Đằng sau vẻ đẹp của Thi Nại

Chúa nhật - 27/08/2023 19:26

Đầm Thi Nại ở Bình Định là thắng cảnh nổi tiếng, đã đi vào thơ ca: “Bình Định có núi Vọng Phu, Có đầm Thi Nại, có Cù Lao Xanh…” Những ghi chép trong sử sách xưa sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về một địa danh không chỉ có vẻ đẹp say đắm lòng người.

 

 Thương cảng Thi Nại được ghi lại trong “Đại Việt sử ký toàn thư”


Thương cảng Thi Nại sớm được ghi lại trong sử sách xưa, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Tỳ Ni bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn"… "lại là bến tàu xung yếu”.[1] Lê Tắc trong “An Nam chí lược” cũng cho chúng ta biết vị trí quan trọng của thương cảng Thi Nại: Nước Chiêm Thành: lập quốc tại mé biển, thương thuyền Trung Quốc vượt bể đi qua các nước phiên phục, thường tập trung tại đấy để chứa củi và nước, là bến tàu lớn nhất tại phía Nam.[2]

Châu bản triều Nguyễn ghi lại cụ thể hoạt động buôn bán ở cảng Thi Nại, khi các thương thuyền một số nước, chủ yếu là người Hoa thường vào tấn xin buôn bán và chịu thuế[3]. Theo tường trình của Tuần phủ Bình Định, những thương thuyền này đều phải qua kiểm tra, khám xét xem có mang theo thuốc phiện hay đồ vật cấm không trước khi được chấp nhận vào buôn bán.[4] Bên cạnh đó, tấn Thi Nại cũng thường là nơi neo đậu của các thương thuyền bị gió bão làm cho phiêu dạt. Tỉnh Bình Định sai người xem xét mức độ hư hại về vật chất để kịp thời trợ giúp sửa chữa[5], đồng thời trợ cấp lương thực, bạc, vải lụa…[6]
 

Cửa Thi Nại, nguồn: Bảo tàng Quang Trung, Bình Định


Đằng sau vẻ đẹp làm say đắm lòng người, Thi Nại còn là địa danh gắn với nhiều biến cố dữ dội trong lịch sử. Dưới triều Lê, nơi đây từng chứng kiến nhiều trận đánh lớn giữa quân Đại Việt với Chiêm Thành. Trong chiến tranh Tây Sơn với chúa Nguyễn, đầm Thi Nại nhiều lần trở thành chiến trường khốc liệt, gắn với những trận thủy chiến nổi tiếng.

Tháng 7 năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua cho xây pháo đài Hổ Cơ và bảo Thi Nại ở Bình Định. Vua nghĩ cửa biển Thi Nại nước sâu núi cao, thuyền tàu đi lại thường hay đỗ lại, cũng là chỗ địa đầu xung yếu. Phái ty bộ Công và vệ Giám thành mỗi bên một người đi hội với quan tỉnh xem hình thế đất ấy. Bèn chuẩn cho lập một pháo đài ở xứ Hổ Cơ, gọi là pháo đài Hổ Cơ. Lại đặt một bảo đắp luỹ đất ở gò cát đối ngạn với pháo đài, gọi là bảo Thi Nại để chống đỡ với nhau. Sai thuê 500 dân phu xây dựng công việc ấy.[7]

Sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng dụ quần thần: Kể ra, biết tự trị thì mạnh, có phòng bị thì không lo. Nay cửa biển Đà Nẵng ở Quảng Nam đã đặt thêm pháo đài Phòng Hải; cửa biển Thi Nại ở Bình Định lại mới xây pháo đài Hổ Cơ, để giữ chỗ hiểm yếu.
 

Châu bản triều Nguyễn về việc đắp pháo đài Hổ Cơ, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I


Châu bản triều Nguyễn, văn bản tháng 11 năm Minh Mạng 21 (1840) cho biết thêm về sự quan tâm của triều đình đến pháo đài này: Công việc đắp lại pháo đài Hổ Cơ đã hoàn thành. Vừa qua đã phân đặt xong các cỗ pháo.[8]

Dưới triều Tự Đức, Thi Nại được xác định là nơi “biên hải quan yếu”[9]. Vì vậy, đầm Thi Nại liên tục được củng cố bằng các pháo đài, đồn lũy “thiết lập các sở đồn bốt pháo đài phòng thủ nhiều ngả”[10]. Châu bản triều Nguyễn năm Tự Đức 22 (1869) cho biết cụ thể tấn Thi Nại đang xây các đồn luỹ đài bảo để đặt đại pháo các hạng 77 khẩu, tuân theo nghị bàn hội đồng sức cho bắn mỗi khẩu 3 phát, tổng cộng 231 phát.[11] Châu bản còn đề cập về số vật liệu đã chi cho việc xây dựng pháo đài đồn luỹ tại tấn Thi Nại.[12]

Bên cạnh đó, triều đình còn phái biền binh canh gác cửa biển Thi Nại và cho thuyền tuần tiễu.

Đến tham quan Thi Nại hôm nay, bên cạnh vẻ đẹp bình yên, những ghi chép trong thư tịch cổ sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những câu chuyện bể dâu đã gắn với địa danh này.

 


[1] Ngô Sĩ Liên và các Sử thần nhà Lê, Đại Việt Sử ký toàn thư.

[2] Lê Tắc, An Nam chí lược.

[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 1, tờ 7.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 1, tờ 7.

[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 49, tờ 121.

[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 49, tờ 1.

[7] Xứ Hổ Cơ ở bờ đông nam đồn cửa biển, trên có một núi cao hơn 7 trượng, có thể trông ra ngoài biển. Pháo đài xây hình tròn, chu vi 27 trượng, thân đài cao 5 thước 4 tấc, 3 mặt đằng trước, bên tả, bên hữu đều xây bậc đá, chia đặt 10 cỗ súng gang Hồng y, 2 cỗ súng gang Phách sơn, 6 cỗ súng đồng Quá sơn. Mặt sau làm cửa đài, khoảng giữa đài về mạn trước xây cột cờ, bên tả đặt kho thuốc súng, bên hữu làm trại lính. Gò cát ở phía tây đồn cửa biển ngang đối với xứ Hổ Cơ, cách nhau hơn 280 trượng, bảo đắp hình dài, trước sau đài đều 10 trượng, tả hữu ngang đều 7 trượng 2 thước, thân luỹ cao 6 thước 3 tấc. Mặt trước xây bậc để súng, chia đặt súng gang Hồng y, Phách sơn mỗi thứ 2 cỗ, 2 cỗ súng đồng Quá sơn. Mặt sau làm cửa bảo, quãng giữa bảo làm một trại lính. Chỗ gần bảo làm một cái nhà vuông, cho viên coi đồn ở.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Mộc bản triều Nguyễn.

[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng, tập 80, tờ 87.

[9] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 118, tờ 11.

[10] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 121, tờ 102.

[11] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 184, tờ 199.

[12] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 174, tờ 69.

Hồng Nhung

Tác giả bài viết: Hồng Nhung

Nguồn tin: https://archives.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay19,457
  • Tháng hiện tại194,727
  • Tổng lượt truy cập29,174,265

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây