tâm lý con người cùng với thân phận mỏng giòn, bạn làm sao không sợ hãi được khi năm lần bảy lượt trải qua các cơn phẩu thuật, khi phải chấp nhận đau đớn mang trên thân mình gầy còm với các loại máy móc và dụng cụ y tế hỗ trợ chút sự sống nhỏ nhoi, khi phải thức trắng đêm với những lần chạy thận nhiều giờ đồng hồ, khi một mình đối diện với tử thần kề cận và đơn độc trong phòng hồi sức cấp cứu. Cảm giác sợ đau, sợ phẩu thuật, sợ sống xa người thân, sợ bị bỏ rơi, sợ cho tương lai, sợ chết là điều bạn từng có lúc này. 

- Trong đau khổ thể xác, chắc hẳn tinh thần bạn ít nhiều cũng bị dao động, sự đau đớn ở mức độ cao có khi đã làm tê liệt sinh lực khiến có lúc bạn không còn biết đau, chỉ biết gồng mình lên để chịu đựng. Hơn lúc nào hết, cảm giác cô đơn, cô độc lại xâm chiếm tinh thần bạn, trong cơn mê, bạn hét lớn: “Đức Mẹ cứu con, Đức cha Lambert cứu con, các chị ơi cứu em!”.

- Sau thời gian chống chọi với cơn thập tử nhất sinh, có những khi bạn trở nên sáng suốt, có ý thức hơn, suy nghĩ về những đau khổ mình đang đón nhận, bạn không cầm được những giọt nước mắt về sự bất lực của mình, vì tuổi đời còn quá trẻ, vì biết bao công việc thường nhật, sứ vụ tông đồ mà Hội dòng trao phó nay dang dở, bao hoài bão, ước mơ chưa thực hiện trọn vẹn. Điều đó phần nào cũng khiến bạn muốn nổi loạn chống đau khổ, chống người thân, bạn bè, thậm chí chống lại cả Thiên Chúa.

- Niềm ước mong của bạn gởi đến cho “bọn mình”, những người bạn đồng môn trong những ngày đầu đời của đời sống ơn gọi thánh hiến, là được một lần gặp tất cả “bọn mình”. Thế nhưng, với hoàn cảnh của chúng ta mỗi người mỗi cảnh, mỗi sứ vụ và công việc, ước mong ấy dường như quá xa vời. Điều đó cũng mang lại cho bạn một nỗi buồn man mác. Những ai có dịp đến thăm bạn, cả bạn và người thăm đều không cầm được những giọt nước mắt cứ tự nhiên tuôn khi chứng kiến một người nữ tu hiền từ, năng động, hoạt bát và nhiều tài năng bấy lâu, nay bỗng nằm im lìm trên giường bệnh, phải nhờ đến sự chăm sóc của chị em. 

- Những ngày qua khi Giáo Hội tưởng niệm biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, hình ảnh Chúa được tung hô khi vào thành Giêrusalem, Chúa trong Vườn Dầu, Chúa phải hứng chịu những nhục mạ và những cực hình tàn bạo của con người, Chúa đón nhận bản án bất công và tủi hổ mà con người kết cho, Chúa đón nhận cái chết ô nhục trên Thánh Giá. Với nỗi cô đơn trên giường bệnh, chắc hẳn bạn là người cảm rất rõ nỗi cô đơn của Chúa trên Thập Giá, cảm giác bị bỏ rơi đến mức tột cùng, cảm thấy một sự trống rỗng: cảm giác có vẻ như bị Chúa Cha ruồng bỏ, Chúa Cha lại vắng mặt và làm thinh “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46; Mc 15,34).

- Đã dấn thân cho Chúa trong đặc sủng Mến Thánh Giá, bạn chọn Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất chứ không phải chọn người có “máu mặt” để cuộc đời mình được đảm bảo; chọn  lối sống khó nghèo nơi tu viện chứ không chọn một chỗ đứng trong xã hội để tên tuổi được đánh bóng; chọn lấy bộ tu phục đen tuyền với nghĩa của một tình yêu tự hủy chứ không phải những thứ trang sức đắt giá, bộ quần áo kiêu sa, gợi cảm, đầy quyến rũ; chọn sống đơn sơ, giản dị và thanh thoát chứ không phải là những đề án và kế hoạch phức tạp. Chắc hẳn sống trong đời tu, ít nhiều bạn cảm thấy đời tu không như mình tưởng, cũng lắm điều trái ngang, trớ trêu, đố kỵ, ghen tương, kết tội, chỉ trích, làm tổn thương nhau. Điều này có thể làm cho bạn vơi đi tình yêu Chúa và yếu dần lửa nhiệt huyết. Có đáng lắm không? Bởi bạn còn có niềm hy vọng là tình yêu thương của người thân trong gia tộc, sự quan tâm và đỡ nâng của quý bề trên, tình cảm đơn sơ của các bạn đồng môn và chị em đồng lý tưởng, lòng yêu mến của những cộng tác viên nơi các lớp giáo lý và ca đoàn, sự đồng cảm và yêu mến của Mẹ Giáo Hội đang ngày ngày cầu nguyện cho bạn trên giường bệnh, lòng trung kiên với Thập Giá Chúa Kitô và gia sản tinh thần của quý bậc tiền nhân Hội dòng đã để lại cho bạn thụ hưởng. Đặc biệt là tấm gương sáng ngời của Đức cha Lambert “người khao khát gắn chặt đời mình với Chúa Kitô bằng một tình yêu thực tiễn và phi thường, đến độ sẵn lòng dâng tiến, trao gửi và cống hiến trọn vẹn con người mình, để Chúa dùng theo cách Người muốn, hầu tiếp nối sự hy sinh đau khổ của Người[1].

Bạn mến,
- Chúng ta là những người bạn đồng môn chung trường học Mến Thánh Giá, cùng một Thầy Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Khi gia nhập vào trường học này là chúng ta sống Đặc sủng Mến Thánh Giá: Yêu mến Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người[2]. Nếu một lúc nào đó tình yêu Chúa nơi bạn vơi đi, lửa nhiệt huyết của đời tu yếu dần, thậm chí bạn không còn tin rằng có sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời bạn, xin Chúa hãy đến và ở lại trong bạn để bạn được hồi sinh để tiếp tục yêu Ngài. Để khi tất cả qua đi, chỉ còn lại bạn và Chúa, bạn có thể tự hào cất lên lời của Thánh Phaolô rằng: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (Tm 4,7).

- Nếu trong cuộc đời bạn gặp nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt trên giường bệnh khi đang chống chọi với những cơn đau triền miên hành hạ thân xác, thiết tưởng nên nhắc lại câu nói của Thánh Tôma Aquinô: “Thiên Chúa không làm ra sự dữ xét như hữu thể. Nhưng khi sự dữ xảy ra, thì Thiên Chúa có thể làm điều tốt lành phát xuất từ sự dữ ấy. Đó chính là sự tốt lành của Thiên Chúa”. Như thế đau khổ không phải bởi Thiên Chúa, nhưng khi nó xuất hiện, Chúa có thể biến nó thành ích lợi cho ta theo cách của Ngài, khi bệnh tật, Thiên Chúa cho bạn hiểu rõ hơn về thân phận mỏng giòn của mình và ý nghĩa cuộc sống, như Đức Thánh cha Phanxicô nêu lên “Kinh nghiệm về bệnh tật giúp chúng ta nhận ra sự dễ tổn thương của bản thân và nhu cầu bẩm sinh cần người khác của chúng ta. Nó khiến chúng ta cảm thấy rõ ràng hơn rằng chúng ta là các thụ tạo phụ thuộc vào Chúa. Khi bị bệnh, nỗi sợ hãi và thậm chí là hoang mang có thể kìm hãm tâm trí chúng ta; chúng ta thấy mình bất lực, vì sức khoẻ không phụ thuộc vào khả năng của chúng ta hay những lo lắng không ngừng trong cuộc sống (x.Mt 6,27). Bệnh tật gợi lên câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, mà trong Đức tin chúng ta hướng về Thiên Chúa. Khi tìm kiếm một hướng đi mới và sâu sắc hơn trong cuộc sống của mình, chúng ta có thể không tìm thấy câu trả lời ngay lập tức. Người thân và bạn bè của chúng ta cũng không phải lúc nào cũng có thể giúp đỡ chúng ta trong cuộc tìm kiếm khó khăn này”. (trích Sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô nhân ngày thế giới bệnh nhân năm 2021)

- Đời bạn gặp nhiều thử thách và kinh nghiệm rằng tâm hồn mình đôi lúc thật mỏng manh và dễ bị tổn thương trước những thăng trầm, thất bại, tuyệt vọng, có khi khiến bạn nản lòng bỏ cuộc, đánh mất hy vọng, bị cám dỗ kết liễu nhiều thứ. Có lúc trong đời bạn cảm thấy người thân yêu trong gia tộc, chị em trong Hội dòng, những người bạn đồng môn, bạn đồng niên, bạn nối khố..., những người đã từng được bạn giúp đỡ, thi ân, những người từng là cộng sự viên của bạn, nay dường như rời xa bạn, bỏ rơi bạn. Hãy can đảm lên! Trong Chúa, thử thách giúp bạn biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn là tìm đối tượng nào khác. Có thử thách mới biết sức mình, biết có những điều ngoài tầm tay của mình, tự sức mình cũng như chẳng ai có thể giúp được ngoại trừ Chúa. Chúa không để cho bạn bị thử thách quá sức chịu đựng.

- Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng mang những thập giá của riêng mình: thập giá của sự đau khổ, bệnh tật, của gia đình, của cộng đoàn… và biết bao những thập giá nhỏ bé, không tên nhưng không kém phần nặng nề. Đường thập giá là đường hi sinh, quên mình, từ bỏ, hy vọng, tín thác vào Chúa Kitô. Hơn bao giờ hết, bạn đang đi đường Thập Giá của Đức Giêsu Kitô khi bạn dâng đau khổ của bản thân cho Chúa và sống thân tình với Ngài. Bạn hãy đi với Ngài trọn con đường vâng phục, đón nhận Thập Giá bản thân trong bình an và tin rằng: “Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Giêsu, chúng ta cùng sống với Người, nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ hiển trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, Người sẽ chối bỏ chúng ta, nếu chúng ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,11-13). Hãy dâng những hy sinh bạn đón nhận để cầu nguyện cho người thân trong gia đình, cho các bệnh nhân trên thế giới, đặc biệt là bệnh nhân của đại dịch Covid 19; cho những chị em trong Hội dòng đang gặp đau khổ nơi thân xác và trong tâm hồn; cho những người cô thế cô thân, những người nhân phẩm bị chà đạp và xúc phạm; những người thấp cổ bé miệng. 

- Nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy dấu chân của Chúa mờ nhạt và vắng bóng Ngài thì hãy dâng lời nguyện “Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con, và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh Giá, bao lâu tuỳ ý Cha định liệu. Xin đừng để con trở nên chua chát nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ và lòng khát khao nóng bỏng có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau. Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ của những người đã yêu mến Cha, đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ, tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha, lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha, và lòng mến mà con dành cho Cha.

         Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân, và yêu Cha chỉ vì Cha, chứ không mong phần thưởng.

          Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con, là ánh sáng cho đêm tăm tối, nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi”. (Karl Rahner)[3]

          Thiên Chúa luôn hiện diện và đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống. Dấu chân của Ngài luôn in đậm nét trong mọi biến cố cuộc sống đời thường của mọi người, nhưng nhiều khi chúng ta chưa hoặc không nhận ra Ngài. Chúng ta hãy cùng hân hoan với Ngài trong niềm hy vọng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong ngày đại lễ Phục Sinh 2018 đã khẳng định: “Các tín hữu Kitô chúng ta tin và biết rằng sự sống lại của Chúa Kitô là niềm hy vọng chân thực của thế giới, niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng. Đó là sức mạnh của hạt lúa, sức mạnh tình thương hạ mình xuống và hiến thân đến cùng, và thực sự đang đổi mới thế giới. Cái chết, sự cô đơn và nỗi sợ hãi không phải là lời nói cuối cùng[4].
                                                                                               Bạn của bạn
                                                                                         Nt. Mary Nguyễn Hòa
                                                                                Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn 

 

 


[1] Nhóm Nghiên cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá “ Những trực giác mới của một nhà thừa sai nhận được trong lúc nguyện ngắm ..., 1668” (Bài Tự Sự), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., I, 4, tr.58.

[2] Hiến Chương Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Điều 3

[3] Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, Rabbouni, Một trăm năm mươi ba lời nguyện của bạn trẻ, lời nguyện 86

[4] Trích Sứ điệp Phục Sinh 2018 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tác giả bài viết: Nt. Mary Nguyễn Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay19,734
  • Tháng hiện tại304,646
  • Tổng lượt truy cập29,284,184

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây