Học hỏi về Thượng hội đồng Giám mục lần thứ 16

Chúa nhật - 13/03/2022 23:48
HỌC HỎI
THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
VÌ MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH
Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ

Thượng Hội đồng hiện nay, với tư cách toàn thể Dân Chúa, nhắm đến mục tiêu là lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với Hội thánh. Chúng ta thực hiện việc này bằng cách cùng nhau lắng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh và Truyền thống sống động của Hội thánh, và rồi bằng cách lắng nghe nhau, đặc biệt là lắng nghe những người bên lề, cũng như phân định các dấu chỉ thời đại.
  1. THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LÀ GÌ?
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI loan báo thành lập Thượng hội đồng Giám mục vào buổi khai mạc kỳ IV của Công Đồng Vaticanô II, ngày 15-9-1965, qua tự sắc Apostolica Sollicitudo. Các quy định trong tự sắc này được Giáo luật lập lại trong điều 342. 
“Thượng hội đồng Giám mục là hội nghị các Giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ để cổ vũ sự hiệp nhất mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng Rôma và các Giám mục, và để góp ý kiến giúp Đức Giáo Hoàng trong việc bảo toàn và tăng triển đức tin và phong hóa, cũng như trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và cũng để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới” (GL 342).
Thượng hội đồng Giám mục có thể được họp trong một đại hội chung, hoặc thường lệ (16), hoặc ngoại lệ (3), để thảo luận về những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của Giáo Hội phổ quát, hoặc có thể được họp trong một đại hội đặc biệt, để thảo luận về những vấn đề liên quan trực tiếp đến một hoặc nhiều miền nhất định.
  1. HIỆP HÀNH LÀ GÌ?
Vào tháng 4 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng một cuộc hành trình hiệp hành của toàn thể Dân Chúa, để rồi được khởi sự vào tháng 10 năm 2021 tại mỗi Giáo hội địa phương và cao điểm là tháng 10 năm 2023 trong Đại hội toàn thể của Thượng Hội đồng Giám mục.
“Synod” là một từ cổ kính trong Truyền thống của Giáo hội, ý nghĩa của nó được rút ra từ những nội dung sâu xa nhất của Mặc khải [...] Nó chỉ ra con đường mà Dân Chúa cùng nhau bước đi. Tương tự như thế, từ này đề cập đến Đức Giêsu, Đấng tự giới thiệu chính Ngài là “con đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), và đến sự kiện là các Kitô hữu, những người đi theo Ngài, ban đầu được gọi là “những người đi theo Con Đường đó” ( x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22).
Trước hết và trên hết, tính hiệp hành biểu thị một phong cách đặc trưng của đời sống và sứ mạng của Hội thánh, diễn tả bản chất của Hội thánh là Dân Thiên Chúa đồng hành cùng nhau và tập họp trong cộng đoàn, được Chúa Giêsu quy tụ bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Tính hiệp hành phải được thể hiện trong cách sống và làm việc bình thường của Hội thánh.
Mục đích của Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành:
Mục đích của Thượng Hội đồng hiện nay không phải là soạn thêm tài liệu, mà đúng ra là tạo niềm hứng khởi để con người mơ về một Hội thánh mà chúng ta được mời gọi trở thành, là làm cho niềm hy vọng của họ được nảy nở, là khơi dậy niềm tin, là băng bó các vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung của chúng ta (PD, 32). Vì vậy, mục tiêu của Tiến trình hiệp hành này không chỉ là hàng loạt các cuộc diễn tập hết bắt đầu rồi lại kết thúc, mà là một hành trình phát triển đích thực hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa kêu gọi Hội thánh thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba này.

 
Ý NGHĨA LOGO CHÍNH THỨC
CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ CON ĐƯỜNG HIỆP HÀNH

1. Hình cây

Đây là cây to lớn, hùng vĩ, tràn đầy khôn ngoan và ánh sáng, đang vươn lên trời cao. Nó là dấu chỉ của sức sống và niềm hy vọng sâu xa, biểu trưng cho thánh giá Chúa Kitô. Cây này mang Thánh Thể đang chiếu sáng như mặt trời. Đồng thời, các nhành cây được mở rộng theo chiều ngang như những đôi tay hoặc như đôi cánh, gợi lên hình ảnh Chúa Thánh Thần.

2. Dân Chúa

Dân Chúa không đứng yên nhưng đang tiến bước. Điều này liên hệ trực tiếp đến từ “Thượng hội đồng – Synod”, có nguyên nghĩa là “bước đi cùng nhau”. Dân Chúa được liên kết với nhau bởi cùng có động lực chung, động lực này được Cây Sự Sống truyền vào trong họ, và cũng từ động lực này mà họ cất bước.
15 bóng người khái quát toàn bộ nhân loại trong sự đa dạng về hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc. Điều này được mô tả bằng sự đa dạng của các màu sắc tươi sáng, vốn biểu trưng cho niềm vui. Không có tính chất phẩm trật giữa những người này, họ cùng bước đi trên một mặt đường phẳng: trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, người sống đời vợ chồng, người sống đời độc thân; giám mục và tu sĩ không đi trước mặt họ, nhưng ở giữa họ. Một cách hoàn toàn tự nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên là những người mở đường cho họ, điều này liên hệ tới những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. (Mt 11,25)

3. Chủ đề

Đường chân ngang của logo với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” chạy từ trái sang phải theo hướng của cuộc hành trình, nhằm tăng cường và củng cố nó, và kết thúc với tiêu đề “Thượng hội đồng 2021 – 2023”, là sự kiện đỉnh cao tổng hợp toàn bộ hành trình.
  1. NHỮNG CHIỀU KÍCH HIỆP HÀNH
  1. Hiệp thông: Do ý muốn nhân lành, qua giao ước ban cho dân, Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại với nhau như những dân khác biệt nhưng cùng một đức tin. Cội nguồn sâu xa nhất của sự hiệp thông mà chúng ta cùng chia sẻ phát xuất từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Kitô là Đấng hòa giải chúng ta với Chúa Cha và liên kết chúng ta với nhau trong Chúa Thánh Thần. Khi liên kết với nhau, chúng ta kín múc niềm hứng khởi từ việc lắng nghe Lời Chúa, qua Truyền thống sống động của Hội thánh, và được bén rễ sâu vào cảm thức đức tin mà chúng ta cùng chia sẻ. Tất cả chúng ta đều có vai trò của mình trong việc biện phân và thực hiện lời kêu gọi mà Thiên Chúa dành cho Dân Ngài.
  2. Tham gia: Lời kêu gọi tất cả những ai thuộc về Dân Chúa - giáo dân, người được thánh hiến và giáo sĩ – hãy dấn thân vào cuộc thao luyện lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng. Việc lắng nghe này tạo ra không gian để chúng ta cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, và dẫn lối cho những khát vọng của chúng ta đối với Hội thánh trong Thiên niên kỷ thứ ba. Nền tảng thực sự của việc tham gia là tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ân ban mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Trong Hội thánh hiệp hành, với các thành viên hết sức đa dạng, toàn thể cộng đồng được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, biện phân và góp ý cho việc đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa (ICT, Syn., 67-68). Phải thực sự nỗ lực để đảm bảo những người ở bên lề hoặc cảm thấy bị loại trừ đều được nhập cuộc.
  3. Sứ vụ: Hội thánh hiện hữu để loan báo Tin Mừng. Chúng ta không bao giờ được phép tập trung vào chính mình. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại. Tiến trình hiệp hành mang chiều kích truyền giáo rõ nét. Mục đích của tiến trình này là giúp Hội thánh làm chứng cho Tin Mừng cách hữu hiệu hơn, đặc biệt với những người sống ở vùng ngoại vi của thế giới chúng ta xét về mặt tâm linh, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý và hiện sinh. Theo cách này, hiệp hành là con đường qua đó Hội thánh có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới, như nắm men làm cho nước Thiên Chúa mau đến.
  1. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM ĐỂ HIỆP HÀNH[1]
  1. GẶP GỠ : Cần gặp gỡ trực tiếp, mặt đối mặt, nhìn vào nhau và chia sẻ lịch sử của cuộc đời từng người. Cuộc đời của ai đó có thể thay đổi chỉ bằng một cuộc gặp gỡ. Đức Giêsu đã không vội vã hoặc nhìn vào đồng hồ để kết thúc buổi họp. Cần dành thời gian cho việc gặp Chúa và gặp anh chị em, chứ đừng tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các sự kiện hoặc suy tư lý thuyết về các vấn đề. Chúa muốn chúng ta từ bỏ những thói quen cũ. Mọi thứ sẽ thay đổi khi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau cách chân thành, không hình thức giả tạo, không tính toán, nhưng bằng con người thật của chúng ta.
  2. LẮNG NGHE : Chúng ta cần lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, đừng đóng cửa. Lắng nghe tiếng nói của người khác trong bối cảnh địa phương của họ, gồm cả những ai đã lìa bỏ thực hành đức tin, những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác, những người không có niềm tin tôn giáo, v.v… Lắng nghe một cách chân thành và tôn trọng.
  3. PHÂN ĐỊNH : Gặp gỡ và lắng nghe, nhưng không kết thúc ở đó và để lại mọi thứ như trước. Mọi sự phải được thay đổi. Lời Chúa soi sáng tận thâm tâm để mỗi người nhìn vào bên trong và khám phá ý định của Thiên Chúa về cuộc đời mình. Một người có thể nói ra những bức xúc hay những tổn thương trong tâm hồn, nhưng không phải để chấm dứt với những cay đắng giận hờn; trái lại, sau đó cần được Lời Chúa soi chiếu để bước sang một giai đoạn mới. Thượng Hội Đồng phải là một tiến trình của sự phân định thiêng liêng, một sự phân định mang chiều kích Hội Thánh, được thực hiện trong cầu nguyện và đối thoại với Lời Chúa. Không thể có hiệp hành nếu không có cầu nguyện và bầu khí thiêng liêng.
  1. THÀNH PHẦN THAM GIA CÙNG NHAU CẤT BƯỚC HÀNH TRÌNH
Bằng cách triệu tập Thượng Hội đồng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi mọi người đã chịu phép Rửa tham gia vào Tiến trình hiệp hành, bắt đầu từ cấp giáo phận. […] Đặc biệt, cần chú ý đến những ai có nguy cơ bị loại trừ: phụ nữ, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người lớn tuổi, người nghèo, những người Công giáo ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin, v.v… Cũng nên tìm ra những phương thức sáng tạo để cả thiếu nhi và giới trẻ cũng được hòa nhập vào Tiến trình hiệp hành này.
Hợp lại với nhau, mọi người đã chịu phép Rửa đều là chủ thể của cảm thức đức tin, vốn là tiếng nói sống động của Dân Chúa. Đồng thời, đối với những ai đã chịu phép Rửa, điều quan trọng để tham gia trọn vẹn vào việc phân định là: lắng nghe tiếng nói của người khác trong bối cảnh địa phương của họ, gồm cả những ai đã lìa bỏ thực hành đức tin, những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác, những người không có niềm tin tôn giáo, v.v…
Vì lý do này, trong khi mọi người đã chịu phép Rửa được đặc biệt kêu mời tham gia vào Tiến trình hiệp hành này, không nên để ai – bất kể hệ phái tôn giáo của họ – bị loại trừ khỏi việc chia sẻ viễn tượng và các kinh nghiệm của họ, trong chừng mực họ muốn giúp Hội thánh trên hành trình hiệp hành của Hội thánh trong việc tìm kiếm những gì là tốt lành và chân thực. Điều này đặc biệt đúng đối với những người dễ bị tổn thương hoặc bị loại trừ nhất.
  1. TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
  1. HIỆP HÀNH BẰNG HÀNH ĐỘNG: THỈNH Ý
Hội thánh hiệp hành “cùng nhau cất bước hành trình”, khi loan báo Tin Mừng: Việc “cùng nhau cất bước hành trình” hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo hội địa phương của anh chị em? Để Hội thánh được lớn lên trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào? (PD, 26)
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta được mời gọi:
  • Nhớ lại kinh nghiệm của mình: Câu hỏi căn bản trên gợi nhớ những kinh nghiệm nào trong Giáo hội địa phương của chúng ta?
  • Đọc lại những kinh nghiệm này trong chiều kích sâu xa hơn: Chúng đã mang lại những niềm vui nào? Chúng khiến chúng ta gặp phải những khó khăn và trở ngại nào? Chúng phơi trần những thương tích nào? Có thể rút ra những hiểu biết nào từ các kinh nghiệm này?
  • Thu thập thành quả để chia sẻ: Tiếng Chúa Thánh Thần vang dội nơi đâu trong những kinh nghiệm này? Thánh Linh đang đòi hỏi chúng ta điều gì? Đâu là những điểm phải khẳng định, các viễn cảnh nên thay đổi, các bước cần thực hiện? Ở nơi nào chúng ta ghi nhận được sự đồng thuận? Những nẻo đường nào đang mở ra cho Giáo hội địa phương của chúng ta?
Những kinh nghiệm này bén rễ sâu trong đời sống cụ thể của dân Chúa, có nghĩa là việc hiệp hành phát xuất từ đời sống đức tin một cách cụ thể của dân Chúa.
Để giúp những người tham dự khám phá câu hỏi nền tảng này cách đầy đủ hơn, sau đây là những chủ đề làm nổi bật những phương diện quan trọng của việc “sống tinh thần hiệp hành” (PD, 30):
  • CÁC BẠN ĐỒNG HÀNH TRÊN CUỘC HÀNH TRÌNH: Trong Giáo hội và ngoài xã hội, chúng ta sát cánh bên nhau trên cùng một nẻo đường.
  • LẮNG NGHE: Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến.
  • PHÁT BIỂU: Mọi người đều được mời gọi can đảm và mạnh dạn (parrhesia) lên tiếng, nghĩa là, phải bao gồm cả tự do, chân lý và bác ái.
  • CỬ HÀNH: Chỉ có thể “cùng nhau cất bước hành trình” khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể.
  • CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI SỨ VỤ CHUNG CỦA CHÚNG TA: Hiệp hành là để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh, mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này.
  • ĐỐI THOẠI TRONG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI: Đối thoại đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại, nhưng cũng giúp hiểu biết lẫn nhau.
  • ĐẠI KẾT: Vị trí đặc biệt trên con đường hiệp hành của cuộc đối thoại giữa những Kitô hữu thuộc các tín phái khác nhau, liên kết với nhau bởi cùng một Phép Rửa.
  • UY QUYỀN VÀ SỰ THAM GIA: Hội thánh hiệp hành là Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm.
  • BIỆN PHÂN VÀ QUYẾT ĐỊNH: Theo phong cách hiệp hành, chúng ta đưa ra quyết định bằng cách biện phân những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua toàn thể cộng đoàn.
  •  TỰ ĐÀO TẠO TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH: Tính hiệp hành đòi hỏi phải sẵn sàng chịu biến đổi, đào tạo và không ngừng học hỏi.
Nói tóm lại, tất cả chúng ta được mời gọi tham gia vào tiến trình hiệp hành của Hội Thánh để nói lên những trải nghiệm của đời sống đức tin khi hiệp thông với Hội Thánh, cùng nhau tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu hơn cho toàn thể nhân loại. Tất cả chúng ta có quyền lợi và bổn phận trên con đường hiệp hành này. Tất cả những đóng góp của chúng ta giúp cho Hội Thánh có hướng mục vụ hữu hiệu hơn trên con đường hiện tại.
 

[1] GIUSE NGUYỄN NĂNG, Hiệp Hành Là Lối Sống Của Hội Thánh, https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898, ngày 11/02/2022.

Tác giả bài viết: Ban hiệp hành Giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay12,467
  • Tháng hiện tại100,684
  • Tổng lượt truy cập29,080,222

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây