Các mục đồng hay ba nhà chiêm tinh?

Thứ ba - 29/12/2020 17:36
The Magi with baby Jesus, Mary and Joseph. Source: Henry Siddons Mowbray / Public domain



Sébastien Doane

Mỗi mùa Giáng Sinh về, chúng ta trang trí cây thông và làm mô hình cảnh Giáng Sinh hay còn gọi là Hang đá. Trong Hang đá, có tất cả các nhân vật theo truyền thống: Đức Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Giuse, bò, lừa, các mục đồng, các thiên thần và ba nhà chiêm tinh hay đạo sĩ. Đây là sự pha trộn hai trình thuật Tin Mừng khá khác biệt nhau.

Có đến hai đoạn tin mừng tường thuật sự sinh hạ của Đức Giêsu: một trong Tin Mừng Matthêô (2,1-16) và đoạn khác trong Tin Mừng Luca (2,1-14). Vấn đề là, đối với những ai giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen, sẽ thấy rằng hai trình thuật này rất khác nhau và thậm chí khó hợp nhau. Ta cứ thử đọc chúng và lưu ý đến những khác biệt.

Trước hết là Tin Mừng Luca 2,1-16:

Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.  Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.

Hãy giữ lại vài yếu tố: có cuộc kiểm tra dân số, gia đình rời Nadarét để đi Bêlem; Chúa Giêsu được đặt nằm trong máng cỏ, các mục đồng thăm viếng con trẻ và ca đoàn các thiên thần hiện ra. Cũng hãy lưu ý đến bầu khí vui tươi chung chung.

Giờ thì hãy đọc Tin Mừng Matthêô 2,1-14

Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: "Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời." Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. Đức Giêsu trốn sang Ai Cập và các anh hài bị giết. Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! " Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập

Nơi tác giả tin mừng này, trình thuật tập trung vào cuộc thăm viếng của ba nhà chiêm tinh hay đạo sĩ đến từ phương Đông và cơn thịnh nộ của vua Hêrôđê muốn tìm diệt vị vua mới. Về nơi chốn, thánh gia sống tại Bêlem, rồi trốn sang Ai Cập khi Giuse được báo mộng. Bầu khí sợ hãi bao trùm trình thuật, cuộc tàn sát các trẻ em ở Bêlem. Không có vấn đề kiểm tra dân số, máng cỏ, ca đoàn các thiên thần hay mục đồng gì ở đây cả!

Như vậy, chúng ta có hai trình thuật rất khác nhau về sự sinh hạ Đức Giêsu. Truyền thống Kitô giáo đã kết hợp chúng lại thành một câu chuyện có cả mục đồng lẫn các nhà chiêm tinh. Tuy nhiên, cả hai trình thuật chỉ có vài yếu tố chung là sự sinh hạ ở Bêlem và tên của ba thành viên trong gia đình. Làm sao giải thích những khác biệt này về cùng một biến cố?

Trước hết, phải nhớ lại rằng các trình thuật được biên soạn khoảng 80 năm sau biến cố này. Không môn đệ nào hiện diện khi Đức Giêsu được sinh hạ. Hơn nữa, những trình thuật này hòa nhập vào trong một truyền thống phong phú các tường thuật về thời thơ ấu của các vĩ nhân thời Cổ đại. Sự quan tâm về thời thơ ấu của họ chỉ xuất hiện sau khi họ đạt được sự nghiệp và các tường thuật thường mang một văn tứ về những điều kỳ diệu hay sự can thiệp của thánh thần để chứng minh rằng, ngay từ thời thơ ấu, họ đã được hứa hẹn một số phận lạ thường.

Như vậy, giá trị lịch sử của những tường thuật về Đức Giêsu lẫn các nhân vật thời Cổ đại thường cũng không đáng tin cậy. Tuy nhiên, chúng thật hữu ích để hiểu về nhân vật Giêsu và chính vì thế mà chúng là một trong phần dẫn nhập của Tin Mừng Luca và Matthêô. Sau đây là cách mà các tác giả tin mừng sử dụng trình thuật để nói về Đức Giêsu.

Tin Mừng Matthêô

Tin Mừng Matthêô được gởi đến một cộng đoàn Kitô giáo vẫn còn rất gần với nguồn gốc Do Thái giáo của mình. Tin Mừng muốn trình bày Đức Giêsu như một hiện thực các lời hứa trong Sách Thánh (Cựu Ước). Một cách nào đó Đức Giêsu như là một Môisê mới. Thật vậy, ta thấy ở đây có nhiều yếu tố chung với thời thơ ấu của ông Môisê: sự bấn loạn của người cha, can thiệp của Thiên Chúa trong giấc ngủ, mạc khải con trẻ sắp sinh ra sẽ cứu thoát dân tộc mình và một vị vua ra lệnh tàn sát các con trẻ. Hơn nữa, trong trình thuật của Matthêô, Đức Giêsu và cha mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, nơi mà câu chuyện ông Môisê đã được bắt đầu. Các độc giả phải hiểu rằng Đức Giêsu sẽ tiếp tục công việc của ông Môisê và sẽ giải phóng dân tộc mình như ông Môisê.

Sự hiện diện của các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông loan báo phổ quát tính nơi Vương quốc của vị vua mới này. Thêm vào đó, cơn giận của vua Hêrôđê đã chứng minh rằng ông ta biết rõ tầm quan trọng của Đấng đã được loan báo như là vua dân Do Thái.

Tin Mừng Luca

Luca diễn tả cách hoàn toàn khác với Matthêô. Trình thuật của ông giống với trình thuật về sự sinh hạ của các anh hùng, kèm theo những bài thánh ca phụng vụ. Ông nhắm đến việc mạc khải căn tính của Đức Giêsu cho các độc giả ngay từ khi sinh ra như là căn tính được các môn đệ nhận ra Ngài sau khi phục sinh. Chính các thiên thần loan báo mạc khải này vì nó không thể xuất phát từ lý luận của loài người. Ngay từ trình thuật giáng sinh, các độc giả biết rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đức Kitô và là Đức Chúa: đây là những danh hiệu được gán cho Ngài sau phục sinh.

Tin Mừng Luca luôn đem lại một vị trí tốt đẹp cho những người bị gạt bên lề và những kẻ bé mọn. Sự quan tâm này xuất hiện rõ ràng trong việc chọn lựa một nơi rất khiêm tốn ngay từ những thời khắc đầu tiên của Đức Giêsu: sau khi được hạ sinh, Ngài được đặt nằm trong máng cỏ. Sự hiện diện của các mục đồng quanh vùng cũng có cùng một mục đích: đó là những người nghèo, ít học, sống bên lề xã hội. Họ là những người đầu tiên gặp được Đức Giêsu. Ta thấy trong Cựu Ước một truyền thống xoay quanh những người chăn chiên. Họ làm nên câu chuyện của Abraham, Môisê và Đavít; họ có một kinh nghiệm rất mạnh mẽ về Thiên Chúa và đóng vai trò quan trọng trong nội bộ cộng đoàn.

Như vậy, Luca và Matthêô đã soạn thảo các trình thuật hoàn toàn khác nhau về sự sinh hạ của Đức Giêsu. Với tài năng văn chương của riêng mình, mỗi soạn giả muốn trình bày Đức Giêsu là ai ngay từ khi mới sinh. Hai bức chân dung khác biệt này chứng minh điều mà chúng ta khẳng định từ đầu: sự thật của các sách thánh vượt qua sự chính xác lịch sử của các sự kiện. Khi sử dụng những công cụ trong nền văn hóa của mình, các soạn giả tin mừng muốn chuyển tải cách hiểu của mình về con người Đức Giêsu, được soi sáng qua cái chết – phục sinh của Ngài và qua việc đọc lại Cựu Ước.

(interbible.org)



 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

 Tags: hiển linh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay20,742
  • Tháng hiện tại44,861
  • Tổng lượt truy cập29,024,399

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây