ĐTC: Sự vĩ đại của cuộc sống là khám phá mình được yêu thương

Thứ ba - 30/03/2021 11:27
Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Giáo Hoàng Phanxicô 
 

Anh chị em thân mến

Mỗi năm Phụng vụ ngày này khơi dậy nơi chúng ta một thái độ ngạc nhiên: chúng ta chuyển từ niềm vui đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem sang nỗi buồn khi thấy Ngài bị kết án tử và chịu đóng đinh. Đó là thái độ nội tâm, sẽ cùng đi với chúng ta trong suốt Tuần Thánh. Vì thế, chúng ta cùng nhau bước vào sự ngạc nhiên này. 

Ngay từ đầu, Chúa Giêsu khiến chúng ta ngạc nhiên. Dân chúng chào đón Ngài cách long trọng, nhưng Ngài vào Giêrusalem trên một con lừa bé nhỏ. Dân của Ngài đang chờ đợi Đấng giải phóng đầy quyền năng vào ngày lễ Vượt Qua, nhưng Chúa Giêsu đến để thực hiện lễ Vượt Qua bằng sự đau khổ của Ngài. Dân chúng chờ đợi để ăn mừng cuộc chiến thắng người Rôma bằng gươm giáo, nhưng Chúa đến để mừng chiến thắng của Thiên Chúa với thập giá. Điều gì đã xảy ra với những người mà ít ngày trước đã tung hô Chúa Giêsu giờ đây lại la lên : “đóng đinh nó?” chuyện gì đã xảy ra vậy? Những người đó đang bước theo hình bóng về Đấng Mêsia hơn là theo Đấng Mêsia. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu, nhưng họ chưa sẵn sàng để Chúa làm cho mình kinh ngạc. Sự kinh ngạc khác với ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ có thể mang tính trần thế bởi vì nó tìm kiếm những sở thích và mong muốn của riêng mình; mặt khác, ngạc nhiên luôn mở ra cho người khác, cho tính mới mẻ mà nó mang lại. Cũng như ngày nay, nhiều người ngưỡng mộ Chúa Giêsu: Ngài đã nói điều hay lẽ phải, đã yêu thương và tha thứ, mẫu gương của Ngài đã làm thay đổi lịch sử… đại loại như thế. Họ ngưỡng mộ Ngài, nhưng cuộc sống của họ không thay đổi tí nào. Bởi vì ngưỡng mộ không vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải bước theo trên con đường của Ngài, để cho Ngài phê phán: chuyển từ ngưỡng mộ đến ngạc nhiên. 

Và điều gì đáng ngạc nhiên nhất về Chúa và cuộc Vượt Qua của Ngài? Đó là Ngài đạt đến vinh quang bằng con đường nhục nhã. Ngài đã chiến thắng bằng cách chấp nhận đau khổ và sự chết, điều mà chúng ta, những người tìm kiếm sự ngưỡng mộ và thành công, luôn muốn tránh xa. Trái lại, Chúa Giêsu – như thánh Phaolô đã nói – “đã trút bỏ chính mình [] tự hạ mình” (Phil 2, 7,8). Đây là điều đáng kinh ngạc: khi nhìn thấy Đấng Toàn năng đã tự hạ đến mức chẳng còn gì. Hãy nhìn vào Ngài, vào Lời hằng thấu suốt mọi sự, Lời đào luyện chúng ta trong linh lặng trên toà cao thánh giá. Hãy nhìn vào vị vua trên các vua, có ngai vàng là giá treo. Hãy nhìn vào Thiên Chúa của vũ hoàn đã cởi bỏ tất cả và đội trên đầu mão gai thay vì vương miện vinh quang. Hãy nhìn vào Ngài, Đấng nhân hậu đồng hóa nơi con người bị sỉ nhục và chà đạp. Tại sao tất cả là sỉ nhục? Tại sao, lạy Chúa, Chúa đã để mình làm tất cả những điều này? 

Ngài đã làm điều đó vì chúng ta, để chạm đến mức tận cùng của thực tại con người, để trải qua toàn bộ cuộc sống của chúng ta, mọi điều xấu xa của chúng ta. Ngài làm thế để đến gần chúng ta hơn và không để chúng ta cô đơn trong sự yếu đuối và chết chóc. Để phục hồi chúng ta, để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã làm như vậy. Chúa Giêsu được nâng lên trên thập giá để đi xuống trong đau khổ của chúng ta. Ngài đã trải qua tình trạng của linh hồn đau khổ như chúng ta: thất bại, bị chối từ, phản bội của mình yêu thương và thậm chí là bị Thiên Chúa bỏ rơi. Ngài đã trải qua nơi thân xác mình thân phận rách nát nhất của chúng ta, và như thế Ngài cứu chuộc và biến đổi nó. Tình yêu của Ngài gần gũi với sự mỏng giòn của chúng ta, chạm đến chính những điều mà chúng ta thấy xấu hổ nhất. Và giờ đây chúng ta biết rằng mình không đơn côi: Thiên Chúa ở với chúng ta trong mọi vết thương, mọi nỗi sợ hãi: không có điều ác, không có tội lỗi nào có lời cuối cùng. Thiên Chúa đã chiến thắng, nhưng cành lá chiến thắng bước qua nhờ gỗ thập giá. Cho nên, những cành lá và thập giá không thể tách rời nhau. 

Chúng ta hãy xin ơn biết ngạc nhiên. Đời sống người kitô hữu, không có ngạc nhiên sẽ trở nên buồn tẻ. Làm sao chúng ta có thể làm chứng cho niềm vui đã gặp gỡ Chúa Giêsu, nếu chúng ta không để cho mình biết ngạc nhiên mỗi ngày trước tình yêu đáng ngạc nhiên của Chúa, một tình yêu luôn tha thứ cho chúng ta và khiến chúng ta bắt đầu lại? Nếu niềm tin mất đi sự kinh ngạc sẽ trở nên điếc lác: không nghe được điều kỳ diệu của Ơn sủng nữa, không còn cảm nhận được hương vị của Bánh Hằng Sống và của Lời Chúa nữa, không còn cảm nhận được vẽ đẹp của tình huynh đệ và ơn của tạo hóa. Và không có con đường nào khác hơn là phải tự nương mình vào lề luật, trong các giáo thuyết và vào tất cả những gì Chúa Giêsu lên án trong chương 23 của Tin mừng Matthêô. 

Trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá để nhận lấy ơn biết kinh ngạc. Thánh Phanxicô Assidi, khi nhìn lên Thánh Giá, đã lấy làm kinh ngạc vì các tu huynh của ngài không hề khóc. Và chúng ta, liệu chúng ta có để mình biết rung động trước tình yêu của Thiên Chúa không? Tại sao chúng ta không còn biết kinh ngạc trước Chúa? Tại sao? Có lẽ vì lòng tin của chúng ta bị bào mòn bởi những thói quen. Có lẽ chúng ta vẫn còn khép mình trong những hối tiếc của mình và để cho mình bị tê liệt bởi những điều chúng ta không thoả mãn. Có lẽ vì chúng ta đã mất niềm tin vào mọi thứ và thậm chí chúng ta nghĩ rằng mình sai lầm. Nhưng đằng sau những từ “có lẽ” chính là chúng ta đã không mở lòng mình ra cho ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta ơn biết kinh ngạc. 

Chúng ta hãy bắt đầu từ sự ngạc nhiên; hãy nhìn lên Thánh giá và hãy thưa với Chúa : “Lạy Chúa, Chúa đã yêu con biết là dường nào! Con thật quý giá trước mặt Chúa”. Chúng ta hãy để Chúa Giêsu làm cho mình biết kinh ngạc, để trở về với cuộc sống, bởi vì sự vĩ đại của cuộc sống không nằm nơi của cải và trong việc khẳng định mình, nhưng trong việc tự khám phám mình được yêu thương. Đây là điều tuyệt vời của cuộc sống: khám phá ra mình được yêu thương. Và sự vĩ đại của cuộc sống là nằm ở vẽ đẹp của tình yêu. Nơi thập giá chúng ta thấy một Thiên Chúa bị sỉ nhục, Đấng quyền năng trở thành thành kẻ bị loại bỏ. Và với ơn biết ngạc nhiên, chúng ta hiểu rằng khi đón nhận người bị loại bỏ, bằng cách gần gũi những ai bị cuộc sống sỉ nhục, nghĩa là chúng ta yêu mến Chúa Giêsu: bởi vì Ngài sống nơi những người khiêm nhường, nơi người bị chối từ, nơi những người mà nền văn hoá pharisiêu của chúng ta lên án. 

Hôm nay, sau cái chết của Chúa Giêsu, Tin mừng cho chúng ta thấy một biểu tượng đẹp nhất của sự ngạc nhiên. Đó là khung cảnh khi viên đội trưởng “thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”” (Mc 15,39). Ông ta đã kinh ngạc vì tình yêu. Ông đã thấy Chúa chết như thế nào? Ông đã thấy cái chết của người đang yêu, và điều này làm cho ông ngạc nhiên. Đau khổ đã làm cho Chúa kiệt sức, nhưng Chúa vẫn tiếp tục yêu thương. Đây là điều đáng kinh ngạc trước mặt Thiên Chúa, Đấng biết lấp đầy tình yêu ngay cả khi chịu chết. Đây là một tình yêu nhưng không và lạ lùng, viên đội trưởng, dân ngoại, đã gặp được Thiên Chúa. “Người này thực sự là Con Thiên Chúa”. Câu nói của viên đội trưởng đóng dấu cho cuộc Khổ nạn. Trong Tin mừng, có rất nhiều người trước ông ấy, ngưỡng mộ Chúa Giêsu vì những phép lạ và sự kỳ diệu của Ngài, họ đã nhận ra Ngài là Con của Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Kitô đã cấm họ nói ra, bởi vì mối nguy hiểm khi họ dừng lại nơi sự ngưỡng mộ mang tính trần thế, với ý tưởng về một vị Thiên Chúa được tôn thờ và kính sợ qua quyền năng và sức mạnh của Ngài. Giờ này không còn gì nữa, vì dưới thập giá ta không còn có thể sai lầm nữa: Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và ngự trị chỉ bằng sức mạnh bị tước bỏ và sự tước bỏ của tình yêu. 

Anh chị em thân mến, hôm nay Thiên Chúa vẫn còn làm điều ngạc nhiên trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta hãy để cho sự ngạc nhiên này lan tỏa trong chúng ta, và hãy nhìn lên thánh giá và hãy nói rằng : “Người thực sự là Con của Thiên Chúa. Chúa là Chúa của con.”

- Vatican Lễ Lá 2021
​​​​​​

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay20,958
  • Tháng hiện tại111,391
  • Tổng lượt truy cập29,090,929

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây