Giảng lễ Cung hiến Nhà thờ Đồng Tiến

Thứ năm - 25/04/2024 01:42
LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ ĐỒNG TIẾN
Thứ Tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024
(Kh 21,1-5a; 1Cr 3,9b-13.16-17; Ga 2,13-22)

Hôm nay, giáo xứ Đồng Tiến đang có một ngày đẹp nhất trong năm: thứ Tư, ngày 24, tháng Tư, năm 2024. Ngày đẹp này càng trở nên đẹp hơn khi cộng đoàn dân Chúa qui tụ trong nghi thức Phụng vụ long trọng để cùng nhau cung hiến cho Thiên Chúa ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ mới được xây dựng.

Tác giả Thánh vịnh 127, 1 đã viết:

“Ví như Chúa chẳng xây nhà,
thợ nề vất vả cũng là uổng công”.

Tâm tình đầu tiên khi cùng nhau tham dự thánh lễ này là chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì nhờ Người yêu thương trợ giúp, giáo xứ Đồng Tiến mới có được ngôi thánh đường tuyệt vời như thế này. Đồng thời chúng ta cũng cầu xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả những người đã góp phần xây dựng ngôi thánh đường này.

Ngược dòng lịch sử, vào tháng 9 năm 1963, cha Luy Cao Đức Thuận, phụ tá cha sở nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, khởi công xây dựng trường Tiểu học Đồng Tiến. Cuối năm 1965, công trình đã hoàn thành với dãy nhà dài 42m, rộng 8m, một trệt một lầu. Trong thời gian xây dựng (1963-1965), cha đã bố trí tại công trình một phòng làm nhà nguyện.

Kể từ tháng 10 năm 1964, giáo dân các giáo xứ trong vùng chiến tranh di cư về thị xã Qui Nhơn. Số giáo dân đến tạm cư ở vùng Đồng Tiến ngày càng đông, lúc bấy giờ nơi đây chỉ là bãi cát hoang. Ngày Chúa nhật cũng như ngày thường, họ cùng nhau đến dâng lễ tại nguyện đường của trường Đồng Tiến nầy.

Ngày 27 tháng 7 năm 1967, Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn đã ký văn bản chính thức thiết lập giáo xứ Đồng Tiến và bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Đình Đệ làm cha sở, tạm dùng nguyện đường trường Đồng Tiến làm nhà thờ của giáo xứ.

Sau đó cha xây dựng ngôi thánh đường trên lô đất có chiều dài 95m, rộng 45m, khởi công năm 1967 và hoàn thành năm 1968. Một năm sau, nhà xứ cũng được hoàn thành. Số giáo dân tuôn về thị xã ngày càng đông, ngôi thánh đường bé nhỏ không đủ sức dung nạp số người đến tham dự Thánh lễ. Theo sổ tất niên của giáo phận năm 1970, số giáo dân Đồng Tiến là 1.761 người. Để đáp ứng nhu cầu mục vụ, cha Nguyễn Đình Đệ lại phải nghĩ đến việc mở rộng ngôi thánh đường. Công trình mở rộng đã khởi sự năm 1970 và hoàn thành năm 1973.

 Ngôi thánh đường được kiến trúc theo hình Thánh giá. Mỗi cánh Thánh giá dài 15m, rộng 9m, dành cho giáo dân. Thân Thánh giá dài 32m, rộng 11m. Phần đầu Thánh giá dùng làm phòng thánh, phần giữa dùng làm cung thánh, còn phần thân đổ bê tông cốt sắt, dành cho giáo dân. Phía trên dùng làm sân thượng. Giữa sân thượng có đặt một tượng Đức Mẹ cao 4m. Mặt tiền ngôi thánh đường như tấm phông đứng sừng sững sau tượng Đức Mẹ, được xây theo hình tam giác cân với đỉnh cao 15m. Trên đỉnh, lệch một bên, có cây Thánh giá giang cánh rộng 2m, cao 5m, thân kéo dài xuống khoản 1/3 mặt tiền.

Một thời gian dài sau năm 1975, nhà thờ đã bị xuống cấp và hư hại nặng. Ngày 15 tháng 8 năm 1991, cha sở Phêrô Huỳnh Kim Lăng quyết định thay tôn, lợp ngói nhà thờ. Tháp chuông, đường vào nhà thờ, nhà xứ và tường rào cũng được xây dựng trong dịp nầy và đã hoàn thành ngày 13 tháng 03 năm 1993.

Vào ngày 09 tháng 02 năm 1998, cha sở Phanxicô Xaviê Lữ Minh Điểm, kế nhiệm cha Phêrô, đã cho khởi công nới phía sau hai cánh nhà thờ dài 37m, rộng 5m, xây gạch, lợp tôn. Cánh phía Bắc dùng làm kho, cánh phía Nam dùng làm phòng giáo lý. Trong dịp nầy, cha cũng cho thay lại toàn bộ cửa sổ, cửa chính, sửa lại cung thánh, lát gạch lòng nền nhà thờ, sân thượng, xây lại tường rào.v.v. và đã hoàn thành ngày 28 tháng 05 năm 1998.

Trong thời gian này, nhiều nhà thờ trong giáo phận liên tục mọc lên, giáo dân Đồng Tiến ước mơ có được một ngôi thánh đường mới khang trang, không chắp vá. Ước mơ đã trở thành hiện thực sau khi cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm được Đức Giám mục giáo phận bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Đồng Tiến ngày 27 tháng 6 năm 2019.

Thánh lễ làm phép viên đá đầu tiên được Đức Giám mục giáo phận cử hành vào một ngày thật đẹp: ngày 02 tháng 02 năm 2020. Nhà thờ được khởi công xây dựng ngày 31 tháng 3 năm 2020. Hôm nay công trình xây dựng đã hoàn tất và xuất hiện trước mắt mọi người một ngôi nhà thờ với kiến trúc nguy nga vĩ đại, quá khác biệt so với ngôi nhà thờ cũ ọp ẹp chắp vá trước đây. Nhà thờ được xây dựng quay mặt về hướng Tây Bắc, với lối kiến trúc Roman và Gothic gồm 2 tầng: tầng trên là nhà thờ, tầng dưới gồm phòng đa năng và 7 phòng giáo lý tượng trưng 7 phép bí tích mà các lớp giáo lý chuẩn bị cho các tín hữu đón nhận. Nhà thờ có chiều dài 33m, tượng trưng cho cuộc đời 33 năm tại thế của Chúa Giêsu. Hai tháp chuông vươn thẳng lên trời cao 40m tượng trưng cho 40 ngày ông Môsê lên núi gặp gỡ Chúa. Dưới mỗi chân tháp có tượng Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai cột trụ của Hội Thánh. 40 băng ghế được xếp từ cửa tiền đến cung thánh tượng trưng cho hành trình 40 năm của dân Israel từ thế giới bên ngoài tiến vào thánh địa. Hai bức tường hai bên lòng nhà thờ được chống đỡ bởi 12 cột trụ tượng trưng cho 12 Tông đồ là cột trụ của Hội Thánh. Màu sơn được dùng cho toàn bộ nhà thờ gồm có 2 cặp màu: cặp màu vàng và trắng tượng trưng cho Hội thánh Công giáo, vì nhà thờ là biểu tượng hữu hình của Hội thánh; cặp màu xanh dương và trắng tượng trưng cho Đức Mẹ, vì Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là tước hiệu của nhà thờ và đồng thời cũng là Bổn mạng của giáo xứ Đồng Tiến.

Phần quan trọng nhất của nhà thờ là gian cung thánh, gồm có nhà tạm, bàn thờ, giảng đài, tượng Chúa chịu nạn, tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse. Tất cả đều được thực hiện với một nghệ thuật tạo hình sống động. Trung tâm của cung thánh là bàn thờ cử hành Thánh Thể, đây là một tảng đá tuyết sơn nguyên khối được đánh bóng một cách tinh xảo, để lộ ra những đường vân tuyệt đẹp. Đá tuyết sơn mang đến cảm giác yên bình cho tâm hồn, giúp tăng cường các mối quan hệ yêu thương và hữu nghị, tạo ra môi trường gắn kết. Trong khí đó giảng đài được tạo thành bằng đá cà rốt là một loại đá quý hiếm với sự kết hợp hài hòa giữa màu vàng rực rỡ và màu cam của cà rốt, nói lên sự tỏa sáng của Lời Chúa được công bố và quảng diễn tại giảng đài.

Từ thuở xa xưa, người ta đã quen dùng danh từ “nhà thờ” hay “thánh đường” để chỉ nơi cộng đoàn Kitô hữu tập họp lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và cử hành Thánh Thể. Vì được xây dựng để mãi mãi làm nơi tập hợp dân Chúa và cử hành các mầu nhiệm thánh, nên nhà thờ trở thành nhà của Thiên Chúa, và do đó theo truyền thống cổ kính của Hội Thánh, nhà thờ cần phải được cung hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức long trọng do Đức Giám mục giáo phận chủ sự. Cung hiến là một từ Hán Việt: cung có nghĩa là kính, hiến có nghĩa là dâng. Vì vậy, cung hiến có nghĩa là kính dâng.

Một khi đã được kính dâng cho Thiên Chúa thì nhà thờ trở thành một nơi linh thánh cần phải được tôn trọng tối đa. Chính vì thế chúng ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu là một người rất mực hiền lành lại có thái độ mạnh bạo khi xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem, như chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin mừng hôm nay. Khi người Do-thái hạch hỏi Người lấy quyền gì mà hành động như thế, Người trả lời: “Các ông cứ phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Chúa Giêsu có ý nói về đền thờ là thân thể Người. Thật vậy, đền thờ Giêrusalem sau đó đã bị quân Rôma tàn phá, và chính đền thờ thân xác của Người cũng bị quân Rôma giết chết, nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại và từ đây Người hiện diện trong Hội thánh là thân mình mầu nhiệm của Người như đền thờ của Người. Do đó các nhà thờ trở thành biểu tượng hữu hình của Hội thánh và việc xây dựng một ngôi nhà thờ phải đi liền với việc xây dựng một cộng đoàn Hội thánh địa phương.

Thật vậy, trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô dã nói với họ rằng: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy” (1Cr 3,16-17). Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem, thì ngày nay Hội thánh chẳng những phải bảo vệ sự thánh thiêng của ngôi nhà thờ vật chất, mà còn phải loại trừ những điều bất xứng ra khỏi các đền thờ thiêng liêng là Hội thánh nói chung và mỗi cộng đoàn tín hữu nói riêng.

Có một sự đồng nhất giữa nhà thờ với cộng đoàn tín hữu. Phải nhìn nhận rằng đời sống đức tin của mỗi người cũng như của cộng đoàn tín hữu gắn liền mật thiết với sinh hoạt phụng vụ và đạo đức tại nhà thờ. Có người cho rằng Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, nên cần gì phải đến nhà thờ, chỉ cần giữ đạo tại tâm là đủ. Thực ra, đời sống thiêng liêng của mỗi người chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi đức tin của cộng đoàn và của các cử hành phụng vụ tại nhà thờ. Nếu xa nhà thờ thì con người cũng chẳng khác nào một thanh củi bị rút ra khỏi lò, lửa sẽ tắt và thanh củi sẽ nguội dần. Hơn nữa, nhà thờ là nơi chứa đầy những biểu tượng của đức tin, từ các ảnh tượng thánh đến các nghi thức thánh. Chính những biểu tượng đó góp phần giáo dục và nuôi dưỡng đức tin của người tín hữu. Vẫn biết rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng Người cũng chấp thuận cho con người xây dựng những nơi thánh để làm nơi con người cầu nguyện và gặp gỡ Người cách dễ dàng. Đặc biệt, tại nhà thờ có sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Cuối cùng, ngôi nhà thờ với ngọn tháp vươn cao lên tận trời xanh như muốn đưa thế giới phàm trần này vào thế giới thần thiêng, cũng như ngôi nhà thờ vật chất này là biểu tượng của nhà tạm trong thành thánh Giêrusalem mới từ trời ngự xuống, nơi Thiên Chúa ở với loài người, như Thánh Gioan Tông đồ đã mô tả trong sách Khải huyền. “Đây là nhà tạm của Thiên Chúa ở với loài người và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ” (Kh 21,3-4). Khi chúng ta nhắm mắt lìa trần, thoát khỏi mọi đau khổ bệnh tật, thân xác chúng ta sẽ được đưa vào nhà thờ để chúng ta gặp gỡ cộng đoàn lần cuối cùng và cộng đoàn sẽ cùng cầu nguyện và dâng thánh lễ để đưa linh hồn chúng ta vào Đền thánh trên trời. Thật là tuyệt vời!

Tác giả bài viết: ĐGM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay22,507
  • Tháng hiện tại92,423
  • Tổng lượt truy cập29,071,961

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây