Lược sử Giáo xứ Kiên Ngãi

Thứ ba - 23/10/2018 21:58

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ KIÊN NGÃI
Bổn mạng: Thánh Giuse (19/03)

 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Về hành chánh, giáo xứ Kiên Ngãi bao gồm huyện Vĩnh Thạnh và các xã, thị trấn của huyện Tây Sơn: Bình Thành, Tây Xuân, Tây Thuận, Tây Giang và thị trấn Phú Phong. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Kiên Ngãi, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn.
 

 

https://farm5.staticflickr.com/4766/39834213682_093b31ae59_o.jpg


II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc
Tên gọi giáo xứ Kiên Ngãi mới có gần đây, trước kia được gọi là giáo xứ Mỹ Thạch. Giáo xứ Mỹ Thạch được tách ra từ địa sở Kỳ Bương ngày xưa.

Ngược dòng sông Kôn, các thừa sai từ miền xuôi đã lên vùng đất Tây Sơn và chọn Kỳ Bương, một địa điểm bên tả ngạn sông Kôn, làm cứ điểm truyền giáo cho cư dân. Cư dân vùng đất nầy đã tụ cư từ lâu đời. Họ là những tù binh bị quân chúa Nguyễn bắt được trong các cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn ở Nghệ An, Hà Tĩnh, được chúa Nguyễn đưa vào để khai hoang lập ấp, hoặc các di dân bắt buộc theo các công lệnh của chúa Nguyễn. Ngoài ra còn phải kể đến những dân Đàng Ngoài di dân tự do trong thời trước. Trong số di dân nầy có tổ tiên nhà Tây Sơn từ làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Các di dân tự do vào đầu thế kỷ XIX là những bà con của những người đi trước, hoặc nông dân vùng Thuận Hóa bị hạn hán, mất mùa, trong số đó có những giáo dân như ông Nguyễn Thừa Giá đến lập nghiệp tại Kiên Ngãi khoảng năm 1800.

Xa hơn nữa theo hướng thượng nguồn sông Kôn, họ đạo Tân Thuộc hiện nay còn nền nhà thờ bên hữu ngạn sông Kôn thuộc thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, từng là nơi trung chuyển hàng dùng cần thiết từ miền xuôi lên miền truyền giáo Kontum. Nhờ dòng nước sông Kôn, hàng dùng từ Gò Thị, Qui Nhơn được chuyển đến Tân Thuộc. Tại Tân Thuộc có ông biện Bố, người chuyên dẫn đường các đoàn gánh hàng tiếp tế cho miền truyền giáo Kontum. Trong một chuyến dẫn đường, ông đã bị cọp ăn thịt, ông đã ghi danh vào đoàn người hy sinh vì công cuộc truyền giáo.[1] Ngày nay từ Tân Thuộc có đường nông thôn dẫn đến nền nhà thờ Định Quang, thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Định Quang là cửa ngõ đi đến Trạm Gò, tiền trạm của công cuộc truyền giáo Kontum. Định Quang ngày xưa là một vùng đất nghèo thuộc xã Vĩnh Quang huyện Vĩnh Thạnh ngày nay, dân gian vẫn còn lưu truyền:
Định Quang là Định Quang Còi,
Con cua cái ốc được coi như vàng.
So với sự phong phú của làng Cây Dừa (xã Vĩnh Thịnh ngày nay), một làng bên tả ngạn sông Kôn, nơi tập kết hàng hóa từ miền xuôi để chuyển đến Chợ Gò[2] (Cửu An) trao đổi, buôn bán với miền cao:
Vĩnh Thịnh là Vĩnh Thịnh tiên,
Đi chợ năm tiền cũng có kẻ bưng.

Theo lời kể của những người địa phương, con đường từ làng Cây Dừa (Vĩnh Thịnh) lên Chợ Gò (Cửu An) như sau:
Gà gáy, những người dân làm nghề buôn bán, trao đổi với người dân vùng cao, từ làng Cây Dừa, qua sông, tập hợp nhau ở Định Quang. Từ Định Quang đi đến gò Vú Sữa, nay là trụ sở xã Vĩnh Quang, qua dốc Nhỏ, đến mả ông Bắp nằm bên phải đường dưới chân dốc Ván. Tục truyền ông Bắp, người gánh hàng cho lái buôn, nằm chết ở đó, dân qua lại không biết ông tên gì, biết ông chỉ ăn bắp, không biết họ hàng, người đi đường lấy đá đắp mộ cho ông, sau nầy ai đi qua đó cũng tìm cục đá hay nhánh cây để trên mộ ông như một nghĩa cử thân thiện. Tiếp tục đi đến Quán Chẩn, mọi người dừng lại nghỉ ngơi, uống nước, lấy cơm nắm ra ăn sáng hoặc vào quán mua thuốc lá, thuốc được cuốn sẵn, người mua tự xắt, xắt một hơi liền tay, được bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Sau khi nghỉ ngơi, tiếp tục leo núi đến Eo Gió, rồi đến Trạm Gò vào khoảng 6-7 giờ sáng. Mọi việc buôn bán, trao đổi diễn ra đến khoảng giữa trưa tan chợ. Ăn uống, nghỉ trưa đến khoảng 3 giờ chiều mọi người xuống núi trở về. Qua sông, đến Cây Dừa vào lúc chưa lên đèn.

Con đường giao thương đó cũng chính là con đường thầy sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do mở đường cõng Tin Mừng lên Kontum trong vai người đầy tớ của một lái buôn.
Theo báo cáo của Thánh Giám mục Stêphanô Thể gởi cho Hội Thừa Sai Paris năm 1850, Kỳ Bương có 161 giáo dân và Sông Cạn có 130 giáo dân, thuộc địa hạt Phù Ly.[3]

Thời cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì làm cha sở Kỳ Bương (1937-1949), một quần thể gồm nhà thờ, nhà xứ  và trường học được cha xây dựng tại Mỹ Thạch vào năm 1941. Từ năm 1941, có các cha phó Kỳ Bương ở tại Mỹ Thạch: cha Giuse Tô Đình Tiên  (1941 – 1945), cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan  (1945 -1946),  cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu (1946- 1947).

2. Thành lập địa sở Mỹ Thạch
Năm 1949 Mỹ Thạch được tách khỏi Kỳ Bương làm thành địa sở mới. Cha Gioakim Phan Công Sử được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi Mỹ Thạch. Lúc bấy giờ địa sở Mỹ Thạch gồm 4 họ đạo: Mỹ Thạch, Kiên Ngãi, Mỹ Thành, Thuận Truyền, trong đó Mỹ Thạch và Kiên Ngãi là hai họ đạo đã có giáo dân từ đầu thế kỷ XIX. Mỹ Thành, Thuận Truyền là hai họ đạo được cha Giuse Văn lập khi cha làm cha sở Kỳ Bương (1917-1931). Cha Sử ở Mỹ Thạch được 9 năm rồi hưu trí ở Cây Rỏi.
Theo quyết định của Hội đồng Giáo phận họp tại Tòa Giám mục Qui Nhơn ngày 06 tháng 02 năm 1961, địa sở Mỹ Thạch được tuyên bố là một trong số 49 giáo xứ chính thức theo giáo luật (Paroecia) trong Giáo phận Qui Nhơn (lúc ấy chưa chia tách Giáo phận Đà Nẵng).[4] 

Năm 1964, cha Phaolô Huỳnh Biên được bổ nhiệm làm cha sở Mỹ Thạch. Lúc đầu cha ở Mỹ Thạch, sau đó do chiến tranh, cha dời cư sở về nhà thờ Kiên Ngãi từ 1965 đến 1975.
Ngày 22 tháng 05 năm 1975, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các bổ nhiệm cha Stêphanô Dương Thành Thăm, nguyên cha phó Chính tòa Qui Nhơn, về làm chánh xứ Mỹ Thạch nhưng ở tại giáo họ Kiên Ngãi, vì nhà thờ Mỹ Thạch đã bị phá hủy trong chiến tranh.

Sau chiến tranh, một số giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Thạch hồi cư, một số giáo họ thuộc giáo xứ Sông Cạn và toàn bộ giáo xứ Đồng Phó sáp nhập vào giáo xứ Mỹ Thạch.[5] Đa số các giáo họ không còn nhà thờ, tại hai giáo họ còn nhà thờ là Kiên Ngãi và Phú Hữu có sinh hoạt tôn giáo thường xuyên. Nguyên nhà thờ Kiên Ngãi cách nhà thờ hiện nay 1km về phía Bắc (Gò mả Thánh). Sau đó chuyển về làm nhà thờ mới  trên nền nhà thờ hiện nay. Năm 1958, nhà thờ Kiên Ngãi được xây dựng tường táp-lô, mái ngói, khung gỗ tạp, diện tích 98m2 (dài 14m x rộng 7m). Sau thời gian chịu đựng nắng mưa, nhà thờ vừa nhỏ không đủ đáp ứng nhu cầu, vừa mục nát, năm 1996 cha Thăm cho xây dựng nền móng chuẩn bị xây nhà thờ mới.

3. Giáo xứ Mỹ Thạch đổi tên thành giáo xứ Kiên Ngãi
Đầu năm 1997, cha Anrê Hoàng Minh Tâm được bổ nhiệm làm cha sở Mỹ Thạch thay cha Thăm. Ngày 12 tháng 01 năm 1997 cha Phêrô Nguyễn Soạn, Tổng Đại Diện Giáo phận, chủ trì lễ bàn giao tại Kiên Ngãi giữa cha Stêphanô Dương Thành Thăm và cha Anrê Hoàng Minh Tâm, vì lúc ấy Đức cha Phaolô Huỳng Đông Các đang có công việc ở nước ngoài. Trong thời cha Tâm, tên gọi giáo xứ Mỹ Thạch được đổi thành giáo xứ Kiên Ngãi.
Năm 1998, cha Tâm khởi công xây dựng nhà thờ Kiên Ngãi với móng nền lớn và qui mô hơn móng nền cha Thăm đã làm. Tổng diện tích xây dựng 816m2 , khánh thành ngày 01 tháng 08 năm 2001. Một quần thể trong khuôn vườn nhà thờ khoảng 3.500m2 được cha Anrê lần hồi tái thiết: nhà thờ, tháp chuông cao 24 m, hang đá Đức Mẹ, nhà xứ, hoa viên và hồ nước, mặt sân láng ximăng.

Cha Tâm được chính quyền cho phép san ủi một ngọn đồi gần nhà thờ để làm nghĩa địa, tổng diện tích hơn 20.000 m2. Ngày 19 tháng 03 năm 2006, Đức Giám mục Giáo phận đã đến làm phép nghĩa địa nầy.
Ngày 24 tháng 09 năm 2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn quyết định thành lập giáo xứ Phú Hữu gồm các giáo họ được tách ra từ giáo xứ Kiên Ngãi: Phú Hữu, Mỹ Thạch, Thuận An, Thuận Nhất, Mỹ Thành, Thuận Truyền, Dõng Hòa, Vĩnh Lộc, Trường Định, Thuận Ninh, và bổ nhiệm cha Gioakim Nguyễn Ngọc Minh làm cha sở.

Ngày 03 tháng 07 năm 2014, cha Matthêô Nguyễn Ngọc Vũ được bổ nhiệm làm cha sở Kiên Ngãi. Song song với việc tổ chức cơ cấu sinh hoạt mục vụ, củng cố đời sống đức tin cho dân Chúa, đặc biệt cho những giáo dân ở các giáo họ xa như Tân Thuộc, Đồng Phó, bằng cách đến dâng lễ hằng tháng tại các tư gia, cha Vũ còn lo tu sửa nhà thờ Kiên Ngãi: gia cố và tăng thêm xà gồ, thay mái tole mới, chống thấm, sơn nước... làm các công trình phụ công cộng.
Cuối năm 2017 giáo xứ Kiên Ngãi có 396 gia đình, 1.388 tín hữu, được phân bố trong 7 giáo họ: Kiên Ngãi 940, Phú Phong 152, Đồng Sim 115, Tân Thuộc 71, Đồng Phó và Đồng Trâm 61, Vĩnh Thạnh 49.

4. Các linh mục chánh xứ và phó xứ
- Các cha xứ
1. Cha Gioakim Phan Công Sử (1949-1958).
2. Cha Stêphanô Cao Tấn Truyện (1958-1963).
3. Cha Simon Huỳnh Tấn Công (1963).
4. Cha Phaolô Huỳnh Biên (1964-1975).
5. Cha Stêphanô Dương Thành Thăm  (1975-1997).
6. Cha Anrê Hoàng Minh Tâm  (1997-2014). 
7. Cha Matthêô Nguyễn Ngọc Vũ (2014-...).

- Các cha phó
1. Cha Antôn Pađôva Trần Liên Sơn (2001-2003).
2. Cha Phaolô Nguyễn Văn Khiêm (2003).
3. Cha Gioakim Nguyễn Tấn Đạt (2013-2015)
4. Cha Phêrô Phạm Tiến Phi (2017-...).

5. Linh mục, tu sĩ, chủng sinh xuất thân từ giáo xứ 
Linh mục
1. Cha Chỉnh, Bến Thuộc (Đồng Phó), † 1900 tại Đại An
2. Cha Gioan Lê Chúng, Dòng Biển Đức, † 2012 tại Đà Lạt.
3. Cha Phanxicô Xaviê Lê Ngư, Dòng Châu Sơn, † 1997 tại Ban Mê Thuột.
4. Cha Anrê Nguyễn văn Công
5. Cha Anrê Võ Tuấn Bảo

Tu sĩ
1. Nữ tu Anna Trần Thị Kiểm, Dòng MTG Qui Nhơn, † 12.02.2007.
2. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng.
3. Nữ tu Maria Trần Thị Thanh Truyền, Dòng MTG Qui Nhơn.
4. Nữ tu Macta Trần Thị Thu Hồng (giáo họ Tân Thuộc), Dòng MTG Qui Nhơn.
5. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thanh Thư, Dòng MTG Qui Nhơn.
6. Nữ tu Võ Thị Phin, Dòng MTG Tân Bình.

Chủng sinh
1. Thầy Vinh Sơn Nguyễn Trường Ca, Đại chủng sinh Kontum. 
2. Thầy Gioakim Nguyễn văn Toàn, Đại chủng sinh Kontum. 


[1] Xem Mémorial Mission de Quinhon, du mois de Novembre 1929, tr. 75.

[2] Trong giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, nơi đây được gọi là Chợ Gò. Trong công cuộc mở đường truyền giáo Kontum, địa danh nầy được ghi là Trạm Gò.

[3] Xem Mémorial Mission de Quinhon, số 58, 31 Octobre 1909, tr.152.

[4] Xem Bản thông tin Địa phận Qui Nhơn, số 22, tháng 5 và 6 năm 1961, tr. 13.

[5] Năm 1975, nhà thờ Phú Phong, trung tâm sinh hoạt của giáo xứ Đồng Phó, bị chính quyền  trưng dụng. Nay chính quyền bán cho Công ty TNHH Hoàng Anh-Hội An.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay22,286
  • Tháng hiện tại567,440
  • Tổng lượt truy cập28,882,809

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây