Mắc cúm từ

Thứ tư - 01/09/2021 18:38
Dengue page 001




Cách đây gần 150 năm, tại các tỉnh phía Nam phát tán một bệnh dịch lạ mà người mắc bệnh “cúm giò cúm cẳng” không đi lại được, vì thế người ta đặt tên cho nó là “bệnh cúm” (La dengue). Câu chuyện được một người tên Đức ghi lại bằng bài thơ “Mắc cúm từ”, được in trong tập san Bulletin de la société des Études Indo-chinoises de Saigon, Année 1888, 1er semestre, trang 10-17, với lời giới thiệu của ông Petrus Ký. Bài thơ cũng được ông A. Chéon, giáo sư trường Institution municipale, dịch ra Pháp ngữ và chú thích. Chúng tôi xin giới thiệu bài thơ này với quý độc giả để biết thêm về nguồn gốc của một tên gọi.


Bệnh cúm (La dengue)

Năm Quý Dậu là năm Giáng Sinh 1873, lúc tháng 5 phát chứng bệnh kia dị thường bấy lâu nay chưa từng có trong đất nước nầy bao giờ.

Khi không nó bắt nóng lạnh mê mệt, gân cốt rã rời, ngồi dậy không được nữa là đi đứng. Nó bắt cúm giò cúm cẳng lại như bại đi vậy. Mà khá hiền không có chết ai, nó hành năm bảy bữa rồi thôi. Mà xem ra nó có nọc: lành rồi còn day dắt lôi thôi, đến sau có lột da tróc cáy đi rồi mới hết tiệt.

Người ta nói lúc ấy có quân gian tế trộm cướp đi rình chuồng trâu tính rút ai dè mắc lây bệnh ấy rùn chơn rùn cẳng ngồi đó, đi không đặng; sáng ra trong nhà ra thả trâu bò thấy hỏi thì nó xưng thiệt nó đi rút trâu mà bị bệnh cúm. Nhơn vì hễ mắc nó thì cúm giò đi không được nữa, nên tục kêu nó là bệnh cúm.

Cái từ nầy của hai Đức ở Chợ Lớn là người có học vấn giỏi thấy vậy đặt ra ít trương chơi. Cái ấy cũng hay, là vì để tích lại cho đời sau nhớ nguyên do cái chứng ấy bởi đâu, từ thuở nào mà có.

Petrus Ký


MẮC CÚM TỪ


Trong năm Quý Dậu
Cuối tiết đoan dương[1]
Thuyền điếu hồn vừa lặn bến Mịch La,[2]
Chén bồ tửu[3] mới nghỉ tay túy khách;
Ngậm ngùi đương lòng tiếc người xưa,
Thình lình bỗng trời bay khí độc;
Cõi Nam hà[4] sáu tỉnh mấy muôn nhà,
Bịnh thử thập ngàn người in một chứng;
Lúc sơ cảm nhiệt hàn qua lại,
Dễ mặt ngỡ lăng nhăng;
Khi truyền kinh[5] cân cốt mỏi mê
Giở chơn dường cúm rúm.
Tay lần mò như Tây Tử[6] cắp tì bà;
Chơn lính quýnh như Tần vương[7] dâng ngọc tỉ.
Sa ban mọc cục to cục nhỏ;
Dẫu xương da đồng sắt cũng tan hoang;
Lệ khi rơi xóm nọ xóm ni,
Xui sắc gái tài trai quên thể thống.
Kìa những chốn lầu son gác tía,
Khói phòng phong bay trắng chơn trời;
Nọ là nơi lều cỏ cửa gài
Nước tán thể đổ xanh mặt đất.
To gan là chú Chệc,
Lâm cơn cũng chắt lưỡi mà ai ôi!
Mạnh sức như ông Tây,
Đến thế cũng ôm đầu mà lách!
Thì tiết ấy dẫu tái sanh Hạng Võ,[8]
Sức ngàn cân khôn cử đỉnh bạc san;
Cơ hội nầy nhờ Duy, Trạch, Hiên, Kỳ,[9]
Sách tám trận dễ tán tà bổ chánh;
Ơn ông Trời xây dữ làm hiền,
Nghĩ đoạn trước những nực cười cơn tạo hóa;
Xin anh cúm lui xe trở bánh,
Rày sấp sau đừng giong ruỗi chốn trần gian.

Dịch cúm từ
A. Chéon dịch ra Pháp ngữ và chú thích
Bulletin de la société des Études Indo-chinoises de Saigon, Année 1888, 1er semestre, tr. 10-17

 
 
[1] Ngày hội đua thuyền rồng, tưởng nhớ Khuất Nguyên, vào đêm ngày mùng 5 của tháng 5 âm lịch.
[2] Khuất Nguyên người nước Sở, đã nhiều lần khuyên can vua Hoài Vương nên bị nhà vua cho đi đày. Ông đau khổ đến nỗi gieo mình xuống sông Mịch La vào năm 314 trước Công nguyên. Người ta cố cứu ông nhưng vô ích.  
[3] Cây bồ hay xương bồ là loại cây glaïeul hay iris sinh trưởng giữa khe đá, trong những nơi ấm ướt. Vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch, giờ ngọ (11 giờ sáng đến 1 giờ chiều), người ta hái cây này băm ra rồi ngâm vào rượu dành để uống trong ngày này.
[4] Miền đất thuộc dòng sông phía Nam, sông Cửu Long.
[5] Mạch máu
[6] Tây Thi, người phụ nữ đẹp nổi tiếng.
[7] Tần vương hay Tử Anh, hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Tần, bị Lưu Bang và vua nước Sở (206 năm trước Công nguyên) đánh bại và bị bắt: ấn là biểu tượng cho vương quyền ở vùng Viễn Đông.
[8] Hạng Võ, tướng của vua nước Sở, giúp Lưu bang đánh đổ Tử Anh và rồi tranh giành đất nước với nhà vua; bị thua trong trận chiến cuối cùng, ông tự đâm mình chết để không rơi vào tay đối thủ. Ông có sức khỏe phi thường đến nỗi người ta cho rằng có thể “bạt sơn cử đỉnh” (bạt núi, nâng những đỉnh bằng đồng rất nặng đặt trước sân chùa để thắp hương).
[9] Hiên, Kỳ, Duy, Trạch là những tác giả của các sách y dược rất được đánh giá cao.

Tác giả bài viết: Ban TH

 Tags: văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm151
  • Hôm nay23,708
  • Tháng hiện tại152,611
  • Tổng lượt truy cập29,132,149

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây