Các thừa sai (MEP) ở Giáo phận Qui Nhơn

Thứ hai - 18/01/2021 17:29
cam phong 1937 jpg
 
Các thừa sai cấm phòng tại Đại Chủng Viện Qui Nhơn năm 1937
(Hiện nay là "Trung tâm Thông tin - Tư liệu", Đại học Quy Nhơn)




CÁC THỪA SAI (MEP)
Ở GIÁO PHẬN QUI NHƠN

Bulletin MEP, 1938, tr. 291
Thừa sai Émile Perreaux

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ



Trong gần hai thế kỷ, từ Sông Gianh (Quảng Bình) đến biên giới Xiêm La chỉ có một miền truyền giáo: địa phận Đàng Trong (tiền thân của giáo phận Qui Nhơn). Vào năm 1844, vị Đại diện tông tòa là Chân phước Cuénot (Thể)[1] đã tách địa phận Đàng Trong thành Tây Đàng Trong (6 tỉnh phía nam và Cao Mên) và Đông Đàng Trong, và vào năm 1850 ngài đã thiết lập Bắc Đàng Trong (Huế). Thật thú vị khi tìm hiểu xem có bao nhiêu thừa sai MEP làm việc trong lãnh thổ rộng lớn này của chúng ta từ năm 1659 đến 1850, những thừa sai này ra sao và những thừa sai chấp nhận chết trong địa phận chúng ta họ đã phục vụ bao nhiêu năm.

Cho đến năm 1844, địa phận Đàng Trong đã có 10 giám mục và 6 giám mục phó, nhưng có 2 giám mục và 1 giám mục phó không thuộc hội MEP. Danh sách các thừa sai trong Mémorial (I., tr. 645-650) không có 2 vị giám mục của chúng ta: Lambert de la Motte và Armand Lefèbvre. Như vậy, dường như giáo phận Qui Nhơn phải thêm vào danh sách hai tên tuổi này. Đàng khác, cha Launay có ghi tên thừa sai Manuel (I., 646) mà thực tế ngài thuộc Miền truyền giáo Xiêm La. Tuy nhiên, nếu theo ghi chú của ngài (II., 427), ta có thể đọc thấy rằng: “(Thừa sai Manuel) có nhiệm vụ đem đến Đàng Trong và Trung Hoa một dự luật chung cho hội MEP được Đức cha Laneau gởi đi, ngài đến Hội An và qua đời lúc vừa mới đến nơi, ngày 18 tháng Mười 1693”. Như thế, sự hiện diện qua đường và tên tuổi của ngài cần phải được bỏ đi khỏi danh sách các thừa sai của Giáo phận Qui Nhơn chúng ta. Như thế trong danh sách của cha Launay, nếu chúng ta thêm vào 2 giám mục và lược bỏ cha Manuel, thì còn lại 101 thừa sai.

Vào năm 1844[2], địa phận mới Sàigòn (Tây Đàng Trong) nhận 5 thừa sai: Đức cha Lefèbvre và các cha Miche (Mịch), Duclos (Lộ), Chamaison (Doãn) và Fontaine (Hoàn, Khâm); Qui Nhơn (Đông Đàng Trong) giữ lại 9: Đức cha Cuenot và các cha Jeanne, Douai (Đoài), Dégouts (Đề), Barbier (Ba), Lacroix (Viêm), rồi đến các cha Pellerin (giám mục phó vào năm 1864), Galy-Carles (Lý) và Sohier (Bình), người vào năm 1850[3] đã gia nhập vào giáo phận mới là Huế (Bắc Đàng Trong). Tất cả những tên tuổi này đã có trong danh sách của cha Launay vào năm 1844.

Nhưng từ năm 1844 đến 1850, địa phận của chúng ta nhận thêm 3 vị thừa sai mới: Combes (Bê), Dourisboure (Ân) và Arnoux (A), và Sàigòn nhận 5 vị: Borelle, Cordier, Aussoleil, Bouillevaux và Silvestre. Như vậy, 101 thừa sai vào năm 1844 cộng thêm 8 vị mới, tổng cộng là 109 thừa sai hội MEP cho khắp lãnh thổ Đàng Trong cũ của chúng ta từ năm 1659 cho đến 1850.

Vào năm 1850 thì Qui Nhơn gồm 10 thừa sai còn sống – cha Fontaine đã từ Sàigòn đến với chúng ta – Huế có 3 vị và Sàigòn 7 vị, vị chi là 20 vị cần phải rút ra trong danh sách 109 thừa sai. Vậy thì việc còn lại của chúng ta là chỉ cần cho biết 89 vị thừa sai khác như thế nào.

Có 5 vị không bao giờ đến nơi: Dionne qua đời tại Đàng Ngoài vào năm 1788; Duval chết ở Macao năm 1792; Guillou chết đuối khi qua sông Meinam (Xiêm) vào năm 1836; Le Comte qua đời tại Pondichéry năm 1700 và Montalant bị cầm tù ở Vịnh Gascogne năm 1796.

5 vị đã rời bỏ chúng ta sau khi đã làm việc một thời gian, Bourgeries sau 8 năm, Bourgine sau 17 năm, Maguelonne de Courtaulin sau 11 năm, Marion sau 5 năm, Rivoal sau 21 năm.

2 vị được gọi về làm giám đốc (chủng viện) ở Paris: Boiret sau 11 năm, Chamaison sau 6 năm.

2 vị đã trở thành giám mục Đàng Ngoài: Bennetat sau 23 năm ở với chúng ta và Longer sau 13 năm.

3 vị đã qua Xiêm: Chevreuil sau 8 năm, Gravé sau 4 năm và Vachet sau 7 năm.

6 vị đã chết ngoài địa phận: Faulet ở Batavia, Lambert de la Motte ở Xiêm, Lestrade ở Macao, Noguette và Taberd (Từ) ở Ấn Độ, Régereau bị đắm tàu ở Vịnh Bengale. Ngoại trừ Lambert de la Motte cư ngụ ở Xiêm, Taberd bị buộc phải lưu vong và Régereau, tất cả những thừa sai khác đều bị bệnh nặng mà chết.

Cuối cùng là 66 vị qua đời trong địa phận của chúng ta:

5 vị ở Phnôm Pênh hiện nay (trước đây thuộc Đàng Trong): D’Azema, Juguet, Lefebvre, Levavasseur và Piguel.

15 vị ở Sàigòn: Boisserand, Duclos, Grenier, Grillet, Jourdain, Lavoué, Le Blanc, Le Clerc, Le Germain, Liot, Mialon, Morvan, Pillon, Pocard và Tarin.

21 vị ở Huế: Audemar, Candahl, de La Court, Delamotte, de Flory, Gagelin (Kính), Girard, Halbout, Heutte, Izoard, Jaccard (Phan), Jarot, Labartette, Laigneau de Langellerie, Langlois, Marchand (Du), Moutoux, Noblet (Mới), de Sennemand, Thomasson và Vialle.
24 vị qua đời trong giáo phận Qui Nhơn chúng ta hiện nay[4] (xin được ghi ra các tỉnh):

2 vị ở Quảng Nam: Bouchard và Mahot;

6 vị ở Quảng Ngãi: Brindeau, Brignol, Godefroy, Guyard, Hainques và Thomas;

3 vị ở Bình Định: Ausiès de Fonbone, Doussain và Pigneau de Béhaine;

5 vị ở Phú Yên: D’Arcet, du Frenay de Monargue, Gire, Labbé và du Puy du Fayet;

7 vị ở Khánh Hòa: Boisseret d’Estréchy, de Carbon, Feret, Forget, Gouge, Le Labousse và Le Noir;

1 vị ở Phan Rang: Bergier.

Vị thứ 66 là cha Capony chết ở nơi nào không biết trong các miền truyền giáo hiện nay thuộc về Đàng Trong cũ.

Sẽ là lạc đề khi nói có bao nhiêu người anh em này phải chịu cảnh tù tội, sự hung bạo của đám lính hay cướp bóc. Chúng ta chỉ nói đến ba vị được nhận cành thiên tuế tử đạo: Gagelin, Jaccard, Marchand, và bốn vị chết trong tù: Delamotte, Duclos, Feret và Langlois. 

Trong số 66 thừa sai này, sau đây là số năm hiện diện tại giáo phận (số đầu chỉ số thừa sai, số thứ hai chỉ số năm phục vụ):

1 (vị) x 1 năm (phục vụ); 8 x 2 năm; 2 x 3 năm;
5 x 4 năm; 5 x 5 năm; 3 x 6 năm;
2 x 7 năm; 2 x 8 năm; 3 x 9 năm;
2 x 10 năm; 1 x 11 năm; 3 x 12 năm;
2 x 13 năm; 2 x 14 năm; 2 x 15 năm;
2 x 17 năm; 1 x 18 năm; 1 x 19 năm;
2 x 20 năm; 1 x 21 năm; 1 x 22 năm;
3 x 23 năm; 1 x 27 năm; 3 x 28 năm;
1 x 29 năm; 1 x 31 năm; 1 x 33 năm;
1 x 34 năm; 1 x 35 năm; 1 x 37 năm;
1 x 45 năm; 1 x 50 năm.

Như vậy có 66 thừa sai qua đời trong giáo phận chúng ta, số năm phục vụ trung bình là gần 14 năm. Một nửa anh em đã qua đời trong mười năm đầu tiên, 16 vị qua đời giữa năm 11 đến 20, 10 vị giữa năm 20 đến 30, và chỉ có 7 vị đã sống từ 30 đến 50 năm.

Trong số 7 vị cuối cùng có 3 giám mục: Pigneau 34 năm, Labbé 45 năm và Labartette 50 năm. Đừng có ai vội kết luận rằng phải làm giám mục mới sống thọ; thực sự là khi làm giám mục thì phải đạt đến một độ tuổi chín chắn nào đó và rằng khi ấy thì số đông các đồng sự cũng đã qua đời hết rồi!

Phải nhìn nhận rằng nếu thừa sai Jarot đạt được 31 năm phục vụ, Gouge 33 năm, Liot 35 năm và Sennemand 37 năm thì các Đức cha Labbé được 45 năm – và chỉ làm giám mục phó – và Đức cha Labartette được 50 năm là những thừa sai thọ nhất của chúng ta từ năm 1659 đến 1850.  
 
[1] Tên Việt Nam của các thừa sai trong ngoặc đơn được người biên tập thêm vào.
[2] Ngày 17/5/1844, Đàng Trong được tách ra thành Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) và Tây Đàng Trong (Sàigòn).
[3] Ngày 27/8/1850, Bắc Đàng Trong (từ Hải Vân đến sông Gianh) được tách ra từ Đông Đàng Trong.
[4] Tức năm 1938

(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính biên tập, Nối vạch thời gian, Tủ sách Nước Mặn, 2020, tr. 98-104) 


 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay20,742
  • Tháng hiện tại43,367
  • Tổng lượt truy cập29,022,905

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây