Chú giải Tin mừng Chúa nhật II Thường niên, Gioan 1, 35-42

Thứ năm - 14/01/2021 19:47
“Chiên Thiên Chúa” trong ý nghĩa của Cựu ước.

Gioan Tẩy giả giảng dạy bên bờ sông Giođan, ngày đó ông đồng hành cùng hai môn đệ của mình là Anrê và một người khác, mà chúng ta không biết tên: một số người nghĩ rằng có thể đó chính là thánh Gioan tông đồ; khi nhìn thấy Chúa Giêsu, Gioan Tẩy giả nói với các môn đệ: “Đây Chiên Thiên Chúa” và điều này muốn nói hai môn đệ phải bắt đầu đi theo Chúa Giêsu.

Thánh Gioan kể: “Hai môn đệ nghe lời này, và họ đi theo Chúa Giêsu”. Chúng ta có thể diễn dịch về thành ngữ “Chiên Thiên Chúa” vốn đã quen thuộc. Tôi dừng lại ở tiêu đề này “Chiên Thiên Chúa” được áp dụng cho Chúa Giêsu.

Đối với những người mà họ biết rõ về Cựu ước, điều mà xảy ra trong trường hợp các môn đệ của Gioan Tẩy giả nghe về tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” đã có thể gợi lên bốn hình ảnh rất khác nhau.

Thứ nhất, chúng ta nghĩ đến Chiên Vượt qua: phụng vụ mùa Phục sinh, hàng năm, nhắc nhở dân chúng rằng Đức Chúa đã giải thoát họ; đêm thoát khỏi Ai Cập, Môsê đã cử hành cho dân nghi thức truyền thống về việc sát tế chiên, nhưng với cung điệu mạnh: “kể từ nay, hàng năm, nghi thức này sẽ nhắc anh em rằng Đức Chúa đã vượt qua giữa anh em để anh em được giải thoát. Máu con chiên là dấu cho sự giải thoát của anh em”.

Thứ hai, từ ngữ “con chiên” nghĩ ngay về Đấng Messia được nói bởi ngôn sứ Isaia: ngôn sứ đã nhắc về Người Tôi trung của Đức Chúa và ông so sánh hình ảnh này với một con chiên: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng”. (Is 53,7). Phân đoạn Isaia về Người Tôi trung của Đức Chúa, Đấng Messia chịu bách hại và chịu chết, nhưng sau đó được biết đến như vị cứu tinh cho toàn thể nhân loại: Isaia nói rằng: “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng”. (Is 52,13)

Ý nghĩa thứ ba gợi lên nơi hình ảnh Isaac, con trai yêu dấu của Abraham. Vì rằng Abraham đã thuận ngay lúc Đức Chúa yêu cầu sát tế Isaac. Và ông mau mắn sẵn lòng hoàn thành phận vụ mà chúng ta thấy thật khủng khiếp, vì lẽ thời bấy giờ, các tôn giáo xưa đòi hỏi cử hành như thế. Khi Isaac đặt câu hỏi cho cha mình “chiên để hiến lễ ở đâu thưa cha ?”, Abraham trả lời: “Điều đó chính Đức Chúa sẽ lo liệu con trai à”. Và ông đã không thể tin mình có thể nói được như vậy: vì lúc ấy ông sẽ phải sát tế chính con trai mình, và mỗi chúng ta đều biết rằng Đức Chúa đã can ngăn và truyền cho ông: “đừng tra tay hại đứa bé”. Người đã chỉ cho ông một con vật để hiến tế thay. Từ ngày đó, trong Israel người ta muôn đời biết rằng Đức Chúa không muốn thấy bất cứ lúc nào máu con người phải đổ.

Cuối cùng với diễn giải thứ tư, trong lúc Gioan Tẩy giả nói về con chiên, các môn đệ đã có thể nghĩ tới Môsê; vì rằng các chú giải Do Thái về cuộc Xuất hành so sánh Môsê với con chiên: Họ hình dung như một cán cân: trên đĩa cân bên này, có toàn thể sức mạnh Ai Cập: Pharaon, chiến sa, kỵ mã, quân lực và võ khí. Còn đầu đĩa cân bên kia, Môsê được tiến cử dưới hình dáng như một con chiên bé nhỏ. Thế mà, đối diện với sức mạnh Pharaon, sự yếu hèn và đơn sơ đã đem lại chiến công vĩ đại.

Giêsu, Chiên Thiên Chúa.

Chúng ta hoàn toàn không biết rõ hết Gioan Tẩy giả có cái nhìn nào khi so sánh Giêsu như một con chiên; nhưng thời gian sau đó, thánh sử Gioan dùng lại diễn cảnh này, mời gọi chúng ta tập hợp các hình ảnh khác nhau này; cùng lúc đặt trước mắt và nhận thấy ra chân dung của Đấng Messia. Trước hết, đây thật sự là “chiên vượt qua”, vì chưng Người giải thoát nhân loại khỏi sự khốn cùng của nô lệ, của tội lỗi. Đấng xóa tội trần gian, những gì có thể diễn tả “Người đổ tràn tình yêu cho thế giới”, Người hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.

Đặc tính thứ hai, Giêsu xứng đáng với danh hiệu Người Tôi trung của Đức Chúa vì lẽ Ngài đã hoàn tất sứ vụ được loan truyền về Mesia, điều đó đem lại ơn cứu độ cho con người; và như người tôi tớ đau khổ được diễn tả bởi Isaia, Người đã nếm mùi bách hại khủng khiếp (đó là thập giá) sau là vinh quang (sự Phục sinh vinh hiển).

Điểm thứ ba, thánh sử Gioan mời gọi chúng ta chiêm ngắm Giêsu như một Isaac mới. Người là con chí ái sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha. Như được nói trong thư Do Thái (10, 5-6), (đồng thời cũng được đề cập nơi thánh vịnh 39/40): “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”.

Cuối cùng, phần thứ tư, bạn nhớ rằng sự nhỏ bé của Môsê đối diện trước sức mạnh của Pharaon, đã được so sánh nơi một con chiên bé bỏng. Tuy vậy, nhờ ơn Đức Chúa, sự bé nhỏ đã có thể chiếm lấy sự tự do của nó, và đó là sự giải thoát cho dân ngài. Hình ảnh được áp dụng nơi Đức Giêsu “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, như  chính Ngài đã nói.

Những biến cố của cuộc sống, sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô sẽ hoàn tất mỹ mãn còn hơn nhiều so với những gì Gioan Tẩy giả đã thoáng thấy nơi Chúa Giêsu, về mầu nhiệm con chiên chịu nạn và lại được khải hoàn; cũng như lời thánh Phêrô trong thư thứ nhất của ngài viết: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô.” (1 P 1,18-19). Và ở đây chúng ta biết rằng “máu” muốn nói đến “sự sống được ban tặng”.

(Lược theo https://eglise.catholique.fr/approfondir-sa-foi/la-celebration-de-la-foi/le-dimanche-jour-du-seigneur/commentaires-de-marie-noelle-thabut/)

Tác giả bài viết: Giuse Trần Hoàng Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay22,549
  • Tháng hiện tại28,106
  • Tổng lượt truy cập29,007,644

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây