Bài giảng lễ đêm Giáng Sinh 2020

Thứ năm - 24/12/2020 18:56

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2020
tại Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn
(Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)


Một lần nữa, mùa Giáng Sinh lại trở về trên quê hương thân yêu của chúng ta và được bắt đầu bằng đại lễ Giáng Sinh. Cùng với mọi Kitô hữu trên toàn thế giới, đêm nay chúng ta hân hoan và long trọng cử hành đại lễ Giáng Sinh mừng kỷ niệm lần thứ 2020 ngày Con Thiên Chúa trên trời giáng sinh làm con loài người dưới trần gian.

Để chuẩn bị cho việc cử hành trọng thể này, ngoài nỗ lực thanh tẩy và đổi mới tâm hồn, mỗi người chúng ta còn hăng hái tham gia vào việc trang hoàng nhà thờ, treo cờ kết đèn lung linh rực rỡ, sáng tạo những mẫu hang đá đủ kiểu đủ cỡ, tại nhà thờ cũng như tại tư gia, kết hợp với những bài thánh ca Giáng sinh du dương trầm bổng, tạo nên một bức tranh sống động tuyệt vời, có sức xóa tan mọi u buồn của cuộc đời. Truyền thống làm hang đá Giáng Sinh đã trở thành một nét độc đáo, không những về phương diện nghệ thuật tạo hình, mà còn cả về mặt tâm linh.

Người ta kể lại rằng tại miền
Provence nước Pháp có một hang đá Giáng Sinh khá nổi tiếng. Trong số các nhân vật hiện diện tại hang đá, du khách đặc biệt chú ý đến một con người nhỏ bé với hai bàn tay mở ra trống trơn, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế mà người ta đã đặt tên cho nhân vật ấy là "anh chàng ngạc nhiên". Người địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên trên gương mặt của nhân vật này bằng một câu chuyện như sau:

Một hôm tất cả các nhân vật trong hang đá, kể cả mấy chú bò lừa, đều tỏ ra khó chịu đối với nhân vật có tên là "ngạc nhiên" này, bởi vì anh ta không có gì để mang tặng Chúa Hài Nhi ngoài hai bàn tay trắng của anh. Họ sỉ vả anh như sau: "Mày không biết xấu hổ sao? Mầy đến chầu Hài Nhi Giêsu mà không mang theo gì cả?" Nhưng điều khá ngạc nhiên là con người có tên "ngạc nhiên" ấy không để lộ một phản ứng nào, đôi mắt anh vẫn mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.

Những lời sỉ vả cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến độ Đức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho anh như sau: "Quả thực anh 'ngạc nhiên' đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn tay trắng, nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của anh. Điều này có nghĩa là tình yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của anh". Và Đức Mẹ kết luận như sau: "Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu luôn có những con người như anh 'ngạc nhiên', biết ngất ngây vì ngạc nhiên trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa".

Có thể nói, lịch sử nhân loại là một cuốn sách chứa đầy những điều kỳ diệu, qua đó Thiên Chúa không ngừng bày tỏ tình yêu của Người, khiến cho chúng ta không thể không ngạc nhiên. Đặc biệt, những gì liên quan đến cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu mà hôm nay chúng ta mừng kính lại càng gây nhiều ngạc nhiên hơn nữa. Không ngạc nhiên trước biết bao điều kỳ diệu như thế mới là điều đáng ngạc nhiên!

Từ lâu trong Cựu Ước, dân Israel đã được dạy cho biết Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Người dùng quyền năng vô biên để tạo thành vũ trụ, đã vung cánh tay hùng mạnh để trừng phạt quân gian ác và bênh vực những người công chính, như những lời lẽ rất ư mạnh mẽ mà ngôn sứ Isaia đã dùng để diễn tả việc Thiên Chúa giải phóng dân Người khỏi sự áp bức của kẻ thù mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I hôm nay như sau: "Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Người đều bẻ gãy... Mọi giày lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa" (Is 9, 3-4). Đối với Thiên Chúa, đó chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ trên đồng cỏ! Người chỉ cần phán một lời là mọi chuyện sẽ đâu vào đó, như ngày xưa Người chỉ cần phán một lời thì vũ trụ liền có, hoặc Người sẽ từ trời ngự xuống trần gian với tất cả vẻ uy phong lẫm liệt cùng với đạo binh thiên thần dũng mạnh để tiêu diệt quân thù của dân Người, như trong thời Xuất Hành Người đã dùng bàn tay mạnh cánh tay hùng xẻ đôi lòng biển để cho dân Người đi qua an bình và chôn vùi tất cả kỵ binh cùng chiến mã của Pharaô Ai cập trong chính lòng biển mà dân Người vừa mới vượt qua.

Nhưng thật là ngạc nhiên, Thiên Chúa đã hành động một cách hoàn toàn khác, như lời ngôn sứ Isaia đã viết tiếp: "Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta" (Is 9,5). Để giải thoát nhân loại khỏi tay ác thần hung hãn, Thiên Chúa vô cùng hùng mạnh đã muốn sinh ra làm người trong hình hài một đứa trẻ thơ yếu ớt. Vốn là Con Thiên Chúa Tối Cao, Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở thành con của nhân loại thấp hèn. Vào thuở khai nguyên vũ trụ, Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa, giờ đây qua mầu nhiệm Giáng sinh, Thiên Chúa được sinh ra giống hình ảnh con người. Đó chẳng phải là điều vô cùng kỳ diệu rất đáng ngạc nhiên hay sao?

Truyền thống Thánh Kinh cũng luôn dạy rằng Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, ngự trị trong thế giới thần thiêng, nơi tràn ngập ánh sáng siêu phàm, người phàm không thể tiếp cận; Người là Đấng Vô Hình, người trần mắt thịt không thể nhìn thấy. Trong Cựu Ước, nhiều lần Người đã tự bày tỏ chính mình qua những cuộc thần hiển kinh thiên động địa, với mây mù sấm chớp, bão tố cuồng phong, hay lửa hồng rực rỡ, khiến mọi người khiếp sợ. Nhưng thật là ngạc nhiên, qua mầu nhiệm Giáng Sinh, Người đã đến với nhân loại trong sự thinh lặng của đêm khuya, nhẹ nhàng như hạt sương rơi trên bãi cỏ, dưới hình ảnh một đứa trẻ thơ bé nhỏ bằng xương bằng thịt, mọi người xung quanh lớn bé trẻ già đều nhìn thấy, kể cả những chú bò lừa trong chuồng. Giờ đây, Thiên Chúa vô cùng cao cả đã thực sự trở nên bé nhỏ giữa loài người; Thiên Chúa vô hình đã trở thành hữu hình giữa nhân loại, vì "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14), như thánh Gioan tông đồ đã viết trong lời tựa của Tin Mừng thứ tư.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã báo trước rằng Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. Ai ai cũng nghĩ rằng Người sẽ sinh ra trong một gia đình vương giả, có cha mẹ là những bậc quyền quý giàu sang, thuộc hạng thượng lưu trong nấc thang xã hội. Nhưng thật là ngạc nhiên, khi Người đã chọn sinh ra trong một gia đình, với một người cha theo pháp lý là Thánh Giuse, tuy thuộc hàng tôn thất nhà Đavít, nhưng gia cảnh nghèo nàn phải sinh sống bằng nghề thợ mộc, và một người mẹ đẻ là Đức Maria, không phải là một quý bà trong hàng nữ lưu trâm anh thế phiệt, nhưng chỉ là một thiếu nữ thuộc hạng dân thường thứ thiệt tại Nadarét. 

Cuộc giáng sinh của Đấng Cứu Thế đã được chuẩn bị từ mấy ngàn năm trước, thiên hạ đã tốn biết bao giấy mực và lời rao giảng để thông báo, khiến cho biết bao tâm hồn nao nao chờ đợi. Thế nhưng, thật là ngạc nhiên khi ngày sinh của Đấng muôn dân mong đợi ấy đã xảy ra trong một hoàn cảnh nghiệt ngã ngoài mọi dự tính, do sự thao túng của quyền bính chính trị thế trần, khiến cho mẹ Người dù đã gần đến ngày sinh, vẫn không được miễn trừ nhưng đã phải lên đường vượt qua hơn trăm cây số để về quê chồng là thành Bêlem khai sổ kiểm tra. Một vị Vua Trời quyền uy tuyệt đối mà cũng phải vâng lời một ông vua đời! Thử hỏi còn lời nào để nói nữa!

Hoàn cảnh nghiệt ngã càng trở nên bi thảm khi cha mẹ Người không tìm được chỗ trọ trong thành Bêlem là quê hương của Người, đành phải tạm trú qua đêm trong chuồng bò, và chính tại đó Người đã được sinh ra. Thay vì một chiếc nôi êm đềm ấm áp như bao đứa trẻ sơ sinh bình thường khác, Mẹ Người đã phải vấn Người trong khăn vải và đặt vào một máng cỏ của bò lừa. Thật là ngạc nhiên khi một vị Vua cao cả đã từ bỏ ngai trời để ra đời trong một hoàn cảnh nghiệt ngã có một không hai như thế. Các ngôn sứ đã gọi tên Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta và Người đã chọn ở cùng chúng ta tại một nơi, trong một hoàn cảnh mà không ai nghĩ rằng Người có thể ở đó. Thế nhưng, một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ lại là dấu hiệu để nhận ra Người là Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi, như lời sứ thần đã nói với các người chăn chiên thành Bêlem trong đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Lc 2,12).

Ôn lại đôi nét về cuộc giáng sinh của Đấng Cứu Thế như được kể lại trong các trang Thánh Kinh, chúng ta đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và tất cả những điều gây ngạc nhiên ấy có thể gồm tóm trong một sự ngạc nhiên lớn lao là tại sao Thiên Chúa lại yêu thương con người dường ấy, như lời tác giả thánh vịnh đã cảm thán thốt lên: "Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8,5). Để đáp lại ân sủng lớn lao ấy, "chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này" (Tt 2,12), như lời Thánh Phaolô đã dạy trong bài đọc II hôm nay.

Tác giả bài viết: Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi

 Tags: bài giảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập169
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay15,159
  • Tháng hiện tại37,708
  • Tổng lượt truy cập29,017,246

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây