Chiều kích cánh chung của kinh lạy cha

Thứ hai - 29/10/2018 17:33

CHIỀU KÍCH CÁNH CHUNG CỦA KINH LẠY CHA
---
NIỀM VUI VÀ HY VỌNG KHI ĐỌC KINH LẠY CHA
ĐỂ CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI TÍN HỮU QUA ĐỜI


Dẫn nhập
Trong việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Giáo hội mời gọi cộng đoàn Giáo hội Lữ hành trong khi thực hành lời cầu nguyện của mình thì, đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, bên cạnh những điều kiện thông thường như xưng tội, Rước Lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, để cầu nguyện cho những người quá cố[1]. Do đó, có thể nói tự bản chất của hai lời kinh nguyện này hàm chứa một sức mạnh thiêng liêng. Sức mạnh đó chính là giải thoát những con người đang trong tình trạng thanh luyện nơi Giáo hội Thanh luyện, và mong được gia nhập vào cuộc sống của cộng đoàn Giáo hội Khải hoàn trên trời. Hay nói cách khác, việc cầu nguyện như thế tự trong nội tại của nó hàm chứa một chiều kích tối hậu mở ra cho con người một niềm hy vọng vĩnh cửu đầy tràn lẽ cậy trông và hy vọng nơi con người. Vì lý do đó, nội trong bài viết xin được trình bày một vài điểm trong kinh “Lạy Cha” để toát lên chiều kích này.

  1. Việc cầu nguyện cho người quá cố

Thánh Gioan Đamascênô đã định nghĩa: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều xứng hợp”[2]. Và Giáo hội cũng khẳng định với chúng ta rằng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Thiên Chúa chấp nhận[3], bởi lẽ Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cầu nguyện[4] và Ngài luôn luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta[5].
Ngoài ra, Giáo hội còn dạy cho chúng ta về sự hiệp thông trong các tình trạng của Giáo hội, trong đó Giáo hội cũng đặc biệt quan tâm đến những người tín hữu đang trong tình trạng Thanh luyện, nhưng họ không còn có khả năng lập nên các công đức, vì thế họ cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, những con người còn có khả năng. Hơn nữa, việc cầu nguyện này đã có từ xa xưa trong đời sống của Giáo hội, đặc biệt nó cũng đã được đề cập đến trong Kinh Thánh.[6] Và vì thế điều quan tâm của chúng ta là chúng ta cầu nguyện như thế nào? và cầu nguyện những gì? khi chúng ta thực hành lời cầu nguyện cho họ.

 

  1. Kinh Lạy Cha – Lời cầu nguyện cho mọi lời cầu nguyện

Xuất phát từ lời nài xin của các môn đệ về việc cầu nguyện[7], Chúa Giêsu đã dạy cho các ông điều mà các ông mong muốn. Lời dạy đó được thánh sử Luca và Matthêô ghi chép lại nơi Tin Mừng của các ngài: Lc 11, 2-4; Mt 6, 9-13 mà truyền thống Giáo hội gọi là “Kinh Lạy Cha”, lời cầu nguyện độc nhất vô nhị được xuất phát từ miệng lưỡi của Chúa Giêsu: đó là Lời Kinh “của Chúa”[8].
Bên cạnh đó, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2761 còn dạy cho chúng ta biết Lời Kinh Chúa dạy còn là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng và là lời kinh nền tảng cần phải có trong các lời cầu nguyện của Giáo hội.[9] Ngoài ra, trong khi các môn đệ van xin Chúa Giêsu dạy cho việc cầu nguyện, các ông đã không đóng khung cho lời cầu xin của mình, không đóng khung cho một nhu cầu, ước nguyện, hay nơi một cá nhân nào, nhưng là một lời van xin mang tính phổ quát cho mọi hoàn cảnh, cho mọi con người. Do đó, việc cầu nguyện cho các tín hữu qua đời cũng không thể nằm ngoài ý định và ước muốn của Thiên Chúa và Giáo hội nơi sự cần thiết và quan trọng của Kinh Lạy Cha.

  1. Kinh Lạy Cha – Một lời cầu nguyện, một lời mạc khải

Vì là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, mà Tin Mừng chính là câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Do đó, Kinh Lạy Cha tự nội tại hàm chứa những điều cốt lõi và chính yếu của một câu chuyện. Thiên Chúa và con người trong tương quan Cha – Con, là những nhân vật được nói đến trong câu chuyện này. Ngoài ra, Người Cha được Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết Ngài là một Đấng đang ngự ở trên trời: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Điều này mở ra cho chúng ta một điều xác tín rằng quê hương đích thực của con người, không phải nơi trần gian này nhưng quê hương đó là Nước Trời, nơi có Thiên Chúa là Cha đang ngự trị. Con người xuất phát từ Thiên Chúa, và là con của Ngài nên con người cũng được mời gọi hướng và có quyền được trở vể với cội rễ của mình.
Chúa Giêsu đã từng nói: là người cha trần gian (kẻ gian ác) còn muốn điều tốt lành cho con cái mình, huống chi là Cha của nhân loại, Đấng Trọn Tốt Trọn Lành Vô Cùng lại không ban cho con cái mình điều tốt đẹp nhất từ Ngài[10]. Và điều tốt đẹp nhất của Ngài là gì nếu không phải là Nước Trời, nơi được diện kiến với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, bởi lẽ Chúa Giêsu, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa Cha đã đến trần gian này cốt yếu cũng là để nói cho chúng ta điều đó qua việc Ngài rao giảng về Nước Trời, cụ thể trong Tin Mừng theo Thánh Matthêô, đề tài về “Nước Trời” hầu như được đề cập xuyên suốt từ đầu đến cuối.[11] Do đó, có thể nói Nước Trời là điều khả thể mà con người sẽ nhận được. Và vì thế, nó trở nên là cùng đích tối hậu của con người, và là niềm tin, niềm hy vọng của chúng ta. Và đó cũng là lời cầu xin cho “Nước Cha trị đến” nơi thế gian này.
Thiên Chúa là Cha, Ngài có ý định cứu độ hết tất cả mọi người, và điều đó đã được Ngài mạc khải trong Kinh Thánh, từ thời Cựu Ước qua lời các tiên tri và ngôn sứ: “Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta”[12]. Bước sang thời Tân Ước, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Cha cũng đã nói cho chúng ta biết ý định đó: “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”[13]. Và vì thế, lời cầu xin của con người “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, như một lời mong mỏi sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc đời sau nơi ngay chính cuộc sống trần gian này. Và dĩ nhiên, để cảm nghiệm được điều đó chỉ có nơi Đức Giêsu Kitô, bởi lẽ, “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”[14] Mà qua Ngài chính là thi hành ý muốn của Chúa Cha: “hãy vâng nghe lời Người”[15].
Ngoài ra, vào cuối lời Kinh là một lời cầu xin khác để xin Thiên Chúa cứu thoát khỏi mọi sự dữ. Sự dữ có thể là nơi trần gian này và cũng có thể là những hình phạt của đời sau. Vì thế, xin cho thoát khỏi sự dữ thì cũng đồng nghĩa là xin cho được điều lành. Mà điều lành chính là Thiên Chúa, bởi lẽ Ngài là Đấng trọn tốt, trọn lành vô cùng.

  1. Kinh Lạy Cha – Một lời cầu nguyện trong sự hiệp thông

Bằng cách sử dụng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng con”, Kinh Lạy Cha tự mang cho mình chiều kích hiệp thông. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Cha chung của hết tất cả mọi người. Hơn nữa, điều này cũng càng đúng hơn với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Ở đâu hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”[16]. Ngoài ra, qua Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng về Mầu Nhiệm Các Thánh Thông Công, do đó, Giáo hội còn nhìn nhận rằng trong cùng một Hội Thánh “có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có”[17]. Nhưng dù ở tình trạng nào, tất cả đều chia sẻ cùng một lòng yêu mến Thiên Chúa, và tha nhân, cùng là môn đệ Chúa Kitô và cùng được Thánh Thần hướng dẫn, nên tất cả họp thành một Hội Thánh duy nhất là thân mình liên kết với nhau trong Đức Kitô là Đầu. Vì thế, khi cầu nguyện bằng việc sử dụng “chúng con” một cách nào đó cũng chính là việc chúng ta đang hiệp ý với những người đã mất cầu nguyện cho chính bản thân họ và cho chính mỗi người chúng ta. Điều này làm rõ nét nơi chiều kích hiệp thông trong Kinh Lạy Cha.
Kết luận
Mặc dù không đi phân tích từng câu trong Kinh Lạy Cha, thế nhưng một cách khái quát chúng ta cũng nhận ra được nơi kinh Lạy Cha hàm chứa một niềm vui và mở ra nhiều hy vọng. Và điều đó chỉ được đạt đến nếu con người thực sự xác tín vào Đức Kitô và những gì Ngài truyền dạy cho chúng ta. Kinh Lạy Cha mở ra cho chúng ta một chiều kích cách chung thật đầy đủ ý nghĩa.

 

 


[1] x. Tông Hiến Giáo Lý Ân Xá  - INDULGENTIARUM DOCTRINA - Do Đức Phaolô VI ban hành ngày mồng 01 tháng 01 năm 1967

[2] Thánh Gioan Đamascênô, Expossitio fidei, 68 [De fide orthodoxa 3, 24]: PTS 12, 167 (PG 94, 1089).

[3] x. HĐGMVN:UBGLĐT, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2010, số 2743.

[4] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2567.

[5] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1127, 2737.

[6] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1032.

[7] x. Lc 11, 1.

[8] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2765.

[9] x. Tertullianô, De orantione, 10: CCL 1, 263(PL 1, 1268-1269).

[10] x. Lc 11, 5-13.

[11] x. Tin Mừng theo Thánh Matthêô từ chương 3 trở đi (hơn 36 lần dùng từ “Nước Trời”).

[12] Is 66,18.

[13] Lc 13, 30.

[14] Ga 14, 6.

[15] Mc 9, 6.

[16] Mt 18, 20.

[17] Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium, số 49.

Tác giả bài viết: Lm. Luy Hồ Trọng Hưng

 Tags: kinh thánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập178
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay20,742
  • Tháng hiện tại49,352
  • Tổng lượt truy cập29,028,890

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây