Niềm hy vọng cánh chung Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết

Thứ năm - 25/03/2021 21:39
(Phương Tế Các Lương, C.Ss.R.)
 
Đâu là niềm hy vọng cánh chung Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người?
 
Dẫn nhập

Làm người, ai cũng chết. Điều này như thể là một quy luật của tự nhiên. Đứng trước sinh lão bệnh tử của kiếp người, người ta cảm thấy đau khổ và sợ hãi. Tuy nhiên, ở mỗi nền văn hóa, ở mỗi tôn giáo, người ta đều có những cái nhìn tích cực về cái chết khi họ hy vọng về một “kiếp sau” hay một một điều tốt đẹp sau cái chết. Vậy đối với Kitô giáo, đâu là niềm hy vọng cánh chung Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người? Chúng ta tìm hiểu vấn đề này dưới ánh sáng Mạc Khải và nền thần học của Giáo Hội. Trước khi đi vào tìm hiểu vấn đề như đã nêu, chúng ta tìm hiểu những tư tưởng triết học nói gì về sự chết.

I. Tư trưởng triết học về sự chết
1. Tư tưởng Đông Phương về sự chết
1.1 Khái niệm “chết” theo nghĩa hạn từ của người Việt Nam
 
Nói về cái chết, từ ngữ Hán Việt dùng chữ “tử” (死) gồm bộ tịch (夕) nghĩa là đêm tối đúng bên cạnh bộ chủy (匕) là mũi tên bay đi một đường (chữ nhất trên đầu). Phóng một mũi tên bay đi trong đêm tối tăm thì gây nên đâu thương và và chết chóc. Cái chết là một sự tối tăm mà con người phải đối diện.[1] Ngoài ra, cũng có thể hiểu chữ tử là mũi tên (bộ chủy -匕) nằm bên cạnh bộ ngạt (歹 ) chỉ về nắm  xương tàn. Sự chết là một sự phân hủy và bất động.[2]

Bên cạnh đó, theo Léopold Cadière thì từ “chết” bắt nguồn từ Hán Nôm của chữ “chiết” (折) là cắt, hủy một sinh vật. Trong Hán ngữ, người ta dùng từ "yểu chiết"(夭折 ) hay "đoản chiết" (短折) để nói về người chết non, chết trẻ. Từ chết cũng có âm và nghĩa gần với từ thuần Việt “hết” có nghĩa là chấm dứt, là xong. Tuy nhiên, tiếng Việt thường tránh dùng từ chết mà thường dùng các từ khác thay thế như: khuất bóng, thất lộc, mất, qua đời, tạ thế…[3] Điều này hàm chứa một ý nghĩa về việc sợ chết của con người nhưng cũng đồng thời cũng hàm chứa rằng con người vẫn có một niềm hy vọng rằng chết không là hết.

 
 
1.2. Quan niệm về sự chết trong văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam

Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam luôn hy vọng về một tương lai tốt đẹp sau khi chết. Điều này được thể hiện trong ca dao tục ngữ dân gian như “sinh ký tử quy” hay “sinh hữu hạn, tử vô kỳ”. Nghĩ đến cái chết, người ta cố gắng sống làm sao cho trọn vẹn ở đời này, sống sao cho ra sống.[4] Niềm tin của người Việt về thân phận con người sau khi chết được thể hiện qua các nghi thức chôn cất,  tập tục thờ cúng tổ tiên, các quan niệm về hồn, vía, hơi, khí. Người Việt Nam tin rằng chết không có nghĩa là hết nhưng là đi đến một “nơi” vĩnh cửu.[5]

 
 
1.3. Tư tưởng Ấn Độ

Tư tưởng Ấn Độ về sự chết được nhìn thấy rõ nét nơi Ấn Giáo và Phật Giáo. Tuy có sự khác biệt trong quan niệm về “linh hồn” nhưng cả hai đều nói về luân hồi. Sau khi chết, con người sẽ “hóa kiếp”, mặc lấy một hình hài khác để sống một cuộc sống ở “kiếp khác” nhằm đền trả những nợ nần hay thụ hưởng những thành quả tốt đẹp của kiếp trước.

Thuyết luân hồi nghiệp báo mở cho người ta một cánh của hy vọng: ở kiếp sau, người ta còn có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm trót phạm ở kiếp này; hay ở kiếp này, người ta cố gắng sống tốt nhằm “tu thân tích đức” cho kiếp sau. Tuy nhiên, Kitô giáo phủ nhận thuyết luân hồi bởi vì mọi sự xảy ra theo quy luật “nghiệp báo nhân quả” mà không có bóng dáng của một Thiên Chúa ngôi vị làm chủ tể vạn vật và là Đấng xét xử công tội của người ta.[6]

 
 
2. Tư tưởng triết học Tây Phương về sự chết
 
2.1 Tư tưởng Hy Lạp cổ đại về sự chết
 
Trong tư tưởng triết học Hy Lạp cổ đại, khi nói về sự chết, có ba quan điểm khác nhau nhưng có chung một điểm là nhấn mạnh đến cuộc sống hiện tại của con người. Epicure nhấn mạnh đến cuộc sống an hòa ở hiện tại mà không nghĩ đến cái chết, nói đến cái chết khi đang sống là vô nghĩa vì chết thì không còn sống. Ông cho rằng chết là hết. Ngược lại, Pythago thì cho rằng linh hồn là yếu tố thiêng liêng và linh hồn sẽ đạt được sự bất tử bằng cách kết hợp  và sống với thực tại bất tử là các giá trị nguyên mẫu ở đời này (chân, thiện, mỹ). Platon cũng nhấn mạnh đến cuộc sống bất tử mai sau tùy thuộc vào hành vi đạo đức mà người ta sống ở đời này.[7] Khi nói về Platon, người ta hay “gán” cho ông tư tưởng nhị nguyên – xem thường thân xác, phủ nhận thực tại trần thế và đưa con người lánh sang bên kia thế giới. Kỳ thực, Platon đang cố gắng áp dụng những phương pháp để tìm kiếm sức lực định hướng mới để tạo cho xã hội có thể tiến lên. Ông nhấn mạnh: để có thể sống đời sinh học, hữu thể nhân bản phải hơn là hữu thể sinh học; họ có thể chết cho một đời sống đích thực.[8]   

2.2 Tư tưởng Tây Phương hiện đại

 
Kể từ thời cận đại và đến thời hiện đại, tư tương triết học Tây Phương có khuynh hướng tách khỏi ảnh hưởng niềm tin Kitô giáo. Tư tưởng triết học Tây Phương về sự chết chịu ảnh hưởng của hai trào lưu chính là thuyết Mác-xít và thuyết Hiện sinh.

Thuyết Mác-xít chủ trương xây dựng một “thiên đường tại thế” thay vì mơ mộng một thiên đường cõi tiên mai hậu. Họ chủ trương mỗi người đều phải chết theo quy luật sinh tồn tự nhiên , điều quan trọng là tập thể phải tồn tại và thăng tiến. Cái chết của cá nhân không gây cho họ bận tâm, người ta sẳn sàng hy sinh hay loại trừ cá nhân, cái chết cá nhân trở thành cần thiết để xây dựng một xã hội tốt đẹp, một “cánh chung tổng quát” nên hiện thực.

Thuyết hiện sinh chủ trương rằng con người bị ném hay được đưa vào thế giới này với những thực tại xung quanh. Phái hiện sinh vô thần (tiêu biểu là Jean Paul Sartre) chủ trương rằng cái chết là một đe dọa, con người phải can đảm đối phó với cái chết và thực tại hư vô trống rỗng phía trước, chính sự can đảm này làm nên ý nghĩa cuộc sống. Còn đối với phái hiện sinh hữu thần (đại diện là Martin Heidegger và Karl Jasper) có cái nhìn tích cực về cái chết. Tuy họ không nêu đích danh Thiên Chúa nhưng để ngỏ cánh cửa mầu nhiệm đằng sau cái chết. Các ông chủ trương rằng, khi con người sống trọn ý nghĩa cuộc sống trong từng giây từng phút, họ bước tới huyền nhiệm của cái vô hạn mở ra trước mắt sau ngưỡng cửa cái chết.[9]

 
II. Mầu nhiệm sự chết trong nhãn quan Kitô giáo
1. Sự chết dưới ánh sáng Mạc Khải
 
1.1 Nguồn gốc cái chết theo Cựu Ước
 
Chúng ta thấy rằng, không bao giờ Thánh Kinh nói cái chết là quy luật tự nhiên. Khi sáng tạo, Thiên Chúa không muốn con người phải chết, cái chết là một cái gì đột xuất, bất thường, không thuộc về bản chất của sáng tạo. Cái chết là do con người vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa (St 2,17).[10] Mạc Khải Cựu Ước cho thấy cái chết là hình phạt của tội, là do sự ghen tương của ma quỷ đối với con người khiến gây ra sự gãy đổ tương quan giữa con người với con người và tương quan sự sống giữa con người với Thiên Chúa.[11]
 
1.2 Sự chết dưới ánh sáng của Tân Ước
 
Tân Ước cũng diến tả cách rõ ràng nguồn gốc của cái chết là do hậu quả của tội và hình phạt đối với tội, đặc biệt là tội nguyên tổ (x.Rm 5,12-14). Tuy nhiên, qua cái chết trong vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối của Đức Kitô, Ngài đã biến đổi gía trị của cái chết: nó không còn là bản án của tội lỗi nhưng trở thành hành vi diễn tả tình yêu. Không những thế, cái chết của Đức Giêsu còn có giá trị cứu chuộc nhân loại, đem lại ơn giao hòa giữa nhân loại với Thiên Chúa. Ngài đã vượt thắng cái chết bằng chính cái chết của riêng Ngài.
 
“Cũng trong mạc khải Tân Ước, cái chết vừa là tận cùng vừa là duy nhất. Điều này có nghĩa là người ta chỉ có một cuộc sống để sống mà thôi; không hề có chuyện luân hồi, đầu thia kiếp khác.”[12]  Tuy nhiên, nhìn dưới ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô, cái chết là sự “vượt qua”: cái chết trở nên ngưỡng cửa đi vào cõi trường sinh.[13] 

2. Giáo huấn của Giáo Hội về mầu nhiệm sự chết
 
Giáo huấn của Giáo Hội về mầu nhiệm sự chết được bàn đến ở công đồng Trentô và công đồng Vaticanô II, đồng thời được nói đến trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Công đồng Trentô khẳng định rằng chính tội nguyên tổ là nguyên nhân gây nên sự chết. Công đồng Vaticanô II trình bày cái chết như một mầu nhiệm chứ không là hiện tượng sinh lý bình thường; công đồng thúc giục các Kitô hữu tham dự vào cái chết của Đức Kitô để được thông phần vào chiến thắng của Ngài trên sự chết. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định vai trò cứu độ của Chúa Giêsu ngang qua cái chết của Ngài.[14]
 
Tóm lại, Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo luôn đặt trên nền tảng Mạc Khải để nói rằng nhờ việc Đức Kitô liên đới với nhân loại trong cái chết mà cái chết của con người có một ý nghĩa mới, ý nghĩa cứu độ. Bên cạnh đó, Giáo huấn của Giáo Hội cũng không ngừng thúc đẩy các Kitô hữu sống nhiệt thành với niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu trong khi đối diện trước những sự kinh hoàng của cái chết.[15]
 
 
3. Những định đề thần học cần thiết cho Kitô hữu sống niềm hy vọng cánh chung trong mầu nhiệm sự chết[16]
 
3.1 Cái chết như hậu quả của tội lỗi
 
Con người vốn được tạo dựng để sống bất tử, được Thiên Chúa tiên liệu cho khỏi phải chết, nhưng cái chết đã xâm nhập trần gian do tội lỗi con người cắt đứt đi tình nghĩa với Thiên Chúa. Để nối lại mối tương quan với Thiên Chúa, Đức Giêsu đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng ngang qua cuộc khổ nạn phục sinh của Người để đánh bại tội lỗi và sự chết. Chỉ khi con người khước từ tuyệt đối mối liên kết với Đức Kitô, họ sẽ ở trong tội và cắt đứt hoàn toàn mối tương quan sự sống với Thiên Chúa. 

3.2 Cái chết không còn là án phạt cho những ai tin vào Đức Kitô

Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu đã đồng hóa với thân phận khốn cùng của con người (Pl 2,6-11); qua cuộc khổ hình, Chúa Giêsu đã gánh lấy án phạt vì tội lỗi của chúng ta. Đối với những ai tin nhận và ở trong Đức Kitô thì cái chết không còn là án phạt nữa. Án phạt là sự chết nhưng án phạt đó không còn đè nặng trên những ai tin nhận Đức Giêsu, cái chết chỉ là ngưỡng cửa đưa họ vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Hằng Sống.

3.3 Thiên Chúa dùng kinh nghiệm cái chết để thanh luyện kẻ tin

Cái chết bao giờ cũng đưa tới kinh nghiệm đầy sợ hãi, kinh hoàngvà đau khổ. Vậy nhưng Thiên Chúa dùng chính kinh nghiệm đó để sửa dạy người tin, nhờ vậy họ sẽ vững tin vào Chúa và thêm vững mạnh kháng lại cám dỗ tội lỗi trong cuộc đời. Qua kinh nghiệm đau khổ và đặc biệt khi nhìn lên sự khổ hình, chết và Phục sinh của Đức Giêsu, người tin sẽ nhìn mọi đau khổ, trong đó có cái chết, như điều gì đó Thiên Chúa dùng để sinh ích lợi cho họ, củng cố niềm tin và sự vâng phục của họ.

3.4 Cái chết hoàn tất mầu nhiệm hiệp nhất người tin với Đức Kitô

Ngang qua cái chết, người tin được nên giống Đức Kitô và kết hợp với Ngài (x.Rm 8,17; 1Pr 4,13). Sự hợp nhất với Đức Kitô trong đau khổ tột cùng của thân phận nhân loại đó là người tin nên một với Ngài trong cái chết (x.Pl 3,10-11).

3.5 Cái chết làm cho người tin nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô

Ngang qua cái chết, người tin đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Trong đức tin, người tin xác tín rằng Đức Kitô đã trải qua cái chết để đem ơn cứu độ cho nhân loại. Ngang qua Bí tích Thánh Tẩy, người tin xác tín rằng họ đang chấp nhận chết đi đối với tội lỗi và trổi dậy với con người mới, sống hoàn toàn cho Thiên Chúa. Người tin đón nhận tất cả đau khổ có thể xảy ra trong cuộc đời mình trong tinh thần muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nơi mầu nhiệm thập giá của Ngài, qua đó họ thực hiện cuộc vượt qua từ cõi chết bước vào cõi sống (x.Rm 6,3-1).

3.6 Cái chết thể hiện đức vâng phục của người tin với Thiên Chúa

Chính Đức Kitô đã vâng phục tuyệt đối thánh ý của Chúa Cha (x.Pl  2,6-8). Do vậy, trong sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, người tin cũng bày tỏ sự vâng phục trước thánh ý của Thiên Chúa trong mọi sự, ngay cả khi phải chết (x. Mt 17,33), đó chính là tinh thần đích thực của đời sống Kitô hữu.

3.7 Cái chết trở nên phương thế cứu độ trong Đức Kitô

Chúa Giêsu Kitô đã không bị dập vùi mãi trong sự chết mà trong sự chết, Ngài được phục sinh vinh hiển, nếu không thì sự vâng phục của Ngài chẳng có ý nghĩa gì. Ngang qua sự phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa công bố chiến thắng dứt khoát của tình yêu và sự tha thứ trên tội lỗi và sự ác (x.Cr 15,26). Chúng ta biết rằng, bởi tội lỗi do bất vâng phục của Adam mà sự chết xâm nhập trần gian; qua mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu đã đón nhận bản tính phải chết của con người để rồi qua cuộc khổ hình, chịu chết trong vâng phục, Đức Giêsu đã được Phục sinh và đã cứu độ nhân loại. Chính khi tự do tham dự  vào cái chết của Đức Kitô, người tin cũng được thông phần vào ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã khai mở khi Ngài chịu chết và sống lại. Đây cũng là niềm hy vọng cánh chung của con người qua mầu nhiệm sự chết (x.2Tm 2,11). 

Kết luận:

Dù muốn dù không thì con người sẽ phải chết. Kinh nghiệm về cái chết là một kinh nghiệm đau khổ và sợ hãi. Thế nhưng Thiên Chúa dùng chính kinh nghiệm đó để thanh luyện con người. Đặc biệt, qua mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta có niềm hy vọng cánh chung khi cái chết không còn là đáng sợ, cái chết không còn là bản án của tội lỗi nữa. Qua mầu nhiệm sự chết, những người tin có thể sống niềm hy vọng về đời sống vĩnh cửu khi họ kết hợp nên một với Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài để đón nhận tất đau khổ trong cuộc sống với sự vâng phục và tín thác để rồi cùng được vinh hiển với Đức Kitô.
 
Lý Sơn, Mùa Chay 2021
Người viết: Tu sĩ Phương Tế Các Lương, C.Ss.R.
 (Học viện Thánh Anphongsô  DCCT)
-------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đào Duy Anh. Hán Việt Từ Điển. Hà Nội: NXB. Văn Hóa Thông Tin, 2005.
Trần Văn Chánh. Từ Điển Hán Việt. Hà Nội: NXB. Từ Điển Bách Khoa, 2011.
Phan Tấn Thành. Cánh Chung Học. Sài Gòn: Học Viện Liên Dòng Thánh Tôma, 2004.
Nguyễn Văn Dũng. “Bài 10: Cánh Chung Học Cá Nhân: Mầu Nhiệm Sự Chết.” Cánh Chung Học. Tài liệu môn học.
Joseph Ratzinger. Cánh Chung Luận: Sự Chết Và Đời Sống Vĩnh Cữu. Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ. Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2013.
Nguyễn Văn Trinh. Cánh Chung Học. Sài Gòn: Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2000.
 

[1] Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển (Hà Nội: NXB. Văn Hóa Thông Tin, 2005), 140. 750.
[2] Trần Văn Chánh, Từ Điển Hán Việt (Hà Nội: NXB. Từ Điển Bách Khoa, 2011), 375. 500.
[3] x. Léopold Cadière, Croyances et pratiques relieuses des Vietnamiens, tome III, (Paris: Ecole Francaise d’Extrêm Orient, 1992), 162 trích trong Phan Tấn Thành, Cánh Chung Học (Sài Gòn: Học Viện Liên Dòng Thánh Tôma, 2004), 278.
[4] Nguyễn Văn Dũng, “Bài 10: Cánh Chung Học Cá Nhân: Mầu Nhiệm Sự Chết,” Cánh Chung Học, Tài liệu môn học, 1-2.
[5] Phan Tấn Thành, Cánh Chung Học (Sài Gòn: Học Viện Liên Dòng Thánh Tôma, 2004), 279-282.
[6]  Nguyễn Văn Dũng, “Bài 10: Cánh Chung Học Cá Nhân: Mầu Nhiệm Sự Chết,” 2.
[7]  Ibid., 2-3.
[8] Joseph Ratzinger, Cánh Chung Luận:Sự Chết Và Đời Sống Vĩnh Cữu, Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2013), 99-104.
[9] Nguyễn Văn Dũng, “Bài 10: Cánh Chung Học Cá Nhân: Mầu Nhiệm Sự Chết,” 3.
[10] Nguyễn Văn Trinh, Cánh Chung Học (Sài Gòn: Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2000), 83.
[11] Nguyễn Văn Dũng, “Bài 10: Cánh Chung Học Cá Nhân: Mầu Nhiệm Sự Chết,” 3-4.
[12]  Nguyễn Văn Dũng, “Bài 10: Cánh Chung Học Cá Nhân: Mầu Nhiệm Sự Chết,” 4-5.
[13] Phan Tấn Thành, Cánh Chung Học, 298.
[14] Nguyễn Văn Dũng, “Bài 10: Cánh Chung Học Cá Nhân: Mầu Nhiệm Sự Chết,” 5-6.
[15] Ibid., 6.
[16] Ibid., 7-9.

Tác giả bài viết: Phương Tế Các Lương, C.Ss.R.

 Tags: thần học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại626,265
  • Tổng lượt truy cập28,941,634

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây