Lược sử giáo họ biệt lập Trung Ái

Thứ ba - 04/06/2019 01:43

LƯỢC SỬ GIÁO HỌ BIỆT LẬP TRUNG ÁI

1

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Địa bàn mục vụ của giáo họ biệt lập Trung Ái bao gồm các khu vực: An Lộc, Hòa Nghi, Long Quang, Nghiễm Hòa, Phụ Quang, Trung Ái của phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.

Cộng đoàn giáo họ biệt lập Trung Ái bao gồm hai giáo họ: Trung Ái và Nghiễm Hòa. Trung tâm sinh hoạt là nhà thờ Trung Ái, khu vực Trung Ái, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc
Theo báo cáo hằng năm của Đức cha Van Camelbeke Hân viết ngày 28 tháng 09 năm 1894, họ đạo Trung Ái được thành lập năm 1893 với hơn 300 tân tòng.

Trước khi xảy ra cuộc bách hại của Văn Thân vào năm 1885, một thân hào trong vùng tên là "Cuong" (Cương, Cường ?)[1] bị những người có thế giá công kích và lên án bất công, đã tìm đến cha sở Quảng Vân (Làng Sông)[2] để thỉnh cầu ý kiến và xin được bảo hộ. Ông cho biết có một số gia đình nghèo tại Trung Ái muốn theo đạo. Phần ông, ông chưa quyết định.

Vào tháng 07 năm 1885 cuộc bách hại bùng phát như một tia sét, các nhân sĩ ở Trung Ái biết được một số dân trong làng muốn theo đạo, nên đã tàn sát 75 người làng, mặc dù họ chưa học giáo lý.

Ông Cường được bạn bè cảnh báo, nên đưa vợ con lên núi ẩn trốn. Gia đình ông bị tước đoạt hết mọi của cải. Sau cuộc trốn thoát đầy nguy hiểm, ông đưa gia đình đến được cảng Qui Nhơn, nơi các giáo dân đang được bảo vệ. Khi bình yên trở lại, ông trở về nhà và nhận được sự ưu ái của những người đã từng muốn lấy đầu của ông. Đáng ngạc nhiên là ông đã sớm được bầu làm trưởng làng.

Cuộc tử đạo của 75 dự tòng, những người đã nhận được phép Rửa bằng máu, đã sớm sinh hoa kết trái trên mảnh đất vinh quang này. Họ đạo Trung Ái sinh hoạt rất tốt đến nỗi người ta có thể tưởng rằng đó là một họ đạo kỳ cựu. Họ đạo có một nhà thờ và một nhà xứ với các công trình phụ rất hữu dụng; mọi thứ đều do sự quảng đại của ông Cường. Người Kitô hữu hăng hái này đã từ bỏ những chức năng dân sự của mình để dành thời gian nhiều hơn cho lợi ích của họ đạo.[3]

Cũng trong thời kỳ này địa sở Kim Châu được thành lập gồm 4 giáo họ: Kim Châu, Vườn Vông, Cù Lâm và Trung Ái. Trong thời gian làm cha sở Kim Châu từ năm 1894 đến 1897, cha Simon Nguyễn Văn Chính cũng thường đến ở tại Trung Ái. Vào thời cha Émile Laborier (Hảo) làm cha sở Kim Châu (1927-1929), cha phó Phaolô Nguyễn Tấn Thì đến ở tại Trường Cửu và phụ trách thêm hai giáo họ Trung Ái và Nghiễm Hòa.

Năm 1931, các họ đạo: Trường Cửu, Mỹ Ngọc, Tráng Long, Nhơn Nghĩa, Cù Lâm, Trung Ái và Nghiễm Hòa được tách khỏi địa sở Kim Châu để thành lập địa sở Trường Cửu.

1

Năm 1936, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hậu, cha sở Trường Cửu (1933-1939) xây dựng lại nhà thờ Trung Ái bằng gạch ngói, diện tích 294 m2.

Cha Gioakim Bùi Vĩnh Mười, cha sở Trường Cửu (1949-1954) tạm ở Trung Ái một thời gian, vì trong chiến tranh Việt-Pháp nhà thờ và nhà xứ Trường Cửu bị bom đánh sập.

Năm 1964, cha Philipphê Nguyễn Anh Thọ, cha sở Trường Cửu (1955-1992), rời Trường Cửu đến thường trú tại Trung Ái. Có thời gian cha về ở tại Khiết Tâm, năm 1974 cha về lại Trung Ái cho đến năm 1992.

1

Cha Phaolô Trương Đình Tu, cha sở Trường Cửu (1992-2010), ở tại Trung Ái. Nhà xứ Trung Ái đã được làm từ lâu đời bằng mái tranh vách đất. Lâu quá, nhà đã xiêu vẹo và ẩm thấp. Cha Tu xây dựng lại nhà xứ khang trang, thoáng mát bằng những vật liệu hiện đại.

1


Ngày 01 thàng 09 năm 2003 Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm làm phó xứ. Cha sở và cha phó vẫn ở tại Trung Ái. Ngày 12 tháng 12 năm 2004, cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm được bổ nhiệm làm cha phó biệt lập ở tại nhà thờ Khiết Tâm.

Nhà thờ Trung Ái được xây dựng năm 1936, trải qua thời gian đã hư hại nặng. Cha Tu đã xây dựng nhà thờ mới theo kiến trúc Á Đông, nội thất bằng gỗ, được chạm trổ tinh vi.

Ngày 11 tháng 04 năm 2007, cha Phêrô Hoàng Kym, Tổng Đại diện Giáo phận, chủ tế thánh lễ làm phép nhà thờ Trung Ái.

1


Ngày 22 tháng 3 năm 2010, cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm cha sở Trường Cửu nhưng vẫn ở tại Khiết Tâm. Ngày 23 tháng 3 năm 2010, cha Phaolô Trương Đình Tu được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm cha sở Nam Bình. Tại Trung Ái không còn linh mục ở tại chỗ, nhưng hàng ngày cha Tâm vẫn đến dâng thánh lễ cho giáo dân.

Ngày 05 tháng 04 năm 2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Minh Trường làm phó xứ Trường Cửu, nhưng ở tại Trung Ái.

2. Thành lập giáo họ biệt lập
Ngày 01 tháng 09 năm 2015, hai giáo họ Trung Ái và Nghiễm Hòa được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi tách khỏi giáo xứ Trường Cửu để thành lập giáo họ biệt lập Trung Ái. Cha Phêrô Nguyễn Minh Trường, phó xứ Trường Cửu, được đặt làm quản nhiệm giáo họ biệt lập này.

Ngày 27 tháng 07 năm 2016, cha Giuse Phan Thế Vinh được bổ nhiệm làm quản nhiệm giáo họ biệt lập Trung Ái, thay cho cha Phêrô Nguyễn Minh Trường. Cha Vinh tiến hành thay khung sườn gỗ của mái nhà thờ đã bị mối ăn bằng khung sườn sắt vững bền. Cha cũng xây dựng ngôi nhà hai tầng bên cạnh nhà thờ để làm nhà giáo lý và phục vụ các sinh hoạt của cộng đoàn giáo họ biệt lập.

 

1

 

1


Cuối năm 2018 giáo họ biệt lập Trung Ái có 98 gia đình, 325 tín hữu, được phân bố trong 2 giáo họ: Trung Ái 227, Nghiễm Hòa 98.

3. Các tu sĩ xuất thân từ giáo họ biệt lập Trung Ái
1) Nữ tu Elisabeth Lê Thị Công, dòng thánh Phaolô Đà Nẵng.
2) Nữ tu Isave Trần Kim Thoa, dòng kín ở tiểu bang New Mexico, Mỹ. 

 


[1] Trong bản văn báo cáo được viết bằng tiếng Pháp nên chỉ ghi Cuong. Ở đây ta tạm gọi là ông Cường.

[2] Lúc bấy giờ cha Triết đang làm cha sở Làng Sông, cha Gioakim Đạt làm cha phó.

[3] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Oriental 1894 - Mgr. Van Camelbeke.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

 Tags: lược sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay10,362
  • Tháng hiện tại53,653
  • Tổng lượt truy cập29,033,191

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây