Tìm hiểu về Bổng Lễ

Thứ ba - 26/03/2013 20:25

TÌM HIỂU NHỮNG QUI ĐỊNH CỦA GIÁO LUẬT VỀ BỔNG LỄ
 

Bổng lễ là số tiền một người nào đó trao cho linh mục ngỏ ý xin dâng lễ cầu nguyện theo ý mình, là lệ phí tượng trưng mà giáo luật cho phép linh mục được nhận mỗi khi cử hành thánh lễ theo ý người xin. .

1. Bổng lễ là gì ?

Bổng lễ là số tiền một người nào đó trao cho linh mục ngỏ ý xin dâng lễ cầu nguyện theo ý mình, là lệ phí tượng trưng mà mà giáo luật cho phép linh mục được nhận mỗi khi cử hành thánh lễ theo ý người xin. Khi dâng lễ cầu cho ai, linh mục dâng lễ ấy được phép nhận một bổng lễ theo mức qui định.Bộ giáo luật 1983 dành ra tất cả 14 điều (945-958) để đề cập đến vấn đề bổng lễ.

Xem thư 1 Côrintô 9, 9-14

 2. Số tiền bổng lễ theo qui định là bao nhiêu ?

 Bộ Giáo luật 1983 không qui định về bổng lễ là bao nhiêu.

 Tuy nhiên, Gíao Luật 1983 điều 952, triệt 1, 2, 3 nói như sau  : 

 - Công đồng tỉnh hay hội đồng giám mục giáo tỉnh phải ra nghị định ấn định bổng lễ phải dâng để áp dụng thánh lễ trong giáo tỉnh. Tư tế không được đòi bổng lễ cao hơn mức ấn định. Tuy nhiên, tư tế được phép nhận bổng lễ cao hơn khi người ta tự nguyện dâng cúng, cũng như cũng được phép nhận bổng lễ thấp hơn.

  - Nơi nào không có nghị định đã nói, thì phải theo tập tục hiện hành trong địa phận.

  - Các phần tử thuộc bất cứ dòng tu nào phải giữ nghị định hay thói quen của địa phương nói ở trên.

 - Rõ ràng linh mục dâng lễ không được phép đòi người xin lễ số tiền cao hơn mức qui định của công đồng tỉnh hay hội đồng giám mục giáo tỉnh (hội đồng giám mục địa phương hoặc theo tập tục hiện hành trong địa phận) và không được gây ngộ nhận là xin lễ với bổng lễ to thì được ích lợi thiêng liêng nhiều hơn. Nếu giáo dân tự ý đưa số tiền cao hơn mức qui định thì linh mục được phép nhận mà không có lỗi gì.

Nên lưu ý rằng : ân sủng của Chúa ban cho con người là nhưng không, nghĩa là không thể mua, bán được bằng tiền của vật chất.

Do đó, ai căn cứ vào tiền để hứa hẹn người dâng cúng sẽ được bao nhiêu ơn huệ thiêng liêng là mắc tội simonia vì muốn dùng tiền của để mua ân phúc thiêng liêng.

3. Tiền dâng cúng cho các cơ quan từ thiện hay cho giáo xứ khác với việc xin lễ như thế nào ?

Chúng ta không nên so sánh việc dâng cúng tiền bạc cho các cơ quan từ thiện cho các giáo xứ, nhà dòng, chủng viện với tiền xin lễ. Tiền xin lễ là bổng lễ dâng theo qui định của giáo quyền để trả công trượng trưng cho thừa tác viên của hành thánh lễ trong tinh thần mà Chúa Giêsu đã dạy nơi Tin Mừng Thánh Lc 10, 3-8 và Mt 10, 42

Một tư tế cử hành thánh lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt. Không một linh mục nào được phép tự ấn định về các bổng lễ. Tuy nhiên, không nên đặt ra các luật lệ riêng (về việc nhận hay không nhận bổng lễ) sợ rằng sẽ gây ra những  hoàn cảnh khó xử cho các linh mục khác. Vậy, khi người xin lễ không có tiền để dâng theo mức qui định, thì bất cứ linh mục nào cũng đều được khuyên “dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo, cả khi không có bổng lễ” (GL điều 945, triệt 3)  

Điều 945, triệt 1 : Theo tập tục đã được giáo hội công nhận, một tư tế cử hành hay đồng tế thánh lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt.

Triệt 2 : Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo, cả khi không có bổng lễ.

Điều 848 : Khi ban các bí tích thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác  ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải cẩn thận đừng để những người nghèo không được lãnh nhận bí tích vì lý do  túng thiếu.

Ơn Chúa ban qua thánh lễ cho người còn sống hay đã qua đời không đương nhiên lệ thuộc vào bổng lễ nhiều hay ít mà linh mục dâng lễ được hưởng.

Xin một lễ không bổng lễ hay có bổng lễ (có giá trị vật chất khác nhau) không có giá trị để mua ơn Chúa nhiều hay ít.

 Điều 946 : Khi dâng bổng lễ để thánh lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo hội; bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo hội.

Điều 947 : Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại.

Điều 948 : Phái áp dụng từng thánh lễ cho mỗi ý chỉ vì đó mà bổng lễ đã được dâng và nhận, cho dù bổng lễ đã nhận là bé nhỏ.

Điều 949: Ai có nghĩa vụ phải dâng lễ và áp dụng thánh lễ theo ý chỉ của  người dâng bổng lễ vẫn còn trách nhiệm ấy cả khi bổng lễ bị mất không tại lỗi của mình.

Điều 950 : Nếu người ta dâng một món tiền xin lễ mà không nói rõ số lễ phải làm, thì số ấy sẽ được chỉ định dựa theo giá bổng lễ hiện hành tại nơi người xin lễ cư trú, trừ khi có lý do phỏng đoán hợp lệ là họ có hảo ý khác.

Điều 951 triệt 1 Khi tư tế dâng nhiều thánh lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi thánh lễ theo ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về  các mục đích do bản quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại.

Triệt 2 Tư tế đồng tế thánh lễ thứ hai trong một ngảy, không có quyền nhận bổng lễ nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào.

Điều 953: Không ai được phép nhận cho mình nhiều bổng lễ đến độ không thể chu tất trong vòng một năm.

Điều 956: Tất cả và mỗi người quản trị các thiện ý hay có trách nhiệm nào đó về việc lo dâng lễ, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều buộc phải chuyển về bản quyền của mình những ý lễ không làm hết trong một năm, theo cách thế bản quyền đã qui định.

Linh mục Giuse Võ Tá Hoàng

 

Đọc thêm

LINH MỤC FX NGÔ TÔN HUẤN TRẢ LỜI THẮC MẮC VỀ VIỆC XIN LỄ và BỔNG LỄ
 

HỏiXin cha nói lại luật của Giáo Hội về tiền xin lễ và rao tên người thụ hưởng ý lễ. Tại sao có nhiều nơi vẫn  đòi nhiều tiền mới  làm Lễ và cho rao tên ở nhà thờ?

Đáp: 

Về tiền xin dâng một thánh lễ có bổng lễ (bổng lễ=missarum=mass  stipends), Giáo luật số 848 qui định: “ Khi ban các bí tích, thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải cẩn thận đừng để những người nghèo không được lãnh bí tích vì lý do nghèo túng”.   

Nói rõ hơn, khi nhận dâng một thánh lễ do ai xin,  Linh mục không được phép đòi tiền (bổng lễ) quá mức màToà Giám Mục địa phương đã ấn định (tức nhà chức trách có thẩm quyền mà khoản giáo luật trên nói đến) Cụ thể, ở Mỹ nói chung và ở Tổng Giáo Phận Galveston-Houston nói riêng, thì cho đến nay bổng lễ cho mỗi ý lễ xin là 5 đôla. Qui định này áp dụng chung cho mọi nhà thờ, giáo xứ, không phân biệt ngôn ngữ sắc tộc. Nghĩa là không chỉ áp dụng cho giáo xứ Mỹ mà cho tất cả các giaó xứ Việt Nam, Mễ, Đại Hàn, Trung Hoa, Ấn Đo, Phi luật Tân ... ở trong Giáo phận. 

Vậy, không linh mục nào được phép đòi bổng lễ cao hơn mức Giáo quyền đã qui định.Tuy nhiên, nếu vì lòng hảo tâm mà giáo dân tự ý dâng số tiền cao hơn mức qui định trên thì linh mục được phép nhận mà không có lỗi gì. Như vậy, cần phân biệt linh mục tự ý đòi hay giáo dân tự ý dâng. Nếu đã tự ý dâng thì xin đừng phàn nàn, kêu ca gì nữa, vì không ai bắt mình phải làm như vậy. Nghĩa là đừng ai tự ý bỏ phong bì 20, 50 hay 100 đôla  xin linh mục làm cho một thánh lễ cầu cho linh hồn hay ý xin nào đó. Sau đấy, lại ta thán là mình đã bỏ ra số tiền lớn nói trên để xin một thánh lễ.Than như vậy không đúng vì mình đã tự ý xin với  bổng lễ cao chứ không phải linh mục đòi. Nếu đưa 100 đô mà xin làm 10  hay 20 lễ thì linh mục phải làm đủ số lễ đó. Ngược lại, nếu chỉ xin 1 thánh lễ thôi thì số tiền kia được hiểu là người xin muốn dâng vì lòng hảo tâm đối với linh mục.Tóm lại, linh mục không được phép tự ý đòi bỗng lễ cao hơn mức qui định của giáo quyền, nhất là không được gây cho giáo dân ngộ nhận là xin lễ với bổng lễ to thì được nhiều ơn ích hơn bổng lễ nhỏ. Nhưng giáo dân cũng không nên than phiền, nếu đã tự ý muốn dâng số tiền cao hơn mức qui định.   

Cũng cần nói thêm là tiền xin lễ chỉ có giá trị giúp đỡ  linh mục “ phục vụ Bàn thánh thì  được hưởng lộc Bàn thờ” như Thánh Phaolô dạy mà thôi.(x.1Cor 9:13-14). Tiền xin lễ nhiều hay ít tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến việc Chúa ban ơn theo ý người xin lễ vì thánh lễlà vô giá và ơn thánh của Chúa thì  không thể mua được bằng tiền bạc. Xin ghi nhớ điều quan trọng này để đừng ai lầm tưởng rằng xin lễ với bổng lễ to thì có lợi nhiều cho linh hồn hơn là xin với bổng lễ nhỏ hay không có tiền xin lễ. 

Mặt khác,  Linh mục cũng được khuyên nên dâng lễ theo ý người xin dù không có bổng lễ. (x.giáo luật số 945,  triệt 2). 

Về vấn đề rao các ý lễ thì không có luật nào buộc. Chỉ có luật buộc các linh mục “phải ghi cẩn thận những ý lễ đã nhận sẽ làm và những ý lễ đã làm xong” cũng như phải ghi sổ sách các ý lễ muốn chuyển cho nơi khác làm cùng với bổng lễ đã nhận của mỗi ý lễ muốn chuyển. (x.giáo luật số 955,triệt 3&4).   

Trong thực tế, thì các giáo xứ đều có bản tin mục vụ và trên bản tin này có ghi các ý lễ của mỗi ngày trong tuần để người xin theo dõi và hiệp ý cầu nguyện.Việc rao tên riêng trong nhà thờ kèm theo việc kéo chuông trước lễ và đốt thêm đèn nến trong lễ chỉ là hình thức phô trương bề ngoài, không có chút giá trị thiêng liêng nào cho người thụ hưởng ý lễ.Chắc chắn như vậy.    

Nếu ai đòi tiền mới làm lễ và  cho rao tên hoặc ai muốn dùng  tiền để “mua”  những việc này thì đã vô tình hay cố ý phạm tội “buôn thần bán thánh”(simonia) trong việc xin cử hành thánh lễ theo ý chỉ. 

NÓI THÊM VỀ VIỆC  XIN LỄ và CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN
   
    Trong hai bài trước đây,tôi đã có dịp trình bày về tội simonia, về ơn cưú độ, về việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội (purgatory) cũng như nói về cái gọi là “Hội Đời Đời” do một số người lập ra với mục đích cầu nguyện cho các linh hồn và “bảo hiểm” cho những người còn sống hoặc đã qua đời.   

Vì có một số độc giả thắc mắc nên tôi xin được nói thêm về vấn đề này như sau :   

Truớc hết, tôi phải nhấn mạnh một lần nữa về nguyên tắc căn bản sau đây :   

Khi bàn cãi hoặc đề cập đến bất cứ vấn đề gì liên quan đến đức  tin của người tín hữu Công giáo, nhất là liên quan đến Giáo Hội nói chung thì nhất thiết  phải căn cứ  vào những tiêu chuẩn căn bản như Thánh Kinh,(Sacred Scripture) Thánh Truyền (Sacred Tradition), Giáo Lý (Doctrine)Tín Lý (Dogma), Giáo luật (Canon law) Văn kiện Công Đồng (Conciliar Documents) Tông Thư, Tông Huấn (Encyclical Letters) của các Đức Giáo Hoàng,  chứ không thể dựa  vào suy luận cá nhân hay căn cứ vào những tài liệu bên ngoài Giáo Hội  để tham khảo được.   

Từ nguyên tắc này, chúng ta hãy tìm hiểu xem Giáo Hội dạy về việc cầu nguyện cho người sống và người chết như thế nào :

  A-Cầu nguyện cho ngươì đã qua đời :   

Sách 2 Ma-ca-bê kể lại việc “ Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giêrusalem để xin dâng hy tế tạ tội ; ông làm cử chỉ  rất tốt đẹp và cao quí này vì cho rằng ngươì chết sẽ sống lại…Đó là lý do khiến ông xin dâng hy tế đền tội cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” ( x. 2 Macabê 12:43-46) 

Đây là nguồn gốc trong Kinh Thánh Cựu Ước về việc cầu nguyện cho người  quá cố vì có niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết . 

Niềm tin này đã được củng cố vững vàng hơn với biến cố lich sử về cuộc tử nạn và  phục sinh của chính Chúa Kitô Giêsu như Kinh Thánh Tân Ước đã tường thuật tỉ mỉ.(x. Mt.27-28; Mc 15-15, Lc 23-24; Ga 19-20). 

Từ đó, việc cầu  nguyện cho kẻ chết đã trở thành truyền thống trong Giáo Hội cho đến nay vì niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết và vì tín điều các Thánh Thông Công .  

Sách Giáo Lý mới của Giáo Hội đã khuyến khích việc cầu nguyện cho kẻ chết dựa vào niềm tin nói trên và vào lời dạy của Thánh Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom :344-407) sau đây : 

“Chúng ta hãy cứu giúp và tuởng nhớ đến những ngươì đã qua đời.Nếu con cái Ông Job được thanh luyện nhờ sự hy sinh của Ông, thì tại sao chúng ta lại nghi ngờ rằng những việc hiến dâng của chúng ta sẽ đem lại an ủi cho các linh hồn ấy? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã qua đời và cầu nguyện cho họ” (x.John Chrysostom,Hom. In 1 Cor.41,5:PG 61,361;cf. job,5) 

I- Luyên Tội ( Purgatory)và hình phạt hữu hạn (temporal punishment)   

Theo Giáo lý của  Giáo Hội Công Giáo thì tất cả những ai chết trong ơn phúc của Chúa đều được bảo đảm phần rỗi đời đời (eternal salvation). Nhưng nếu chưa được thanh sạch hoàn toàn sau khi chết thì phải được thanh luyện lần  cuối cùng trong nơi gọi là Luyện tội (Purgatory)  trước khi được vào hưởng niềm vui Thiên Đàng. ( x. Sách Giáo Lý Công Giáo số 1030). 

Đây là lý do vì sao Giáo Hội khuyến khích việc cầu nguyện cho  các linh hồn nơi chốn thanh luyện cuối cùng này để giúp họ được mau vào vui hưởng Thánh Nhan Chúa.

Cũng theo giaó lý của Giáo Hội thì có hai loại tội cần phân biệt: tội trọng(mortal sin) và tội nhẹ (venialsin) xét theo hậu qủa của tội gây thương tổn nhiều hay ít đến mối thân tình giữa Chúa và hối nhân cũng như giữa hối nhân và Cộng đồng Giáo Hội.   

Tội trọng phá tan đức ái và cắt đứt tức khắc mọi hiệp thông với Chúa. Vì thế, khi một người mắc tội trọng, nếu chết mà không kịp ăn năn và được tha thứ qua bí tích hoà giải  thì sẽ bị án phạt đời đời trong nơi gọi là hoả ngục.(hell)  Ở nơi này, các linh hồn bị phạt sẽ đời đời lìa xa Thiên Chúa và Cộng đồng các Thánh.(x. Sđd ,số 1033).   

Tội nhẹ không phá hủy hoàn toàn đức ái nhưng cũng gây thương tổn phần nào cho sự hiệp thông với Chúa và với Giáo Hội  nên cũng cần được tẩy xóa qua bí tích hoà giải .  

Tộị trọng và tội nhẹ đều có thể được tha thứ qua bí tích hoà giải –trừ tội phạm đến Đức Chúa Thánh Thần, tức là chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn-(x. Mt 12,31). 

Sau khi  đã được hoà giải với Chúa và với Giáo Hội , hối nhân phải làm việc “đền tội” (penance)cho mọi tội trọng và nhẹ đã được tha qua bí tích hoà giải.Đây là hình phạt hữu hạn (temporal punishment) màhối nhân phải thi hành để “ sửa lại những xáo trộn mà tội đã gây nên” theo lời dạy của Công Đồng Trentô (xCĐ Trentô DS 1712).   

Việc “đền tội”này, nếu không được làm đầy đủ khi còn sống,thì phải được thanh luyện sau cùng trong Luyện Tội sau khi chết. .Ở đây các linh hồn có thể trông cậy vào sự cứu giúp của Đức Mẹ ,của các Thánh và của các tín hữu còn sống đang hiệp thông trong Giáo Hội lữ hành. Các linh hồn cũng có thể cầu bầu cho các tín hữu còn sống nhưng không thể tự giúp mình được vì thời giờ làm việc lành phúc đức đã hết.   

Các Thánh trên Thiên Đàng có thể nguyện giúp cầu thay cho các linh hồn trong luyện tội và cho các tín hữu còn sống nhưng không cần ai trợ giúp  nữa vì đã được hưởng trọn vẹn Nhan Thánh Chúa rồi.   

Đây là tất cả ý nghĩa về Tín điều các Thánh thông công (communion of Saints) trong Giáo Hội Công Giáo.   

II- Các tín hữu còn sống có thể giúp gì cho các linh hồn nơi Luyện tội ?   

Như đã giả thích ở trên, Luyện tôi là nơi thanh luyện cuối cùng cho những linh hồn đã chết đi trong ơn nghiã Chúa nhưng chưa đuợc thánh thiện đủ để được vào Thiên Đàng hưởng Nhan Thánh Chúa cùng các Thánh . Họ phải lưu lại nơi đây trong một thơì gian để được thanh luyện theo lượng từ bi và công bằng của Chúa đòi hỏi. Nhưng Luyện tội không phải là chốn các linh hồn phải xa Chúa đời đời như những linh hồn ở nơi gọi là hoả ngục. Vì thế không có vấn đề cầu nguyện đời đời cho các linh hồn nơi luyện tội vì họ không đời đời ở đó. Các tín hữu còn sống trên trần gian có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện tội bằng những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, làm việc bác ái và nhất là xin dâng Thánh Lễ cầu cho họ. Sự giúp đỡ thiêng liêng này rất hữu ích nhưng không phải là yếu tố quyết định phần cứu rỗi cho một linh hồn nào. 

Yếu tố quyết định là chính tình thương của Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô cộng với phần đóng góp của cá nhân khi còn sống trên trần thế này. 

Khi còn sống, nếu một người  đã tư ý chọn lựa xa cách Thiên Chúa, khước từ tình thương của Người để qui hướng đời mình  hoàn toàn về những mục tiêu trần thế cho đến giờ chết thì chắc chắn Chúakhông thể cứu được người đó vì họ đã tự ý chọn lựa từ chối Người trong suốt cuộc đời trên trần thế này rồi .Chúa không ngăn cản sự chọn lựa này vì Ngài tôn trọng ý chí tự do (free will) của con người.  Trong trường hợp này mọi việc cứu giúp của chúng ta như cầu nguyện, xin Lễ.v...v. sẽ là vô ích vì người ta đã chọn lựa khước từ Chúa và ơn cứu độ của Người khi còn sống rồi

Tuy nhiên đây chỉ  là nguyên tắc thần học phải suy luận và tin mà thôi.Trong thực hành ,  chúng ta không thể biết được ai đã thực sự rơi vào trường hợp này để khỏi phải cầu nguyện cho họ nữa. Chúng ta cũng không được phép  phán đoán ai sẽ  lên Thiên Đàng, ai phải xuống hoả ngục dù biết họ sống ra sao trên trần gian này. Vì thế , chúng ta cứ vì bác ái  mà cầu cho mọi người  đã qua đời  ngay cả cho những người đã tự tử hay công khai sống “bê bối” trước khi chết.... Chỉ có Chúa mới biết chính xác được lòng người và phán đoán công minh  về phần rỗi của mỗi cá nhân.  

Bao lâu còn sống thì ta cứ cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết, không giới hạn thời gian, nhưng không thể nói cầu “đời đời” được vì chính mình cũng không sống vĩnh viễn ở đời này thì làm sao mà mà cầu “đời đời”cho ai được.? 

B--Vấn đề xin “Lễ đời đời” và mua “Hậu” cho người còn sống hay đã qua đời   

Tôi phải đặc biệt nói thêm về vấn đề này vì thực chất sai trái giáo lý trầm trọng  của những việc làm này đã và đang còn diễn ra ở một số nơi trong và ngoài Việt Nam.   

Như đã nói ở trên, việc cầu nguyện cho các  người đã qua đời chỉ hữu ích cho các linh hồn thánh (holy souls) trong nơi luyện tội mà thôi, chứ tuyệt đối không ích gì cho những ai đã tự  ý chọn lựa xa lìa Thiên Chúa và đang bị  phạt ở nơi gọi là hoả ngục.   

Lý do : chỉ có sự hiệp thông  giữa các Thánh trên Trời, các linh hồn nơi luyện tội và các tín hữu còn sống trên trần gian mà thôi,chứ không có sự hiệp thông nào với các linh hồn nơi hoả ngục. Vì thế, không có giáo lý nào của Giáo Hội dạy hay khuyến khích việc cầu nguyện cho các linh hồn trong hoả ngục cả vì họ đã lìa xa Chúa đời đời rồi.(x. Sđd. Số 1033-1036)   

Vậy xin Lễ đời đời để cầu cho ai ?   

Rõ ràng đây là một ý niệm mơ hồ không có căn bản giáo lý, tín lý nào  vì như đã giải thích ở trên:  các linh hồn trong luyện tội không cần sự giúp đỡ “đời đời”, các Thánh trên Thiên Đàng không cần ai trợ giúp nữa, còn những linh hồn trong hoả ngục thì không thể giúp được vì không còn sự hiệp thông nào với nơi này. Hơn thế  nữa, làm sao người nhận tiền xin Lễ đời đời có thể thực hành được điều này khi mà chính người đó hay Tu Hội, Cộng Đoàn nào  làm việc này cũng không tồn tại “đời đời” trên trần thế này thì làm sao có thể  cầu nguyện hay dâng lễ đời đời cho ai để hưởng số tiền to bây giờ của những người xin vì không am hiểu giáo lý ?   

Việc “mua, bán hậu” lại càng vô lý và sai trái giáo lý hơn nữa.   

Trước hết  là không hề có giáo lý nào cho phép làm việc này. Sau nữa, chủ đích của việc làm này hoàn toàn sai trái về mặt thần học, về ơn cứu độ vì lý do sau đây : 

Nói đến sống  đời đời  là nói đến hy vọng được hưởng ơn cứu độ của Chúa nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Mà muốn hưởng ơn này thì nhất thiết phải “hoán cải và tin vào Tin Mừng” như Chúa Giêsu đã đòi hỏi ( x. Mc 1:15). Hoán cải hay sám hối để chừa bỏ tội lỗi và tin vào Tin Mừng có nghĩa là thực sự  mến Chúa và yêu người. Đây chính là phần đóng góp cần thiết của mỗi cá nhân vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô để được hưởng ơn cứu độ của Người. Không ai có thể làm thay người khác  trong việc quá hệ trọng này cũng  như không thể dùng tiền bạc để  đút  lót cho ai  lo hộ mình việc tối quan trọng này.   

Như vậy , “mua hậu” để làm gì ? có phải là bỏ nhiều tiền ra bây giờ để mua “bảo hiểm đời sau” cho cả người sống và người chết của một vài nơi  đã và đang rao bán dịch vụ mại thánh (simony) này để lừa dối những người không am hiểu giáo lý về ơn cứu độ không ? 

Chúng ta phải xác tín rằng việc cứu rỗi không bao giờ có thể đổi chác hay mua đuợc bằng tiền bạc hoặc  của cải vật chất  dù trị giá có thể cao đến đâu. Nếu sống mà không quyết tâm tìm Chúa và đi theo đường lối của Người thì có bỏ ra hàng trăm triệu đôla để mua hàng ngàn “cái hậu” cũng vô ích mà thôi vì tuyệt đối những thứ này không có chút giá trị cứu rỗi nào cho ai hết.   

Tôi quả quyết như vậy và thách đố ai trưng ra được căn bản thần học, giaó lý, Kinh Thánh nào khuyến khích hay cho phép làm việc này trong Giáo Hội.   

Là tín hữu ,chúng ta chỉ được kêu gọi sống đức tin ,đức cậy, và đức mến cách thích đáng  nghiã là thực tâm tin, yêu Chúa và yêu mến tha nhân như  Chúa đòi hỏi để được hưởng ơn cứu độ.  Và đây mới  thực sự là thứ  “bảo hiểm” có giá trị nhất ,hơn bất cứ  loại “hậu hay bảo  hiểm” nào khác mà một số người không am hiểu giáo lý đã và đang làm để trục lợi về tiền bạc và lừa dối người khác qua dịch vụ  “buôn thần bán  thánh” này trong cộng đồng Công giáo Việtnam ở trong nước cũng như  ở Mỹ này.   

Tóm lại, không có “cái hậu” nào có giá trị cứu rỗi, bảo đảm đời sau hơn chính nỗ lực của cá nhân cộng  tác với ơn Chúa ngay trong cuộc sống này cho đến ngày giờ sau hết  để được hưởng ơn cứu độ như giáo lý Công Giáo dạy.   

Vậy phải dứt khoát loại trừ  những việc sai trái  về cái gọi là “Lể đời đời” và mua bán “hậu”đời sau nếu muốn thực hành đức tin cách chính đáng trong Giáo Hội.   

Đó là tất cả những điều tôi cần nói thêm về vấn đề cầu nguyện cho các linh hồn, về điều kiện để được cứu rỗi và về những sai trái quanh vấn đề này.   

 

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 Tags: giáo luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay23,366
  • Tháng hiện tại592,851
  • Tổng lượt truy cập28,908,220

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây