Lược sử Nhà thương Kim Châu

Thứ ba - 27/08/2019 18:31



Nhân sự, nhà bếp
và nhà máy xay lúa ở Nhà thương Kim Châu



LƯỢC SỬ NHÀ THƯƠNG KIM CHÂU

Sœur Casimir
Les Missions Catholiques
1 Juin 1932, tr. 288-290


 



Vào năm 1912, Đức cha Grangeon, Đại diện tông tòa Qui Nhơn quyết định mở một cơ sở tế bần dành cho những người Việt khốn khổ và bệnh tật, ở Kim Châu, gần trung tâm hành chính của tỉnh Bình Định, cách Qui Nhơn 20 cây số. Dự án này được giao cho Đức cha phó Jeanningros thực hiện. Ngay lập tức, Đức cha Jeanningros mua một khu vườn rộng chừng 1 mẫu, trước nhà thờ Kim Châu, bên cạnh con đường cũ đi lên Kontum, sau khi chắc chắn về sự giúp đỡ của các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres.

Đây là vài hàng trong tờ “Mémorial de la Mission” thông báo cho các cha thừa sai và linh mục bản xứ về việc mở nhà thương vào cuối năm 1914: “Chuyến xe thư ngày 17 tháng Giêng đã đưa các nữ tu y tá Dòng Phaolô thành Chartres đến với chúng ta. Vừa đến nơi, các chị đã không màng gì đến nơi ở của mình cho bằng nơi ở của những người nghèo của Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, chính vì họ mà các chị đã hy sinh nhà nguyện và phòng ngủ tương lai của mình để làm phòng ở cho các ông bà bệnh nhân”

Công trình được bắt đầu vào tháng Năm 1913. Dãy nhà đầu tiên dài 28 mét, song song với đường cái, được xây dựng và hoàn thành vào tháng Chín; mái lợp tranh. Đây là dãy nhà dành riêng cho các nữ tu và nhân sự của mình; nhưng dãy nhà chính dành cho các bệnh nhân chưa được xây dựng kịp, nên hai phòng của dãy nhà này được sử dụng tạm để tiếp nhận bệnh nhân; đây là điều mà tờ “Mémorial” của Địa phận Qui Nhơn có ý nói đến trong bài tường thuật về các nữ tu.

Tình trạng này kéo dài từ 17 tháng Giêng cho đến tháng Năm 1915. Vào thời điểm này, tòa nhà lớn dài 38 mét, rộng 14 mét, mái cũng lợp tranh, đã được xây dựng xong. Nó được chia ra thành hai phòng lớn mà chẳng bao lâu nữa sẽ chứa đầy các bệnh nhân với số lượng lớn đến từ khắp nơi.

Các bệnh nhân rút khỏi hai căn phòng của tòa nhà đầu tiên, trả lại cho mục đích thật sự của chúng. Từ lúc ấy, Mình Thánh Chúa Giêsu đã trở nên vị chủ nhân của chúng tôi ngày đêm.

Tờ “Mémorial” nói ở trên đã tường thuật cho các linh mục trong Địa phận về ngày lễ này như sau: “Trong bầu trời xám xịt của những năm tháng dài chiến tranh, một tia nắng vui mừng bừng lên. Ngày 5 tháng Năm, Đức cha phó đã khánh thành ngôi nhà nguyện nhỏ của nhà thương Kim Châu bằng một thánh lễ với sự tham dự của khoảng chục đồng sự. Màu trắng rực rỡ của những cụm hoa huệ trưng bày trên các bậc cấp bàn thờ biểu trưng cho ý nghĩa thứ hai của ngày lễ gia đình này: kỷ niệm 25 năm ngày khấn của Chị bề trên nhà thương: Chị Casimir.”

Dãy nhà lớn hoàn thành đã tiếp đón bệnh nhân từ giữa tháng Tư. Nguồn tài chánh ít oi không cho phép chúng tôi tăng thêm số giường để tiếp nhận hết thảy các bệnh nhân. Tuy nhiên chúng tôi hy vọng rằng kết quả quyên góp được khởi đầu cách đây 6 tháng cho phép nuôi dưỡng khoảng 30 bệnh nhân trong năm, không kể những buổi khám bệnh hằng ngày.

Công trình thứ ba được dựng lên vài năm sau với mục đích đón nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi. Từ năm 1920, nhiều công trình nhỏ hơn khác nhau đã được xây dựng để làm nơi cư ngụ cho những người già và những kẻ khốn khổ hằng ngày đến gõ cửa chúng tôi, chỉ để lấy lại sức lực nào đó trong khoảng năm sáu ngày. Cuối cùng phải xây dựng một dãy nhà nhiều ngăn để chứa những bệnh nhân tràng nhạc, giang mai và què quặt khác nhau. Năm 1928, những công trình phụ trợ rộng rãi khác cũng mọc lên để hoàn tất những nơi chốn cần thiết cho công việc này của Địa phận. Mái nhà lợp tranh đã biến mất thay thế bằng những mái ngói.

Tất cả những tòa nhà này được xây dựng hoặc do Địa phận Qui Nhơn hay với sự đóng góp của người Công giáo Việt Nam.

Cho đến năm 1921, công trình này được hỗ trợ hằng năm bằng quỹ trợ cấp của Địa phận hay sự giúp đỡ bác ái của người Công giáo Việt. Từ năm 1925, hai Maisons Francaises đã chu cấp cho chúng tôi hằng năm. Cuối cùng, ngân sách địa phương của tỉnh cũng đã cấp cho chúng tôi một số tiền hằng năm để có thể cho phép chúng tôi tăng dần số người nhập viện từ 30 lên đến 40 và đôi khi đến 50 bệnh nhân, cho lưu trú khoảng chục người già hay tàn tật và tiếp nhận khoảng mười lăm đứa trẻ bị bỏ rơi.

Bản báo cáo năm 1931 kê khai: 34.742 cuộc khám bệnh hay phát thuốc, - 1.089 ngày bệnh nhân nhập viện, - 12 người nhập viện không chữa được hằng năm, - 57 chuyến thăm viếng bệnh nhân tại nhà, - 27 người lớn sắp chết được rửa tội, - 114 trẻ em được rửa tội ở Nhà dục anh.

Hầu hết bệnh nhân nhập viện là những người nghèo bị sốt hay lao phổi, những người thiếu máu hay mình đầy ghẻ lát; chúng tôi từ chối những bệnh nhân cần phải giải phẫu.

Khả năng mở rộng công trình này còn rất cao, vì những người khốn khổ rất đông nhưng nguồn tài chánh quá hạn chế nên ngày nào chúng tôi cũng buộc phải từ chối một số người.

Một khía cạnh mới và rất cảm kích của công trình, đó là căn chòi nhỏ đã được xây dựng cách đây 10 năm, gần nhà thương. Địa phận Qui Nhơn không có bệnh xá cho các linh mục lớn tuổi hoặc đau yếu nên số đông trong họ buộc phải đi khám chữa bệnh ở Sài Gòn, cách đây 700 cây số. Nhưng vào năm 1923, một thừa sai lớn tuổi là cha Mathey,[1] thuộc Địa phận Langres, bị mắc bệnh phong. Đây là dịp để xây căn chòi nói trên. Cha Mathey đã trải qua ở đây những năm tháng trước khi qua đời, trong thinh lặng và cam chịu thánh thiện, giữa sự chăm sóc và an ủi mà tình trạng của ngài đòi hỏi. Căn chòi này được chia làm hai, và trong căn phòng nhỏ được dùng làm nhà nguyện, ngài đã dâng thánh lễ cũng như chịu đựng với niềm vui thánh thiện trước Mình Thánh trong nhà tạm. Ngài đã qua đời tại đây vào ngày 19 tháng Mười Hai 1927.

Không phải chờ đợi lâu để căn chòi có người chủ mới. Một cựu chiến binh tông đồ, cha Panis,[2] thuộc Địa phận Rodez, đã đến để nhận sự chăm sóc của các nữ tu y tá trong vòng hai năm và qua đời ngày 24 tháng Giêng 1931, thọ 81 tuổi và 57 năm truyền giáo. Nhiều cha khác lúc này lúc kia cũng đã đến đây để chữa bệnh.

Đây là lược sử của nhà thương Địa phận Qui Nhơn. Chúc tụng và tạ ơn Chúa nhân lành đã dùng những tớ nữ là con cái của Thánh Phaolô để nâng đỡ và phục vụ “những chi thể rên xiết” của Đức Giêsu!





Các bệnh nhân ở Nhà thương Kim Châu
và trẻ em Nhà dục anh
 
(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Xuôi ngược thời gian, Ban Thường Huấn, Tủ sách Nước Mặn, 2019, tr. 204-208)
 
[1] Paul Mathey (1851-1927), tên Việt là Thiện. Ngài là cha sở Xóm Nam (1890-1898) và dạy học tại Đại chủng viện; cha sở Gò thị (1898-1904); cha sở Qui Nhơn (1907-1911); nghỉ hưu ở Kim Châu năm 1923.
[2] Pierre Panis (1850-1931). Tên Việt là Ngãi. Năm 1875, ngài được gởi đến Gò Thị, lập những sở mới như Kiều Đông, An Sơn, An Đước (Đức), Đập Đá. Ngài lần lượt trải qua các nhiệm vụ: bề trên Tiểu chủng viện Làng Sông (1884); Quản lý địa phận (1887); bề trên Tiểu chủng viện Đại An (1894); cha sở Gò Thị (1904) và nghỉ hưu ở Kim Châu năm 1920.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm102
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay19,797
  • Tháng hiện tại634,554
  • Tổng lượt truy cập28,949,923

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây