Ơn cứu rỗi không tự động mà là một món quà yêu thương đòi hỏi sự hoán cải

Chúa nhật - 24/01/2021 11:50
Văn phòng báo chí tòa thánh cho biết, vì căn bệnh thần kinh tọa tái phát nên sáng nay, Chúa nhật III Thường niên, Chúa nhật Lời Chúa, ĐTC Phanxicô đã không thể chủ sự thánh lễ. Thánh lễ được trao cho Đức cha Rino Fisichella chủ trì. Cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn vào sáng thứ Hai 25/1 cũng bị hoãn lại. Buổi Kinh chiều kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo tại đền thờ thánh Phaolô sẽ do Đức Hồng y Kurt Koch chủ sự. Tuy nhiên, vào lúc 12 giờ trưa nay ĐTC Phanxicô đã hướng dẫn buổi cầu nguyện và đọc Kinh Truyền tin trong thư viện Tông tòa như thường lệ. Dưới đây là bài chia sẻ của ĐTC.

Anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (x. Mc 1,14-20) trình bày, có thể nói, như là “chuyển gậy chuyền tay”[1] từ Gioan Tẩy Giả cho Chúa Giêsu. Gioan là tiền hô của Chúa Giêsu, người đã chuẩn bị cho Chúa Giêsu mảnh đất và con đường: giờ đây Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ mạng của mình và loan báo ơn cứu độ đang hiện diện; Ngài chính là ơn cứu rỗi. Lời rao giảng của Chúa Giêsu được tóm tắt trong những lời sau: “thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” (c. 15). Đơn giản vậy thôi. Đây là một sứ điệp mời gọi chúng ta suy tư về hai chủ đề căn bản: thời gian và sự hoán cải.  

Trong bản văn này của thánh sử Marcô, thời gian được hiểu là kỳ hạn của lịch sử cứu độ do Thiên Chúa thực hiện; do đó thời gian “đã mãn” là thời điểm mà hành động cứu độ này đạt đến đỉnh điểm của nó, đạt đến mức độ thực hiện đầy đủ: đó là giây phút lịch sử mà qua đó Thiên Chúa đã sai Con của mình đến thế gian và Vương quốc của Ngài trở nên “gần gũi” hơn. Thời gian cứu rỗi đã hoàn tất vì Chúa Giêsu đã đến. Tuy nhiên, ơn cứu rỗi không phải tự động; ơn cứu rỗi là một món quà yêu thương và được ban cho tự do của con người. Khi chúng ta nói đến tình yêu, chúng ta luôn nói đến tự do: tình yêu không có tự do thì không phải là tình yêu; có thể nó là sự quan tâm, là nỗi sợ hãi, nhiều thứ khác nữa, nhưng tình yêu luôn tự do, là tự do nên đòi hỏi sự đáp trả phải tự do: đòi hỏi sự hoán cải của chúng ta. Điều đó có nghĩa là cần thay đổi não trạng và thay đổi cuộc sống: không còn theo các mô hình của thế gian nữa, nhưng theo mô hình của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, theo Chúa Giêsu, như Ngài đã làm và như Ngài đã dạy chúng ta. Đó là sự thay đổi mang tính quyết định về các quan điểm và thái độ. Thật vậy, tội lỗi, đặc biệt là tội lỗi của thế gian, giống như không khí, tràn ngập khắp nơi, nó mang theo tâm thức xấu, có xu hướng khẳng định bản thân chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Điều này thật tò mò... Căn tính của bạn là gì? Và nhiều khi chúng ta nghe thấy rằng căn tính của mình được diễn tả qua những thuật ngữ “chống lại”. Thật khó để diễn tả căn tính của mình theo tinh thần thế gian bằng những từ ngữ tích cực và cứu rỗi: là chống lại chính mình, chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Vì mục đích này mà nó không do dự - não trạng tội lỗi, não trạng của thế giới – sử dụng lừa dối và bạo lực. Chúng ta đã thấy điều gì xảy ra với lừa dối và bạo lực: tham lam, ham muốn quyền lực và không phục vụ, chiến tranh, bóc lột con người… Đây là não trạng của lừa dối chắc chắn bắt nguồn từ cha đẻ của lừa dối, kẻ nói dối vĩ đại, đó là ma quỷ. Như Chúa Giêsu đã xác định, nó là cha đẻ của dối trá.

Tất cả điều này đối lập với sứ điệp của Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta nhận ra mình cần đến Chúa và ơn sủng của Ngài; Đấng mời gọi chúng ta có một thái độ quân bình đối với của cải trên trái đất; Đấng mời gọi chúng ta tiếp đón Ngài và khiêm nhường với mọi người; Đấng mời gọi chúng ta nhận biết và hiểu rõ chính mình trong việc gặp gỡ và phục vụ người khác. Đối với mỗi người chúng ta, thời gian để có thể đón nhận sự cứu rỗi thật ngắn ngủi : đó là kỳ hạn cuộc sống của chúng ta trong thế gian này. Thật ngắn ngủi. Có lẽ là lâu rồi, tôi nhớ khi tôi đi ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân cho một cụ già rất đạo đức, và trong lúc đó, trước khi nhận Bí tích Thánh Thể và Xức dầu, ông đã nói với tôi câu này: “cuộc sống của tôi đã qua thật nhanh”, như thể ông nói là : tôi từng nghĩ rằng nó là vĩnh cửu, nhưng…. “cuộc sống của tôi đã qua thật nhanh”. Đây là cách chúng ta, những người già, cảm thấy rằng cuộc sống đã qua đi. Nó qua đi. Và cuộc sống là món quà tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nhưng cũng là thời gian để xác minh tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Vì thế, mỗi phút giây của cuộc sống là thời gian quý giá để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, và nhờ đó chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu.

Lịch sử cuộc đời của chúng ta có hai nhịp: nhịp một, có thể đo lường được, bằng giờ, ngày, năm; nhịp còn lại được tạo nên từ các giai đoạn phát triển của chúng ta: sinh ra, tuổi thơ ấu, niên thiếu, trưởng thành, già, chết. Mỗi thời gian, mỗi giai đoạn đều có một giá trị riêng và có thể là khoảnh khắc đặc biệt để gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng của thời gian này: mỗi giai đoạn đều chứa đựng lời kêu gọi đặc biệt của Thiên Chúa, qua đó chúng ta có thể đưa ra câu trả lời tích cực hay tiêu cực. Trong Tin mừng, như chúng ta thấy Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã trả lời: họ là những người trưởng thành, họ có công việc đánh cá của mình, có cuộc sống trong gia đình mình…. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã đi ngang qua và đã gọi họ “ngay lập tức họ bỏ chài lưới mà đi theo Ngài” (Mc 1, 18).

Anh chị em thân mến, hãy để ý, đừng để Chúa Giêsu đi ngang qua mà không tiếp nhận Ngài. Thánh Augustinô đã từng nói: “tôi sợ Chúa khi Ngài đi qua”. Sợ cái gì? Sợ rằng không nhận ra Ngài, không thấy Ngài và không đón rước Ngài.  

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống mỗi ngày, mỗi giây phút như là thời gian cứu rỗi, trong đó Chúa đi qua và kêu gọi chúng ta bước theo Người, mỗi người theo mỗi cách sống riêng mình. Và xin Mẹ giúp chúng ta biết hoán cải từ não trạng thế gian, não trạng ngông cuồng, chúng là pháo hoa, sang thái độ yêu thương và phục vụ.

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến

Chúa Nhật này được dành riêng cho Lời Chúa. Một trong những món quà tuyệt vời của thời đại chúng ta là tái khám phá Thánh Kinh trong đời sống của Hội Thánh ở mọi cấp độ. Chưa bao giờ mọi người có thể tiếp cận được với Thánh Kinh như hôm nay: bằng nhiều ngôn ngữ và ngày nay có cả định dạng nghe nhìn và kỹ thuật số. Thánh Giêrônimô nói rằng: không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô (xem trong Isaiam Prol.). Và ngược lại, chính Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người, là Đấng mở lòng trí cho chúng ta để hiểu Thánh Kinh (x. Lc 24,45). Điều này đặc biệt xảy ra trong Phụng vụ, nhưng cũng xảy ra khi chúng ta cầu nguyện một mình hoặc theo nhóm, cách đặc biệt với Tin Mừng và Thánh Vịnh. Tôi cám ơn và khích lệ các giáo xứ vì sự dấn thân của họ với việc giáo dục lắng nghe Lời Chúa. Chúc mọi người không bao giờ cảm thấy thiếu niềm vui khi gieo Tin mừng! Và tôi xin nhắc lại một lần nữa: anh chị em hãy tập thói quen mang theo một cuốn Tin Mừng bỏ túi, trong cặp, để có thể đọc trong ngày, ít nhất là ba, bốn câu. Tin Mừng luôn ở với chúng ta.
 

[1] Vật dùng trong trò chơi chạy tiếp sức.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay13,634
  • Tháng hiện tại188,904
  • Tổng lượt truy cập29,168,442

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây