Nhà chung Làng Sông năm 1893

Thứ tư - 03/06/2020 18:26
NHÀ CHUNG LÀNG SÔNG NĂM 1893


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính



Đây Chủng viện oai hùng
Hàng cây cao vút đón gió bốn phương đưa về Trung.
Đây Chủng viện thắm màu,
Bao nhà kiên cố thi gan cùng sương gió nắng mưa dãi dầu.
Chủng viện Làng Sông yêu thương,
Đây là mạch sống Qui Nhơn
Sức mạnh truyền giáo nung chí thiêng không sờn.
Nơi đây phát huy đạo đức,
Nơi đây trau dồi học vấn
Bao nhiêu thanh niên trí tài dựng xây quê hương xinh tươi bừng sáng …
…  dựng xây tương lai Giáo Hội huy hoàng

Còn lời nào bay bổng hơn ca từ của cha giáo nhạc sĩ Trường Cửu để nói về Tiểu chủng viện Làng Sông, một địa điểm du lịch rất được yêu thích hiện nay tại vùng đất Qui Nhơn, Bình Định.

Ngược dòng thời gian, vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, ẩn mình sau “những hàng cây cao vút”, “thi gan cùng sương gió”, Làng Sông nơi ấy là mạch sống, là trái tim của Giáo phận Qui Nhơn, một quần thể được gọi là Nhà chung gồm các cơ sở trung tâm như Tòa giám mục, nhà in, sở quản lý và hẳn nhiên không thể thiếu Tiểu chủng viện để đào tạo những “thanh niên trí tài”. Biết bao người trẻ đã được tuyển chọn từ khắp mọi miền đến đây để trau dồi học vấn và phát huy đạo đức. Trong số họ, đại đa số đã bước ra đời “dựng xây quê hương xinh tươi bừng sáng”, số còn lại chiếm tỷ lệ rất ít đã đủ “sức mạnh” để nung chí thiêng “truyền giáo”, “dựng xây tương lai Giáo Hội huy hoàng”.

 Vào năm 1893, cơn gió bốn phương đã đưa bước chân khám phá của ông Joseph Chanel về miền Trung ngập tràn nắng gió, đến tận Nhà chung Làng Sông. Ông là nhà thám hiểm, thành viên Hội hàn lâm Đông dương của Pháp (Société académique Indochinoise de France), và cũng là người bảo vệ các thừa sai Pháp trước sự tấn công của hội Tam Điểm. Năm 1897, ông xuất bản một nghiên cứu về miền cao nguyên trung phần trong tạp chí địa lý nổi tiếng Bulletin de géographie historique et descriptive. “Trong bài viết “Voyage chez les Moï du bassin du Bla”[1] (Hành trình nơi vùng người thượng ở lưu vực sông Bla), ông đã bày tỏ “lòng biết ơn sâu sắc” đối với các thừa sai đã giúp đỡ cho chuyến thám hiểm của ông “dễ dàng hơn cuộc dạo chơi ở Pháp”. Trong phần “Ảnh hưởng của các thừa sai Pháp”, ông Chanel đã ca ngợi những người thợ làm việc tôn giáo này khi họ đóng vai trò là bác sĩ, trọng tài và là người phán xử. Ở niềm cao nguyên này, các thừa sai đã dạy trồng trọt, các phương pháp canh tác cũng như kinh tế để giảm thiểu nghèo đói, ổn định kinh tế trong vùng. Ông cho rằng các thừa sai đã dạy bằng gương mẫu khi sống một cuộc sống hoàn toàn hiến thân cho việc thiện”.[2]

Xin được trích dịch và giới thiệu những cảm nhận của ông Joseph Chanel về Nhà chung Làng Sông trong chuyến viếng thăm này, được đăng trong tạp chí A travers le monde, số 21, năm 1896, tr. 161-163.
 

 
x
Tòa giám mục Đông Đàng Trong (Qui Nhơn)
tại Làng Sông khoảng năm 1893
(Hình chụp của ông Chanel)

Từ thời mới bắt đầu công cuộc truyền giáo ở Đông Dương các đây khá lâu, vùng rộng lớn này được phân chia thành những địa phận tông toà. Đông Đàng Trong là một trong những địa phận này. Đây là vùng đất mà ông Chanel nói đến.

Ngày 1 tháng Giêng năm 1893, ông đến Làng Sông, khu Nhà chung cách Qui Nhơn khoảng chục cây số, chờ dịp thuận tiện để đi lên vùng thượng du, miền đất của người Bahnars, Rungao và Sédang. Chúng tôi sắp kể cho quý độc giả biết những gì mà ông nhìn thấy ở vùng hẻo lánh này, nơi các cha thừa sai đã thành lập một số địa sở.

Tại Nhà chung Làng Sông, qua Đức Cha Van Camelbeke cùng với 4 thừa sai khác, ông đã nhìn thấy cơ ngơi của họ và hiểu được công cuộc truyền giáo ở Đông Đàng Trong qua những cuộc trò chuyện cảm động và những câu chuyện đầy màu sắc của các ngài. Nhà chung Làng Sông, bao quanh là mương nước rợp bóng tre, giữa đồng lúa mênh mông thấp thoáng mấy căn nhà của các thừa sai không gì nổi bật lắm. Khi thì mất hút trong màu xanh của lúa đương thì, khi thì ngoi lên giữa đám ruộng bùn đang chờ ngày cày cấy, nó chừng như vươn mình lên khỏi chân trời thẳng tắp.

Ta đến nhà chung bằng lối đường mòn rẽ khỏi con đường Qui Nhơn đi Bình Định, tiếp tục lội qua khúc sông nhỏ, đi dọc theo con đê cao chắn lụt hằng năm. Bước qua cánh cổng là thấy căn nhà ba gian lợp tranh vách đất, trát bên ngoài là lớp vữa bằng vôi trộn với đường và giấy. Đó là nơi ở của vị giám mục. Xa hơn một chút cách khoảng sân rộng là dãy nhà của các thừa sai, phòng học, phòng ăn và phòng ngủ của mấy đứa trẻ do các ngài tiếp nhận dạy dỗ. Bên kia khoảng sân là ngôi nhà thờ nhỏ đứng lẻ loi. Toàn thể khu này do người Annam xây dựng, mang phong cách nhã nhặn giản đơn. Bàn thờ và tường gỗ được chạm trổ rất tinh vi.

Khi ở tại Làng Sông, ông Chanel đã có cái nhìn bao quát về cuộc sống của các cha thừa sai. Ông ấy đã phác họa lên một bức tranh thú vị mà chúng tôi trích thuật lại như thế này: “Sau bữa cơm tối, bốn vị thừa sai ngồi lại với nhau quanh vị giám mục. Mỗi người châm lửa vào ống vố của mình và trò chuyện vui vẻ. Chính nhờ thế mà tôi đã biết được lịch sử của công cuộc truyền giáo tại Đông Đàng Trong này. Những người quanh tôi đây đã đóng góp vai trò vinh quang của mình: họ đã nhiều lần chứng kiến cái chết đến rất gần, nhất là trong cuộc thảm sát năm 1885. Cuộc trò chuyện của các vị thừa sai này, mang bộ râu thượng phụ, với những ý tưởng cao rộng và giản đơn, làm tôi nghĩ đến cuộc họp của những vị tu sĩ chiến binh vào thời chinh phục Kitô giáo Trung Cổ.

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVI, những nhà truyền giáo đầu tiên, các cha dòng Đa Minh người Bồ Đào Nha, đã thâm nhập Đông Dương. Thế kỷ XVII, công cuộc cải đạo được các cha Dòng Tên tiếp tục. Năm 1659, Đức Cha Lambert de la Motte, thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, đã kế nhiệm và, trong vòng hai mươi năm, ngài đã ban bố một bản luật cho các linh mục bản xứ và sáng lập một cộng đoàn dành cho các phụ nữ Annam, “Dòng Mến Thánh Giá”. Những cộng đoàn này phát triển mạnh và tồn tại: tôi đã thấy một cộng đoàn ở Nhà chung Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên. Các phụ nữ này có lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, phục vụ nhiều cho sự nghiệp Kitô giáo. Họ thường đi đến các ngôi làng và chợ quanh vùng để giúp đỡ những bệnh nhân, tìm kiếm trẻ em bị bỏ rơi mang về nhà chung, rửa tội cho những người sắp chết”.

Vào thế kỷ thứ XVIII và XIX, công cuộc truyền giáo ở Trung Kỳ và Nam Kỳ có lúc thịnh vượng có khi phải gánh chịu nhiều cuộc bách hại. Khi Đức cha Lefèbvre được tấn phong Giám mục (1743), chính thức giao Đàng Trong cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại (MEP) thì tình trạng lúc này rất sáng sủa: 70.000 giáo dân và 300 ngôi nhà thờ. Vào năm 1750 bắt đầu những ngày đen tối vì cuộc nổi dậy của Tây Sơn, sau đó là thời kỳ mới bình yên với vua Gia Long, một trong những người sáng lập của Vương quốc Annam.

Nhưng vào đầu thế kỷ XIX của chúng ta là những cuộc bắt đạo của vua Minh Mạng và Tự Đức. Các chủng sinh bị phân tán, nhiều thừa sai nhận cành thiên tuế tử đạo, trong đó có Giám mục Cuénot, ngài bị dẫn giải về thành Bình Định trong chiếc cũi tre và chết ở đó năm 1861, người ta cho rằng ngài bị đầu độc. Tự Đức cũng cho thích vào mặt giáo dân tên tuổi, quê quán và chức vụ của họ.

Một trong những kỷ nguyên bách đạo khủng khiếp nhất là từ năm 1883 đến 1885. Thời các giám mục Charbonnier và Galibert, các giáo xứ, tu viện, chủng viện được gầy dựng và vào năm 1883, người ta tính được 41.000 giáo dân. Chính lúc ấy thì vua Tự Đức, tin tưởng rằng người Pháp sẽ thất bại trong cuộc chiến với Annam và Trung Hoa, đã ra lệnh cho các quan tàn sát những Kitô hữu Âu Châu và bản xứ. Chính ông đã huỷ bỏ lệnh này sau chiến thắng của Courbet ở Bắc Ninh (Tháng Chạp năm 1883).

Thế nhưng lệnh này vẫn còn ngấm ngầm tồn tại ngay cả sau khi ông chết. Cũng vậy, sau khi Thống tướng De Courcy chiếm Huế (ngày 7 tháng Bảy 1885), cuộc bách đạo khủng khiếp đã nổ ra do lòng hận thù của các vị đại quan. Trong vòng hai tháng, 7 thừa sai Pháp, 7 linh mục bản xứ, 60 thầy giảng, 270 nữ tu và 24.000 giáo dân bị sát hại, trong khi 10 tu viện, 17 cô nhi viện và 225 nhà thờ bị san bằng hoặc thiêu huỷ.

Ngày nay, trong yên bình, công việc có vẻ khả quan dưới sự điều hành của giám mục Van Camelbeke (Hân). Từ năm 1889, trong vòng 6 năm, số giáo dân gia tăng từ 17.773 lên đến 45.440, nhà nguyện và nhà thờ từ 40 tăng lên 297. Một chủng viện mới đã được tái lập và trong các trường học và cô nhi viện, người ta tính được có 884 đứa trẻ thay vì 472.


Thật sự, Nhà chung thường bị trách cứ là không dạy tiếng Pháp cho mấy đứa trẻ người Annam. Khi ông Chanel lên tiếng với Giám mục Van Camelbeke, thì ngài trả lời: “Thật ra, ngay khi mấy đứa trẻ biết một ít tiếng Pháp, thì chúng vội vàng rời bỏ chúng tôi để đi giúp việc nhà hoặc làm thông dịch nơi những trung tâm lớn gần đây. Thế là chúng tôi không còn ai để dạy giáo lý và việc tuyển lựa các linh mục bản xứ hầu như trở nên không thể. Trong những miền đất khí hậu độc của vùng nội địa, vai trò các linh mục Annam là rất lớn. Công cuộc truyền giáo trở nên rất khó khăn nếu không có họ.”

 
x
Tổng quan nhà chung Làng Sông năm 1893
(Hình chụp của ông Chanel)
 

 
(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Xuôi ngược thời gian, Ban Thường Huấn, Tủ sách Nước Mặn, 2019, tr. 181-185)
 
[1] Joseph Chanel, “Voyage chez les Moï du bassin du Bla”, Bulletin de géographie historique et descriptive, 1897, tr. 304-340.
[2] James Patrick Daughton, An Empire Divided: Religion, Republicanism, and the Making of French Colonialism, 1880-1914, Oxford University Press, 2008, tr. 98.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập201
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay15,031
  • Tháng hiện tại80,741
  • Tổng lượt truy cập29,060,279

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây