Giảng lễ Chúa Nhật 5 Phục Sinh - Năm B

Thứ sáu - 27/04/2018 10:11

CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM B

Dẫn Nhập
Chúng ta đang sống trong mùa Phục Sinh, mùa hồng phúc! Nếu cuộc Giáng Sinh làm vỡ oà niềm vui nơi tâm hồn tín hữu vì Thiên Chúa đã làm người và ở cùng chúng ta (x. Mt 1,23) thì mầu nhiệm Phục Sinh cho ta niềm hy vọng ngút ngàn, bởi vì Đấng Phục Sinh đang ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngài là “Con người Thần thiêng” thổi vào thế giới luồng gió mới: sức mạnh Thần Khí tràn ngập cả địa cầu để biến đổi, để loan Tin Mừng. Trong Phụng vụ Lời Chúa Năm B, các bài Tin Mừng từ Chúa Nhật thứ I đến Chúa Nhật Tuần IV Phục Sinh đã khắc hoạ chân dung Đấng Phục Sinh qua các hình ảnh: ngôi mộ trống, Chúa đã hiện ra với các Tông Đồ, cách riêng với thánh Tô-ma, Ngài là Mục Tử nhân lành. Bước sang Chúa Nhật thứ V, trình thuật Tin Mừng cho ta biết lối sống với Đấng Phục Sinh phải thế nào?
1. Gắn bó sinh hoa trái
Kitô hữu không chỉ gắn bó với Chúa Giê-su như cành nho gắn với thân nho mà phải gắn bó như thế nào để sinh hoa trái. Chính Chúa Giêsu nói rõ: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi” (Ga 15,1-2). Nghe lời này của Chúa, có người tĩnh thức, suy gẫm để thoát ra khỏi tình trạng sống đạo với thái độ an phận, cho rằng mình chu toàn bổn phận, giữ luật của Chúa và Hội Thánh là được. Có người thì ngỡ ngàng thắc mắc: Chúa đòi hỏi nhiều vậy sao? Thật ra, kinh nghiệm cuộc sống cho thấy nhiều mẫu Kitô hữu không đem lại niềm vui sự tự hào cho Hội Thánh, ngược lại là đem nỗi buồn, có thể bản thân ta đang là một trong số những mẫu đó. Một người tín hữu nguội lạnh, một người tín hữu dửng dưng, một người tín hữu “sáng lễ chiều kinh” nhưng cuộc sống lại phản chứng, thì hẳn tất cả đều là những mẫu Kitô hữu đáng buồn. Do đó, “sinh hoa trái” là đòi hỏi tất yếu. Dù ta là ai mà không “sinh hoa trái” thì cuối cùng, chính ta tự ý loại mình ra.
Câu chuyện cuộc đời của ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là một trường hợp rất điển hình. Ông được gọi làm Tông Đồ, nhưng suốt thời gian làm môn đệ, được cùng ăn, cùng ở với Chúa Giê-su, ông không hề thay đổi, nói theo ngôn ngữ hình ảnh là không sinh hoá trái. Ở Tin Mừng Gio-an chương 6, sau khi Chúa Giê-su làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Ngài giảng về bí tích Thánh Thể, một số môn đệ không đón nhận nên bỏ ra đi, ông Giu-đa vẫn ở lại. Chúa biết ông không tin (x. Ga 6,64) nhưng cứ để ông tiếp tục theo Ngài. Đến gần hết thời gian Chúa Giê-su đi rao giảng, trong lần cuối cùng lên Giê-ru-sa-lem, tại Bê-tha-ni-a và trong bửa Tiệc Ly, ông Giu-đa lộ nguyên hình con người không thay đổi, không sinh hoa trái hiểu theo nghĩa nhân đức của ông: thay vì thật thà ông vẫn cứ gian dối, thay vì lượng thiện ông vẫn cứ gian tham. Kinh Thánh nói về con người của ông như sau: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chúng” (Ga 12,6). Trong bửa Tiệc Ly, dù Chúa Giêsu đã loan báo: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21), ông Giu-đa vẫn không màng đến, quyết làm theo ý riêng của mình nên bỏ phòng tiệc ra đi lúc “trời đã tối” (x. Ga 13,29). Hậu quả, cuộc đời ông kết thúc đúng như có lần Chúa đã cảnh báo: “thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,25).
Gắn bó sinh hoa trái, lời mời gọi hôm xưa bây giờ trở nên khẩn thiết khi đứng trước thực trạng nhiều Kitô hữu chỉ biết: “Đạo của mình là Đạo Chúa; Đạo Chúa thờ Chúa”. Người ta biết Chúa một cách chung chung, còn Đức Giê-su Ki-tô như Lời Chúa mạc khải cho ta biết thì lại không biết gì. Người tín hữu có xu hướng bằng lòng với việc đi nhà thờ giữ lễ Chúa Nhật, cố gắng “ăn ngay ở lành” là đủ; việc biết Chúa Giê-su và gắn bó với Ngài dường như không hề nghĩ tới. Biết Chúa Giê-su, sống gắn bó với Ngài chưa thực sự là nhu cầu thiêng liêng khiến người tin trăn trở tìm cách để đáp ứng. Đời sống Ki-tô hữu như thế khó có thể sinh hoa trái như lời Chúa Giê-su mời gọi.
2. Phải gắn bó với Chúa Giê-su thế nào?
Tất nhiên, đó là sự gắn bó mật thiết. Trong trình thuật Tin Mừng, cụm từ “Ở lại trong” được lập lại nhiều lần: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em… Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy…Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em…” Các nhà chú giải Kinh Thánh cho biết bản văn nói đến sự kết hợp với Chúa Giê-su của người môn đệ. Ở khía cạnh này, hai bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa của Thánh Lễ hôm nay cho ta thấy rõ những việc cần làm.
* Bài đọc thứ nhất trích sách Công vụ Tông kể: sau khi trở lại, thánh Phao-lô nhiệt thành rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát, rồi đến Giê-ru-sa-lem. Đứng về phương diện con người, thánh Phao-lô vừa trở lại là bằng chứng sống động và hùng hồn đầy sức thuyết phục để người Do Thái tin Đức Giê-su đã phục sinh, Ngài chính là Đấng Ki-tô mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Dân của Người. Thực tế thì không, người Do Thái tìm giết nên thánh Phao-lô phải xuống Xê-da-rê, lên đường trở về quê ở Tác-xô (x. Cv 9,30). Bài đọc I dừng lại ở đó, nhưng nếu đọc tiếp Kinh Thánh ta được biết mấy năm sau, khi những người ở An-ti-ô-khi-a trở lại đông đảo, thánh Ba-na-ba đến Tác-xô tìm thánh Phao-lô, đưa ngài đến hoạt động tại An-ti-ô-khi-a (x. Cv 11,25-26). Từ đây, sứ vụ loan báo Tin Mừng của thánh Phao-lô toả sáng. Như thế, khoảng thời gian thánh Phao-lô sống thầm lặng ở quê nhà là gì nếu không phải là sống riêng với Chúa Giê-su, Đấng ngài đã được gặp một cách sống động trên đường về Đa-mát. Thánh Phao-lô đã được chọn, cuộc đời của ngài ở trong tay Chúa thì thời gian ở ẩn tại Tác-xô không phải tình cờ, do các biến cố cuộc đời xô đẩy mà có. Nhưng đó phải là chương trình của Chúa, muốn cho ngài có thời gian “sa mạc”, để sống hết sức thân tình với Đấng Phục Sinh đã gọi ngài làm môn đệ. Chắc hẳn nhờ vậy, nên thánh Phao-lô có một kinh nghiệm kết hợp thâm sâu với Chúa Giê-su như ngài đã nhiều lần diễn tả. Trong thư gởi giáo đoàn Phi-líp-phê, thánh Phao-lô viết: “tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,8-9). Trong thư gởi tín hữu Ga-lát, ngài khẳn định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Ta không thể kết hợp với Chúa Giê-su nếu thiếu những phút giây sống riêng với Chúa trong cầu nguyện. Như lời thánh Giê-rô-ni-mô đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”, việc cầu nguyện đưa ta đến sự kết hợp với Chúa chính là phải dựa trên Lời Chúa để ta cầu nguyện với Ngài.
* Trong bài đọc II, trích thư I của thánh Gioan Tông Đồ, Lời Chúa nói: “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3,21). Điều răn của Thiên Chúa mà thánh Gio-an muốn truyền đạt cho chúng ta là “phải tin vào Danh Đức Giê-su Ki-tô” (1Ga 3,23a). Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay người tín hữu cần xác tín Đức Giê-su Con Thiên Chúa làm người, là Đấng Cứu Độ trần gian. Chúa cứu chúng ta không chỉ về phương diện linh hồn, nơi cuộc sống mai sau với lời hứa cho người tin được sự sống đời đời (x. Ga 3,16), mà là toàn bộ cuộc sống chúng ta ở đời này và đời sau. Chúa là Đấng Cứu Thế: Chúa cứu tôi khi tôi bệnh tật; Chúa cứu tôi khi tôi gian truân; Chúa cứu tôi khi tôi thất bại; Chúa cứu tôi khi tôi sầu khổ; Chúa cứu tôi khi tôi phạm tội và Chúa hoàn tất công việc cứu thế của Chúa trong cõi đời đời. Vì Chúa cứu tôi ngay trong cuộc sống này với những vấn đề của nó, nên tôi hoàn toàn tín thác vào Chúa, trao phó cuộc đời tôi trong tay Ngài. Do đó, tôi không tìm ở sức mạnh nào ngoài Chúa để có sự tốt lành thoả ước mong cho cuộc sống hiện tại, hay giúp vượt qua khó khăn, bế tắc đang phải đối đầu. Ki-tô hữu trao vào tay Chúa cuộc đời của mình, không phải là tin chắc ước mong của mình sẽ được Ngài thực hiện, nhưng là xác tín một khi ở trong tay Ngài, Đức Giê-su Ki-tô Đấng Cứu Thế, thì mình sẽ nên tốt và đến bến bờ bình an.
Có lẽ do thiếu xác tín này khiến người tin vẫn còn mê tín: kiêng, cử, bói toán… một lối sống phương hại đến chính đức tin, chìa khoá cho ta gắn bó với Chúa để được sinh hoa trái. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Thánh lễ ngày 26 tháng 6 năm 2017, tại nguyện đường Domus Sanctae Marthae đã nói: “Kitô hữu không có lá số tử vi để biết được tương lai. Không đến gặp thầy bói dùng quả cầu pha lê hay xem chỉ tay. Không, không! Người Kitô hữu không biết mình đang đi đâu, nhưng lại được Chúa hướng dẫn.” Đức Thánh Cha nói tiếp: “Kitô hữu cũng cần sống với lòng tin tưởng cho dù trên đường xảy ra chuyện gì đi nữa, Chúa cũng sẽ đưa họ “đến một nơi an toàn”.
* Để “ở lại trong Chúa” nhờ đó người tin sinh hoa trái, bên cạnh lời mời gọi phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, thánh Gio-an dạy “phải yêu thương nhau theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3,23b). Tức là yêu thương không theo sở thích hay thái độ chủ quan của mình mà lấy Chúa Giê-su làm chuẩn mực như Ngài đã nói: “Anh em hay yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu thương “cách chân thật và bằng việc làm” chứ không chỉ có “nơi đầu môi chót lưỡi” (1Ga 3,18). Yêu thương thì không làm hại. Sống yêu thương là nghĩ đến nhu cầu của người khác để quan tâm trước khi nghĩ đến mình; dám sống hy sinh vì hạnh phúc của người khác; không ngại hạ mình để nâng người khác lên, cách riêng những người bé mọn. Yêu thương theo cách của Chúa Giê-su là mở ra với mọi người đang cần tình thương mến, chứ không phải chọn lựa để phục vụ những người mình mến thương. Đỉnh cao của tình thương là tha thứ, tôn trọng con người là nền tảng của đức thương yêu.
Sống yêu thương không bao giờ bị lỗ, vì chính Chúa Giê-su đã dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35); thánh Phê-rô Tông Đồ cũng đã căn dặn chúng ta rằng: “Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8). Khi ta yêu thương, đời sống Đạo của ta sẽ sinh hoa trái, lời cầu nguyện của ta sẽ được Chúa nhậm lời (x. Ga 15,7).
Kết
Đức Ki-tô là thân nho, người Ki-tô hữu là cành nho, để cành nho sinh hoa trái, chúng ta sống Đạo là sống với Chúa Giê-su, kết hợp mật thiết cùng Ngài qua cầu nguyện, tin, và yêu thương bác ái. Đời người Ki-tô hữu cuối cùng là gì nếu không phải là nên thánh. Đó chính là sự cao cả trong ơn gọi làm người và làm con Chúa của chúng ta. Vì thế, trong Tông Huấn “Về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay” (Gaudete Et Exsultate) Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắn nhủ: Thiên Chúa “muốn chúng ta thành những vị thánh chứ không phải chỉ hài lòng với một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường” (số 1). Ta đừng chỉ dừng lại ở lối sống Đạo không mắc tội trọng là được, nhưng hãy nhờ Thần Khí của Đấng Phục Sinh, làm mới lại đời sống mình theo mẫu Chúa đã đề ra, dựa trên cách thức mà Ngài đã rất tận tình hướng dẫn. A men.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm45
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại616,989
  • Tổng lượt truy cập28,932,358

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây