Các tôi tớ Chúa tử đạo: Cha Giuse Chung, Thầy Giuse Trinh và Chú Giuse Bảo

Thứ bảy - 13/10/2018 23:22



CÁC TÔI TỚ CHÚA TỬ ĐẠO:
CHA GIUSE CHUNG, THẦY GIUSE TRINH VÀ CHÚ GIUSE BẢO




Trước thời Tự Đức năm thứ 14, tuy vẫn có những cuộc bách hại nhưng chưa gay gắt lắm. Thế nhưng với chiếu chỉ “Phân tháp giáo dân” vào năm 1861 thì mọi sự đã thay đổi, nhà vua cho rằng người Công giáo đi theo người Pháp nên ra lệnh: bắt được giám mục linh mục thì trảm quyết, thầy giảng thì treo cổ, giáo dân thì phân tán ra.

            Lúc ấy các cha các thầy không nơi trú ẩn nên nhiều người bị bắt và lãnh án tử hình vì Chúa, nhưng ở đây chỉ chọn một số vị có chứng cớ rõ ràng hơn để lập hồ sơ xin phong thánh.

            Cha Giuse Chung sinh tại thôn Hòa Mục, tổng Thạch Bàn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cha mẹ là người đạo dòng, đạo đức, có nghề nấu rượu làm kế sinh nhai. Thuở nhỏ, cha có tính vui vẻ, hiền lành, thật thà và siêng năng sốt sắng hơn các trẻ em khác.

            Khi vừa mười ba tuổi, ngài được cho đi học một thời gian và ngỏ ý muốn vào Chủng viện nên cha mẹ đưa vào Gò Thị giúp Đức Cha để dâng mình cho Chúa. Nhưng tình hình lúc ấy không cho phép dễ dàng tiếp cận được với Đức Cha, vì thế, cha ngài dẫn đến ông Năm Thuông, nhờ ông ấy thưa lại với Đức Cha. Ông Năm thấy đứa trẻ ấy quá đơn sơ chất phác thì cho rằng tu học không nổi nên khuyên đem về lo tập nghề làm ăn thì hơn. Cha con buồn bã trở về nhà nhưng ngài nhất mực năn nỉ: không đi giúp Đức Cha được thì đi giúp cha khác.

            Cha ngài phải đem đến Xóm Quán, gởi cho cha Vận và một thời gian sau cha Vận gởi ngài giúp Đức Cha. Đức Cha thấy trẻ nết tốt dạ sáng nên gởi qua Pinăng học trọn bảy năm rồi sau đó gọi về để giúp và học tập với ngài cho đến khi chịu chức linh mục và sai vào Phú Yên giúp cha Chương ở Hoa Vông.

            Khi đang bận rộn với công việc thì những người ngoại giáo đi trình với quan rằng: có hai linh mục ở tại Hoa Vông. Ngài biết tin liền đi lánh qua Phú Cốc. Lúc ấy vừa có tin từ quê nhà báo vô rằng mẹ đã qua đời nên ngài chuẩn bị dâng thánh lễ cho mẹ. Bỗng nhiên quan quân bao vây cả họ đạo, không ngõ trốn chạy, nên cha dọn dẹp đồ đạc lại để đi lánh nạn. Cha và chú Bảo tìm chổ trốn mà không có. Cuối cùng, cha đành phải leo lên mái nhà xứ và nằm ở đó, còn chú Bảo chạy vào chuồng heo. Lính tìm bắt được, chú Bảo đút lót năm quan tiền nên chúng thả đi và rút lui. Rủi thay, có người đàn bà ngoại giáo chỉ điểm cha trốn ở nóc nhà xứ nên đám lính quay trở lại, thọc kiếm trúng trán và đùi. Chúng lôi cha xuống trói lại, bắt luôn chú Bảo và hai con ông Giáo, đóng gông hết và dẫn ra lẫm lúa.

            Quan truyền đánh cha Chung bốn mươi roi, hỏi có đi học ở Pinăng, có làm linh mục không? Cha khai: trước đây tôi có đi nhờ thuyền của người Trung Hoa sang Pinăng học rồi chịu chức linh mục, sau đó về quê hương giảng đạo. Tôi có lui tới nhà ông Giáo, ông Hứa và thầy Trinh. Quan lại sai bắt cả thầy Trinh giải ra tỉnh cùng với những người khác. Đến tỉnh quan lại tra tấn nữa và ngài cũng khai như trước, những người khác cũng bị tra tấn và khai như vậy. Quan truyền đem giam tù và báo sự việc ra Bình Định. Sáu bảy ngày sau, có lệnh từ Bình Định vào nói phải giải tù nhân ra Bình Định xét xử.

            Thân mình lở lói vì đòn vọt, đau nhức đi không được nên phải nằm võng. Ngày gông xiềng, đêm lại thêm cùm, quân gia giải cha về quê quán.[1] Tới nơi quan giam đó, mà không ai dám đem cơm, thật là khổ! Mười ba ngày sau lại phải chịu một trận đòn nữa, vết cũ chưa lành chồng thêm dấu mới, nứt nở cả thân mình. Tuy nhiên, ngài vẫn cứ khai như những lần trước.

            Quan tra khảo rồi truyền đem giam lại, thân mình thương tích lở lói, thối tha hôi hám, cổ mang gông chân mang cùm, khó nổi trở trăn, lại thêm bụng đói dạ khát, ăn uống không ai dám đem cho.

            Đức Cha nghe biết liền sai bà Kỷ là người bà con với ngài lên lo cấp dưỡng. Đồng thời sai cha Triết, thầy sáu Trang và thầy Khoa lên túc trực tại Kim Châu để dự phiên xử án.

            Khi bị giam cực khổ trăm bề nhưng ngài không chút buồn phiền hay phàn nàn, cứ sai bà Kỷ đi hỏi xem hôm nào đưa đi xử.

            Đêm trước ngày xử án, bà Kỷ dọn cơm, thấy ngài buồn không ăn. Ngài bảo bà Kỷ ở lại đừng về, vì thường chiều tối, xong việc bà ra về nơi nhà trú. Bà vâng lời ở lại, lăng xăng giúp thầy Trinh đêm ấy trở mình đau nặng. Lúc ấy ngài bảo bà Kỷ nấu cho chén cháo đỡ lòng vì cả ngày không ăn uống gì. Bà nấu dọn lên thì ngài ăn được một chén rồi sai bà tìm cho một cái dây cột xiềng bị đứt để ngày mai đi. Bà hỏi mai đi đâu thì ngài nói đi đâu cũng đi và thêm rằng: tôi nghe quan truyền mai xử tôi, nên bà phải đi cho mấy ông chức việc hay. Bà ấy liền vâng lời.

            Khi trở về, bà thấy quan lý hình kéo đến ngục giam ngài thì bà chạy đi đưa tin cho chú Bảo, thầy Trinh hay biết mà lo dọn mình xưng tội. Sau đó bà lên Kim Châu báo cho cha Triết hay để đón dọc đường giải tội cho ngài. Khi quan lý hình dẫn ngài, thầy Trinh và chú Bảo đi đến án pháp trường, thì các ông bị bắt với ngài than khóc kêu cha sao bỏ chúng con đi. Ngài quay lại an ủi, nói đừng khóc làm chi, chẳng bao lâu nữa cũng sẽ theo người. Và đám lính thúc đi không cho nói nữa.

            Khi đi ngang qua trại giam các ông chức việc, thì các ông ấy ra lạy đưa tiễn, và xin ngài cầu nguyện. Ngài ban phép lành từ giã và xin các ông cầu nguyện cho mình. Trên đường đi, ngài nhìn vào các hàng quán hai bên, tìm kiếm cha Triết để xin ngài giải tội, nhưng đến Cầu Chàm mới thấy. Trong bữa ăn cuối cùng của các phạm nhân, ngài không ăn mà chỉ cúi đầu, ra hiệu để cha Triết giải tội. Đến pháp trường, ngài bảo bà Kỷ rằng: nay là ngày kính Tên Đức Chúa Giêsu, bà hãy kêu Tên Chúa mà cầu cho tôi. Vừa lúc hiệu lện vang lên, lý hình chém hai nhát đao nhưng chưa đứt, bồi thêm một nhát nữa thì đầu rơi.

            Sau đó, bà Kỷ và một bà khác người bắc kỳ bị án đày vì đạo vào Bình Định cũng theo ra đó, hai bà đem đầu lắp lại. Đoạn cha Triết, thầy Trang, thầy Khoa và các chức việc Kim Châu đem hòm ra liệm; rồi giao cho bà  Kỷ trông chừng đó cho đến chiều. Vì các ông ấy sợ chôn nơi bãi, lụt dâng lên sẽ cuốn trôi đi mất, nên họ đi hỏi mua chỗ cao ráo mà chôn.

            Thầy Giuse Trinh là người Phú Yên, địa sở Phú Cốc, được Đức cha cho qua Pinăng học rồi gọi về làm thầy giảng. Bản tính thầy nóng nảy và hay buồn, sau này đã hồi tục.

            Vì cha Chung khai có lai vãng ở nhà thầy, nên thầy phải bị bắt. Khi bị tra khảo, thầy khai có đi học ở Pinăng nên phải chịu án xử trảm với cha Chung. Từ lúc đó cho đến chết, thầy đau ốm luôn, nên lính phải khiêng trên giường ra pháp trường. Thế nhưng thầy vẫn còn tỉnh táo, vì đến gần giờ xử, bà Kỷ hỏi thầy có muốn xưng tội không. Thầy nói rằng đã đủ rồi và ráng chống hai tay quì gối lên chịu chém, không phải bị trói vào cột như cha Chung và chú Bảo.

            Chú Giuse Bảo là người Bình Định, địa sở Xóm Quán, không rõ cha mẹ là ai, chỉ biết là cháu ông Sĩ. Trước đây chú có học ở Pinăng nhưng sau được cho về nhà không rõ lý do. Khi cha Chung vào Phú Yên thì chú xin theo giúp ngài và cũng bị bắt cùng với ngài. Chú cũng bị án trảm vì khai có đi học ở Pinăng.

            Từ khi bị bắt cho đến khi đi chịu chém, chú vui vẻ sốt sắng, ân cần đọc kinh lần hạt, dọn mình xưng tội rước lễ. Khi bị điệu đi xử, chú không có dấu hiệu buồn chút nào: tay cầm thánh giá, miệng suy gẫm mười bốn chặng đàng lớn tiếng, gặp ai quen biết thì vui cười từ giã và xin cầu nguyện cho. Cuối cùng chú cũng đã được đổ máu ra vì Chúa.

            Cha Chung, thầy Trinh, chú Bảo và ông Giáo, ông Hứa, ông Nam, ông Tân đều bị bắt một lượt trước khi có chiếu chỉ phân tháp. Nhưng Cha Chung, thầy Trinh và chú Bảo đã phải bị xử vì đạo trước vào ngày 23 tháng chạp, Tự Đức thập nhị niên, tức đầu mùa giáng sinh năm 1860. Bốn vị khác thì bị xử giam hậu, nên còn phải lưu giam tại tỉnh, đến khi có chiếu chỉ phân tháp, thì mới có lệnh xử trảm vào ngày 27 tháng 10, Tự Đức thập tam, tức cuối năm 1861.

            Bốn vị này từ khi bị bắt giam cầm, luôn bằng lòng nhịn nhục chịu khó, không một lời than trách mà cứ lo làm việc bổn phận, cầu nguyện đọc kinh xưng tội. Khi có dịp rước lễ, thì các vị sẵn lòng dọn mình đón nhận ơn cao trọng ấy một cách sốt sắng.

            Lúc bị điệu đi xử, ông Giáo tỏ ra tin cậy mến Chúa hơn thương vợ yêu con, vì vợ khóc con níu mà lòng không hề lay động, cứ vững vàng đi thẳng đến pháp trường mà chịu chết vì đạo.

            Xác cha Chung, thầy Trinh, chú Bảo, ông Hứa, ông Nam, ông Tân, ông Giáo được an táng gần nhau tại nơi xử là Gò Chàm. Chín mười năm sau, Đức Cha Trí sai cha Triết, thầy Khoa hốt hài cốt các vị này đem về Gò Thị, sau đó chuyển về Làng Sông. Trong cuộc bách hại của phong trào Văn Thân (1885), những hài cốt này bị xóa hết dấu vết.

 


[1] Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Trường Thi, 1931, tr. 265:  “Đệ giải: Giải giao người phạm tội đi chỗ khác, hay là ở chỗ khác giải về bản quán họ”

 

Tác giả bài viết: Ban biên soạn lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay22,045
  • Tháng hiện tại636,802
  • Tổng lượt truy cập28,952,171

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây