Việc sử dụng Lọng – Tàn trong quá khứ và hiện nay

Thứ bảy - 25/11/2023 17:50

 

Thánh lễ đại triều kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội


Ở quê tôi có câu đố: “Một cột mà chín, mười kèo/ Chỉ xanh, chỉ đỏ xỏ lèo bốn bên”. Đó là câu đố về cái “lọng”. Lọng thì có lọng màu vàng, màu đỏ tía, màu xanh.

   Sau khi chế độ quân chủ Việt Nam cáo chung cùng với phong trào “đả thực, bài phong” cho nên lọng không còn sử dụng để đón rước quan chức nữa. Hình ảnh cố Tổng thống Ngô Đình Diệm mặc quốc phục (áo dài đen, khăn đóng đen, quần bà ba trắng) nhưng không bao giờ có che lọng, che tàn bao giờ! Lọng tàn chỉ còn sử dụng ở những nơi thờ tự như đình, miếu mà thôi!

   Dưới thời quân chủ Việt Nam, vua quan khi đi công cán đều dùng lọng. Theo cấp bậc của các quan, chuyến công cán sẽ được bố trí bao nhiêu lọng và lọng có màu sắc gì. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ vào năm Gia Long thứ 5 (1806) định lỗ bộ khi xe vua đi, trong lỗ bộ riêng “tán tròn 36 chiếc, lọng vàng 22 chiếc; tán bằng là vàng thêu 9 con rồng, cán cong, 2 chiếc…”(1).

   Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827) quy định lại đồ lỗ bộ khi xe vua đi, trong đó: “tán cán cong thêu 9 con rồng 1 chiếc, tán tròn màu vàng 25 chiếc, lọng vẽ mây vẽ hoa 4 chiếc, lọng che mưa vẽ rồng 8 chiếc…”(2)

   Năm Minh Mạng thứ 10 (1831) quy định lỗ bộ khi vua cưỡi ngựa, trong đó: “1 cái tàn cán cong thêu 9 con rồng, 4 cái tàn tròn sắc vàng…”(3). Ngoài ra còn những quy định đồ lỗ bộ khi vua thiết thường triều; khi vua đi chơi thường; khi xe vua đi trong cung…

   Đối với Hoàng thái hậu, vào năm Gia Long thứ 5 quy định lỗ bộ trong đó có: “2  tán cán cong 9 con phượng, 4 tán cán thẳng, hoa bảo tướng, sắc vàng, 2 tán thụy thảo, cán thẳng…”(4). Năm Tự Đức thứ 1 (1848) lỗ bộ dành cho Hoàng thái hậu được “làm thêm 4 tán tròn hạng nhỏ, 8 lọng phượng lụa vàng, 4 lọng phượng vải vàng, 5 lọng xanh…”(5).

   Năm Gia Long thứ 15 (1816) quy định lỗ bộ dành cho Hoàng thái tử, trong đó có: “1 tán tròn cán cong 7 rồng, 1 tán cán thẳng sắc đỏ, 4 tán vuông sắc đỏ, 2 lọng xanh, 2 lọng đi mưa lợp lụa quang dầu, đỏ, vảy vàng, 4 lọng đỏ, 6 lọng xanh vẽ rồng mây…”(6)

   Đối với các quan văn võ, vua Gia Long lệ định: “Chức quan trên nhất phẩm thì 4 lọng, hồ lô(7) bạc, lợp bằng lụa thêu 5 màu, trang sức hình dáng hoa, tơ rủ xuống 10 bông…”; Quan nhất phẩm: “3 lọng, hồ lô bạc, lợp bằng lụa màu lục, tơ rủ xuống 10 bông…”; Quan nhị phẩm: “2 lọng hồ lô bạc, lợp bằng lụa màu lục, 8 bông bằng tơ rủ xuống…”; Quan tam phẩm: “1 lọng, hồ lô màu hồng, lợp lụa màu lục, 6 bông bằng tơ rủ xuống…”; Quan tứ phẩm: “1 lọng, hồ lô xanh, lợp lụa đen, 4 bông bằng tơ rủ xuống…”; Quan ngũ phẩm đến thất phẩm: “1 lọng, hồ lô đen, lợp lụa đen…”; Quan bát phẩm, cửu phẩm đến vị nhập lưu: “1 lọng giấy quang dầu đen”(8).

   Năm Minh Mạng thứ 17 (1838) quy định nghi tụng tổng đốc các hạt dùng “2 tán bằng trừu đỏ (Đỉnh đầu trước mặt dùng 1 mảnh vải che đỏ, 2 tầng đều dùng trừu đỏ. Hồ lô bằng gỗ, trang sức bằng bạc), 2 tán bằng trừu màu lục”; Nghi tụng của quan tuần phủ: “tán bằng trừu, màu hồng màu lục 2 chiếc (trên màu hồng, dưới màu lục), 2 lọng xanh”; Nghi tụng của quan Đề đốc: “tán bằng trừu, màu hồng màu lục 2 chiếc, 2 lọng xanh”; Nghi tụng của quan Bố Chánh sứ: “tán lụa màu lục 2 chiếc, 2 lọng xanh”; Nghi tụng của quan Án sát sứ: “tán lụa màu lục 1 chiếc, 2 lọng xanh”(9)

   Giai thoại ứng đối của Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh (1482-1552) lúc còn nhỏ với một vị quan. Vị quan đi ngang qua làng của cậu Nguyễn Giản Thanh và thấy cậu Nguyễn Giản Thanh đang mặc cái áo đỏ, tay cầm một cái tàu cau. Vị quan ấy mới ra vế xuất đối với cậu Nguyễn Giản Thanh: “Hoài áo đỏ quét phân trâu”. Cậu Nguyễn Giản Thanh liền ứng đối: “Thừa lọng xanh che dái ngựa”. Bởi vì vị quan ấy được che bằng hai lọng màu xanh.

   Riêng ở đình miếu, tùy theo cấp bậc của vị thần mà sử dụng lọng. Mỗi khi đi nghênh sắc (rước sắc phong) thì 4 góc long đình (ngôi nhà thu nhỏ để đặt hòm sắc khi rước sắc) có 4 lọng màu vàng, mỗi lọng có 20 bông bèo, nếu là Thượng đẳng thần; Trung đẳng thần 4 lọng màu vàng, mỗi lọng 16 bông bèo; Hạ đẳng thần dùng 4 lọng màu vàng, mỗi lọng 12 bông bèo(10).

   Vào nửa đầu thế kỷ XX, với sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, việc sử dụng lọng cũng được nới rộng. Các nhà thờ Công giáo sử dụng lọng để hầu Thánh giá dẫn đầu đoàn rước hoặc cung nghinh Thánh thể.

   Tôi có người bác ruột sinh năm Nhâm Tý (1912). Theo lời kể của các vị cao niên, bác của tôi được phân công cầm lọng hầu Thánh giá mỗi khi có lễ lớn. Bác tôi mặc áo dài đen, quần bà ba trắng, đầu đội khăn đóng, đi chân đất (thời ấy nghèo khổ không có giày dép).

   Linh mục Huỳnh Kim Lăng đã kể lại việc sử dụng lọng tại xứ đạo Nam Bình (Địa phận Qui Nhơn) trong phiên chầu Mình Thánh Chúa ngày lễ Ba Vua (Hiển linh) và kiệu Mình Thánh Chúa trong lễ Mình Thánh Chúa khi linh mục Huỳnh Kim Lăng còn nhỏ.

   -Phiên chầu lễ Ba Vua (Hiển linh): “Phiên chầu khởi sự từ 12 giờ trưa, mỗi phiên một giờ. Bốn phiên. Vào lúc  4 giờ chiều là chầu hội. Mọi họ đạo đều có mặt. Phiên chầu khởi sự bằng một đám rước (processio), dẫn đầu là Thánh giá đèn hầu. Ông câu họ cầm Thánh giá, vận áo thụng xanh, đi dưới hai hay bốn lọng vàng, thêu thật đẹp. Theo sau là có mấy người cầm hèo tua. Trong một bản báo cáo về hội TSP(11), Đức cha nói về các đám rước kiệu này (Compte- rendu 1933). Các chức việc đi tiếp theo Thánh giá, họ mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, chân đi giày hạ (babouche) như ông câu, người cầm Thánh giá…”

   -Kiệu Mình Thánh Chúa trong lễ Mình Thánh Chúa: Sau khi chầu phiên xong thì  đến phần kiệu Mình Thánh Chúa: “Cha sở cầm hào quang đi dưới phương du, có bốn ông chức việc, mỗi họ một ông. Ông chức việc khiêng phương du (kiệu MTC) mặc áo rộng xanh, đầu đội khăn đóng, lưng thắt đai. Khởi đầu đoàn kiệu là Thánh giá đèn hầu, ông câu hàng huyện cầm Thánh giá, mặc áo thụng xanh, đầu đội khăn đóng, chân đi giày hạ (babouche). Có hai lọng vàng hầu Thánh giá. Tiếp theo Thánh giá là các đoàn ca viên (tông đồ) của bốn họ lớn. Cùng với những nhạc công của mỗi họ, kèn, đàn. Hai bên đoàn tông đồ của mỗi họ là trống chầu và chiêng của họ ấy, cùng những người cầm cờ cán cao. Sau các đoàn ca viên. Sau các đoàn ca viên và trước phương du là đoàn xông hương (12 thanh niên và 12 em thiếu nữ tung hoa). Các chức việc các họ thì theo hầu hai bên kiệu MTC. Bao nhiêu tàn và lọng đều hầu kiệu MTC trừ hai lọng hầu Thánh giá. Các chức việc đội khăn đóng, áo dài màu xanh hay màu đen, mang giày hạ. Còn giáo hữu theo kiệu thì đi sau kiệu. Phía trước các Tông đồ hát, kế tiếp nhau từ họ. Sau kiệu giáo hữu đọc kinh, những kinh kính MTC. Trước phương du đoàn hương hoa thỉnh thoảng nghe hiệu thì ngừng lại để xông hương và tung hoa lên trước Mình Thánh Chúa. Trong khi rước kiệu thì không cứ dứt tiếng chiêng tiếng trống. Bốn trống chầu, bốn chiêng. Chúng ta không quên ban hát của nhà thờ họ Chính, họ Nam Bình, hát Latin, thánh ca Gregoriana”(12).

   Người Công giáo Việt Nam sống vào tiền bán thế kỷ XX vẫn còn tuân theo quy định cổ xưa là lọng màu vàng chỉ dùng để hầu Đấng chí tôn là Thiên Chúa.

   Sau năm 1954 ở miền Nam, việc dụng lọng tàn trong nhà thờ Công giáo Việt Nam chỉ còn lẻ tẻ vài xứ đạo mà thôi. Và sau ngày 30/04/1975 hầu như không thấy lọng tàn xuất hiện trong các cuộc rước nhà Đạo. Bởi chế độ mới xem việc sử dụng lọng tàn là tàn dư của chế độ phong kiến cần phải loại bỏ. Khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước với công cuộc “đổi mới kinh tế” của chính quyền Việt Nam nên sinh hoạt Đạo- Đời có phần dễ dàng hơn. Các giáo xứ có người Huế và người Bắc bắt đầu phục hưng lại việc sử dụng lọng tàn trong thánh lễ và được gọi là “hội nhập văn hóa”.

   Do “hội nhập văn hóa” một cách tự phát, không có sự chỉ đạo chung nên mỗi giáo xứ sử dụng lọng tàn tùy hứng. Có giáo xứ thì  lọng hầu Thánh giá màu đỏ tia, còn lọng hầu chủ tế lại màu vàng hoặc lọng hầu Thánh giá màu vàng và lọng hầu chủ tế cũng màu vàng. Có nơi người cầm lọng lại mặc áo dài khăn đóng màu vàng hoặc màu đỏ. Có nơi người cầm lọng lại mặc đồ veste. Có nơi người cầm lọng mặc áo nẹp, quần quấn xà cạp, đầu đội nón gõ chẳng ra thể thống gì cả. Một vài giáo xứ không dùng lọng mà lại dùng tàng để đón rước. Đã “Hội nhập văn hóa” thì cần phải tham khảo sách xưa để áp dụng cho có bài bản, có tằng thứ, không thể hội nhập kiểu “cá mè một lứa” hoặc “dở Tây, dở Ta”

   Rất mong Ủy Ban Phụng tự của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nên soạn thảo một nghi thức chung về sử dụng lọng để áp dụng cho cả Giáo hội Việt Nam.

                                     

               


Chú thích:

(1)(2)(3)(4)(5)(6)(8)(9)- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, t.226; 227; 228; 233; 234; 234; 235-236; 236-237

(7)- Hô lô: Hình thù quả bầu trên đỉnh chiếc lọng

(10)- Huỳnh Ngọc Trảng& Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ xưa& nay, Nxb Đồng Nai, t. 204 (Không thấy tác giả dẫn chứng từ sách nào cả!)

(11)-TSP: Société des Missions Étrangères de Paris (M.E.P.) tức Hội Thừa sai Ba Lê (Paris)

(12)- Linh mục Phê rô Huỳnh Kim Lăng, Bản Khởi thảo Kỷ yếu lịch sử các giáo xứ thuộc Địa phận Qui Nhơn (Bản đánh máy), t. 15-16

Nguyễn Văn Nghệ

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập199
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm164
  • Hôm nay17,117
  • Tháng hiện tại60,408
  • Tổng lượt truy cập29,039,946

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây