Romano Guardini: Triết gia của thế giới Kitô giáo

Thứ năm - 05/10/2023 19:29
 
 
Khóa Thường Huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn
(25-27/9/2023)

Chủ đề:
Tông thư Desiderio Desideravi
Phụng Vụ: Điểm hẹn tình yêu với Đức Kitô



ROMANO GUARDINI:
TRIẾT GIA CỦA THẾ GIỚI KITÔ GIÁO

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính



DẪN NHẬP

Phụng vụ là hành động tượng trưng. Biểu tượng là cái tinh túy của sự đồng nhất giữa tinh thần và vật chất bị mất đi khi chúng tách rời nhau, khi thế giới bị chia đôi, thành tinh thần và xác thịt, thành chủ thể và khách thể. Con người là tinh thần trong xác thịt và xác thịt trong tinh thần, thế nên, phụng vụ và biểu tượng dẫn con người đến bản chất của chính mình và cuối cùng, thông qua sự thờ phượng, đến chân lý. Đây là tư tưởng của Romano Guardini, người được mệnh danh là “Triết gia của Thế giới Kitô giáo” mà trọn cuộc sống của ngài luôn loan báo “sự thánh thiêng trong thế giới hiện đại”.

Guardini hy vọng rằng Giáo hội có thể khám phá lại sức mạnh của các biểu tượng trong cử hành phụng vụ vì đây là ngưỡng cửa giữa cái thiêng và cái phàm tục. Nhiệm vụ không dễ dàng vì con người hiện đại đã trở nên mù chữ, không còn khả năng đọc các biểu tượng. Ngài đã từng viết nguyên một cuốn sách về tính biểu tượng của các cử chỉ trong Thánh lễ có tựa đề Von heiligen Zeichen (Sacred Signs) để giúp người tín hữu tham gia phụng vụ một cách trọn vẹn hơn thông qua các dấu hiệu và biểu tượng mà nó truyền đạt. Tư tưởng về phụng vụ của Romano Guardini đã đi tiên phong, dẫn dắt các phong trào cải cách phụng vụ trước và sau Công đồng Vatican II, thậm chí ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng hiện đại, các Đức giáo hoàng như  Gioan Phaolô II, đặc biệt là Đức Bênêđictô XVI, người gọi Guardini là “nhân vật vĩ đại, người diễn giải Kitô giáo của thế giới và thời đại mình” (cf. Perché siamo ancora nella Chiesa, Milan, Rizzoli, 2008, tr. 186). Ngài cũng ảnh hưởng nhiều đến Đức Phanxicô, người đã trích dẫn Romano Guardini 5 lần trong thông điệp Laudato Si', một lần trong Lumen FideiEvangelii Gaudium, nhiều lần trong các diễn từ và phỏng vấn, và 5 lần trong Tông thư gần đây nhất là Desiderio Desideravi về đào tạo phụng vụ cho dân Thiên Chúa, ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2022, Lễ Trọng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Romano Guardini là ai mà có sức ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài đến vậy?

 
Rivela - mostre culturali itineranti


I. ROMANI GUARDINI: CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM

Romano Guardini sinh ngày 17 tháng 2 năm 1885 tại Verona, nước Ý, một trung tâm văn hóa. Cha ngài là nhà nhập khẩu trứng và gia cầm. Năm sau đó, gia đình ngài chuyển đến sống tại Mainz, nước Đức. Guardini lớn lên tại thành phố này và xem mình là người Đức (gốc Ý). Sau khi học hóa học và kinh tế, ngài học thần học, nhập chủng viện Mainz năm 1908 và thụ phong linh mục ngày 28 tháng 5 năm 1910. Năm 1915, ngài lấy bằng Tiến sĩ Thần học tại Đại học Freiburg với luận án về giáo huấn của Thánh Bônaventura về sự cứu rỗi và dạy Thần học Tín lý tại Đại học Bonn năm 1922. Từ năm 1910 đến 1923, ngài làm cha phụ tá ở Heppenheim, Darmstadt, Worms và Mainz. Sức mạnh mục vụ của ngài là “không đối đầu với tín hữu như là người nắm giữ quyền lực mà đứng kề bên họ, đắn đo khi đưa ra cho họ những kết quả chắc nịch hay những chỉ dẫn song cùng với họ tìm kiếm để đạt được những kết quả chung”.[1]

Bộ trưởng giáo dục nước Phổ (Prussian) là Becker muốn ngài dạy tại Đại học Berlin song thời gian này một linh mục Công giáo không thể là thành viên ban Triết hay Thần học tại một đại học. Thế nên ngài được mời đến Breslau làm thành viên khoa Thần học để dạy môn Katholische Religionsphilosophie und Weltanschauung (Triết thần và thế giới quan Công giáo), và như thế có thể làm giáo sư thỉnh giảng tại Berlin năm 1923. Ngài giữ chức vụ này từ năm 1923 đến 1939 dưới chế độ Quốc xã (tiếng Đức: Nationalsozialismus, viết tắt là Nazismus). Nazi đã loại Guardini ra khỏi trường đại học, giải tán phong trào Quickborn và đóng cửa trụ sở Burg Rothenfels, nơi mà ngài tập trung giới trẻ. Ngài ở lại Berlin trong 4 năm, viết những cuốn sách quan trọng là The Church and The Catholic (1923), Letters from Lake Como (1927), Sacred Signs (1929), The Lord (1937), The World and the Person (1939) và Meditations Before Mass (1939). Trong những năm chiến tranh mà người Đức gọi là “innere Emigration” (Di cư nội bộ), nghĩa là những người bất đồng chính kiến với chế độ nhưng vẫn lựa chọn ở lại, Berlin bị không kích, ngài rời khỏi thành phố vào năm 1934 đến sống tại Mooshausen, Nam Bavaria, với một người bạn linh mục chí cốt là cha Josef Weiger, viết những suy tư tự thuật là cuốn Berichte über mein Leben (Reports about My Life).

Sau những năm ở ẩn, ngài được mời về khoa Thần học nổi tiếng của Đại học Tuebingen năm 1948. Năm 1952, ngài được mời về dạy tại Đại học Munich với ghế giáo sư Triết học Tôn giáo và thế giới quan Kitô giáo (Philosophy of Religion and Christian Weltanschauung) và giữ vị trí này cho đến năm 1963 khi được Karl Rahner kế nhiệm. Chính trong thời gian ở tại Munich này ngài đã viết The End of the Modern World (1950), Power and Responsibility (1951) và The Church of the Lord (1965).[2]

Năm 1952, Giáo hoàng Piô XII ban cho ngài chức “Giám Chức Danh Dự của Đức Giáo Hoàng” (Domestic Prelate) với tước “Đức ông” (Monsignor). Năm 1962, Guardini nhận giải thưởng Erasmus. Năm 1965, Đức Phaolô VI muốn bổ nhiệm ngài vào Hồng y đoàn nhưng ngài từ chối.

Rất ít điều được biết về cuộc đời của Guardini ngoài vòng bè bạn. Hiển nhiên là ngài không dây dưa đến bất kỳ cuộc tranh cãi nào, không có bất kỳ “biến cố giật gân” nào trong cuộc đời như Đức hồng y Newman, ngoại trừ việc bị chế độ Quốc xã đình chỉ giảng dạy một thời gian.

Khi dạy tại Đại học Berlin, Guadini là thủ lĩnh có ảnh hưởng nhất của Phong trào Giới trẻ Công giáo Đức (Juventus), tụ họp tại lâu đài “Rothenfels” với tổ chức “Quickborn” và tờ báo của phong trào là Die Schildgenossen (Comrades of the Shield). Bắt đầu từ thập niên 1920, trước Công đồng Vatican II đến hơn 40 năm, ngài thu hút giới trẻ với những canh tân phụng vụ như Thánh lễ quay mặt về phía cộng đoàn, nam nữ ngồi chung với nhau tham dự các buổi tĩnh tâm tại lâu đài Rothenfels. “Tại những cuộc họp địa phương hay toàn quốc của phong trào Quickborn, giới trẻ thảo luận về kịch nghệ, nghệ thuật và văn chương, chơi nhạc và dự tĩnh tâm hay hành hương các đền thánh. Tại Burg Rothenfels, các bạn trẻ nam nữ đến từ khắp nước Đức học những điệu vũ và bài hát dân gian, đóng kịch Shakespear hay thậm chí biểu diễn múa rối. Họ cũng tham dự các thánh lễ không chính thức mà trong đó họ hát những bài thánh ca bằng tiếng Đức thay vì tiếng Latinh, học hỏi bài đọc trong ngày và đứng xung quanh bàn thờ, linh mục quay mặt về phía cộng đoàn, Họ được dẫn nhập vào nhãn quan của Guardini về “Âu châu mới” (new Europe), siêu vượt lên trên ranh giới quốc gia và sắc tộc, đặt nền trên nền tảng của truyền thống nhân bản thuyết phương Tây”.[3]

Điều này khiến cho nhiều giám mục Đức nghi ngờ và muốn kiểm soát phong trào. Guardini lại muốn cho tổ chức Quickborn được tự do, ngài viết: “Thật sự Giáo hội đã hoài nghi tôi trong thời gian dài, nếu không liên quan đến tất cả những hoạt động của tôi thì ít nhất là liên quan đến Rothenfels. Các đấng bậc thẩm quyền Giáo hội không giúp đỡ gì cho tôi cả và cho đến gần đây thì còn chèn ép tôi”.[4] Những tiếp xúc với riêng tư với ngài đã tiêm nhiễm cho nhiều người trẻ thời ấy chống lại những dối trá của chế độ mới kiểm soát nước Đức vào năm 1933. Ngài trung thực với bạn bè, học trò, với hàng giáo phẩm cũng như với lãnh đạo Nazi, không cúi mình trước chữ thập swastika khi được gọi đến văn phòng bộ trưởng Bernhard Rust. Ngài lấy sức mạnh từ thần học của mình, quả quyết rằng chỉ có sự kết hiệp với Thiên Chúa hằng sống thì con người mới có thể cá nhân hóa cách đầy đủ. Người tìm kiếm ở lại trong Thiên Chúa mới có thể nhận được sự thông thái và can đảm duy trì tự do cá nhân trong các chế độ độc tài, đồng thời tránh được cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân. Nói cách khác, thần luật (theonomy – trạng thái do Thượng đế thống trị) là điều chính yếu cho cuộc sống con người trong khi tha luật (heteronomy – trạng thái do tha nhân khống chế) và tự luật (autonomy – trạng thái tự làm chủ) làm chậm lại sự phát triển của con người.[5]   

Khi qua đời năm 1968 ở tuổi 83, Guardini đã viết nhiều sách và bài báo. Ngoài ra, ngài còn thuyết giảng cho hàng nghìn thính giả, và thông qua bài viết cũng như lời giảng dạy đã ảnh hưởng sâu sắc đến người Công giáo trên khắp thế giới. Ngài được gọi bằng nhiều tên gọi - một người Phục hưng, người tiên phong của Công đồng Vatican II, ngọn hải đăng trong thế giới đen tối, một nhà tiên tri của những điều sắp xảy ra, một học giả nhân văn theo nghĩa đúng nhất của từ ngữ - những đặc điểm mà vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Ngài đã nhận được nhiều danh hiệu, bao gồm cả Giải thưởng Erasmus đáng mơ ước, và gần cuối đời, thậm chí còn được đề nghị ban mũ hồng y, nhưng đã từ chối. Ảnh hưởng và sự nổi tiếng của ngài ở Châu Âu và Hoa Kỳ đã suy yếu trong những năm 60 và 70 đầy biến động, nhưng giờ đây đã được hồi sinh.

Một số nhận xét và suy tư của Guardini hiển nhiên đã lỗi thời. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn tác phẩm của ngài vẫn còn hợp thời. Quả thực, nó mang tính tiên tri theo nghĩa là đã thấy trước nhiều thập kỷ về các yếu tố tiêu cực cũng như tích cực trong thời hiện đại hoặc hậu hiện đại, và hậu quả của chúng đối với đời sống của Giáo hội.

Guardini là một trong người có ảnh hưởng chính trong phong trào canh tân phụng vụ tại Đức. Cuốn Vom Geist der Liturgie (Tinh thần phụng vụ) của ngài xuất bản năm 1918 đã gây ảnh hưởng rộng và sâu sắc hơn hàng ngàn trang viết của những người khác trước đó. Những thông điệp của Giáo hoàng Piô XII về Thân thể mầu nhiệm Đức Kitô (Mystici Corporis), Kinh Thánh (Divino Afflante Spiritu), Phụng vụ (Mediator Dei) đã mang đấu ấn của các ngài. Guardini cũng là nghệ nhân của từ ngữ. Sự rõ ràng của ngôn ngữ Latinh nơi quê hương bổn quán của ngài đã kết hợp với tài năng ngôn ngữ Đức. Câu cú ngắn gọn, ngài viết với sự đơn giản pha chút vô tư khiến người ta quên đi sự bạo dạn và thâm sâu trong tư tưởng ngài. Các giám mục Đức đã giao cho ngài dịch các Thánh vịnh thay vì chọn một chuyên gia Kinh Thánh nào đó.

Ngài qua đời tại Munich, hưởng thọ 83 tuổi, mộ phần nằm tại nghĩa trang Nhà thờ St. Lawrence của dòng Oratorians và trên tấm bia ghi hàng chữ theo yêu cầu của ngài: “Tin vào Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài, tin cậy vào sự phán xét đầy thương xót của Ngài”. Là một trong những nhà thần học vĩ đại của thế kỷ XX, vị linh mục người Đức gốc Ý này đã ảnh hưởng sâu đậm trên tư tưởng của hai vị giáo hoàng hiện đại là Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô.

II. DI SẢN PHỤNG VỤ

1. Tinh thần phụng vụ

“Từ “thánh thiêng” (sacred) xuất phát từ sacer, nghĩa là tách riêng ra. Nơi thánh thiêng là templum, xuất phát từ temno, có nghĩa là cắt ra, đánh dấu sự gián đoạn. Nhà nhân học Mircea Eliade nhìn nhận có sự hỗ tương giữa các từ thánh thiêng và phàm tục (sacred/profane), được định nghĩa là có sự liên hệ với nhau vì phàm tục (profane) là pro-fanum, nghĩa là đứng trước (pro) nơi thánh hay đền thờ (fanum). Vì thế, không có gì nhị nguyên hay mâu thuẫn ở đây mà nguyên thủy có sự liên hệ với nhau. Giữa hai không gian này có một limen (ngưỡng cửa), một đường phân chia nhưng đồng thời cũng là đường nối kết giữa nội tại và ngoại tại. Đó là cái cánh cửa, như phân tích tuyệt hay của Romano Guardini về tinh thần phụng vụ và các dấu hiệu thánh đã nhắc nhở cho chúng ta. Bước qua ngưỡng cửa có nghĩa là từ bỏ cái bình thường, thay đổi hành vi, y phục của chúng ta, tóm lại là làm cho mình được đón nhận. Đi từ sự tập trung vào chính mình đến sự tiếp nhận. Là chuẩn bị chính mình cho sự hiệp thông dựa trên việc cùng nhau đi đến một bàn ăn chung. Đó cũng là nơi mà nhà thơ Bồ Đào Nha Pessoa đã nói: “đất hòa lẫn với trời”. Thật vậy, đền thờ có một oculus (“con mắt”), một cửa hình tròn trên đỉnh mái vòm của đền thờ để ánh sáng đi vào, nhưng nhất là để hiệp thông với bên ngoài “theo chiều thẳng đứng”…. Trong phụng vụ, tính hữu hình đóng vai trò quan trọng, và thân thể hàm ý mọi chiều kích, dù là nhận thức, tư thế hay các cử điệu thể lý. Michel De Certeau, linh mục Triết gia dòng Tên người Pháp, đã  viết: “Người cầu nguyện là một cái cây của những cử chỉ”. Các cánh cửa giác quan của chúng ta, dù là nhãn quan hay khứu giác với mùi hương trầm, thính giác với những âm thanh, tiếng hát, tiếng chuông, vị giác với bánh và rượu, tất cả đều được đánh thức, thúc giục và mời gọi. Chúng ta quỳ, đứng, bắt tay. Bước vào lối đi ở giữa để mang lễ vật (một cử chỉ mà trong vài nền văn hóa pha trộn với những chuyển động và nhịp nhàng của một vũ điệu), đón nhận Thánh thể. Liên hệ với sự nhập thể, thân xác ở trung tâm, thân xác nghĩa là toàn hữu thể. Một thân xác không cần phải lắp ghép kỹ thuật để đi vào sự hiệp thông. Phụng vụ củng cố những mối liên hệ. Như  Romano Guardini viết: “Cái “Tôi” của phụng vụ là sự hợp nhất của cộng đoàn người tin, một điều gì đó siêu vượt trên tổng thể những tín hữu cá nhân. Phụng vụ không nói “Tôi” mà nói “Chúng ta””. [6] Trên hết, Guardini đã tìm cách kết hợp cả thể xác và tinh thần với nhau trong phụng vụ, để bất cứ khi nào cử hành Thánh lễ, thì nó được cử hành với toàn thể con người.
 “Đức tin chính là ‘văn hóa’ bằng cách sáng tạo ra văn hóa và là văn hóa”.[7] Văn hóa, tự bản tính, vốn hướng đến Đấng Siêu việt (Transcendent). Nền văn hóa hiện đại thách thức cách hiểu về văn hóa này khi đoạn tuyệt với truyền thống trước đó và chuyển sang chủ quan, lấy con người làm trung tâm (subjective and anthropocentric), trái ngược với khách quan và lấy Thiên Chúa làm trung tâm (objective and theocentric).

Thế giới hiện đại bị lu mờ bởi sự phân rẽ và tự trị. Quan điểm về xã hội như là một bộ phận hài hoà mang tính cộng đồng đã bị thay thế bởi chủ thể độc lập cá nhân. Theo Guardini, 'Tuy nhiên, với ý thức mới về bản thân, xuất hiện vào cuối thời Trung cổ và đặc biệt là trong thời kỳ Phục hưng, con người trở nên quan trọng đối với chính mình. Cái “Tôi”… đã trở thành thước đo”.[8] Chiến thắng của nhân cách chủ quan sẽ dẫn đến một quan điểm mang đặc tính thống trị trong mối quan hệ của con người với vũ trụ và văn hóa. Rốt cuộc, Guardini mô tả đặc trưng của quan điểm văn hóa hiện đại cơ bản là công việc của con người – “độc lập với Hoạt động của Thiên Chúa”.[9] “Thế tục hóa” (secularization) là một tên gọi khác cho sự tách biệt văn hóa này ra khỏi mặc khải.

Phụng vụ đem lại cho nền văn hóa định hướng đúng đắn của nó bởi vì nó cho phép mọi người tham gia vào hành động tôn giáo cao nhất: thờ phụng hoặc “cultus” mà từ đó xuất phát ra từ tiếng Anh “culture”, có nghĩa là văn hóa. Cử hành Phụng vụ là trước hết và trên hết là một actio Dei (hành động của Thiên Chúa) chứ không phải opus hominis (công việc của con người). Guardini nhấn mạnh, “Khi phụng vụ được nhìn nhận một cách đúng đắn, thì không thể nói là nó có mục đích (purpose), bởi vì nó không hiện hữu vì con người, nhưng vì Thiên Chúa. Trong phụng vụ con người không còn quan tâm đến chính mình; cái nhìn của con người hướng về Thiên Chúa”. Phụng vụ hướng con người tới một trật tự vượt lên trên tự nhiên.

Trong khi tính hiện đại và hậu hiện đại được đánh dấu bằng logos máy móc, dẫn đến một ethos thực dụng, Kitô giáo đề xuất với thế giới một logos bí tích, đặc biệt là logos Thánh Thể hướng đến ethos của tình yêu tự hiến. Do đó, tầm quan trọng của tác phẩm Tinh thần Phụng vụ của Romano Guardini được nhấn mạnh vì văn hóa cần được tái hình thành lại bởi cội nguồn và đỉnh cao của Logos hiện diện trong cử hành Phụng vụ.

Hiện đại bao gồm hai thái cực khác nhau trong mối quan hệ với con người. Một đàng, con người giảm xuống thành một cá nhân độc lập. Đàng khác, con người cá nhân phụ thuộc vào cái mà Guardini gọi là “con người đại chúng” (mass man). Cái trước từ chối sự đoàn kết với tha nhân, trong khi cái sau làm suy yếu cá tính của mỗi người. Phụng vụ cho phép sự cân bằng nhân học vì phụng tự hướng về Thiên Chúa một cách siêu việt. Trong khi Phụng vụ gồm các cá nhân tập hợp chung lại với nhau để thờ phượng, theo quan điểm của Guardini “Mục đích chính và duy nhất của phụng vụ không phải là biểu hiện của sự tôn kính và thờ phượng cá nhân đối với Thiên Chúa…. Thực thể phụng vụ đúng hơn là bộ phận thống nhất các tín hữu như một thân thể là Giáo Hội, một bộ phận vượt hơn cả một cộng đoàn đơn thuần.[10] Thật sự, “phụng vụ không nói “Tôi” nhưng nói “Chúng ta”…. Phụng vụ không được cử hành do cá nhân mà bởi tập thể tín hữu” (The Spirit of Liturgy, tr. 36). Trong phụng vụ, không có chỗ cho sự độc lập ích kỷ nên cá nhân phải khiêm tốn ôm lấy căn tính tập thể là Thân thể Đức Kitô bên trên cá nhân bản thân. “Cá nhân phải từ bỏ ý tưởng và con đường riêng của mình, buộc phải tuân phục các ý tưởng và làm theo sự dẫn dắt phụng vụ” (SL, tr. 38). Guardini nhấn mạnh rằng chính trong việc cử hành Phụng vụ, sự phục tùng của cái tôi thực sự trở nên dễ dàng. Con người không đơn giản sáng tạo hoặc làm ra phụng tự theo sở thích cá nhân. Việc cử hành Phụng vụ mang đặc tính hướng tới sự tiếp nhận và hiệp thông, hướng tới một trật tự khách quan không do con người tạo ra.

Trong điều mà Guardini mô tả là “sự vui đùa” (playfulness) của phụng vụ, người ta học cách “từ bỏ sự hiếu động của hoạt động có mục đích, ít nhất là trong khi cầu nguyện” (SL, 71). Phụng vụ hiện thực hóa hình thức giải trí cao nhất bằng cách dẫn con người đến nghỉ ngơi (rest) trước sự hiện diện của Chúa thông qua việc bước vào phụng tự cộng đồng của Thân Thể Đức Kitô. Trong khi một thế giới quan bị cơ giới hóa liên quan đến sự thỏa mãn về vật chất, phụng vụ thỏa mãn những ước muốn trọn vẹn của con người, bao gồm việc nuôi dưỡng tinh thần của con người.

Thế giới hiện đại và hậu hiện đại đã đảo lộn trật tự đúng giữa logosethos. Do sự nhấn mạnh của chủ nghĩa duy danh (nominalist)[11] vào tính ưu việt của ý chí (chủ nghĩa duy ý chí - voluntarism), ethos đã ở trên logos. Gabriel Marcel đã mô tả đây là sự thống trị của “” (having) hay “làm” (doing) ở trên “” (being). Guardini đã nói rõ vấn đề khi viết rằng “trong toàn bộ cuộc sống, ưu tiên không thuộc về hành động ( hoặc làm – having hoặc doing), mà thuộc về hiện hữu (being).

Dưới ánh sáng của mối căng thẳng giữa Thiên Chúa và con người, Guardini nhấn mạnh rằng cử hành phụng vụ là “chủ yếu” để hoàn tất bản tính của mình với tư cách là một con người trong Logos Nhập thể, Đấng hiện diện cách bí tích trong Thánh Thể, ẩn mình trong cái bình thường trần thế của “hình bánh” (apparenza di pane). Giáo hội có sứ mệnh bác ái (ethos) giữa thế giới, nhưng trước tiên phải ôm lấy căn tính Thánh Thể (logos) của mình. Guardini đưa ra nhãn quan sâu sắc về sự dấn thân đích thực này mà Giáo hội phải có đối với thế giới hiện đại thông qua giáo hội học phụng vụ (liturgical ecclesiology).

“Một trong những người tôi thán phục nhất là Romano Guardini, người làm cho Thánh lễ dễ tiếp cận hơn, thật sự hơn, thích đáng hơn, đặc biệt là với giới trẻ. Tôi gọi ngài là người hùng của tôi không chỉ vì những thử nghiệm phụng vụ của ngài mà vì ngài là tác giả của một trong những chú giải vĩ đại nhất về Thánh lễ Rôma đã từng được viết, cuốn Tinh thần phụng vụ. Nó có ý nghĩa bởi vì dường như trong thời tiên phong của cải cách phụng vụ những năm hậu Công đồng Vatican II, Guardini đã đi đến kết luận trong những bài viết cuối cùng của mình rằng con người hiện đại đã có thể có hành vi phụng tự, đã có thể thờ phượng”.[12] Guardini khám phá ra một cách tiếp cận mới đối với Phụng vụ. Đối với ngài, việc tái khám phá Phụng vụ là tái khám phá sự đồng nhất của tinh thần và thân xác trong tổng thể của một con người duy nhất, vì hành động phụng vụ luôn đồng thời có cả thân xác và tinh thần. Lời cầu nguyện được mở rộng thông qua hành động thân xác và cộng đồng, do đó tính thống nhất của thực tại như là một tổng thể nói chung được tỏ bày.

2. Tính vui đùa của phụng vụ

Theo Romano Guardini, phụng vụ là sự hồn nhiên trước Thiên Chúa như Đavít nhảy múa trước hòm bia Thiên Chúa để ca ngợi Chúa, làm vui lòng Chúa. Theo nghĩa này, nó như một trò vui chơi (jeu, play) trong tính hồn nhiên, bộc phát của nó và không có mục đích vị lợi gì. Trong cuốn The Spirit of the Liturgy, Guardini diễn tả như sau:

 “Khi được nhìn đúng thì không thể nói rằng phụng vụ có một mục đích, vì nó không hiện hữu vì con người nhưng vì Thiên Chúa. Trong phụng vụ, chúng ta không quan tâm đến mình, cái nhìn của chính ta hướng về Thiên Chúa… Phụng vụ có nghĩa rằng linh hồn hiện hữu trong sự hiện diện của Thiên Chúa, xuất phát trong Ngài, sống trong thế giới thực tại thần linh, chân lý, những mầu nhiệm và biểu tượng… Có hai đoạn Kinh Thánh rất sâu sắc về điểm này. Một là đoạn nói về thị kiến của Êdêkien (Ed 1, 4 tt, đặc biệt là câu 12.17.20.24 và Ed 10,9tt). Hãy xem các cherubim sáng rực “Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau… Các sinh vật đi đi lại lại nhanh như chớp … đi … và đứng lại … và được nhấc bổng lên khỏi đất … tiếng cánh vẫy giống như tiếng nước chảy mạnh … Khi chúng dừng lại, thì cánh rủ xuống”. Thật là không có mục đích gì cả! Chúng chỉ là chuyển động thuần túy, mạnh mẽ và rực rỡ, hành động theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, không ước muốn gì ngoại trừ diễn tả sự lôi kéo nội tâm cũng như sức nóng và sức mạnh bên trong. Chúng là hình ảnh sống động của phụng vụ. Trong đoạn thứ hai, chính sự Khôn Ngoan vĩnh cửu nói: “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8, 30.31). Ta có thể kết luận là sự vui thích của Chúa Cha khi thấy sự Khôn Ngoan (là Chúa Con, sự viên mãn hoàn hảo của chân lý) tuôn đổ yếu tính vĩnh cửu của mình trước Ngài trong tất cả sự huy hoàng mà không có mục đích gì cả - nó có mục đích gì chứ? – nhưng đầy ý nghĩa, trong hạnh phúc thuần khiết và rõ ràng; Con chơi trước mặt Cha. Đó là cuộc sống của những sinh vật cao nhất, các thiên thần, những đấng không có mục đích và khi Thánh Thần khuấy động, họ di chuyển trước Thiên Chúa và đó là một trò giải trí thần bí và một bài hát sống động trước Ngài”.[13]

Như thế, Guardini đã mô tả phụng vụ như một “bầu khí không có mục đích, theo nghĩa đặc biệt” và một loại “thế giới tâm linh trong đó linh hồn có thể sống theo những đòi hỏi của bản tính mình”.[14] Nó là một thứ “vui chơi” (playful thing) mà trong đó những người được tập hợp lại vì phụng vụ có thể được cho là một cuộc vui của con người chơi đùa - homo ludens – trước sự sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó giống như trò chơi của trẻ em - nó “không có đó để đạt được một mục đích” mà tự nó là mục đích.[15] Nhưng nếu phụng vụ là vui chơi, thì người ta “chơi” như thế nào?

Lưu ý rằng Guardini nói phụng vụ như là “trò chơi” (play) chứ không phải là “một vở kịch” (a play). Đây là khác biệt quan trọng. Như một đạo diễn phim muốn bắt chước hoặc tạo lại bằng trực quan một cảnh trong quá khứ để giới thiệu lại cho khán giả mới của mình, đưa họ đến thời đại mà ông ta đang cố gắng miêu tả, như thế cũng có thể nói rằng một vở kịch bắt chước đối tượng của nó. Phụng vụ được cử hành không phải dưới hình thức một “vở kịch” mà là “phụng vụ”: “đối tượng được tưởng niệm không phải là được bắt chước, nhưng được chuyển dịch thành các biểu tượng”.[16]  Thế nên có thể nói rằng Guardini ít quan tâm đến việc cố gắng tạo lại “bối cảnh” hoặc “sân khấu” của Bữa Tiệc Ly: đây không phải là phụng vụ đối với ông.

Phụng vụ cũng không có mục đích chính là “tôn kính và thờ phượng của cá nhân đối với Thiên Chúa”’;[17] cũng không quan tâm đến việc thức tỉnh, đào tạo và thánh hóa linh hồn cá nhân”.[18] Nó thậm chí không quan tâm đến sự gắn bó và thống nhất của cộng đoàn hội tụ, gồm nhiều cá nhân khác nhau, vì thế phụng vụ lớn hơn bất kỳ nhóm người tập hợp nào. Phụng vụ chủ yếu là “hành vi thờ phượng công khai và hợp pháp của Giáo hội” - Giáo hội là “bộ phận đông hơn nhiều so với cộng đoàn đơn thuần”.[19] Đối với Guardini, phụng vụ nên được coi như một món quà, được nhận hơn là được thực hiện. Vì lý do này, phụng vụ phải khách quan trong bản tính. Ông mô tả phụng vụ Công giáo như là “hình mẫu cao nhất về quy tắc của đời sống tinh thần được thiết lập khách quan”.[20] Nó phải khách quan vì cộng đoàn tập hợp không phải để cử hành chính mình hoặc bất kỳ lý do đặc biệt nào; đúng hơn là nó tôn thờ và “[nói lên] sự hiệp nhất của nó với Đức Kitô”.[21]

Tính khách quan của phụng vụ là thế nào? Guardini nói rằng phụng vụ là lex orandi đồng thời là lex credendi; phụng vụ không phải là sự bày tỏ của cảm xúc mà “không có gì khác ngoài chân lý được diễn tả qua lời cầu nguyện”.[22] Trong bối cảnh Truyền thống Công giáo truyền thống, chân lý là đúng mọi lúc và mọi nơi, không giống như những cảm xúc đến rồi đi: chúng phụ thuộc vào một cá nhân hay một nhóm. Nếu phụng vụ dành cho tất cả mọi người, và lớn hơn một “cộng đoàn đơn thuần” hội tụ trong Thánh lễ Chúa nhật, nó phải được “hướng dẫn chủ yếu bằng tư tưởng chứ không phải bằng cảm xúc”;[23] Điều này sẽ giúp đảm bảo tính chất khách quan của phụng vụ. Cuối cùng, phụng vụ “diễn tả Giáo Hội là thân thể của Đức Kitô”.[24] Trong một cuốn sách khác, Guardini nói rằng việc tham gia phụng vụ “có nghĩa là nhận ra Đức Kitô với tư cách là Logos, Đấng Tạo Dựng, Đấng Cứu Chuộc’, đặc biệt là khi thánh hiến bánh và rượu, đi trước đó là “Thánh thư và Tin Mừng, mỗi bản văn là một gợi ý cho căn tính Đức Kitô”.[25] Cuối cùng, đối với Guardini, nhìn nhận chân lý về Đức Kitô hiện diện thật sự trong Thánh Lễ, được diễn dịch thành “cử chỉ, hành vi lời … để chúng ta hiểu được nó,[26] đó là yếu tính của phụng vụ”.[27]

Ngài so sánh phụng vụ với nghệ thuật: người thờ phượng giống như người nghệ sĩ tìm cách “trao sự sống cho hiện hữu của mình và những khao khát của nó, đem lại hình thức bên ngoài cho chân lý bên trong”. Người nghệ sĩ thể hiện những suy tư và cảm xúc sâu sắc nhất của mình, một phần trong con người mình, thông qua nghệ thuật; tuy nhiên, khung vẻ có giới hạn nên cảm xúc phải được 'kiềm chế'. Có thể nói hình thức của phụng vụ là khung tranh vẻ, và người thờ phượng bước vào “tinh thần phụng vụ” là chuyển động nét cọ của người nghệ sĩ, thể hiện thực tại nội tâm của cá nhân, của cộng đoàn thờ phượng, của Giáo hội rộng lớn hơn”.[28]

Đây là tổng quan về tư tưởng phụng vụ của Guardini. Điều quan trọng cần nhớ là đối với Guardini, đặc tính khách quan của phụng vụ là tối quan trọng, và cá nhân tính của những người quy tụ lại - và thậm chí là của linh mục - lệ thuộc vào trật tự khách quan, điều đòi hỏi sự khiêm nhường, bác ái và “mở rộng bản thân một cách mạnh mẽ”. Phụng vụ là một “trò chơi thánh thiêng” mà các “luật lệ nghiêm túc” đã được loại bỏ và trong đó “tâm hồn chơi đùa trước Thiên Chúa”.[29] Theo lời của Guardini:

“Thực hành phụng vụ có nghĩa là nhờ sự trợ giúp của ân sủng, dưới sự hướng dẫn của Giáo hội, chúng ta phát triển thành những tác phẩm nghệ thuật sống động trước mặt Chúa, mà không có ý định hay mục đích nào khác ngoài việc sống và tồn tại trước nhan Ngài”.[30]

III. ẢNH HƯỞNG CỦA GUARDINI TRÊN CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Romano Guardini (1885–1968) là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thần học thế kỷ 20, nhưng tác động của ngài ít được các học giả nói tiếng Anh biết đến. Trong khi nhiều người thừa nhận ảnh hưởng của Marie-Dominique Chenu O.P. (1895–1990), Henri De Lubac S.J. (1896–1991), Karl Rahner S.J. (1904–1984), Yves Congar O.P. (1904–1995), Jean Danielou S.J. (1905–1974), Karol Wojtyla (1920–2005), và Josef Ratzinger (1927-31/ 12/2022) trên Công đồng Vatican II thì ảnh hưởng của Guardini phần lớn đã bị lãng quên. Guardini không thể tham gia Công đồng do sức khỏe yếu, và ông đã qua đời vài năm sau khi Công đồng kết thúc. Vì thế, dấu ấn của ngài ấy đối với một số ý tưởng được đưa ra trong các bản văn của Công đồng đã bị bỏ qua.[31]

1. Kitô quy

Ngày 11 tháng 10 năm 1962, lễ Đức Mẹ Lên Trời, Đức Gioan XXIII đã đọc diễn văn khai mạc Công đồng Vatican II. Công việc của Công đồng khi trung thành với sứ mệnh mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội là truyền lại những gì đã nhận được từ thời các tông đồ, “truyền đạt giáo lý, tinh khiết và toàn vẹn, không có bất kỳ sự suy giảm hay biến dạng nào”. Trong khi vẫn duy trì Thánh Truyền của Giáo hội, Đức Gioan XXIII đã nhận ra nhu cầu không chỉ duy trì Thánh Truyền, mà còn phải cải cách vì lợi ích của Giáo hội trong sứ mệnh của mình đối với thế giới hiện đại. Đặc biệt, Giáo hội phải tập trung vào các chủ đề giáo hội học và nhân học. Có thể cho rằng mối quan tâm chính của Công đồng là Giáo hội và con người, đây cũng là hai quan tâm thần học của Romano Guardini. Sự trùng lặp lớn nhất giữa chiều hướng của Công đồng và tư tưởng của Guardini là sự thay đổi hướng tới trọng tâm Kitô quy (Christocentric).

Nhiều nhà thần học có ảnh hưởng đến tư tưởng của Công đồng Vatican II, có cả Guardini nữa, muốn cắm rễ giáo hội học và nhân học vào tính trọng tâm của Chúa Kitô.

Các chủ đề chính của công đồng phản ánh mối quan tâm thần học của Romano Guardini. Tương tự như Dei Verbum, Guardini nhấn mạnh rằng toàn bộ nội dung mặc khải đã được tiết lộ trong con người của Ngôi Lời Nhập Thể; Lumen Gentium miêu tả Giáo hội như một bí tích và sự hiệp thông sống động và mầu nhiệm, một điều được phản ánh trong các tác phẩm của Guardini; cuối cùng là Sacrosanctum Concilium đã thực hiện những cải cách vốn là mối quan tâm của Guardini trên cả hai bình diện lý thuyết lẫn thực hành.[32] Trên hết, tài liệu phản ánh mối quan tâm về tư tưởng triết học và thần học của Guardini là Gaudium et Spes. Tài liệu này vạch ra cách thức mà Giáo hội tham gia vào thế giới hiện đại (và hậu hiện đại). Trong khi thời hiện đại dựng lên một bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, thì Giáo hội có nhiệm vụ Kitô quy làm cầu nối cho cả hai.

Kitô quy (Christocentrism) là chủ đề tổng thể mà Guardini đã trình bày trong các tác phẩm của mình như một giải pháp để định hướng lại logos của thời hiện đại và hậu hiện đại. Chủ đề ưu tiên của Guardini về logos trên ethos được tìm thấy trong Gaudium et Spes số 22 nói về con người của Đức Kitô như sự mặc khải đầy đủ của con người (logos), trong khi số 24 nhấn mạnh rằng tự hiến là hành động xuất phát từ một đời sống Kitô quy (ethos).

Đức Hồng Y Ratzinger, trong tác phẩm của mình, đã ca ngợi Gaudium et Spes vì đã trình bày nhân học như là thần học.[33] Nhân học Kitô quy có trong tài liệu này (đặc biệt là các số 22 và 24) được Ratzinger mô tả là một “sự thay đổi cơ bản”.[34] Sự thay đổi rõ ràng là một nhân học không thể tách rời khỏi Kitô học.

Đức Bênêđictô XVI đã tiếp tục vượt qua sự độc lập (autonomy) trật tự thế tục khi liên tục nhấn mạnh liên tục vào việc nối lại mọi khía cạnh của văn hóa và sự sống trong con người của Logos. Có thể cho rằng, đây là điểm chính đã hợp nhất Guardini và Ratzinger.[35] Tính trung tâm của Logos là một trong những chủ đề của Guardini hiện diện trong tư tưởng của Đức Bênêđictô XVI. Một số học giả đã nêu bật những điểm tương đồng đáng chú ý giữa Ratzinger và Guardini: cả hai đều viết luận án tiến sĩ liên quan đến Thánh Bonaventura, cả hai đều viết sách phác thảo ra những đường nét chính của đức tin Kitô giáo, cả hai đều viết sách về phụng vụ, và đều viết những suy tư thần học của riêng mình về con người Đức Kitô.[36] Ảnh hưởng rõ ràng của Guardini đối với Ratzinger đã khiến Aidan Nichols O.P. kết luận rằng “bức tranh cơ bản của họ về thần học linh mục, tôi cho là giống y nhau”.[37] Chủ đề lớn nhất hợp nhất cả hai nhà tư tưởng là sự ưu tiên của phụng vụ trong việc định hướng lại logos của nền văn hóa. Trong khi phương Tây dường như bỏ qua thế giới quan Kitô giáo và quên đi di sản của Guardini, Đức Bênêđictô XVI đã làm vang vọng lại Weltanshauung (thế giới quan) Kitô quy của Guardini cho tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe.

2. Sắc lệnh Sacrosanctum Concilium
Rõ ràng là Sacrosanctum Concilium “không đột nhiên xuất hiện từ hư vô”.[38] Nhiều quan điểm của phong trào phụng vụ rộng lớn hơn, bắt đầu với Đan viện trưởng Prosper Guéranger vào năm 1833 tại tu viện Solesmes của Pháp, và những gì được kế thừa và “trau chín” do các học giả Công giáo người Đức như Odo Casel, Josef Jungmann, Pius Parsch, Ildefons Herwegen, và Guardini trong tác phẩm The Spirit of the Liturgy của mình, đã được khẳng định trong Mediator Dei và sau đó trong Sacrosanctum Concilium.[39] Người ta nói rằng Guardini ít ra đã có ảnh hưởng gián tiếp trên tài liệu này. Krieg nói rằng Sacrosanctum Concilium rõ ràng là thành quả lao động của nhiều người dẫn đường, trong đó có Romano Guardini đứng hàng đầu. Guardini đã chấp nhận lời mời tham gia Ủy ban chuẩn bị của Công đồng về Phụng vụ nhưng rồi không thể đóng góp trực tiếp vì sức khỏe yếu. Hẳn nhiên Ủy ban chuẩn bị về phụng vụ của Công đồng đã rút cảm hứng từ các tác phẩm của Guardini để soạn thảo hiến chế phụng vụ. Một số khái niệm phụng vụ chính được nhấn mạnh trong cuốn sách của ông nhưng không có trong Sacrosanctum Concilium, chẳng hạn như khái niệm của ông về “phụng vụ như một trò chơi” hoặc lý thuyết về “sự phân cực của hiện hữu” (polarity of existence). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Guardini không phải là một nhân vật tầm thường trong phong trào phụng vụ và, theo Ratzinger, cuốn sách của ông “có thể được cho là đã khai mở Phong Trào Phụng Vụ ở Đức”. Schilson thừa nhận vai trò của Guardini trong phụng vụ và ảnh hưởng của ông trên Sacrosanctum Concilium:

“Hiến chế về Phụng vụ của Vatican II, là thành quả chín muồi của phong trào phụng vụ, giả định trước và đồng thời tôn vinh vai trò của Guardini để canh tân phụng vụ và phục hồi năng lực của  phụng vụ và các biểu tượng”.[40]

Chính xác hơn nên nói rằng Sacrosanctum Concilium đã tiếp nhận và phát triển những nhãn quan trọng yếu của phong trào phụng vụ rộng lớn hơn, chẳng hạn như cho phép cộng đoàn giáo dân tham gia tích cực và có ý thức vào tiến trình phụng vụ, nhãn quan mà Guardini đã khai mào và chia sẻ.

Qua các tài liệu huấn quyền, đặc biệt là trong Mediator Dei và sau đó là Sacrosanctum Concilium, Giáo hội đã chọn ra những chủ đề chính từ phong trào phụng vụ. Cả hai tài liệu đều dành sự quan tâm đáng kể cho chủ đề tham gia tích cực (actuosa participatio) trong phụng vụ. Một số suy tư của Guardini đã ảnh hưởng đến Mediator Dei và ý tưởng tham gia tích cực vào phụng vụ của Guardini là một trong những di sản lâu dài của Sacrosanctum Concilium.

Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi …. Trong việc canh tân và cổ võ Phụng Vụ Thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực. Vì thế, nhờ việc huấn luyện cần thiết, các mục tử chăn dắt các linh hồn phải nhiệt tâm tìm đạt được điều đó trong mọi hoạt động phụng vụ (SC số 14).

Bởi vì, Phụng Vụ gồm phần bất biến, do Thiên Chúa thiết lập, và những phần có thể thay đổi. Phần này có thể hoặc cũng phải sửa đổi theo dòng thời gian, nếu tình cờ có len lỏi vào những yếu tố rất ít đáp ứng hoặc ít phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng Vụ. Trong việc canh tân này, phải tu chính các bản văn, và các nghi lễ làm sao cho chúng diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để dân Kitô giáo có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự bằng việc cử hành những nghi lễ ấy một cách trọn vẹn, linh động và cộng đồng (SC số 21).

3. Cải cách phụng vụ hậu Công đồng Vatican II

“Phong trào phụng vụ” (liturgical movement) đã ảnh hưởng đến canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II, cụ thể là những nguyên tắc trong Hiến chế về phụng vụ Sacrosanctum concilium, thánh lễ quay mặt về phía giáo dân và sử dụng ngôn ngữ địa phương.

“Phong trào phụng vụ” bắt đầu trước hết nơi các tu viện. Các học giả phụng vụ ở Pháp, Bỉ, Đức đã cổ vũ sự tham gia của giáo dân vào việc phụng tự của Giáo Hội, bắt đầu từ năm 1911 và 1914. Người đặt nền cho phong trào phụng vụ ở Âu châu được gán cho Prosper Guéranger, người tái lập tu viện Solesmes ở Pháp vào năm 1833. Nhãn quan của phong trào đã mở ra những cơ hội để giáo dân tham gia vào phụng vụ. Các văn bản của các giáo phụ và phụng vụ của các giáo hội trong thế kỷ đầu tiên trở thành nguồn gợi hứng cho các học giả đan tu này. Họ chú ý đến những cách thế mà đời sống cộng đoàn thờ phượng đã hình thành nên đức tin và đời sống của các tín hữu đầu tiên này. Các thủ lĩnh như Dom Lambert Beaudin (1873-1960) của Mont-César và Tu viện trưởng Ildephons Herwegen (1874-1946) và Dom Odo Casel (1886-1948) của Maria Laach và xuất bản nhiều sách về canh tân phụng vụ. Họ đề nghị dùng ngôn ngữ phổ thông trong Thánh lễ thay vì tiếng Latinh và cho giáo dân rước lễ thường xuyên trong Thánh lễ.

Những canh tân phụng vụ của phong trào đã được cổ vũ cách sâu sắc qua sách vở, giảng dạy và hoạt động của cha Romano Guardini (1885-1968). Romano là một giáo sư xuất sắc, đam mê phụng vụ và có những cách sáng tạo để cử hành phụng vụ trước Công đồng Vatican II. Năm 1922, Guardini lần đầu tiên tiếp xúc với phong trào giới trẻ ở Đức gọi là “Quickborn”, nghĩa là nguồn suối tuổi trẻ, tập trung tại lâu đài Rothenfels trên bờ sông Mainz. “Burg Rothenfels” là môi trường để Guardini thử nghiệm biến những ý tưởng cải cách phụng vụ của mình thành hiện thực.

 “Khi đồng hành với những người trẻ tuổi, Guardini cũng tìm một cách tiếp cận mới với phụng vụ. Đối với ngài, việc tái khám phá phụng vụ là tái khám phá sự hiệp nhất giữa tinh thần và thân xác trong tổng thể của một con người duy nhất, vì hành vi phụng vụ luôn đồng thời là một hành vi của thân thể và tinh thần. Cầu nguyện triển nở thông qua hành động của cơ thể và cộng đoàn, và do đó, nói lên sự thống nhất của tất cả thực tại. Phụng vụ là một hành động tượng trưng. Biểu tượng như tinh hoa của sự thống nhất giữa tinh thần và vật chất bị mất đi khi cả hai tách rời nhau, khi thế giới bị phân chia theo nhị nguyên thành tinh thần và thể xác, thành chủ thể và khách thể. Romano Guardini đã quả quyết rằng con người là tinh thần trong một thể xácthể xác trong một tinh thần, do đó, phụng vụ và biểu tượng dẫn con người đến yếu tính của chính mình, và cuối cùng, hướng đến chân lý qua sự thờ phượng.”[41]

Chính khát vọng hướng đến chân lý này và sự hướng tới những gì nguyên thủy và thiết yếu, mà Romano Guardini cảm thấy trước hết nơi những người trẻ tuổi. Trong các cuộc đối thoại với giới trẻ, đặc biệt là tại Lâu đài Rothenfels, vào thời đại ấy đã trở thành trung tâm của phong trào thanh niên Công giáo, nhờ Romano Guardini, vị linh mục và nhà giáo dục đã đề cao những lý tưởng của phong trào thanh niên như quyền tự quyết, trách nhiệm riêng và sự sẵn sàng nội tâm với chân lý; ông thanh lọc và đào sâu chúng. Tự do. Vâng, nhưng điều duy nhất tự do là điều “hoàn toàn là những gì phải là theo bản tính của mình. [...] Tự do đó là chân lý” (Auf dem Wege, tr. 20). Đối với Romano Guardini, chân lý của con người là yếu tính và sự phù hợp với hiện hữu. Con đường dẫn đến chân lý khi con người thực hành “sự vâng phục của hữu thể chúng ta đối với hữu thể của Thiên Chúa” (ibid., tr. 21). Điều này xảy ra trong sự thờ phượng, mà đối với Guardini thuộc về lĩnh vực tư tưởng.

Trong những thánh lễ cử hành nơi đây, ngài bắt đầu cho hát những bài thánh ca bằng tiếng Đức thay vì tiếng Latinh, giảng lễ có tính đối thoại hơn, và cộng đoàn đứng quanh một bàn thờ mà vị chủ tế đối mặt với họ. Ngôi nhà nguyện của lâu đài Rothenfels cũng được kiến trúc sư Rudolf Schwarz thiết kế lại cho phù hợp: vuông vức nhưng chiều dài lớn hơn một chút, tường sơn trắng mà không có trang trí, nền và trần bằng phẳng, nền lát đá tự nhiên, cửa sổ lớn để lấy ánh sáng, ghế ngồi xếp ba phía quanh khu vực bàn thờ. Bàn thờ cách tường gần nhất, trên nền bệ thấp. Với cách xếp đặt như thế này thì linh mục và cộng đoàn tham dự quy tụ với nhau, đối mặt nhau trong cử hành Thánh Thể. Tất cả những lựa chọn trong thiết kế nhà nguyện nhằm khuyến khích và mời gọi sự tham gia tích cực và đầy đủ của những người tham dự phụng tự. Hoạt động của phong trào tuổi trẻ này đã là mảnh đất màu mở cho hoạt động phụng vụ mà sau này được Công đồng Vatican II khích lệ. Thần học gia Karl Rahner nói rằng: “Ai cũng biết là kinh nghiệm ở Rothenfels là hình mẫu trực tiếp cho cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II”.[42]

Tác giả Heinz R. Kuehn, chứng nhân trực tiếp tham dự những thánh lễ cải cách này của cha Romano Guardini tại lâu đài Rothenfels, đã kể lại rằng:

“Ngôi nhà nguyện là một căn phòng nhỏ, không trang trí, nằm ở tầng hầm với ít hàng ghế, một bàn thờ nhỏ giống như cái bàn ăn và chỉ có ánh sáng tự nhiên chiếu qua các cánh cửa sổ hình chữ nhật… Nếu muốn diễn tả trong một vài từ về điều gì đã thu hút tôi và cộng đoàn nhỏ bé từ mọi ngỏ ngách của Berlin đến với thánh lễ của Guardini thì tôi nói như thế này: ngài là một người mà bằng lời nói và hành động của mình đã lôi kéo chúng tôi vào trong một thế giới nơi mà sự thánh thiêng trở nên sờ mó được cách thật sự và thuyết phục. Chỉ sự xuất hiện của ngài không thôi cũng chiếu ra một điều gì đó mà tôi chỉ có thể nói là sáng láng (luminous). Trong sự hiện diện của ngài, ta cảm thấy tinh lặng và chú ý hết sức. Với ngài trên bàn thờ, bàn thánh trở nên trung tâm vũ trụ. Nhưng đó có phải là vũ trụ của ảo tưởng? Của trốn thoát? Của tình cảm tôn giáo không tồn tại trong 24 giờ? Hoặc đó là trung tâm vũ trụ của chúng ta, thực tại hằng ngày của chúng ta?... Song đối với chúng tôi, chúng tôi đã tìm thấy một chỗ đứng vững chắc đem lại cho chúng tôi sức mạnh và lòng can đảm để đối mặt, chịu đựng và phản kháng lại thế giới mà trong đó sức mạnh của sự dữ,  Satan và ma quỷ đang lan tràn, trong căn nhà nguyện bé nhỏ ấy, trước sự hiện diện của một người mà lời nói và hành động của ngài đã khiến cho chân lý xuất hiện như một thể lý. Tác động của hành vi thánh càng thâm sâu hơn vì Guardini cử hành Thánh lễ versus populum – quay mặt về hướng giáo dân. Đó là missa recitata, một Thánh lễ mà dân chúng thưa đáp lớn tiếng với lời cầu của chủ tọa, một điều vẫn còn mới mẻ trong những ngày ấy. Trong cuốn sách của ngài được xuất bản sau khi chết, Berichte über mein Leben, Guardini đã nói đến những gì xảy ra ở nguyện đường Saint Benedict: “Điều tôi muốn làm trong nguyện đường này từ lúc đầu, ban đầu chỉ do bản năng nhưng dần trở nên có ý thức, rằng: phải làm cho chân lý sáng rực lên. Chân lý là quyền năng, miễn là bạn không đòi hỏi một hiệu quả tức thì, nhưng phải kiên nhẫn và cần chờ đợi thời gian lâu dài mới thấy được kết quả… Đôi khi, đặc biệt trong những năm cuối cùng, tôi có cảm giác rằng chân lý đang đứng đấy như một cơ thể sống động”.[43]

IV. ẢNH HƯỞNG TRÊN ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI VÀ PHANXICÔ

Romano Guardini là nhà thần học đã ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của tư tưởng Công giáo trong thế kỷ XX, cũng như sự kiện chính quan trọng nhất của thế kỷ này là Công đồng Vatican II. Từ đầu sự nghiệp của mình, Guardini đã cộng tác với những tên tuổi lớn như Martin Buber, Martin Heidegger và Max Scheler. Ý tưởng của ông đã ảnh hưởng đến những nhà tư tưởng sau này như Hannah Arendt, Pieper, de Lubac, von Balthasar, Walter Kasper, Thomas Merton, Giovanni Battista Montini (Đức Phaolô VI), Flannery O’Connor, Karl Rahner, Ratzinger, v.v. mặc dù họ không phải là đệ tử trực tiếp của ngài. Người viết tiểu sử của ngài, Hanna-Barbara Gerl, đã gọi Guardini là "Giáo phụ của thế kỷ 20".

Đức thánh cha Phanxicô yêu thích tư tưởng của Romano Guardini. Ngài trích dẫn Romano Guardini 8 lần trong Thông điệp Laudato si‘ (2015) và 5 lần trong Tông thư Desiderio Desideravi này. Là tác giả duy nhất được trích dẫn ngoài Công đồng, Kinh Thánh và các thánh. Romano Guardini là nhà thần học chính được Đức Phanxicô nhắc đến trong suốt Desiderio Desideravi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì ban đầu ngài định viết luận án tiến sĩ về Guardini. Nói đúng ra thì Guardini là một triết gia nhân vị chủ nghĩa trong trường phái hiện tượng học, đóng góp nhiều vào phong trào phụng vụ thế kỷ XX. Ông đã dành phần lớn tác phẩm của mình để hiểu cách con người trải nghiệm phụng vụ, giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa sâu sắc hơn trong phụng vụ. Một khái niệm quan trọng đối với Guardini là chủ nghĩa biểu tượng và biểu hiện tượng trưng. Con người là một sự hiển linh (epiphany), thể xác là biểu tượng thể hiện linh hồn. Vì vậy, tất cả các khía cạnh của phụng vụ có tính hiển linh (epiphatic), biểu lộ các thực tại của Thiên Chúa. Phụng vụ là nơi tập hợp các Kitô hữu thành một thể thống nhất. Sự thống nhất này không phải là sự đồng dạng vô hồn hay từ bỏ cá tính để thành một nhóm đồng nhất nào đó. Thay vào đó, sự thống nhất được thực hiện bởi phụng vụ là sự thống nhất của mục đích hay telos. Chúng ta trở nên một trong phụng vụ khi hướng về mục đích chung duy nhất của chúng ta: thông hiệp với Thiên Chúa.

Những tác phẩm của Guardini nuôi dưỡng tư tưởng Công giáo thế kỷ 20. Một trong những học trò của ông là Joseph Ratzinger. Là một nhà thần học, hồng y và thậm chí là giáo hoàng, Ratzinger nhiều lần thú nhận muốn theo đuổi con đường mà Guardini đã vạch ra. Ngay từ những dòng đầu tiên của cuốn "Jesus of Nazareth", ngài tuyên bố rằng mình đã nghĩ đến một tác phẩm kinh điển của thầy mình: Der Herr (Le Seigneur). Hơn nữa, trong cuốn "L’Esprit de la liturgie", từ tiêu đề, ngài cho thấy rằng mình đã được truyền cảm hứng từ kiệt tác Vom Geist der Liturgie (L’Esprit de la liturgie) của Guardini.

Có nhiều điểm chung giữa hai nhà trí thức sau này trở thành những nhân vật quan trọng trong Giáo hội thế kỷ 20. Nếu Ratzinger trở thành hồng y và giáo hoàng, thì Guardini đã từ chối lời đề nghị tiến chức hồng y của Đức giáo hoàng Phaolô VI vào năm 1965. Cả hai đều tìm cách tìm lại điều cốt yếu của Kitô giáo đáp trả lại Feuerbach. Năm 1938, Guardini đã viết tác phẩm tuyệt vời "L’essence du christianisme" về chủ đề này. Về phần mình, Ratzinger cũng dành cho chủ đề tương tự khi viết cuốn "Introduction au christianisme" vào năm 1968, là tác phẩm nổi tiếng nhất và có lẽ quan trọng nhất.

Cả hai cũng day dứt về Giáo hội, ý nghĩa và vận mệnh của nó. Nếu Guardini đã tiên tri vào năm 1921 “rằng một tiến trình sâu rộng đã bắt đầu: Giáo hội đang thức tỉnh các lương tâm”, thì Ratzinger đã đặt ra một cách triệt để vấn đề giáo hội học bắt đầu từ điều mà ngài xem là sự đảo ngược của luận đề Guardini: “Tiến trình sâu rộng là Giáo hội bị lụi tàn trong các linh hồn và tan rã trong các cộng đồng”. Theo chiều hướng này, ngày 4 tháng 6 năm 1970 tại Học viện Công giáo Bavaria ở Munich, trước câu hỏi "Tại sao ngày nay tôi vẫn ở trong Giáo hội?", Ratzinger đã trả lời rằng: "Tôi ở trong Giáo hội vì những lý do giống như lý do khiến tôi là một Kitô hữu: bởi vì ta không thể tin một mình. Ta chỉ có thể là một Kitô hữu trong Giáo Hội, không phải bên cạnh Giáo Hội".

Phụng vụ hẳn nhiên là điểm gặp gỡ giữa Ratzinger và Guardini. Để thể hiện món nợ của mình với Guardini, Ratzinger đã đặt tên cho cuốn sách của mình về phụng vụ, xuất bản vào Lễ Thánh Augustinô năm 1999 và đã thành công rực rỡ (bốn lần tái bản trong một năm), "Tinh thần của Phụng vụ", gợi lại chính xác tác phẩm nổi tiếng của Guardini "Tinh thần Phụng vụ" xuất bản năm 1918.

Chính Ratzinger đã viết trong lời nói đầu cho cuốn sách của mình: “Khi tôi bắt đầu học thần học vào đầu năm 1946, một trong sách đọc đầu tiên của tôi là cuốn 'Tinh thần của Phụng vụ' của Romano Guardini, cuốn sách nhỏ được xuất bản vào lễ Phục sinh năm 1918, là tập đầu tiên của bộ 'Ecclesia orans' do Herwegen chủ biên và được tái bản nhiều lần cho đến năm 1957. Tác phẩm này được coi là bước khởi đầu của phong trào phụng vụ ở Đức, đã góp phần quyết định vào việc tái khám phá phụng vụ, với vẻ đẹp, sự phong phú tiềm ẩn và sự vĩ đại vượt thời gian của nó, như là trung tâm quan trọng của Giáo hội và đời sống Kitô hữu. Ngài đã góp phần để phụng vụ được cử hành cách “chính yếu” (‘essentielle’, một từ yêu thích của Guardini); ngài muốn hiểu nó, từ bản chất và hình thức bên trong của nó, như một lời cầu nguyện được chính Chúa Thánh Thần linh hứng và hướng dẫn, trong đó Chúa Kitô tiếp tục làm người đương thời của chúng ta, để làm tràn đầy cuộc sống của chúng ta".

Nhưng Guardini không chỉ là một trí thức mà còn là một mục tử đối diện với “sức sống phụng vụ của tuổi trẻ”. Rothenfels là "quê hương thực sự của ngài". Ngài phát hiện ra lâu đài này nhờ một phong trào thanh niên vào năm 1920 và trở thành hoạt náo viên chính cho đến khi nó bị Đức quốc xã đóng cửa năm 1939. Tại đây, hàng nghìn thanh niên họp nhau tập luyện thể hình, nghe huấn đức và cử hành thánh lễ. Đây là cử hành cộng đồng (“một thống nhất cụ thể của cộng đồng giống như một tiên báo về dân Chúa trong tương lai”, theo cảm nhận của một người tham dự), điều đi bước trước cho một số thay đổi trong thực hành phụng vụ, chẳng hạn như thánh lễ cử hành về hướng cử tọa và không gian phụng vụ như chuyển bàn thờ ra phía trước. Thánh lễ của ngài là thánh lễ versus populum (hướng về dân chúng), một missa recitata (thánh lễ đọc to) trong đó, người ta đáp lời nguyện của linh mục một cách to tiếng, một điều khá mới mẻ hồi đó. Đối với Guardini, Bí tích Thánh Thể là trung tâm của phụng tự và đời sống Kitô hữu, phải xét đến việc chuyển bàn thờ từ quan niệm cổ điển là nơi hiến tế sang bàn ăn, nơi mà các thực khách của Thiên Chúa được mời gọi đồng bàn. Thánh lễ như một cộng đoàn bàn ăn (communauté de table). Phụng vụ là nơi gặp gỡ và chia sẻ, với các bản dịch phụng vụ, cung cấp cho tín hữu những thủ bản để theo dõi thánh lễ và các bài hát phụng vụ.

R. Guardini là đại diện chính của phong trào phụng vụ. Đối với ngài, phong trào phụng vụ được sinh ra từ một nhu cầu thực sự là mong muốn tìm lại những gì đã mất. Cuộc tìm kiếm này, cả về mặt học thuật lẫn thực tiễn, chỉ đơn giản là nhằm mục đích đưa đời sống phụng tự về đúng vị trí của nó. Công đồng nhìn nhận tư tưởng của ngài về sự mở ra của phụngu vụ. Sự mở ra này cũng liên quan đến đời sống nội bộ của Giáo hội, và do đó, mối quan hệ giữa các linh mục và giáo dân trong cử hành phụng vụ. Lời mời gọi cử hành Thánh Thể đối mặt với cử tọa, sử dụng sinh ngữ ngày càng rộng rãi hơn, phải được hiểu như là biểu tượng về những gì cộng đồng ý thức về chính mình, về phụng vụ với tư cách là một cộng đoàn. Canh tân phụng vụ có nghĩa là, trong khi vẫn gắn kết với thừa tác vụ linh mục, cũng phải trở thành việc của mọi người.

KẾT

Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục Munich và Freising, đã mở tiến trình xin phong chân phước cho Romano Guardini trong một buổi lễ trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Munich vào ngày thứ Bảy, 16 tháng 12 năm 2017, với cáo thỉnh viên là Tiến sĩ Johannes Modesto. Tờ Catholic Herald loan tin và đánh giá ngài là “một trong những nhà thần học quan trọng nhất của thế kỷ XX. Tác phẩm Tinh thần phụng vụ của ngài đã gây ảnh hưởng lớn trên Phong trào Phụng vụ và là nhà tư tưởng chính cho các nghị phụ tại Công đồng Vatican II”. Đời sống và tư tưởng của Romano Guardini đã hướng dẫn Công giáo đi từ thế phòng thủ của Công đồng Vatican I thập niên 1870 đến tư thế cởi mở của Công đồng Vatican II thập niên 1960. Viết hơn 75 cuốn sách và 100 bài viết, dạy nhiều thế hệ học trò, Guardini đã đề cập đến nhiều chủ đề chính trong thần học: Mạc khải là Thiên Chúa tự tiết lộ mình, Giáo hội là cộng đoàn Kitô hữu, phụng vụ là vui đùa trước mặt Thiên Chúa, văn chương là diễn tả kinh nghiệm tôn giáo, Đức Giêsu Kitô là Đấng trung gian, và chủ nghĩa Nazism là phủ nhận sự hiện hữu con người…. Các nhà thần học hiện đại như Karl Rahner, Hans Urs von Balthasar, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của ngài.    

Một người đương thời đã kể lại: “Tôi biết rằng sau đó các bài giảng của Guardini trong nguyện đường này đã được dùng làm bản thảo cho cuốn Der Herr (Le Seigneur) của ngài. Không thành vấn đề khi tôi thấy ngài khó tiếp cận, thậm chí hơi cộc trong các cuộc gặp gỡ xã giao, nhút nhát và không muốn bị lôi kéo vào bất cứ điều gì giống như tán gẫu. Điều quan trọng là trong 30 hoặc 40 phút đó, ngài đã cho của ăn để nuôi dưỡng chúng tôi trong một tuần bấp bênh, nguy hiểm và sợ hãi, sức mạnh để đối đầu với Satan và các ma quỷ trong một tuần nữa, và rằng chỉ một gợi nhớ về sự hiện diện của ngài tại bàn thờ và những lời của ngài đã mang lại ánh sáng ngay cả trong những khoảnh khắc tuyệt vọng và đen tối nhất”.[44] Đời sống tôn giáo hiện nay ngày càng trượt về phía chủ quan, cá nhân và thờ ơ lãnh đạm nên điều cần thiết là từ trong lòng Giáo hội nảy sinh mong muốn tìm thấy những gì bị lạc mất, khôi phục đời sống phụng tự về đúng vị trí của nó. Để trở về với “cái chủ yếu” (essentielle) của phụng vụ, trong Tông thư “Desiderio Desideravi”, Đức Phanxicô nói rằng Thiên Chúa “rất mong muốn” mỗi người đến với Ngài trong phụng vụ như điểm hẹn tình yêu với Đức Kitô, đọc được ý nghĩa các biểu tượng và có khả năng sử dụng chúng dưới ánh sáng của niềm hy vọng Kitô giáo qua việc đào tạo phụng vụ để “có thể giúp ích cho việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý trong cử hành Kitô giáo” (Desiderio Desideravi, số 1).





CÁC TÁC PHẨM CỦA ROMANO GUARDINI
Được xuất bản bằng Anh ngữ
liệt kê theo thứ tự niên đại của xuất bản gốc tiếng Đức
(theo Robert A. Krieg, Dòng Thánh Giá,
Congregatio a Sancta Cruce).


- The Spirit of the Liturgy, Ada Lane dịch, New York: Sheed and Ward, 1935. Bản tiếng Đức: 1918.
- The Church and the Catholic, Ada Lane dịch, New York: Sheed and Ward, 1935. Bản tiếng Đức: 1922.
- Letters from Lake Como, Geoffrey W. Bromiley dịch, Grand Rapids: William B. Eerdmans, 1994. Bản tiếng Đức: 1927.
- The Living God, Stanley Godman dịch, New York: Pantheon Books, 1957. Bản tiếng Đức: 1929.
- Sacred Signs, Grace Branham dịch, Louis: Pio Decimo, 1956. Bản tiếng Đức: 1929.
- The Lord's Prayer, Isabel McHugh dịch, New York: Pantheon Books, 1958. Bản tiếng Đức: 1932.
- The Life of Faith, John Chapin dịch, Westminster. MD: Newman, 1961. Bản tiếng Đức: 1935.
- Pascal for Our Time, Brian Thompson dịch, New York: Herder and Herder, 1966. German Publication: 1935.
- The Lord, Elinor Castendyk Briefs dịch, Chicago: Henry Regnery, 1954. Bản tiếng Đức: 1937.
- Meditations Before Mass, Elinor Castendyk Briefs dịch, Westminster. MD: Newman, 1955. In lại Preparing Yourself for Mass, 1993. Bản tiếng Đức: 1939.
- Preparing Yourself for Mass, Elinor Castendyk Briefs dịch, Mansfield, NH: Sophia Institute Press. 1993. Trước đây là Meditations Before Mass, 1955. Bản tiếng Đức: 1939.
- The World and the Person, Stelia Lange dịch, Chicago: Henry Regnery, 1965. Bản tiếng Đức: 1939.
- The Rosary of Our Lady, H. von Schuecking dịch, New York: Kenedy, 1955. In lại: Mansfield, NH: Sophia Institute Press, 1994. Bản tiếng Đức: 1940.
- The Art of Praying, Leopold Loewenstein-Wertheim dịch, Mansfield, NH: Sophia Institute Press, 1994. Trước đây là Prayer in Practice, 1957. Bản tiếng Đức: 1943.
- The Death of Socrates, Basil Wrighton dịch, New York: Sheed and Ward, 1948. Bản tiếng Đức: 1943.
- Prayer in Practice, Leopold Loewenstein-Wertheim dịch, New York: Pantheon, 1957. In lại là The Art of Praying, 1994. Bản tiếng Đức: 1943.
- Faith and the Modern Man. Charlotte E. Forsyth dịch. New York: Pantheon Books. 1952. Bản tiếng Đức: 1944.
- Freedom. Grace and Destiny, John Murray dịch, New York: Pantheon Books, 1961. Bản tiếng Đức: 1948.
- Prayers from Theology, Richard Newnham dịch, New York: Herder and Herder, 1956. Bản tiếng Đức: 1948.
- The Word of God on Faith. Hope and Charity, Stella Lange dịch, Chicago: Henry Regnery, 1963. Bản tiếng Đức: 1949.
- The End of the Modern World, Joseph Theman và Herbert Burke dịch, New York: Sheed and Ward, 1956. Bản tiếng Đức: 1950.
- Power and Responsibility, Elinor Castendyk Briefs dịch, Chicago: Henry Regnery. 1961. Bản tiếng Đức: 1951.
- Rilke's Duino Elegies: An Interpretation, K. G. Knight dịch, Chicago: Henry Regnery, 1961. Bản tiếng Đức: 1953.
- Jesus Christus: Meditations, Peter White dịch, Chicago: Henry Regnery, 1959. Bản tiếng Đức: 1957.
- The Humanity of Christ, Ronald Walls dịch, New York: Pantheon Books, 1964. Bản tiếng Đức: 1958.
- The Virtues, Stella Lange dịch, Chicago: Henry Regnery, 1967. Bản tiếng Đức: 1963.
- The Wisdom of the Psalms, Stella Lange dịch, Chicago: Henry Regnery, 1968. Bản tiếng Đức: 1963.
- The Church of the Lord, Stella Lange dịch, Chicago: Henry Regnery, 1966. Bản tiếng Đức: 1965.
 
[1] Romano Guardini, Berichte über mein Leben ("Reports about My Life"), Dusseldorf: Patmos Verlag, 1984, tr. 58 ff., tr. 61.
[2] Xem danh sách các tác phẩm được dịch sang tiếng Anh của Romano Guardini ở cuối bài.
[3] Helmut Kuhn, Romano Guardini. Der Mensch und das Werk ("Romano Guardini. The Man and the Work"),  Munich: Kosel·Verlag, không ngày tháng, tr. 29 - 31. Bản dịch Anh ngữ của Heinz R. Kuehn.
[4] Romano Guardini, Berichte über mein Leben: autobiographische Aufzeichnungen, Dusseldorf: Patmos Verlag, 1984, tr. 117-118.
[5] Guardini sử dụng những phạm trù này trong Welt und Person, Wurzburg Werkbund, 1939.
[6] Chiara Giaccardi, “A dialogue that needs to be resewn”, L'Osservatore Romano, 01 July 2023. Bà là Giáo sư Tiến sĩ, dạy môn Xã hội học về Văn hóa và các Tiến trình Truyền thông (Sociology of Culture and Communications Processes) tại Đại học Công giáo Thánh Tâm (Università Cattolica del Sacro Cuore), Milan.
[7] Joseph Ratzinger, Truth and Tolerance, bản dịch Anh ngữ của Henry Taylor, San Francisco: Ignatius Press, 2004, tr. 67
[8] Romano Guardini, The End of the Modern World, bản dịch của Joseph ThemanHerbert Burke, Wilmington, DE: ISI Books, 2001, tr. 39.
[9] Ibid.,  tr. 42.
[10] Ibid., tr. 19
[11] Chủ nghĩa duy danh là một quan điểm siêu hình trong triết học theo đó những thuật ngữ phổ quát và trừu tượng và các tiên đề (hay mệnh đề vị ngữ) tồn tại, trong khi cái phổ quát hay những vật trừu tượng, thì không. Có ít nhất hai phiên bản chính của Chủ nghĩa duy danh. Một phiên bản từ chối sự tồn tại của cái phổ quát-tức những thứ có thể tạo mẫu cho những thứ cụ thể (ví dụ, tính người, sức mạnh). Một phiên bản khác phủ nhận một cách cụ thể sự tồn tại của những vật trừu tượng-những vật không tồn tại trong không thời gian.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_duy_danh
[12] Richard Cipolla, “Liturgy as the source of priestly identity”, trong Liturgy in the Twenty-First Century: Contemporary Issues and Perspectives, Alcuin Reid chủ biên, Bloomsbury Publishing, 2016, tr. 225
[13] “The Spirit of the Liturgy”, bản tiếng Anh của Heinz R. Kuehn, trong The Essentiel Guardini: an anthology of the writings of Romano Guardini, Liturgy training publication, 1997, tr. 148-149
[14] Frank O’Malley, ‘The Thinker in the Church II: The Urgencies of Romano Guardini’, The Review of Politics, 25/4 (1963), tr. 455
[15] Patrick Gorevan, “Romano Guardini and the Liturgy”, New Blackfriars, 79/926 (1998), tr. 202
[16] Romano Guardini, Before Mass, London: Longmans, Green & Co., 1957, tr. 154.
[17] Romano Guardini, The Spirit of the Liturgy, bản dịch của Ada Lane, London: Sheed & Ward, 1930, tr. 5
[18] Ibid.
[19] Ibid., tr. 5-6
[20] Ibid., tr. 4
[21] Robert A. Krieg, Romano Guardini: A Precursor of Vatican II. Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1997, tr. 79.
[22] Romano Guardini, The Spirit of the Liturgy, bản dịch của Ada Lane, London: Sheed & Ward, 1930, tr. 15.
[23] Ibid., tr. 12.
[24] Robert A. Krieg, Romano Guardini: A Precursor of Vatican II. Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1997, tr. 76
[25] Romano Guardini, Before Mass, London: Longmans, Green & Co., 1957, tr. 179.
[26] Ibid., tr. 155.
[27] Ibid., tr. 180.
[28] Romano Guardini, The Spirit of the Liturgy, bản dịch của Ada Lane, London: Sheed & Ward, 1930, tr. 101 & Robert A. Krieg, Romano Guardini: A Precursor of Vatican II. Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1997, tr. 77.
[29] Romano Guardini, The Spirit of the Liturgy, bản dịch của Ada Lane, London: Sheed & Ward, 1930, tr. 103.
[30] Ibid., tr. 105.
[31] Về di sản bị lãng quên của Guardini, George A Pinichas viết: “Guardini hiện nay đã bị các nhà tư tưởng tôn giáo quên lãng. Ngài không có được một mục từ trong The Encyclopedia of Religion (1987), hay The Oxford
Dictionary of the Christian Church (1997), và chỉ một giới thiệu ngắn trong The New Catholic Encyclopedia (2003)”, George A. Pinichas, ‘The Essential Guardini,’ Modern Age: A Quarterly Review (Spring 2005): tr. 171–172. Một số tác phẩm của Guardini không được dịch sang tiếng Anh.
[32] Để so sánh công trình của Guardini và các văn bản của Công đồng, xem Robert A. Krieg, C.S.C., Guardini: A Precursor of Vatican II, University of Notre Dame Press, 1997, tr. 1–90; 161–182. Đây là một trong ít tác phẩm nhìn nhận sự đóng góp của tư tưởng Guardini vào việc triển khai các diễn từ thần học, hình thành nên chiều hướng của Công đồng Vatican II.
[33] Joseph Ratzinger, Principles of Catholic Theology: Building Stones for a Fundamental Theology, bản dịch của Mary Frances McCarthy, S.N.D. (Ignatius Press: San Francisco, 1987), tr. 378.
[34] Ibid., tr. 379
[35] Xem Emery De Gaál, Theology of Pope Benedict XVI, Palgrave Macmillan, 2010, tr. 41.
[36] Xem Aidan Nichols, O.P., “Romano Guardini and Joseph Ratzinger on the Theology of Liturgy”, trong Aidan Nichols O.P., Lost in Wonder: Essays on Liturgy and the Arts (Burlington, VT: Ashgate Publishing, 2011), tr. 21–25; Tracey Rowland, Benedict XVI: A Guide for the Perplexed, (New York: T & T Clark, 2010), tr. 17–19; và Emery De Gaál, The Theology of Pope Benedict XVI, Palgrave Macmillan, 2010, tr. 39–43.
[37] Aidan Nichols, “Romano Guardini and Joseph Ratzinger on the Theology of Liturgy” trong Lost in Wonder: Essays on Liturgy and the Arts,  2011, tr. 24.
[38] Pamela Jackson, An Abundance of Graces: Reflections on Sacrosanctum concilium (Chicago, IL: Hillenbrand Books, 2004c), tr. 3.
[39] Robert A. Krieg, Romano Guardini: A Precursor of Vatican II. Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1997, tr. 85-86
[40] Arno Schilson, “Romano Guardini und die Theologie der Gegenwart”, tr. 161, trich dẫn trong Robert Krieg, Romano Guardini, tr. 86.
[41] Bênêđictô XVI, Đại hội về “Di sản tinh thần và trí thức của Romano Guardini”, Salle Clémentine, thứ Sáu 29 tháng 10 năm 2010.
[42] Heinz R. Kuehn, “Romano Guardini: The Teacher of Teacher”, trong How Firm a Foundation: Leaders of the Liturgical Movement, Robert L. Tuzik, Liturgy Traning Publication, 1990,  tr. 47-48.
[43] Heinz R. Kuehn, The Essentiel Guardini: an anthology of the writings of Romano Guardini, Liturgy training publication, 1997, tr. 8
[44] Heinz R. Kuehn, The Essentiel Guardini: an anthology of the writings of Romano Guardini, Liturgy training publication, 1997, tr. 8

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay24,326
  • Tháng hiện tại639,083
  • Tổng lượt truy cập28,954,452

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây