Lược sử giáo xứ Nam Bình

Chúa nhật - 16/08/2020 22:28

GIÁO XỨ NAM BÌNH

Bổn mạng: Trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

1


I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN

1

1
 
1

 

Giáo xứ Nam Bình bao gồm các giáo họ: Nam Bình, Bắc Định, Vĩnh Minh, Bình Lâm, Nho Lâm và Quảng Điền. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Nam Bình, tọa lạc tại thôn Hữu Thành, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Địa bàn hành chánh của giáo xứ bao gồm: thôn Lộc Thuận của xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn; các thôn Háo Lễ, Nho Lâm, Lương Lộc của xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước; các thôn Quảng Điền, Văn Quang, Tân Điền, Luật Bình, Lương Quang, An Hòa của xã Phước Quang, huyện Tuy Phước; các thôn Hữu Thành, Bình Lâm, Tân Mỹ, Kim Xuyên của xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước.

Đây là vùng đất đã được tạo nên từ phù sa của các hạ lưu sông Kôn và mang nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Sông Kôn có hai hạ lưu chính đổ vào đầm Thị Nại. Hạ lưu phía Nam là dòng sông chảy vào địa bàn huyện Tuy Phước ngày nay. Khi bắt đầu chảy vào địa bàn xã Phước Hòa, dòng sông đã tách ra thành hai nhánh. Trên phần đất rộng giữa hai nhánh sông này, ngày nay còn để lại di tích của một thành phố Chăm, mà điểm nổi bật nhất là ngọn tháp Chăm có tên gọi là tháp Bình Lâm, vì tọa lạc trên địa bàn của thôn Bình Lâm hiện nay.

Theo lịch sử, sau khi bị thua Đại Việt, người Chăm dời đô từ Mỹ Sơn (Quảng Nam) vào Bình Định ngày nay. Tại đây, họ xây dựng kinh đô mới là thành Trà Bàn, quen gọi là Đồ Bàn,[1] thuộc thị xã An Nhơn ngày nay. Trước khi xây thành Đồ Bàn làm kinh đô, họ xây thành Thị Nại, tiếng Chăm là Crini-Bany hay Cri-Banoi. Thành được xây dựng giữa hai nhánh sông Kôn và quay mặt ra đầm Thị Nại, như tiền đồn trấn giữ cho kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chămpa. Nhánh sông phía Nam ngày nay gọi là sông Cầu Đun, nhánh sông phía Bắc gọi là sông Gò Tháp, có lẽ vì nằm sát gò đất có xây ngọn tháp Bình Lâm. Vết tích còn lại của tường thành phía Bắc là một dải gạch đổ dài trên 200m dọc theo sông Gò Tháp, trên đó còn một đoạn tường khá nguyên vẹn. Tường thành phía Nam chạy dọc theo sông Cầu Đun. Dấu vết còn lại là một dải đất cao có bề mặt rộng tới 15–20m.

Vào thời điểm ấy bờ phía Tây của đầm Thị Nại nằm ngay dưới chân ngọn tháp Bình Lâm và thành Thị Nại là một thương cảng quan trọng của vương quốc Chămpa, nơi có nhiều thương thuyền các nước đến buôn bán. Năm 1471, trước sức tấn công của quân Đại Việt do vua Lê Thánh Tông thân chinh, thành Thị Nại thất thủ. Sau đó, quân Đại Việt kéo lên chiếm kinh thành Đồ Bàn. Từ đó Thị Nại mất vị trị phòng thủ kinh đô nên cũng tàn lụi và dần dần biến mất, chỉ còn ngôi tháp vẫn sừng sững với thời gian.[2]

Trong khi phố cảng Thị Nại của người Chăm bị tàn lụi cùng với vương quốc Chămpa, thì một phố cảng khác của người Việt đã bắt đầu xuất hiện cách đó không xa, cũng trên bờ đầm Thị Nại nhưng xích về phía Bắc sông Gò Tháp, đó là thương cảng Nước Mặn, hiện nay thuộc địa bàn thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trong Hồng Đức bản đồ (1490) thương cảng Nước Mặn được ghi là "Nước Mặn hải môn". Phố cảng này phát triển đến đỉnh cao trong thế kỷ XVII dưới triều các chúa Nguyễn đang cai trị Đàng Trong, với chính sách cởi mở trọng thị đối với các thương nhân ngoại quốc, đặc biệt là Trung Hoa, Nhật Bản trong việc trao đổi hàng hóa.

Đây cũng là chiếc nôi truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn và đồng thời cũng là chiếc nôi của chữ quốc ngữ, khi mà vào tháng 7 năm 1618, các thừa sai dòng Tên đã đến đây và lập cư sở truyền giáo chính thức đầu tiên tại Đàng Trong.

Sang thế kỷ XVIII, thương cảng Nước Mặn bắt đầu sa sút. Năm 1749-1750, Pierre Poivre, thương nhân Pháp, du hành đến Đàng Trong và viết trong hồi ký của mình: "Tại tỉnh Qui Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn là một cảng tốt, an toàn, được thương nhân lui tới nhiều, nhưng kém hơn Faifo (Hội An), lại không thuận tiện vì quá xa kinh thành, mà các thuyền trưởng thì nhất thiết phải đi đến kinh thành nhiều lần và phải đi ròng rã 6 ngày đường".[3] Bước sang thế kỷ XIX, thương cảng Nước Mặn vang bóng một thời đã suy tàn, các thương nhân đến các nơi khác hoặc về Qui Nhơn buôn bán, tạo tiền đề phát triển cho thành phố Qui Nhơn ngày nay.[4]  

Qua dòng chảy của thời gian, các hạ lưu của dòng sông Kôn cũng không ngừng chảy, đã đưa phù sa từ thượng nguồn xuống phủ lấp và thu hẹp đầm Thị Nại, khiến cho cả phố cảng Thị Nại của người Chăm cũng như thương cảng Nước Mặn của người Việt đã biến mất và nay chỉ còn lại một ít di tích lùi sâu trên một vùng đồng bằng. Dân chúng sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng nước sông vào những mùa mưa lũ cũng thường tàn phá hoa màu, ruộng đồng bị sa bồi thủy phá, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
1. Nguồn gốc
Được Chúa quan phòng soi đường dẫn lối, tháng 7 năm 1618, ông Trần Đức Hòa, Khám lý Tuần phủ Qui Nhơn đưa các thừa sai Dòng Tên: cha Francesco Buzomi, cha Francisco de Pina, cha Cristoforo Borri và tu huynh António Dias từ Hội An về ở trong vùng trách nhiệm của ông.[5] Quan Tuần phủ cung cấp đồ dùng, thực phẩm, làm nhà cho các thừa sai tại Nước Mặn. Theo báo cáo thường niên của các thừa sai Dòng Tên gởi về nhà Dòng ở Ma Cao: Năm 1620, tại Nước Mặn đã có 180 người lãnh nhận bí tích Rửa tội; năm 1625 có 602 người, năm nầy có 5 thừa sai thường xuyên ở Nước Mặn: Cha Francesco Buzomi (Ý), cha Gaspar Luíz (Bồ), cha Girolamo Majorica (Ý), thầy Domingos Mendes K’ieou (Ma Cao), thầy Romão Nishi (Nhật).[6] Trong số các tín hữu mới có những trí thức và đại quan như ông Nghè Chiêu (Chiểu, Chiếu ?) thánh hiệu Inhaxiô, vợ chồng Ursula và Inhaxiô. Bà Ursula là con gái của quan phủ Qui Nhơn, ông Inhaxiô là một đại thần quê Nước Mặn.

Nước Mặn là cư sở đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên. Từ nơi đây các thừa sai đã đặt nền móng cho công cuộc rao giảng Tin Mừng cho cả Đàng Trong. Nước Mặn thuộc địa bàn giáo xứ Nam Bình ngày nay. Vì vậy có thể nói Nam Bình là giáo xứ có diễm phúc đón nhận hạt giống Tin Mừng đầu tiên trong toàn Giáo phận và lịch sử của giáo xứ Nam Bình cũng có chiều dài bằng lịch sử Giáo phận Qui Nhơn.

Sau 47 năm hiện diện tại Nước Mặn, các thừa sai Dòng Tên như đã hoàn thành nhiệm vụ làm người mở đường cho việc rao giảng Tin Mừng trên vùng đất Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi. Các linh mục Hội Thừa sai Paris (MEP) tiếp tục công việc truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên. Cha Antoine Hainques là thừa sai Paris đầu tiên đã đến Nước Mặn và lập một bệnh xá tại đây.[7] Để 'biết từng con chiên', năm 1671 Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi của Địa phận Đàng Trong, đã đến thăm mục vụ tại Nước Mặn. Lúc bấy giờ số linh mục thừa sai còn quá ít, sự hiện diện của các linh mục trong vùng rất thưa thớt, chẳng hạn một mình cha Jean Baptiste Ausiès phụ trách cả vùng Bình Định – Phú Yên từ năm 1683 đến 1709. Cha qua đời tại Nước Mặn năm 1709.

Trong bảng thống kê năm 1747, vùng truyền giáo do các thừa sai Paris phụ trách có 13 giáo điểm, trong đó Nước Mặn có 100 tín hữu.[8] Trong bảng thống kê năm 1850 của Thánh Giám mục Stêphanô Thể, Nước Mặn có 44 tín hữu; Xóm Bắc 327; Xóm Nam 280.[9] Xóm Nam (Nam Bình), Xóm Bắc (Bắc Định) là những họ đạo đã được thành lập sau năm 1747 và trước năm 1850.

Vì là thời buổi cấm đạo, các linh mục thừa sai khó xuất hiện, các linh mục Việt Nam cũng không dễ cố định tại một nơi. Hơn nữa, số linh mục quá ít oi, vào thời điểm năm 1850, Địa phận Đông Đàng Trong, từ Bình Thuận đến hết Quảng Nam, chỉ có 5 linh mục thừa sai và 20 linh mục Việt Nam làm việc mục vụ.[10] Do đó, sự hiện diện của các linh mục tại các địa sở có tính cách vãng lai. Tuy nhiên vào thời điểm Đức cha Stêphanô Cuenot Thể bị bắt tại Gò Bồi (tháng 10 năm 1861) thì có cha Thọ là cha phó Gò Thị thường xuyên ở tại Xóm Nam. Quân lính bao vây nhà bà Huỳnh Thị Lưu ở Gò Bồi với mục đích để bắt cha Thọ, vì họ nghĩ rằng cha Thọ đang đi thăm các tín hữu tại đây.

2. Thành lập địa sở
- Cha Étienne Vivier Huệ (1883-1885)
Hiện biết cha Étienne Vivier Huệ là cha sở đầu tiên của địa sở Xóm Nam. Cha Vivier Huệ thụ phong linh mục ngày 6 tháng 6 năm 1868 tại Pháp. Ngày 16 tháng 8 năm 1868, cha rời Pháp, lên đường nhập Địa phận Đông Đàng Trong. Cha học tiếng Việt tại Gò Thị, làm giáo sư và giám đốc Chủng viện Làng Sông, cha sở Phú Thượng, giám đốc Đại Chủng viện Nước Nhỉ. Năm 1883, cha được bổ nhiệm làm cha sở Xóm Nam, gồm 5 họ đạo lâu đời được tách từ địa sở Gò Thị: Nước Mặn, Xóm Nam, Xóm Bắc, Vĩnh Minh, Vĩnh Thạnh.[11]  Như vậy, năm 1883 được xem là thời điểm Xóm Nam được thành lập địa sở.

Năm 1883, bầu khí chống các thừa sai đã lan rộng trong dân chúng. Một hôm trên đường đi từ Bình Lâm về Xóm Nam, cha Vivier bị dân Bình Lâm bắt giữ. Sau một ngày một đêm bị giữ tại Bình Lâm, dân làng Bình Lâm bàn nhau không nên gây tội ác, họ thả cha về nhưng cha không chịu về nếu chưa thuyết phục được họ nhận ra điều tốt hơn. Kết quả là sáng hôm sau cha được dân làng Bình Lâm đưa cha về Xóm Nam trong một chiếc võng, có các đầu mục của làng đi theo. Sự việc nầy khiến cha có một nguyện ước như cha đã bộc bạch: "Tôi sẽ thành lập một cộng đoàn và một nhà thờ tại Bình Lâm trước khi tôi qua đời".[12] 

Năm 1885, số tín hữu địa sở Xóm Nam lên đến 1.200 người, riêng họ đạo Xóm Nam có 600 người. Để tránh cuộc bách hại của Văn Thân, ngay từ ngày 2 tháng 8 năm 1885, cha Vivier Huệ dẫn giáo dân chạy xuống Gò Thị. Cha Martin Bạch, cha sở Gò Thị, và cha Vivier Huệ kết hợp với nhau tìm phương kế ứng phó với Văn Thân. Chiều ngày 4 tháng 8 năm 1885, hai cha dẫn hơn 3.000 giáo dân xuống Qui Nhơn. Trên đường đi, cha Martin Bạch đột ngột qua đời tại Diêm Điền. Phần đông giáo dân đã đi theo cha Vivier Huệ xuống Qui Nhơn, được cha dẫn vào Gia Định. Một số giáo dân Xóm Nam, khoảng 200 người, chưa kịp chạy trốn đã bị Văn Thân sát hại tại chợ Trường Thuế.

Năm 1887, cha Vivier Huệ đưa giáo dân lánh nạn tại Gia Định trở về quê quán, nhưng có khoảng 100 người ở lại Gia Định. Cha được bổ nhiệm làm cha sở Gò Thị, kiêm nhiệm Xóm Nam, có cha Phêrô Lê Văn Du làm phụ tá Gò Thị, biệt cư ở tại Xóm Nam. Cha Du đưa hài cốt những giáo dân bị Văn Thân sát hại trong 4 hầm tại chợ Trường Thuế về an táng trong 4 dãy mồ tập thể trước nhà thờ Xóm Nam, chứ không xây đài chứa hài cốt như tại các địa sở Bắc Bình Định. Từ đó, hằng năm cứ đến tiết Thanh Minh thì ở Xóm Nam có tục đi dẫy mả thánh.
Cha Du cũng tìm cách dựng lại những nhà thờ đã bị Văn Thân đốt phá: Xóm Nam, Xóm Bắc, Vĩnh Minh, Vĩnh Thạnh..., dù là những nhà tranh vách đất. Định cư các tín hữu xong, cha còn giúp họ truy thu những ruộng vườn đã bị người lương chiếm trong thời gian họ lánh nạn. Đây cũng là thời điểm nguyện ước của cha Vivier Huệ được Chúa chuẩn nhận. Năm 1896, cha Vivier rửa tội những tân tòng đầu tiên tại Bình Lâm, lúc bấy giờ Bình Lâm thuộc địa sở Gò Thị. Năm 1897, họ đạo Bình Lâm được thành lập và được cha Vivier làm nhà nguyện cho. Đây là nhà nguyện được làm sớm nhất trong số các họ đạo mới được thành lập trong thời gian nầy.

- Cha Paul Emile Mathey Thiện (1890-1898)
Trong báo cáo thường niên năm 1890 của Đức cha Van Camelbeke Hân, lúc bấy giờ trong tỉnh Bình Định đã có 6 địa sở. Đức cha thành lập thêm 2 địa sở mới và trao cho 2 thừa sai: cha Paul Emile Mathey Thiện và cha Louis Nézeys.[13] Tiểu sử của hai thừa sai cho thấy thời điểm nầy cha Mathey ở tại Xóm Nam và cha Nézeys ở tại Đồng Quả. Như vậy năm 1890, Xóm Nam được tái lập địa sở sau khi bị Văn Thân tàn phá.
Khi đến Xóm Nam, ngoài những họ đạo đã có, cha Mathey còn mở đạo xa hơn, như tại các thôn Lương Lộc và An Cửu. Trong thời gian cha Mathey làm cha sở Xóm Nam, có một thời cha phải đi về giữa Xóm Nam và Làng Sông. Từ tháng 2 năm 1892 đến tháng 7 năm 1894, cha làm giáo sư Chủng viện Làng Sông. Từ năm 1897-1898, cha Marius Julien Jean làm phụ tá cho cha Mathey tại Xóm Nam. Năm 1898, cha Mathey được bổ nhiệm làm cha sở Gò Thị.

- Cha Gustave Paul Dubulle Phương (1898-1908)
Năm 1898, cha Gustave Paul Dubulle Phương được bổ nhiệm đến Xóm Nam. Sau vài tháng cha rửa tội 63 người lớn, năm 1900 rửa tội 77 người. Tổng số giáo dân địa sở Xóm Nam trong thời điểm nầy có 1.399 người. Cha rất thương người, sẵn sàng giúp đỡ mọi người không phân biệt lương giáo. Nhà cha là một trạm phát thuốc, chính cha làm thuốc và băng bó. Trong thời của cha, Xóm Nam được gọi chính thức là Nam Bình, Xóm Bắc được gọi là Bắc Định. Từ đó địa sở Xóm Nam được gọi là địa sở Nam Bình cho đến nay. Lúc bấy giờ họ đạo Mỹ Cang thuộc địa sở Nam Bình,  nhà thờ Mỹ Cang tọa lạc trên đồi Thanh Liêm, không tiện cho việc đi lại hôm sớm kinh nguyện của giáo dân. Do đó, cha Dubulle Phương cho di dời nhà thờ Mỹ Cang về tại xóm Bắc thôn Xuân Mỹ thuộc xã Phước Hiệp ngày nay. Năm 1905 cha lập họ đạo Nho Lâm và rửa tội 51 người lớn. Cùng năm nầy, cha đã xây móng và đặt mua gỗ để chuẩn bị xây dựng nhà thờ Nam Bình.[14] Năm 1907, cha Phêrô Nho được đưa về làm cha phó một năm.

- Cha Phaolô Phan Văn Thoàn (1908-1914)
Công việc đang tiến hành, nhưng vì nhu cầu mục vụ, năm 1908 cha Dubulle được bổ nhiệm làm cha sở Truông Dốc, và cha Phaolô Phan Văn Thoàn đến thay.

- Cha Gustave Paul Dubulle Phương, lần 2 (1914-1920)

1

 

Năm 1914 cha Thoàn được đổi đi Nước Nhỉ và cha Dubulle Phương về lại Nam Bình, sau mấy tháng về Pháp để vận động tài chánh. Hai cha phó lần lượt được đưa về giúp là cha Giuse Miễn (1914) và cha Phanxicô Xaviê Hương (1915). Cha Dubulle tiếp tục xây dựng nhà thờ Nam Bình như ngày nay, hoàn thành năm 1918. Công trình theo kiến trúc Gothique, nói được là vĩ đại vào thời bấy giờ, với hai hàng cột bằng gỗ lớn và cao, trần nhà đan bằng tre theo kiểu Ogival-gothique. Nhà thờ có hai tháp cao, tháp phía Đông ngày nay còn hai chuông, chuông lớn do ông Thông Nhơn cúng, chuông nhỏ hơn do cha Dubulle Phương mua từ Pháp. Sau khi về Pháp, năm 1930 cha Dubulle đã gởi tặng nhà thờ Nam Bình một đồng hồ lớn đánh giờ trên quả chuông, tiếng vang đến bốn năm cây số, thật là một điều hiếm có vào thời bấy giờ. Nay đồng hồ nầy không còn. Nhà vuông Nam Bình cũng do cha Dubulle xây dựng. Đây là một ngôi nhà rộng rãi, nền cao để tránh lụt, vách dày để chống nóng, khá vững chắc để có thể lên tầng khi cần, nhưng mái lợp tranh. Nhà vuông này được lợp ngói thời cha Giuse Nguyễn Văn Ái và vẫn còn tồn tại cho đến nay.

Trong khi xây dựng các cơ sở vật chất, cha Dubulle cũng không quên xây dựng về mặt tinh thần cho cộng đoàn địa sở, đặc biệt tổ chức việc học và thi kinh, thiên. Năm 1919, cha Anrê Cậy được đưa về làm cha phó tại Nam Bình cho đến năm 1922.

- Cha Jules Joseph Saulot Lượng (1920 – 1923)
Năm 1920 cha Dubulle về Pháp và cha Jules Joseph Saulot Lượng đến thay thế, có cha Đoán quê Kim Châu làm phó giúp việc mục vụ. Tuy cha Saulot Lượng nói tiếng Việt rất khó nghe, nhưng cha rất chịu khó giảng dạy, nhất là dạy giáo lý cho thiếu niên trước khi ngồi tòa. Năm 1922, cha Tôma Đoán được đưa về Nam Bình làm cha phó thay thế cha Cậy trong một năm.

- Cha Henri Bonhomme Toại (1923)
Năm 1923, cha Saulot được đặt làm quản lý Nhà chung và cha Henri Bonhomme Toại được đưa về làm cha sở Nam Bình thay cha Saulot, nhưng vì sức khỏe kém nên cha phải trở về Pháp điều trị và qua đời ở Pháp.

- Cha Giacôbê Huỳnh Văn Chỉ (1923-1939)
Năm 1923 cha Giacôbê Huỳnh Văn Chỉ từ Thác Đá đến thay cha Bonhomme. Cũng trong năm ấy cha Phanxicô Xaviê Tuyên làm phó biệt cư ở họ Vĩnh Minh cho đến năm 1924. Sau cha Tuyên một thời gian là cha Phanxicô Xaviê Phan Đức Ban.

Cha Chỉ rất tích cực trong việc mở đạo cho người ngoại và lập nhiều họ đạo mới như: Lương Lộc, An Cửu, Thiều Quang, Háo Lễ, Thanh Mai, Thái Xuân; riêng Lộc Thuận khi được lập họ đạo, đồng thời nhà thờ cùng được xây dựng. Nhà thờ tường gạch mái ngói đặc biệt hơn các nhà thờ khác vì giáo dân ở đây đóng góp nhiều vào công trình nhà thờ. Ở đây có vị cử nhân tên gọi là Cử Dư, được mọi người kính nể, cả gia đình ông cùng theo đạo, nên rất nhiều người trong làng cũng như ở các làng chung quanh theo gương ông trở lại đạo.

Ngoài việc thành lập những họ đạo mới, cha Chỉ còn lo cho những họ đạo lớn có nhà thờ khang trang xứng đáng. Ngoài họ đạo Nam Bình còn có 3 họ đạo lớn khác là Bắc Định, Vĩnh Minh và Vĩnh Thạnh. Cha vận động các gia đình khá giả trong họ góp tiền của, còn người nghèo thì giúp công. Cha cũng xin Địa phận hỗ trợ. Công trình được xây dựng trước hết trong thập niên 20 là nhà thờ Vĩnh Minh và nhà vuông, nhờ sự đóng góp rộng rãi của ông trùm Kính. Cả hai ngôi nhà đều xây gạch, mái ngói. Tiếp theo là nhà thờ Bắc Định được xây dựng trong thập niên 30. Kiến trúc sư là thầy Phân, thầy giảng cựu và đồng thời cũng là ông câu nhất trong họ, với sự đóng góp kinh phí của nhà bà phó tổng Hài, thầy Nhơn, ông trùm Phỉ... Cuối cùng là nhà thờ Vĩnh Thạnh được xây dựng từ năm 1935 đến 1937 trên phần đất của Tôi tớ Chúa Mađalêna Huỳnh Thị Lưu, cũng theo thiết kế của thầy Phân, với sự đóng góp của ông câu Tằng, cháu ngoại bà Huỳnh Thị Lưu, ông câu Cừu, và một số gia đình khá giả khác. Ngày khánh thành, chính Đức cha Tardieu Phú về làm phép nhà thờ.

Năm 1939, họ đạo Vĩnh Thạnh được tách khỏi địa sở Nam Bình cùng với các họ đạo Bảo An, Tân Thành, Lạc Điền được tách từ địa sở Gò Thị, để thành lập họ đạo biệt lập Lạc Điền, phụ thuộc Gò Thị.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giám mục địa phận, cha Chỉ mở trường dạy Quốc ngữ tại Nam Bình. Nhân cơ hội này, Bà Hàm cúng cho địa sở ngôi nhà của bà, cha dùng ngôi nhà này làm lớp học. Có các thầy giáo tập đến dạy học: Thầy Kế, thầy Hóa, thầy Đề (quê Đồng Quả), thầy Ân (quê Nghĩa Điền), thầy Hồng (quê Cây Vông).

- Cha Pierre Gauthier Báu (1939-1940)
Năm 1939, cha Chỉ về nghỉ hưu tại Làng Sông và mùa hè năm ấy cha Pierre Gauthier Báu, nguyên là giáo sư Đại Chủng viện Qui Nhơn, được bổ nhiệm làm cha sở Nam Bình. Nhưng đến tháng 9 năm 1939 cha Gauthier nhận lệnh động viên nhập ngũ, cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển từ Lạc Điền đến tạm thay thế. Tháng 11 năm 1939 cha Gauthier được giải ngũ và trở lại Nam Bình; cha Quyển được bổ nhiệm làm cha phó Nhà Đá. Tháng 4 năm 1940 cha Gauthier nhận lệnh động viên lần thứ hai, cha Jean Marie Tourte Quí tạm thay thế. Tháng 7 năm 1940 cha Tourte Quí được bổ nhiệm làm thư ký ở Toà Khâm sứ Huế, cha Marc Lefèbvre Kim, nguyên là giáo sư Tiểu Chủng viện tạm thay thế trong kỳ hè. Cuối tháng 8 năm 1940, cha Antôn Phùng Văn Linh, quê Nam Bình, đang làm giám đốc nhà hưu dưỡng Đại An, về làm mục vụ tại Nam Bình.

- Cha Jean Marie Tourte Quí (1941-1943)
Đầu tháng 9 năm 1941, cha Jean Marie Tourte Quí trở lại Nam Bình, cha Linh về lại nhà hưu dưỡng Đại An. Cha Tourte làm cha sở Nam Bình cho đến năm 1943 thì trở về Pháp. Trong thời gian này cha xây ngôi trường 2 tầng bên cạnh nhà thờ, theo kiến trúc Tây phương rất đẹp. Tầng trệt có 2 phòng hai bên dùng làm phòng học, phòng giữa để tiếp phụ huynh học sinh, tầng trên có một phòng ở giữa dùng làm nơi ở cho các nữ tu Mến Thánh Giá phụ trách việc dạy học cho các em thiếu nhi. Hai nữ tu đến phục vụ đầu tiên là Virginie Lộc và Raymonde Kiển.

- Cha Tôma Nguyễn Văn Tới (1943-1944)
Năm 1943, sau khi cha Tourte trở về Pháp, cha Tôma Nguyễn Văn Tới từ Vạn Giã về làm cha sở Nam Bình. Trong thời gian này có cha Alexis Lê Trung Hậu làm cha phó, nhưng ở Vĩnh Minh.

- Cha Giuse Nguyễn Văn Ái (1944-1950)
Tháng 4 năm 1944, cha Tới đi làm tuyên úy bệnh viện Kim Châu và cha Giuse Nguyễn Văn Ái từ Quảng Nam về làm cha sở Nam Bình. Thời cha Ái làm cha sở Nam Bình (1944-1950) là thời Việt Minh, nên cha phải khôn khéo lắm mới vượt qua khó khăn. Nhờ tiết kiệm, năm 1946 cha có đủ tiền làm lại sườn mái nhà vuông để lợp ngói thay cho tranh, vì thời kỳ sau năm 1945 tranh rạ rất đắt, nhà vuông thì quá rộng lớn, lại cứ 2 năm một lần phải lợp lại rất bất tiện và tốn kém. Năm 1947, cha mua lại cây gỗ của những nhà cửa tại Qui Nhơn bị chính quyền phá dỡ trong chính sách tiêu thổ kháng chiến, để đem về đóng băng ghế nhà thờ Nam Bình, hằng năm khỏi tốn một ngân khoản khá lớn để mua chiếu trải nhà thờ. Sau cùng, cha xây cất hang đá Đức Mẹ để dân chúng đến bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ và cầu xin cho hòa bình đất nước.

- Cha Phaolô Trương Công Chánh (1950-1951)
Năm 1950 cha Ái đi làm cha sở Kim Châu, cha Phaolô Trương Công Chánh về làm cha sở Nam Bình. Cha gặp nhiều khó khăn vì hoàn cảnh chính trị, nên năm 1951 cha phải về nghỉ tại gia đình ở Hòa Mục và qua đời tại đó cũng trong năm ấy.

- Cha Luy Nguyễn Bảo  (1951-1954)
Năm 1951 cha Luy Nguyễn Bảo đang dưỡng bệnh tại Vĩnh Thạnh được cha Bề trên Phêrô Đặng Quyền Huy chỉ định đến ở thường trực tại Nam Bình thay thế cha Chánh.

- Cha Phanxicô Nguyễn Quang Hiền (1954-1970)
Sau hiệp định Genève 1954, cha Phanxicô Nguyễn Quang Hiền về làm cha sở Nam Bình. Cha đã đẩy mạnh việc truyền giáo trong vùng, lập thêm các họ đạo, như Văn Quang, Quảng Điền, và xây nhà thờ cho họ. Họ đạo Nho Lâm đã có từ trước, nhưng vì số tân tòng gia tăng, nên cha đã xây cho họ một ngôi nhà thờ rộng rãi khang trang. Cha còn tu bổ các cơ sở nhà thờ, nhà vuông, trường học bị hư hoại trong thời kháng chiến. Tại Nam Bình cha xây thêm một trường học để có đủ 5 phòng cho 5 lớp tiểu học. Song song với công trình xây dựng vật chất, cha còn lập Hiệp hội Thánh Mẫu trong toàn địa sở, đoàn ngũ hóa giáo dân, để xây dựng lòng đạo đức sốt sắng cho các tín hữu và có thêm người làm việc tông đồ, và theo lời mời gọi của cha, nhiều đoàn viên Hiệp hội Thánh Mẫu đã tình nguyện dạy giáo lý cho các dự tòng.

Theo quyết định của Hội đồng Giáo phận họp tại Tòa Giám mục Qui Nhơn ngày 6 tháng 2 năm 1961, địa sở Nam Bình được tuyên bố là một trong số 49 giáo xứ chính thức theo giáo luật (Paroecia) trong Giáo phận Qui Nhơn (lúc ấy chưa chia tách Giáo phận Đà Nẵng).[15] 

Để góp phần nâng cao trình độ dân trí cho dân, cha đã cùng với ông câu Phước, tức ông Võ Tư, đang làm đại diện xã Phước Hòa, thành lập một ngôi trường trung học đệ nhất cấp tên là trường Nam Hòa (Nam Bình - Phước Hòa), bên cạnh chợ Trường Thuế. Năm 1965, vì miền quê mất an ninh, nên cha cùng giáo dân di cư về Qui Nhơn, khi có thể, cha trở về Nam Bình. Sau đó cha bị ung thư phải xin nghỉ bệnh và qua đời ngày 19 tháng 9 năm 1971 tại Qui Nhơn.

- Cha Gioakim Huỳnh Văn Hoá (1970-1973)
Năm 1970, cha Gioakim Huỳnh Văn Hóa được đưa về làm cha sở Nam Bình. Tuy là thời kỳ bom đạn, nhiều giáo dân bỏ xứ ra đi, nhưng cha vẫn kiên trì ở với số giáo dân còn ở lại Nam Bình. Năm 1973, một quả bom đã rơi xuống khuôn viên nhà thờ và cha bị một mảnh bom vào đầu nên phải về Qui Nhơn chữa trị và ở lại nhà hưu dưỡng Qui Nhơn. Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhuận, cha sở Gò Thị, kiêm nhiệm công việc mục vụ tại Nam Bình cho đến năm 1975.

3. Giai đoạn bao gồm cả Lạc Điền và Hòa Bình
- Cha Bonaventura Nguyễn Văn An  (1975-1989)
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giáo dân di tản bắt đầu trở về. Nhưng những gia đình cốt cán thì không. Tháng 6 năm 1975, cha Bonaventura Nguyễn Văn An từ Giáo phận Đà Nẵng trở về và được bổ nhiệm làm cha sở Nam Bình. Vì Giáo phận thiếu linh mục, nên giáo xứ Nam Bình lúc này còn bao gồm cả các giáo họ của 2 giáo xứ Lạc Điền và Hòa Bình; ngoài ra cha sở Nam Bình còn phải kiêm nhiệm cả giáo xứ Vườn Vông nữa. Do đó địa bàn mục vụ của cha rất rộng và công việc rất vất vả đối với tuổi già của cha.
Qua thời gian và do ảnh hưởng của chiến tranh, nhà thờ Nam Bình đã xuống cấp trầm trọng, nhất là phần mái. Cha phải kiếm tiền để thay lại những cây đà và đòn tay bị mối mọt, thay rui mè và lợp lại ngói mới. Công việc hết sức nặng nề vào thời buổi ấy.

- Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi (1989-2000)
Ngày 27 tháng 8 năm 1989, cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi vừa thụ phong linh mục ngày 10 tháng 5 năm 1989 được Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đưa về Nam Bình nhậm chức cha sở. Cha đi thăm viếng tất cả các gia đình trong cả địa bàn mục vụ của mình, để tiếp cận cuộc sống đạo đời của các tín hữu. Từ chiều thứ bảy đến hết ngày Chúa nhật cha dâng lễ tại nhà thờ Nam Bình, nhà thờ Vườn Vông, và sau khi đại tu nhà thờ Vĩnh Thạnh cha còn dâng lễ ở đó nữa. Cha đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo đời sống đức tin cho các tín hữu, nhất là giới trẻ. Vì vậy cha đã nhanh chóng thành lập và trực tiếp đào tạo các giáo lý viên, vì cha là giảng viên trong các khóa đào tạo giáo lý viên cấp Giáo phận do Đức cha Phaolô tổ chức. Ngoài ra, cha cũng cổ võ ơn gọi tu trì bằng cách thành lập nhóm dự tu cả nam lẫn nữ để thường xuyên hướng dẫn. 

Vào thời ấy hầu hết các cơ sở vật chất của các giáo họ đang bị xuống cấp trầm trong và nhiều gia đình vào ở trong các khuôn viên nhà thờ. Việc đầu tiên là cha đã động viên và giúp đỡ tài chánh để đưa các gia đình ra khỏi khuôn viên nhà thờ Nam Bình, nhà thờ Vình Minh và nhà thờ Vĩnh Thạnh. Tiếp đến cha đại tu nhà thờ Nam Bình: đóng lại trần bằng gỗ theo kiểu Gothique vì trần bằng nan tre đã hư hỏng, tu sửa những chỗ hư hỏng trong ngoài nhà thờ, xây lại hang đá Đức Mẹ, tu sửa nhà xứ, nhà các soeurs, nhà giáo lý; đại tu nhà thờ Vĩnh Minh và xây tường bao quanh; tu sửa mặt tiền và xây lại phần chính nhà thờ Vĩnh Thạnh, trùng tu trường Huỳnh Thị Luu để làm nhà vuông và nhà các soeurs, xây tường chung quanh khuôn viên nhà thờ; tu sửa mặt tiền và xây mới phần chính nhà thờ Vườn Vông; tu sửa nhỏ nhà thờ các giáo họ Bắc Định, Nho Lâm và Bình Lâm.

- Cha Gioakim Bùi Văn Ninh (2001-2009)
Cuối năm 2000 cha Matthêô được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn gửi đi học ở Rôma và đầu năm 2001 cha Gioakim Bùi Văn Ninh về thay thế. Cha tiếp tục và đẩy mạnh thêm chương trình mục vụ đã có, tăng thêm thánh lễ ngày thường tại các nhà thờ giáo họ, hoặc tại tư gia ở những nơi xa xôi và không còn nhà thờ. Năm 2002 cha đại tu nhà thờ Nam Bình một lần nữa: mở rộng cung thánh, phòng thánh, đóng lại trần nhà thờ ở phần cung thánh, cải tạo núi đá Đức Mẹ. Cha còn tu sửa và ổn định khuôn viên các nhà thờ giáo họ: Bình Lâm, Nho Lâm, Bắc Định, Bảo An, Tân Thành, Quảng Điền. Nhà thờ Bảo An bị bão đánh sập, chỉ còn mặt tiền, được cha xây lại phần chính. Nhà thờ Quảng Điền được cha xây mới, nhưng cho đến nay chính quyền chưa cho phép sử dụng.

Năm 2003, cha Phaolô Nguyễn Văn Khiêm được đưa về làm cha phó cho đến năm 2005. Ngày 3 tháng 6 năm 2005, giáo xứ Nam Bình mừng 100 năm ngày khởi công xây dựng nhà thờ Nam Bình và 387 năm Tin Mừng đến Nước Mặn. Thánh lễ do Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ tế, 26 linh mục đồng tế, khoảng 30 tu sĩ và hàng ngàn giáo dân cùng hiệp dâng Thánh lễ. Chiều ngày hôm trước, có sinh hoạt Trại Hiệp Nhất giữa các giáo lý viên, các bạn trẻ trong các giáo họ thuộc giáo xứ Nam Bình và các giáo xứ bạn.
Năm 2007, cha Matthêô Nguyễn Ngọc Vũ được đưa về làm cha phó Nam Bình cho đến năm 2010.

- Cha Phaolô Trương Đình Tu (2010-2016)
Ngày 23 tháng 3 năm 2010, cha Phaolô Trương Đình Tu được Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm cha sở Nam Bình, cùng với cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Mạnh làm cha phó. Cha Tu nới rộng các cửa sổ nhà thờ Nam Bình, sơn son thếp vàng bàn thờ. Ngày 1 tháng 5 năm 2011, cha Phaolô khởi công đại trùng tu Đền thánh Stêphanô (nhà thờ Vĩnh Thạnh).

1
 
1

 

Trong chương trình chuẩn bị Năm thánh mừng kỷ niệm 400 hạt giống Tin Mừng lần đầu tiên được gieo xuống cánh đồng Giáo phận tại Nước Mặn, ngày 4 tháng 5 năm 2011 Tòa Giám mục khởi công đào móng và xây dựng đài tưởng niệm tại Nước Mặn, được cha quản lý Gioan Võ Đình Đệ thiết kế theo hình một gốc đại thụ với 16 nhánh, tượng trưng cho 16 Giáo phận phát sinh từ gốc địa phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Ngày 5 tháng 8 năm 2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn về chủ sự nghi thức khánh thành và làm phép đài tưởng niệm, với sự tham dự của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục phó, cha Phêrô Hoàng Kym, Tổng đại diện, một số linh mục và giáo dân.

1
 
1
 
1

  

Ngày 8 tháng 9 năm 2011, trong cuộc viếng thăm Giáo phận Qui Nhơn lần thứ nhất, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, đã được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi hướng dẫn đến viếng đài tưởng niệm tại Nước Mặn, nơi đặt cơ sở truyền giáo đầu tiên của Giáo phận.


Ngày 14 tháng 11 năm 2012, lễ trọng kính Thánh Giám mục Stêphanô Cuenot Thể, Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận, chủ sự lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ Vĩnh Thạnh với tước hiệu Thánh Stêphanô Thể, Giám mục tử đạo. Nhà thờ có nội thất bằng gỗ được chạm trỗ và sơn son thếp vàng rất đẹp, xứng đáng làm đền thánh, một nơi hành hương của Giáo phận.

1

 

4. Giai đoạn không còn bao gồm Lạc Điền và Hòa Bình
Ngày 30 tháng 5 năm 2013, các giáo họ Vĩnh Thạnh, Lạc Điền, Tân Thành, Bảo An, Hòa Bình và Trung Lương được tách khỏi giáo xứ Nam Bình để thành lập giáo họ biệt lập Vĩnh Thạnh. Từ đây giáo xứ Nam Bình gồm các giáo họ: Nam Bình, Bắc Định, Vĩnh Minh, Bình Lâm, Nho Lâm và Quảng Điền. Cha Mạnh đang làm cha phó Nam Bình được bổ nhiệm làm cha quản nhiệm giáo họ biệt lập Vĩnh Thạnh và cha Phêrô Nguyễn Ngọc Đức được đưa về Nam Bình làm cha phó thay thế cha Mạnh cho đến năm 2016.

- Cha Phêrô Nguyễn Đình Hưng (2016-...)
Ngày 28 tháng 7 năm 2016, cha Phêrô Nguyễn Đình Hưng, nguyên là cha sở Lục Lễ, được Đức Giám mục Giáo phận đưa về làm cha sở Nam Bình thay cha Phaolô Trương Đình Tu.

1
 
1

 
Cha củng cố nhân sự hội đồng giáo xứ bằng cách bầu cử theo quy chế của Giáo phận. Tiếp đến, cha điều chỉnh ranh giới địa bàn các giáo họ để việc quản lý được chặt chẽ hơn. Ngoài thánh lễ hằng ngày tại nhà thờ giáo xứ, mỗi tuần cha đến dâng lễ tại các giáo họ một lần tại nhà thờ giáo họ, riêng giáo họ Quảng Điền thì cha dâng lễ tại nhà tư của giáo dân, vì nhà thờ vẫn chưa được chính quyền cho phép sử dụng.
Năm 2020, cha Phaolô Nguyễn Anh Quốc được đưa về làm cha phó Nam Bình cho đến nay.

Tính đến cuối năm 2019 giáo xứ Nam Bình có 319 gia đình, 1.006 tín hữu, được phân bố trong 6 giáo họ: Nam Bình 354, Bắc Định 200, Vĩnh Minh 99, Nho Lâm 145, Bình Lâm 106, Quảng Điền 102.

 


[1] Tức là thành Vijaya cũ của Chiêm Thành. Sách Thiên Nam dư địa chí gọi là Trà Bàn, sau này nhiều sách chép nhầm là Đồ Bàn, vì từ "trà" và từ "đồ" trong chữ Hán gần giống nhau. Xem PHAN KHOANG, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777. Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Chi nhánh Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh 2016, tr. 223, chú thích 2.

[2] Xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Thành_Thị_Nại
             https://vi.wikipedia.org/wiki/Tháp_Bình_Lâm
             www.baobinhdinh.com.vn/datnuoc-connguoi/2006/9/31947

[3] ĐỖ BANG, Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Hà Nội 1993, tr. 160; HENRI CORDIER, "Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine, description de la Cochinchine", trong Revue de Extrême-Orient, T. III, 1887, tr. 167.

[4] Trong tấm bia ở đền Quan Thánh thuộc thành phố Qui Nhơn có ghi một người họ Nguyễn, quê Nước Mặn, cúng năm quan tiền để xây dựng ngôi đền này vào năm 1837.

[5] Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn sáp nhập phần đất mới chiếm của Chiêm Thành vào đạo Quảng Nam, phần đất mới nầy được đặt là phủ Hoài Nhơn gồm ba huyện : Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Năm 1605, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi tên Hoài Nhơn thành Qui Nhơn, đặt quan Tuần phủ cai trị. Ông là Tuần phủ Qui Nhơn kiêm nhiệm Quảng Ngãi nên ông được gọi là Khám lý Tuần phủ Qui Nhơn.

[6]  Xem ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Antôn & Đuốc Sáng, USA 2006, tr. 67.

[7] Xem Notice biographique de Hainques.

[8] Xem ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823. Documents historiques II 1728-1771, P. Téqui, Paris 1924, tr. 189.

[9] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 58, 31 Octobre 1909, tr. 152.

[10] Xem R.P. TARDIEU, Hạnh Đức Cha Thể, Imprimerie Lang Song, 1907, tr. 58.

[11] Tổng hợp từ các sử liệu: Compte-rendu Mission de Quinhon 1942; AMEP, Notices nécrologiques, Vivier (1842-1898).

[12] Xem AMEP, Notices nécrologiques, Vivier (1842-1898).

[13] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1890 - Mgr.Van Camelbeke.

[14] Lần đầu tiên tên ‘Nam-Binh’ được thấy ghi trong tiểu sử cha Dubulle. Trước đó, trong các bản báo cáo và tiểu  sử các thừa sai đều ghi ‘Xóm Nam’. Kể từ đây tên gọi Nam Bình được thay cho tên gọi Xóm Nam.

[15] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 22, tháng 5 và 6 năm 1961, tr. 13.      

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay14,831
  • Tháng hiện tại124,006
  • Tổng lượt truy cập29,103,544

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây