Cảm nghiệm về chuyến mục vụ

Thứ sáu - 23/04/2021 22:51

CẢM NGHIỆM VỀ CHUYẾN MỤC VỤ
 

Mùa Chay năm nay, tôi được Bề trên sai đi mục vụ tại Giáo họ Ba-tơ. Chuyến mục vụ tuy ngắn ngủi nhưng cũng đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc, làm hành trang quý báu trên bước đường hiến dâng phục vụ.

Ngày 3/3, sau khi nhận bài sai từ Bề trên, chúng tôi rời Qui Nhơn lên đường thẳng tiến về Ba-tơ. Cha đặc trách Giáo họ rất nhiệt tình, ngài lấy ôtô riêng ra tận quốc lộ 1, đón chúng tôi từ ngã ba Thạch Trụ. Đường từ quốc lộ 1 lên Ba-tơ khá xấu, hôm đó chẳng may, một chiếc xe tải chở gỗ keo làm đứt dây diện, khiến ùn tắt giao thông, phải mất 20 phút xe chúng tôi mới tiếp tục đi được. Tới gần Ba-tơ, chúng tôi thấy hai bên đường toàn là cây keo, thỉnh thoảng mới thấy ruộng lúa ở vài chỗ vùng đất thấp bên đường…

Ba-tơ, một Giáo họ nhỏ, mới được thành lập thuộc Hạt Quảng Ngãi, chưa có nhà thờ, chỉ có ngôi nhà nguyện nhỏ. Số giáo dân chừng 150 người, họ sống rải rác, và cách xa nhà nguyện. Nhà nào gần thì cũng cách nhà nguyện hai ba cây số, có nhà cách nhà nguyện đến mười, hai mươi cây số. Chúng tôi có hỏi vì sao ở cách xa nhau vậy? Họ trả lời: Vì vấn đề kinh tế, nên ở xa nhau vậy mới dễ làm ăn.

Sống xa nhau, xa nhà nguyện, đường đồi núi gồ ghề, với nhiều ổ gà ổ voi, nên việc đi lại khá khó khăn. Hai bên đường là rừng keo, vắng vẻ, ít người sinh sống và qua lại, nên đi lại một mình rất nguy hiểm, nhất là đêm khuya. Ấy vậy mà giáo dân nơi đây rất sốt sắng. Họ không quản ngại đường xá xa xôi, khó khăn, nguy hiểm, cứ có Thánh lễ, có sinh hoạt ở nhà nguyện… là họ đi, bất kể giờ nào. Nhiều người tâm sự: “Dù ở xa, nhưng hôm nào mưa gió lớn quá, không thể đi được thì thôi, nếu có thể đi được là chúng con đi. Có khi đi làm xa cả đến 7 cây số, về đến nhà chưa kịp tắm rửa, ăn uống, chúng con lại ngược lên 7, 8 cây số để dự lễ”. Những người làm nghề buôn bán thì tâm sự: “Khổ thật Sơ ơi! Giờ mình đi lễ thường là giờ nhiều người đến mua đồ. Nhưng chúng con cũng hy sinh tất cả rồi Chúa cũng chúc lành cho chúng con Sơ ạ!”. Có những chị trong ca đoàn, có những ngày lễ xong phải ở lại tập hát đến khuya, đôi khi về một mình rất sợ. Những lúc tập hát thêm ngoài giờ ấy, chồng các chị ngồi ở trong khuôn viên nhà nguyện, uống nước trà, chờ tập hát xong đón vợ về, hoặc có khi các chị hẹn chồng ở chỗ nào đó trên đường, rồi ra đó cùng nhau về.

 Nhiều lúc tôi thắc mắc tại sao bà con ở đây lại nhiệt tình sống đạo như vậy? Tại sao họ chấp nhận khó khăn, hy sinh nhiều thứ… để đến với Chúa trong các Thánh lễ như thế? Qua một vài lần trò chuyện, tôi mới được hiểu. Sở dĩ họ nhiệt tình và sùng đạo như thế một phần do họ đến từ những vùng đạo gốc ở miền Bắc như Thái Bình, Nam Định. Thêm vào đó, vì mưu sinh, họ rời xa quê hương, xứ đạo truyền thống, để lên vùng rừng núi heo hút này – nơi không có nhà thờ, không có linh mục. Đã nhiều năm họ sống trong tình trạng không có Thánh lễ. Nhiều năm trước, khi biết ở Quảng Ngãi, Châu Ổ có linh mục, có Thánh lễ, họ đã lặn lội mất gần cả ngày đường để đi đến đó tham dự Thánh lễ. Chính vì thế, nay Ba-tơ có sinh hoạt tôn giáo, có Thánh lễ, họ luôn hy sinh dành giờ để đến với Chúa, dù gặp nhiều khó khăn, họ vẫn không quản ngại…

Người dân ở đây tuy sống giữa rừng keo, sống nhờ keo… nhưng họ lại không keo. Biết chúng tôi từ thành phố lên đây, không quen đường, chợ lại xa, nên mỗi lần đi lễ, người này kẻ nọ, trái bầu trái bí, nhánh chuối quả bắp, hộp bánh lốc sữa… đem vào cho chúng tôi. Nhìn những món quà họ mang tới, tôi thấy như chất chứa đầy những nghĩa cử yêu thương họ dành cho chúng tôi…

Bước vào những ngày cao điểm của Năm Phụng Vụ - Tam Nhật Thánh, tôi lại được sống trong một bầu khí đạo đức hết sức long trọng của giáo dân miền Bắc nơi vùng Ba-tơ này. Các nghi thức Tam Nhật Thánh hầu như không thiếu một nghi thức nào theo tập tục miền Bắc. Tam Nhật Thánh, thường các nhà thờ trong Giáo phận, chỉ đọc Kinh lễ Đèn. Ở đây bà con giáo dân ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó của Đức Chúa Giêsu vào ngày thứ Năm, thứ Sáu, ngày thứ Bảy họ ngắm Các Dấu Đinh. Tối thứ Năm Tuần Thánh, sau khi Chầu Mình Thánh Chúa, các anh trong ban ngành dựng đồi Gôn-gô-tha trên cung thánh. Nghi thức ngắm vào thứ Sáu vô cùng trang trọng: từng lời nguyện ngắm, với cung điệu mang tải những tâm tình diễn tả cách sống động những dấu đinh, nhát búa, vòng gai, sự đau đớn của Chúa Giêsu… Sau những lời ca than của Đức Mẹ và việc táng xác Chúa, mọi người xếp hàng quỳ gối từ giữa nhà thờ đi lên hôn chân Chúa… Trước đó, từ lúc 4g30 chiều, họ bắt đầu đi Đàng Thánh Giá xung quanh nhà thờ, sau đó đến nghi thức Suy Tôn Thánh Giá, tiếp theo là nguyện ngắm, kéo dài mãi đến gần 12 giờ đêm. Vậy mà bà con vẫn tham dự hết sức sốt sắng.

Ngày thứ Bảy, sau khi ngắm Các Dấu Đinh, họ mới dỡ bỏ đồi Gôn-gô-tha. Thánh lễ Vọng Phục Sinh kết thúc, mọi người cùng hát vang: Halleluia. Các bà mẹ cũng chuẩn bị ít trứng vịt lộn để mọi người chung vui với nhau.

Niềm vui mừng Chúa Phục Sinh vỡ òa sau Thánh lễ Phục Sinh vào Sáng Chúa Nhật. Cả Giáo họ cùng hòa chung niềm vui mừng Chúa sống lại trong bữa tiệc huynh đệ, với những lời chúc mừng rộn rã, những bản nhạc được cất lên, làm thành một ngày lễ long trọng, thấm đượm tình người, trong tình Chúa yêu nhân trần đã Chết và đã Phục Sinh.  

Tuy với số giáo dân ít ỏi, trong một điều kiện còn thiếu thốn, với những khó khăn trắc trở về nhiều mặt, nhưng bà con giáo dân Ba-tơ đã đoàn kết, gắn bó, chung sức chung lòng xây dựng Giáo họ; nhiệt thành mến yêu thờ phượng Chúa như thế, minh chứng rõ nét sức sống nội tại bên trong, với niềm tin sâu sắc và mãnh liệt.

Ước gì những tín hữu sống giữa rừng keo, mà không keo (keo kiệt), nhưng lại keo (keo sơn) nơi Ba-tơ này được Chúa chúc lành. Và ước mong mọi người nơi đây luôn “keo sơn gắn bó”, để lòng nhiệt huyết ban đầu nơi giáo dân Giáo họ Ba-tơ hôm nay được dưỡng nuôi và bùng cháy, lan rộng đến những người còn chưa biết Chúa chung quanh mình.

Niềm vui mừng Chúa Phục Sinh từ giáo họ Ba-tơ cho đến lúc này cứ còn âm vang mãi trong tôi. Nhớ về Ba-tơ, tôi cầu nguyện cho Ba-tơ. Xin Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với anh chị em nơi đây, ước mong hạt giống đức tin của mọi gia đình ở đây được cháy mãi và biết đâu việc Chúa làm vài năm nữa hạt giống ơn gọi sẽ được đơm hoa kết trái nơi giáo họ thân thương này.

 

1
 
1
 
1
 
1
 
1
 

Tác giả bài viết: “Người ở trọ”

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay19,718
  • Tháng hiện tại85,428
  • Tổng lượt truy cập29,064,966

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây